Nhận thức của giới trẻ Việt Nam sau đợt xuống đường ngày 10/6/2018

RFA
2020.06.08
Bieutinh10062018 Hai bạn trẻ giơ biểu ngữ trong cuộc biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu và An Ninh mạng hôm 10/6/2018.
Courtesy: Facebook Nguyen Peng

Vào ngày 10/6/2018, hàng ngàn người dân ở Việt Nam xuống đường biểu tình chống Dự luật Đặc khu và An Ninh mạng. Tròn đúng hai năm sau, một số thanh niên chia sẻ về lý do vì sao họ không tiếp tục biểu tình trước các vấn đề quan trọng của đất nước như Biển Đông hay mới nhất là Chính phủ Việt Nam thực hiện thí điểm đặc khu kinh tế Vân Đồn ở Quảng Ninh?

Không tham gia biểu tình sau ngày 10/6/2018

“Hai năm về trước em xuống đường không phải em chống lại Dự luật Đặc khu mà em nhằm mục đích là yêu cầu chính quyền phúc quyết Luật Đặc khu, tại vì vấn đề này là vấn đề hệ trọng của một quốc gia thành ra toàn dân phải phúc quyết thì luật đó mới được thông qua.”

Chia sẻ vừa rồi là của bạn trẻ Đăng Quang, ở Sài Gòn về lần tham gia biểu tình hôm 10/6/2018. Đăng Quang tâm tình rằng, kết quả mà bạn nhận thấy trước mắt là rất nhiều người với con số hàng trăm, trong đó có không ít bạn trẻ đã bị bắt và bị tuyên các bản án tù nặng nề. Họ phải vướng vào vòng lao lý chỉ vì tấm lòng đối với đất nước qua hành động xuống đường bày tỏ chính kiến một cách hợp Hiến hồi tháng 6 cách nay tròn đúng hai năm.

Đăng Quang nói thêm rằng bất chập đợt biểu tình ôn hòa đó của nhiều người dân, dự Luật An ninh mạng cũng nhanh chóng được thông qua và bây giờ thì khu kinh tế Vân Đồn, ở Quảng Ninh được chính thức thành lập thí điểm trong ba năm.

Đài RFA đặt câu hỏi với một số bạn trẻ tại Việt Nam rằng trong hai năm qua, có những vấn đề quan trọng như Trung Quốc gây hấn ở Bãi Tư Chính, Biển Đông, hay Quốc hội lùi xem xét và thông qua Dự luật Biểu tình hoặc thành lập thí điểm đặc khu kinh tế Vân Đồn, mà nhiều bạn trẻ Việt Nam không biểu tình; mặc dù có những tín hiệu “bật đèn xanh” kêu gọi biểu tình từ chính quyền qua vụ việc căng thẳng do Trung Quốc gây nên ở Bãi Tư Chính.

Chính quyền Việt Nam không bao giời có lời nói đồng hành với việc làm. Họ cứ nói một đằng và làm một nẻo và khiến cho tất cả văn bản pháp luật của họ luôn luôn bị méo mó. Nếu bảo các bộ luật của Việt Nam có nhiều sai sót thì em nghĩ không phải đâu, nhưng sau những câu chữ trong văn bản thì người thực hiện muốn nói gì nói, muốn làm gì thì làm. Việc quan tòa xét xử như thế nào hay công an đánh đập, bắt bớ…thì đều họ tự làm. Thành ra Luật Biểu tình có hay không có thì cũng chỉ là văn bản thôi. Chứ thực ra em nghĩ hiệu quả không có cao đâu
-Đỗ Nam Trung

Bạn trẻ Đăng Quang xác nhận rằng những hình ảnh của Trần Hoàng Phúc, của Nguyễn Văn Hóa, của Phan Kim Khánh phần nào đó cũng khiến bạn chùn bước. Thêm nữa, dường như giới trẻ Việt Nam qua cuộc biểu tình ngày 10/6/2018 nhận thức rõ hơn về cách thức để họ bày tỏ sự quan tâm đối với các vấn đề của quốc gia một cách an toàn và hữu hiệu hơn. Đăng Quang cho biết quan điểm của mình:

“Cá nhân em bây giờ chỉ dừng lại ở việc học tập những kiến thức chính trị để biết cách giải quyết như thế nào và đưa ra giải quyết gốc rể vấn đề ra sao. Cái gốc rể của cơ chế hiện tại của Việt Nam là một cơ chế lỗi rồi và phải thiết lập và xây dựng lại cơ chế đúng đắn thì nguyên bộ máy chính quyền mới hoạt động hiệu quả được thôi. Thật ra bây giờ có biểu tình cho sự kiện này, biểu tình cho sự kiện kia thì gốc rể vấn đề vẫn còn y nguyên như vậy, cho nên em học tập thật nhiều kiến thức về chính trị và em phổ biến trên Facebook về chính trị để mọi người biết. và tới thời điểm nào đó mọi người đông đủ nhận thức hết rồi thì dần dần tự động sẽ hướng tới sự thay đổi thôi.”

Bạn trẻ Đỗ Nam Trung, người bị tuyên án tù vì đã tham gia cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào thăm dò dầu khí một cách trái phép ở vùng biển Việt Nam vào đấu tháng 5/2014, lên tiếng với RFA rằng theo ghi nhận cá nhân thì ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm đến tình hình đất nước Việt Nam qua các cuộc biểu tình trước đây, nhất là cuộc biểu tình ngày 10/6/2018. Đỗ Nam Trung bày tỏ:

“Em nghĩ là lan tỏa rất nhiều và mạnh hơn. Trước đây bọn em (đi biểu tình) thì số lượng có hạn ít lắm, mà bây giờ cuộc biểu tình càng ngày càng đông. Em thấy bây giờ không biểu tình được là tại vì thời gian này Chính quyền Việt Nam đàn áp rất mạnh tay và không muốn tổn hao về lực lượng thành ra những cuộc biểu tình như thế không được kêu gọi và tổ chức. Nhưng rõ ràng em thấy các bạn trẻ và số người thức tỉnh trong xã hội và muốn phản biện thì đông hơn rất nhiều.”

Nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Chí Tuyến cùng người biểu tình giương cao những tấm bảng chống Trung Quốc, gần đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội ngày 19/6/2011.
Nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Chí Tuyến cùng người biểu tình giương cao những tấm bảng chống Trung Quốc, gần đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội ngày 19/6/2011.
AFP
Luật Biểu tình có hay không: “không quan trọng”

Đỗ Nam Trung khẳng định có thể nhìn thấy giới trẻ Việt Nam ngày càng đông đảo lên tiếng về các vấn đề liên quan Luật An ninh mạng, Dự luật Biểu tình và rất nhiều các vấn đề khác về hiện tình đất nước. Mặc dù hiện tại là một số nhỏ so với gần 100 triệu dân ở Việt Nam, nhưng bạn trẻ Đỗ Nam Trung tin rằng con đường mà các bạn chọn để đóng góp tiếng nói thay đổi tương lai xã hội Việt Nam được tốt đẹp và văn minh hơn, hòa nhập với cộng đồng quốc tế hơn thì con đường đó dù chông gai nhưng sẽ gặt hái được quả ngọt.

Trước mắt, đối với Đỗ Nam Trung và một số bạn trẻ Đài RFA tiếp xúc thì Luật Biểu tình được sớm thông qua hay không cũng không quan trọng. Đỗ Nam Trung lý giải:

“Em nghĩ rất là khó để thông qua. Nếu mà thông qua thì phải chờ lâu lắm. Vài mươi năm nữa chưa chắc đã thông qua hay không? Thứ hai, cho dù có thông qua đi chăng nữa thì luật đó vẫn bị bóp méo. Chính quyền Việt Nam không bao giời có lời nói đồng hành với việc làm. Họ cứ nói một đằng và làm một nẻo và khiến cho tất cả văn bản pháp luật của họ luôn luôn bị méo mó. Nếu bảo các bộ luật của Việt Nam có nhiều sai sót thì em nghĩ không phải đâu, nhưng sau những câu chữ trong văn bản thì người thực hiện muốn nói gì nói, muốn làm gì thì làm. Việc quan tòa xét xử như thế nào hay công an đánh đập, bắt bớ…thì đều họ tự làm. Thành ra Luật Biểu tình có hay không có thì cũng chỉ là văn bản thôi. Chứ thực ra em nghĩ hiệu quả không có cao đâu.”

Nancy Nguyễn, một thanh niên Mỹ gốc Việt và luôn đồng hành cùng các bạn trẻ ở Việt Nam và Hong Kong trong các cuộc biểu tình nhận xét về phương thức đấu tranh cho Dự luật Biểu tình của Việt Nam được thông qua:

“Để làm sao thông qua được thì phải nói là người trẻ ở Việt Nam và số lượng này rất là ít phải cần được hướng dẫn và vận động quốc tế. Không cách chi mà Chính quyền Việt Nam sẽ nghe lời người dân Việt Nam đòi hỏi, gây áp lực và thậm chí xuống đường. Ngay cả khi như ở Hong Kong, ngay cả người biểu tình tự tử để gửi thông điệp nhiều khi cũng không thủng lỗ tai của chính quyền nữa. Nhưng nếu có áp lực từ bên ngoài như từ Mỹ, Âu Châu và Liên Hiệp Quốc-UN thì chuyện đó may ra có khả năng thực hiện được.”

Tôi sẽ liên lạc chặt chẽ với những tổ chức đấu tranh nước ngoài. Ví dụ như các bạn ở Hong Kong, ở Duy Ngô Nhĩ, ở Tây Tạng để một mặt giúp cho họ và một mặt học hỏi từ phía họ. Đây là cơ hội tuyệt vời nhất để kết giao với các tổ chức bạn, học hỏi ở họ và trao dồi kiến thức cho bản thân bởi vì khi cơ hội tới thì sẽ có tất cả sự chuẩn bị để mình có thể phán đoán cũng như có hành động với hy vọng mang lại kết quả cao
-Nancy Nguyễn

Tuy nhiên, cô Nancy Nguyễn cũng cho rằng đây không phải là thời điểm để đấu tranh trực diện có hiệu quả, mà theo cô các bạn trẻ Việt Nam cần chuẩn bị nhiều hơn nữa về kiến thức lẫn kinh nghiệm đấu tranh ôn hòa cho tương lai tự do, dân chủ của chính họ. Riêng về bản thân, Nancy Nguyễn chia sẻ về kế hoạch của cô là đến trường học tập kiến thức về tổ chức hoạt động xã hội dân sự, tổ chức sự kiện biểu tình…Đồng thời:

“Tôi sẽ liên lạc chặt chẽ với những tổ chức đấu tranh nước ngoài. Ví dụ như các bạn ở Hong Kong, ở Duy Ngô Nhĩ, ở Tây Tạng để một mặt giúp cho họ và một mặt học hỏi từ phía họ. Đây là cơ hội tuyệt vời nhất để kết giao với các tổ chức bạn, học hỏi ở họ và trao dồi kiến thức cho bản thân bởi vì khi cơ hội tới thì sẽ có tất cả sự chuẩn bị để mình có thể phán đoán cũng như có hành động với hy vọng mang lại kết quả cao.”

Nancy Nguyễn khẳng định cô rất được các bạn trẻ trong nước khích lệ về niềm tin tươi sáng của Việt Nam và đó cũng là động lực cho mọi sự cố gắng của cô cùng giới trẻ Việt Nam hải ngoại đồng lòng, đồng góp sức cho quê hương.

Còn những bạn trẻ trong nước như Đỗ Nam Trung và Đăng Quang chia sẻ nhân kỷ niệm tròn đúng hai năm ngày dân chúng Việt Nam biểu tình, 10/6/18-10/6/20, họ muốn gửi thông điệp đến Chính quyền Việt Nam rằng hãy lắng nghe tiếng nói và nguyện vọng của thế hệ thanh niên để xây dựng quốc gia giàu mạnh và dân chủ. Bởi vì những thiện chí đó, thực tâm họ không muốn phải trở thành lực lượng đối trọng và đối đầu với chính quyền để đạt được.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.