Vì sao Việt Nam phải thông báo kết quả Đại hội 13 cho Trung Quốc?

Diễm Thi, RFA
2021.04.14
Vì sao Việt Nam phải thông báo kết quả Đại hội 13 cho Trung Quốc? Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư ĐCSVN, Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội năm 2017
AFP

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 diễn ra từ ngày 25 tháng 1 đến ngày 1 tháng 2 năm 2021 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Bốn vị trí chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 đã được chính thức thông qua gồm: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Hôm 12 tháng 4 năm 2021, ông Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, đã chủ trì Hội nghị trực tuyến thông báo về kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam tới Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chủ trì Hội nghị phía Trung Quốc có Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Tống Đào. Các cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cùng tham dự Hội nghị.

Tiến sĩ - Bác sĩ Đinh Đức Long, người tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 2014 nhận xét về việc này:

Đây là chuyện bình thường vì từ trước đến nay, trong các chế độ cộng sản với nhau, người giữ chức vụ Trưởng ban đối ngoại Trung ương Việt Nam đều có thông báo cho Đảng cộng sản Lào, Campuchia, Trung Quốc…- Tiến sĩ - Bác sĩ Đinh Đức Long

“Đây là chuyện bình thường vì từ trước đến nay, trong các chế độ cộng sản với nhau, người giữ chức vụ Trưởng ban đối ngoại Trung ương Việt Nam đều có thông báo cho Đảng cộng sản Lào, Campuchia, Trung Quốc… Nói chung là các đảng anh em. Ngược lại phía họ cũng thế. Trước kia họ qua tận nơi để thông báo kết quả đại hội. Bây giờ có COVID nên họ thông báo qua internet. Đấy là thủ tục bình thường của các kỳ đại hội. Không phải đây là lần đầu tiên.

Cộng sản Việt Nam họ rất khôn. Trước khi thông báo cho Đảng Cộng sản Trung Quốc thì họ đã thông báo cho Đảng Cộng sản Lào, là nước  nhỏ, để tránh tiếng là nhiều người nghĩ Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc, là đàn em Trung Quốc.”

Tại Hội nghị, ông Lê Hoài Trung thông báo những nét khái quát về kết quả Đại hội 13 và những nội dung chính của văn kiện Đại hội 13 trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam và các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn tới.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, người quan sát tình hình chính trị trong và ngoài nước nhận định:

“Hai đảng thống nhất với nhau từ năm 1949 là bên nào tổ chức đại hội đảng xong thì thông báo cho đảng bên kia biết, chứ không phải chỉ từ phía Việt Nam đâu. Bởi hai đảng có một cái tên giống nhau là Đảng Cộng sản.

Chỉ như thế thôi chứ Đảng Cộng sản Trung Quốc không phải là anh của Đảng Cộng sản Việt Nam, và ngược lại. Tôn chỉ của cả hai đảng dựa trên chủ nghĩa Marx-Lenin nhưng về bản chất thì nó không còn là Đảng Cộng sản nữa mà nó chỉ còn lại cái cơ cấu tổ chức chính quyền và tổ chức đảng thôi. Nó bỏ hết những nguyên tắc về chuyên chính vô sản rồi. Còn mỗi một nguyên tắc là ‘tập trung dân chủ’ thì họ lái sang kiểu toàn trị. Tập trung dân chủ toàn trị. Hiện nay các đảng dân chủ xã hội ở Bắc Âu, ở Pháp, ở Anh cũng theo nguyên tắc tập trung dân chủ nhưng họ là dân chủ đa đảng.”

Về đường lối đối ngoại, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung khẳng định, Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.

000_8ZX8Z7.jpg
Hình minh hoạ. Các Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chụp hình tại Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 1/2/2021. AFP

Việt Nam ngày càng có quan hệ sâu rộng với Trung Quốc trong hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế và chính trị từ những năm đầu thế kỷ 21. Cả hai nước đều được lãnh đạo bởi chế độ Cộng sản và quan hệ mật thiết theo kiểu “môi hở răng lạnh”.

Năm 1991, hai nước Việt Nam và Trung Quốc tuyên bố bình thường hóa quan hệ. Lãnh đạo Trung Quốc đưa ra “16 chữ vàng” xác định đường hướng phát triển quan hệ hai nước trong thế kỷ mới là “Sơn thủy tương liên, lý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan”. Nghĩa là sông núi gắn liền, cùng chung lý tưởng, hòa nhập văn hóa, có chung định mệnh, được diễn dịch là “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai.” Bên cạnh đó là khẩu hiệu “4 tốt” gồm “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định:

“Trước đây người ta vẫn nói Việt Nam và Trung Quốc là đảng anh em, nhưng từ lâu lắm rồi không còn anh em nữa. Lúc cao trào nhất là sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991 thì phía Trung Quốc nói ‘bốn tốt mười sáu chữ vàng’. Bây giờ chả ai nói nữa.

Đó là cái kiểu dùng chữ của Trung Quốc. Việt Nam nghe thì để đấy, cái gì có lợi thì Việt Nam tôn trọng. Việt Nam đi theo đường lối đối ngoại được công bố rất rõ từ năm 1991 là quan hệ tốt với tất cả mọi nước, là một. Thứ hai là không để quan hệ song phương ảnh hưởng đến các quan hệ khác. Tức là đa phương hóa, đa dạng hóa trên cơ sở các bên tôn trọng nhau về mặt thể chế chính trị, về mặt chủ quyền quốc gia và lợi ích quốc gia.”

Trước đây người ta vẫn nói Việt Nam và Trung Quốc là đảng anh em, nhưng từ lâu lắm rồi không còn anh em nữa. Lúc cao trào nhất là sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991 thì phía Trung Quốc nói ‘bốn tốt mười sáu chữ vàng’. Bây giờ chả ai nói nữa. - Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp

Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo kết quả Đại hội 13 đến Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 1 tháng 4 năm 2021, Việt Nam đã thực hiện việc tương tự đến Đảng nhân dân Cách mạng Lào, cũng qua hình thức Hội nghị trực tuyến.

Tại hội nghị, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung khẳng định Ðại hội đã thành công tốt đẹp, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, là dấu mốc quan trọng mở ra một giai đoạn phát triển mới của Việt Nam.

Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Sounthone Xayachack, đánh giá cao việc thông báo kết quả này. Coi đó là thể hiện sự coi trọng quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, gắn bó tin cậy và sự hợp tác toàn diện giữa hai Ðảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt.

Theo một số nhà quan sát, để ‘xoa dịu’ dân, một số lãnh đạo Việt Nam mới nhậm chức trước khi đi thăm Trung Quốc thì sẽ đi thăm Lào hoặc Campuchia trước.

Còn với các nước cộng sản với nhau, khi đưa tin nguyên thủ các nước này thăm chính thức Việt Nam, thì dù cũng đăng trên trang nhất các báo, nội dung và ảnh của Chủ tịch Trung Quốc, Cu Ba, Lào hay Tổng thống Nga cũng dài hơn vài dòng và ảnh cũng to hơn so với tin và ảnh về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Lão nông dân
14/04/2021 17:12

Vì sao ư???
Vì phải đạo phép cha con,vì khiếp nhược phải thần phục,vì cái đảng khốn kiếp này phải được chống lưng để tồn tại...toàn những cái “vì” tồi tệ nhất có thể nghĩ ra được!!!

Minh Râu
15/04/2021 08:51

Vì sao??? Đơn giản vì là thuộc cấp, phải trình báo cho thượng cấp là chuyện rất bình thường, đâu có gì lạ mà thắc mắc?

Anh Bộ Đôi.
15/04/2021 22:35

Chỉ vì đảng CSVN là con đẻ của đảng CS Tầu , ( cũng giống như MTGPMN là con đẻ của đảng CSVN ) Nên buộc đảng CSVN phải báo cáo đầy đử cái đại hội trò hế này cho đảng CS Tầu, nếu không , Đảng CS Tầu chúng bóp cổ các chóp bư đảng viên đảng CSVN thật dễ dàng.