Cơ hội làm giàu trên quê hương có đồng đều cho tất cả?

RFA
2019.11.12
TTg2.jpg Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi trả lời chất vấn của Quốc hội chiều ngày 08/11/19.
Courtesy: VGP News

Tiếp tục đi nước ngoài vì kinh tế

Nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có nhiều thay đổi kể từ khi Chính phủ Hà Nội áp dụng chính sách “Đổi mới” vào năm 1986, dù vẫn theo cơ chế “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Và sau hơn 3 thập niên phát triển cũng như mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực với cộng đồng quốc tế, xu hướng người Việt Nam ra nước ngoài sinh sống và làm việc được thế giới ghi nhận là ngày càng gia tăng.

Một thành phần di dân là giới du học sinh và trí thức Việt Nam, mà hiện tượng này được gọi là “tình trạng chảy máu chất xám” không có chiều hướng giảm sút.

Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Việt Nam đăng tải hồi trung tuần tháng 11 năm 2018 cho thấy số lượng du học Việt Nam ở Mỹ tăng năm thứ 17 liên tiếp, tiếp tục đứng thứ sáu trong danh sách những nước dẫn đầu về số lượng sinh viên du học với hơn 24 ngàn sinh viên.

Còn Chính phủ Canada thống kê đến cuối năm 2018, sinh viên Việt Nam sang du học ở nước này riêng trong năm ngoái đã tăng 46% với hơn 20.000 người, đứng vị trí thứ 5 trong số những nước có nhiều học sinh đến học ở Canada nhất.

Đài RFA ghi nhận kết quả một nghiên cứu của Tiễn sĩ Phạm Thị Liên, thuộc Đại học Công nghệ Sydney, Australia được Nhà xuất bản Springer phát hành trong năm 2019, có tựa đề “International Graduates Returning to Vietnam: Experiences of the Local Economies, Universities and Communities”, cho thấy năm 2016 có khoảng 130 du học sinh Việt Nam ở nước ngoài. Và Đài BBC Việt ngữ, vào ngày 20 tháng 9 dẫn lời của Tiến sĩ Phạm Thị Liên cho biết qua khảo sát thì 100% du học sinh Việt Nam đều mong muốn ở lại nước họ đến học để làm việc vì cơ hội việc làm, chưa nói đến tiền lương và các mối quan hệ xã hội.

Qua trao đổi với một số các du học sinh đang làm việc ở nước ngoài, họ cũng bày tỏ với RFA rằng trở về nước thì họ không có môi trường làm việc thích hợp, nhất là trong lĩnh vực khoa học kỷ thuật và mức tiền lương không đáp ứng đủ cho một cuộc sống tốt ở quê nhà.

Một bác sĩ trẻ đang làm việc tại Lào chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do trong hai năm vừa qua có khoảng vài chục bác sĩ người Việt làm việc tại Lào giống như anh. Người bác sĩ không muốn nêu tên giải bày lý do vì sao không chọn làm việc tại Việt Nam:

Đồng lương của Việt Nam hiện nay không phải là lương, mà là ‘bất lương’. Cứ tưởng tượng lương của những cán bộ với mức lương từ 15 đến 20 thì làm gì có thể xây những biệt thự, lâu đài nguy nga? Bọn quan chức từ trong Trung ương Đảng cho đến Chính phủ, cho đến Quốc hội, cho đến Bí thư, cho đến giám đốc ở các tỉnh có thể nói rằng là ‘cả đám ăn cướp trắng trợn của dân, của nước'
-Ông Nguyễn Khắc Mai

“Như tụi em học y ở Việt Nam, nhưng học xong ra trường thì chỉ có bằng đại học mà không được cấp chứng chỉ hành nghề. Không có chứng chỉ hành nghề mà làm việc thì khác nào là làm bất hợp pháp. Ra trường thì phải đi thực tập (không lương) 18 tháng ở những cơ sở có giường bệnh nội trú hoặc bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh trở lên. Thực tập xong mới được xin cấp phép hành nghề. Chỉ mới cấp giấy hành nghề thôi mà đã ‘hành’ giới y, bác sĩ như thế rồi.”

Vị bác sĩ ẩn danh này cho biết giới y, bác sĩ ở Việt Nam có 3 lựa chọn là làm việc ở bệnh viện tư hoặc bệnh viện công; tuy nhiên khâu đầu tiên vẫn là phải có tiền, bởi vì:

“Có giá chung cả rồi. Vào Bệnh viện Bạch Mai thì 700 triệu đồng. Vào Bệnh viện 108 là 1 tỷ. Vào Bệnh viện Quân Đội (103) bây giờ là 1 tỷ. Còn vào bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh thì tùy, nhưng cũng phải vài trăm triệu.”

Còn một lựa chọn thứ 3 là mở phòng mạch thì:

“Nếu khởi nghiệp ở Việt Nam thì phải có thế lực, phải có quan hệ thì mới khởi nghiệp được. Thêm nữa là quá nhiều thủ tục và cơ quan, đoàn thể mà người ta gọi là ‘hành’ và tìm cách làm tiền. Doanh nghiệp Việt Nam khổ lắm vì hầu như các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hay buôn bán…đều phải chung chi.”

Đối nghịch lại với giới trí thức Việt Nam là một làn sóng di dân của các “cô dâu Việt”. Những phụ nữ Việt Nam trong hai thập niên qua ồ ạt chọn giải pháp lấy chồng nước ngoài để đổi đời, mà chủ yếu là vì mục đích giúp đỡ cho gia đình về kinh tế.

Mặc cho truyền thông trong nước loan tin không ít những câu chuyện thương tâm và đau buồn của một số hoàn cảnh phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài bị bạc đãi, hay thậm chí bị thiệt mạng, nhưng những cô gái Việt Nam vẫn chấp nhận ra đi vì không còn chọn lựa nào khác với hy vọng cho một cuộc sống sung túc hơn.

Vào năm 2016, Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố số liệu phụ nữ Việt Nam, lần đầu trở thành nhóm cô dâu ngoại quốc đông nhất ở Nam Hàn, chiếm 27,9% vượt qua các nước Trung Quốc và Philippines.

Hình hai người được cho là nạn nhân trên chiếc xe chở người lậu từ Pháp sang Anh hôm 23/10/2019.
Hình hai người được cho là nạn nhân trên chiếc xe chở người lậu từ Pháp sang Anh hôm 23/10/2019.
Courtesy of Reuters, Facebook, RFA edit
Lao động xuất khẩu Việt

Một thành phần đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đó là lao động Việt ở nước ngoài. Cục Quản lý Lao động Ngoài nước thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vào hạ tuần tháng 6 năm 2018 cho biết tính đến thời điểm đó, Việt Nam có khoảng 500 ngàn người Việt đang làm việc ở nước ngoài và tổng số tiền mà các lao động này gửi về nước mỗi năm khoảng 3 tỷ USD (tương đương hơn 76 ngàn tỷ đồng). Thế nhưng, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không quay về nước hoặc ở lại lao động bất hợp pháp đang xảy ra ở một số quốc gia. Đặc biệt là Hàn Quốc với tỷ lệ bỏ trốn lên đến 50%, dẫn đến hậu quả Hàn Quốc ra thông báo tạm thời ngưng chương trình tuyển chọn công nhân Việt Nam ở 40/100 quận/huyện sang nước này làm việc trong năm 2019.

Một lao động Việt ở Nhật, không muốn nêu tên nói với RFA về tình trạng người Việt Nam vẫn chọn ở Nhật để kiếm sống, dù làm việc ở xứ sở Mặt Trời Mọc bị đối xử bất công:

“Sau một quá trình làm thì họ sẽ thấy ở đây làm có dư hơn ở Việt Nam, dễ sống hơn ở Việt Nam, có thể chu cấp cho gia đình ở Việt Nam thì hầu hết họ muốn ở lại hơn là đi về.”

Và mới nhất, tình trạng người Việt ra nước ngoài lao động chui bằng nhiều hình thức ở mức báo động, qua vụ việc 39 người Việt Nam tử nạn trong xe container nhập cư lậu vào Anh hồi ngày 23 tháng 10 vừa qua. Sau khi thảm kịch xảy ra, lần lượt nhiều thông tin của gia đình các nạn nhân cho biết thân nhân của họ bị thiệt mạng trong hành trình tìm kiếm kế sinh nhai bất hợp pháp nơi xứ người với mưu cầu được thịnh vượng.

Lời tuyên bố của ông Thủ tướng

Tại buổi trả lời chất vấn của Quốc hội vào chiều ngày 8 tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng “nguồn nhân lực phát triển lớn nhất của đất nước là gần 100 triệu người dân Việt Nam và phải làm sao để mỗi người dân có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương mình”. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam còn nhấn mạnh không được để thảm kịch như vừa xảy ra tại Anh tái diễn.

Lời tuyên bố vừa nêu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được dư luận trong và ngoài nước quan tâm. Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng chủ trương của Chính phủ Việt Nam luôn nhắm đến “dân giàu, nước mạnh”; tuy nhiên:

“Nhiều việc khi họ làm, thực hiện các chính sách tốt thường là triển khai rất chậm chạp và không tới nơi tới chốn. Nhiều khi thể hiện có lẽ nhiều nhất ở chỗ là họ lại muốn những cơ hội kinh doanh của người dân để người dân làm giàu thì cũng phải là cơ hội cho họ kiếm chác được ở đấy.”

Còn chính người “trong cuộc” là những người Việt đang làm việc ở nước ngoài lên tiếng rằng họ luôn trông chờ một cơ hội để trở về nước, nhưng thời gian chờ đợi cho các cơ hội tốt đối với người dân như họ sẽ là bao lâu? Một lao động Việt không muốn nêu tên ở Hàn Quốc bày tỏ:

Thật tình thì chả ai muốn tha phương cầu thực cả, vì hoàn cảnh và cuộc sống đường cùng mà phải ra đi thôi. Tôi nghĩ nếu thay đổi chế độ Việt Nam thì phải mất hàng chục năm bởi vì phải thay đổi từ tư duy nhận thức con người và phải thay đổi về chế độ, thay đổi chính sách. Người Hàn (Hàn Quốc) phải mất mấy chục năm để biến đổi được nền kinh tế như ngày hôm nay. Kể cả Việt Nam cũng vậy. Đâu thể nói là làm được liền đâu
-Lao động Việt ở Hàn Quốc

“Thực tình thì chả ai muốn tha phương cầu thực cả, vì hoàn cảnh và cuộc sống đường cùng mà phải ra đi thôi. Tôi nghĩ nếu thay đổi chế độ Việt Nam thì phải mất hàng chục năm bởi vì phải thay đổi từ tư duy nhận thức con người và phải thay đổi về chế độ, thay đổi chính sách. Người Hàn (Hàn Quốc) phải mất mấy chục năm để biến đổi được nền kinh tế như ngày hôm nay. Kể cả Việt Nam cũng vậy. Đâu thể nói là làm được liền đâu.”

Còn không ít ý kiến trong giới quan sát tình hình Việt Nam quả quyết rằng lời tuyên bố của Thủ tướng tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng là thêm một khẩu hiệu hô hào của Chính phủ Việt Nam mà thôi, như ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu-Ban Dân vận Trung ương nhận định chỉ có đảng viên và cán bộ mới là thành phần giàu có ở Việt Nam:

“Đồng lương của Việt Nam hiện nay không phải là lương, mà là ‘bất lương’. Cứ tưởng tượng lương của những cán bộ với mức lương từ 15 đến 20 thì làm gì có thể xây những biệt thự, lâu đài nguy nga? Bọn quan chức từ trong Trung ương Đảng cho đến Chính phủ, cho đến Quốc hội, cho đến Bí thư, cho đến giám đốc ở các tỉnh có thể nói rằng là ‘cả đám ăn cướp trắng trợn của dân, của nước’.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.