Canh tác trên diện tích lớn hơn, khi nào?

Kính Hòa, phóng viên RFA
2017.04.05
000_Hkg10259677.jpg Nông dân đang xúc lúa ở Vị Thủy, Hậu Giang hôm 2/3/2016.
AFP photo

Ngày 12 tháng 3 trang thông tin của chính phủ Việt Nam ra thông báo là vào tháng chín năm nay, nông dân Việt Nam sẽ được quyền canh tác trên diện tích đất đai rộng lớn hơn giới hạn cho phép, còn gọi là hạn điền, như lâu nay.

Ngày 28 tháng 3 một cuộc hội thảo mang tên ‘Diễn đàn Nông nghiệp Mùa xuân’, về vấn đề hạn điền được tổ chức bao gồm nhiều viên chức chính phủ, các nhà nghiên cứu.

Sau đây là tổng hợp ý kiến quan điểm từ báo chí Việt Nam cũng như tìm hiểu của chúng tôi về vấn đề thay đổi hạn điền hiện nay tại Việt Nam.

Nâng hạn điền là một bước đi tích cực

Theo qui định hiện nay của nhà nước Việt Nam, ở vùng đồng bằng, diện tích tối đa mà một hộ nông dân có quyền canh tác là 3 hectare, ở miền núi là 10 hectare. Giới hạn diện tích như vậy được gọi là hạn điền, được đưa ra với ý định tạo sự công bằng giữa người dân với nhau,

Trong những năm qua ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng giới hạn về diện tích canh tác như vậy làm cho nông dân Việt Nam không thể áp dụng những biện pháp kỹ thuật mới, sản xuất ra nhiều sản phẩm với giá rẻ như các quốc gia nông nghiệp tiên tiến.

Bà Phạm Chi Lan, một chuyện gia kinh tế sống ở Hà Nội, mô tả tình trạng đất đai canh tác hiện nay, có trích lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong dịp ông làm việc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất có diện tích canh tác lúa lớn nhất Việt Nam:

Hiện nay chừng 14 triệu hộ nông dân mà có tới 78 triệu mảnh đất khác nhau thì không thể nào làm được.
- Bà Phạm Chi Lan

“Hiện nay chừng 14 triệu hộ nông dân mà có tới 78 triệu mảnh đất khác nhau thì không thể nào làm được. Do cái cách chia đất trước đây của Việt Nam là chia cho mỗi hộ gia đình một diện tích rất là nhỏ bé, mà lại còn chia theo các mảnh khác nhau, mảnh gần mảnh xa, mảnh tốt mảnh xấu, theo cái lẽ mà người ta nghĩ là công bằng.”

Quyết định nâng cao hạn mức đất đai canh tác cho nông dân Việt Nam hiện nay chỉ mới là chủ trương, chứ chưa thành luật, và chính phủ Việt Nam đang giao cho các bộ có liên quan như là Bộ Tài nguyên- Môi trường và Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn nghiên cứu và đưa ra báo cáo vào mùa thu năm nay.

Phản ứng của giới chuyên gia về sự thay đổi này là rất tích cực. Bà Phạm Chi Lan nói với chúng tôi:

Việc nhà nước đồng ý xem xét lại như vậy đã là một bước tiến tốt, và chúng tôi đánh giá là nhà nước đã có tinh thần lắng nghe ý kiến của nhiều người đưa ra và cũng đã thừa nhận 1 thực tế là hạn điền trong luật đất đai hiện hành là không phù hợp, nó cản trở việc phát triển nông nghiệp, một số khu vực đô thị trong quá trình đô thị hóa.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi là một khi luật mới về nâng mức hạn điền chính thức ra đời vào cuối năm nay thì điều gì sẽ xảy ra? Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, hiện là giám đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long cho biết:

“Có những người nông dân sẽ bán đất đi, chuyển sang nghề khác kiểu như là đất của họ nhỏ quá, họ không đủ tiền, đủ kỹ thuật để mở rộng ra, bán cho những ông làm ăn tốt hơn. Tất nhiên lúc đó số lao động nông thôn sẽ thay đổi, một số nông dân sẽ đi làm thuê cho những người có đất nhiều hơn, hoặc chuyển sang làm những nghề khác.”

Lo ngại xáo trộn xã hội và nông dân bị mất đất

Nông dân đang gieo mạ trên một cánh đồng ở miền Trung hôm 20/1/2016.
Nông dân đang gieo mạ trên một cánh đồng ở miền Trung hôm 20/1/2016.
AFP photo

Trong cuộc hội thảo diễn ra vào ngày 28 tháng ba về hạn điền, tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn tổng kết ý kiến của nhiều chuyên gia nông nghiệp nói rằng việc nâng cao hạn điền sẽ tạo nên việc tích tụ ruộng đất, và phải được thực hiện một cách thận trọng để tránh việc bần cùng hóa người nông dân, tức là người nông dân sẽ bán đất đi và không còn phương tiện để sinh sống.

Tuy nhiên theo bà Phạm Chi Lan thì hiện nay chỉ còn có 46% dân chúng Việt Nam sống bằng nghề nông, giảm từ tỉ lệ đến 70-80% cách đây vài năm. Bà nói rằng ngay cả ở vùng đồng bằng Sông Hồng nơi vùng đất tốt như tỉnh Thái Bình, cũng đã có nhiều nông dân chuyển sang lĩnh vực khác, mà không còn làm nông nghiệp nữa.

Tuy vậy bà Phạm Chi Lan cũng có ý kiến cần phải cẩn trọng:

Nếu làm không khéo thì đất đai lại tích tụ vào tay một số người nhất định, như là cái tình trạng đất đai ở đô thị trong thời gian vừa qua, làm cho một số người làm giàu lên rất lẹ do tiếp cận được đất để làm bất động sản.”

Trước cuộc hội thảo 28 tháng ba một ngày, tờ báo mạng Diễn đàn Tài chính Việt Nam trích lời cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường, giáo sư Đặng Hùng Võ, rằng cần phải nâng cao hạn điền lên rất nhiều, thậm chí là xóa bỏ nó.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn không đồng tình với ý kiến này mà theo ông phải làm từ từ, tránh một xáo trộn tiêu cực cho nền nông nghiệp Việt Nam:

Chúng tôi có thảo luận cái đó, và chúng tôi sợ dẫn tới tình trạng giống như là chiếm đoạt đất đai, khi một số nhà có tiền đi mua toàn bộ đất đai đó, không đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, mà biến nó thành trang trại, resort, chung cư, hay là công nghiệp, hay làm cái gì đó khác,… lúc đó đất nông nghiệp biến thành làm chuyện khác.”

Có những người nông dân sẽ bán đất đi, chuyển sang nghề khác kiểu như là đất của họ nhỏ quá, họ không đủ tiền, đủ kỹ thuật để mở rộng ra...
- Tiến sĩ Lê Anh Tuấn

Tại cuộc hội thảo Diễn đàn Nông nghiệp Mùa xuân một hiện tượng được nêu ra là hạn điền trên thực tế không ngăn cản việc tích tụ đất đai vào tay một số người. Tiến sĩ Đặng Quang Vinh, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng chuyện cản trở đối với nền nông nghiệp hiện nay không phải là hạn điền mà là người nông dân không có quyền tự quyết về đất đai, tức là không có quyền làm chủ mảnh đất của mình vì về nguyên tắc đất đai là thuộc sở hữu nhà nước.

Việc ruộng đất tập trung vào tay một số người bất kể qui định hạn điền như vậy là không đúng với pháp luật nhà nước. Còn việc công nhận sở hữu tư nhân về đất đai lại là một vấn đề mà nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia Việt Nam đã nêu lên từ lâu, như đề nghị của nhóm trí thức, trong đó có bà Phạm Chi Lan nêu ra khi chuẩn bị cho ra đời bản Hiến pháp sửa đổi năm 2013.

Tuy nhiên, với ý thức hệ của học thuyết cộng sản, quan niệm rằng đất đai là một loại phương tiện sản xuất, và thuộc sở hữu nhà nước, đề nghị công nhận sở hữu tư nhân về đất đai của các trí thức Việt Nam vào năm 2013 không được thông qua.

Bà Phạm Chi Lan nói rằng nếu vấn đề cải cách đất đai, và sản xuất nông nghiệp diễn ra suôn sẻ, thì trong tương lai Việt Nam có thể sẽ tiến tới việc công nhận quyền sở hữu tư nhân. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng để đạt đến điều đó thì thể chế, cũng như nhiều vấn đề khác về pháp luật của Việt Nam cần phải thay đổi rất nhiều và đồng bộ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.