Người dân sẽ bị giới hạn trong việc giám sát Cảnh sát Giao thông làm nhiệm vụ?

RFA
2019.07.09
CSGTHoiLo.jpg Ảnh minh họa: Người dân quay video clip CSGT Hà Nội nhận tiền hối lộ.
Courtesy: tuoitre.vn

Hạn chế giám sát của người dân?

Dự thảo lần 2 “Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” gồm 3 chương, 13 điều đang được Bộ Công an tiến hành lấy ý kiến đóng góp của người dân để thay thế cho Thông tư 54 của Bộ Công an ban hành từ năm 2009.

Truyền thông trong nước ghi nhận có nhiều ý kiến thắc mắc liên quan Điều 10 và Điều 11 trong Chương II của Dự thảo lần 2 này rằng có phải nếu dự thảo được thông qua thì người dân có được ghi âm, ghi hình, chụp ảnh để giám sát Cảnh sát Giao thông (CSGT) làm nhiệm vụ hay không, cũng như việc giám sát với các hình thức đó bị coi là vi phạm pháp luật không?

Nội dung quy định trong hai Điều 10 và 11 của Chương II, Dự thảo lần 2 được Bộ Công an đề xuất là người dân chỉ được giám sát công an trong chấp hành điều lệnh, thái độ, tác phong và cách xử lý khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật khi làm nhiệm vụ; đồng thời việc giám sát được thực hiện qua hình thức thông tin công khai của công an và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với công an…

Một số người dân ở Việt Nam Đài RFA tiếp xúc cho rằng với đề xuất của Bộ Công an trong Dự thảo lần 2 thay thế cho Thông tư 54 nhằm hạn chế giám sát của người dân để hình ảnh và uy tín của CSGT không bị phơi bày hoặc bị giảm sút khi họ làm sai hay nhũng nhiễu người dân trong lúc thi hành nhiệm vụ.

Thắc mắc của không ít người dân quan tâm nêu ra là so với quy định theo Thông tư 54, Dự thảo lần 2 không còn hình thức giám sát của người dân “quan sát, phát hiện hoạt động của cán bộ, chiến sĩ công an khi làm nhiệm vụ ở trụ sở, nơi làm việc hoặc trên tuyến đường hay trên các phương tiện giao thông”.

Quy định nêu trên trong Thông tư 54, được người dân diễn giải là họ có thể thực hiện quyền giám sát bằng các phương thức hợp pháp theo pháp luật, trong đó có ghi âm, ghi hình, chụp ảnh CSGT trong lúc thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên trên thực tế, người dân cũng gặp trở ngại khi họ thực hiện các phương thức này.

Ông Phạm Xuân Thời, một người tích cực chống tiêu cực của chính quyền ở Đồng Nai lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do rằng ông luôn bị cán bộ, nhân viên chức yêu cầu không được quay phim, chụp hình trong khi làm việc với họ, bằng ngược lại thì họ từ chối làm việc với ông. Ông Phạm Xuân Thời chia sẻ về băn khoăn của mình qua nội dung trong Dự thảo lần 2, không còn quy định quan sát, phát hiện công an khi đang làm nhiệm vụ và điều này đồng nghĩa với việc người dân không được ghi âm, ghi hình nữa. Ông Phạm Xuân Thời nói:

Về phương diện luật pháp, nếu thông tư có sửa đổi thì cũng không sai luật vì họ có quyền soạn thảo thông tư theo kiểu như vậy…Cho nên nếu Thông tư giữ như cũ thì tốt hơn, tức là cụ thể hóa việc giám sát của người dân có thể thực hiện việc đó bằng cách nào, ví dụ như ghi âm, ghi hình…Còn nếu như Thông tư loại bỏ điều đó ra thì thật ra sẽ làm khó cho chính cơ quan công an, vì người dân vẫn có quyền thực hiện chứ đâu phải Thông tư không quy định thì người dân không có quyền thực hiện. Người dân không thực hiện theo Thông tư, mà người dân thực hiện theo Hiến pháp
-Luật sư Đặng Đình Mạnh

“Theo tôi nghĩ là họ muốn dẹp tình trạng quay những việc nhũng nhiễu đó đi. Chẳng hạn ví dụ như hồi năm 2015, tôi đã là người trực tiếp quay một toán cảnh sát trật tự mà người ta nói là ‘cướp bóc’ chứ không phải ‘mãi lộ’, có nghĩa là họ chặn những người đi xe không vi phạm và ép người ta để lấy 200 ngàn đồng. Tôi đứng ở đằng xa và lén quay lại. Cho nên việc lén quay của tôi không bị cấm thì tôi mới lén quay được những hình ảnh xấu để làm cho xã hội tốt hơn, là Cảnh sát Trật tự trong vụ đó không còn lập chốt, không đứng chặn ngoài đường nữa. Nhưng bây giờ đưa ra một luật cấm thì tôi sẽ không giải quyết được bài toán này.”

Hồi hạ tuần tháng 8 năm 2013, dư luận trong nước cũng từng xôn xao trước thông tin về việc Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67) đưa ra văn bản lưu hành nội bộ “phòng ngừa” bị quay phim, chụp hình trong khi thi hành công vụ.

Trả lời báo chí quốc nội vào thời điểm đó, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, thuộc C67 giải thích văn bản của C67 nhằm mục đích để cán bộ chiến sĩ nâng cao tinh thần cảnh giác trước đối tượng giả danh nhà báo với mục đích xấu, còn người dân hoàn toàn được tự do ghi âm, ghi hình CSGT đang thi hành công vụ ở những nơi không có bảng cấm quay phim chụp ảnh.

Tại một cuộc họp báo vào cuối tháng 4 năm 2017, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, thuộc Bộ Tư pháp Lê Đại Hải cũng nhấn mạnh không cấm dùng điện thoại quay CSGT xử phạt, xoay quanh nội dung của Dự thảo Nghị định do Bộ Công an soạn thảo về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng ghi âm, ghi hình, định vị.

Đối với Dự thảo Thông tư lần 2 thay thế cho Thông tư 54 của Bộ Công an, Luật sư Đặng Đình Mạnh lý giải về quy định phương thức giám sát CSGT làm nhiệm vụ của người dân có có thể thay đổi:

“Về phương diện luật pháp, nếu thông tư có sửa đổi thì cũng không sai luật vì họ có quyền soạn thảo thông tư theo kiểu như vậy. Tuy nhiên làm như thế thì không nên và cũng không giới hạn được quyền giám sát của người dân. Tại vì quyền giám sát của người dân là do Hiến pháp quy định, tức là văn bản cao nhất quy định quyền giám sát của người dân và quyền người dân tham gia vào những công việc quản lý Nhà nước. Cho nên nếu Thông tư giữ như cũ thì tốt hơn, tức là cụ thể hóa việc giám sát của người dân có thể thực hiện việc đó bằng cách nào, ví dụ như ghi âm, ghi hình…Còn nếu như Thông tư loại bỏ điều đó ra thì thật ra sẽ làm khó cho chính cơ quan công an, vì người dân vẫn có quyền thực hiện chứ đâu phải Thông tư không quy định thì người dân không có quyền thực hiện. Người dân không thực hiện theo Thông tư, mà người dân thực hiện theo Hiến pháp.”

Ảnh minh họa: Một cảnh sát giao thông đang phạt một vụ vi phạm tại một ngã tư ở Hà Nội.
Ảnh minh họa: Một cảnh sát giao thông đang phạt một vụ vi phạm tại một ngã tư ở Hà Nội.
AFP
Thông tư cần quy định rõ ràng

Trong khi trao đổi với RFA liên quan Dự thảo lần 2 thay thế cho Thông tư 54 của Bộ Công an, không ít người dân bày tỏ với RFA rằng họ mong muốn Bộ Công an soạn thảo Thông tư mới với các quy định rõ ràng, cụ thể để người dân được đảm bảo trong việc thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát CSGT của họ, trong bối cảnh Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu tình trạng “tham nhũng vặt” cần phải sớm chấm dứt, qua lời tuyên bố tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, phổ biến Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường xử lý và ngăn chặn nạn nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân trong giải quyết công việc, diễn ra vào sáng ngày 27 tháng 6 vừa qua.

Ông Phạm Xuân Thời, người phản ánh tiêu cực tại địa phương, góp phần vào việc chính quyền phải cách chức và luân chuyển cán bộ bởi việc làm sai trái của họ, nêu lên quan điểm cá nhân của ông một khi người dân bị cấm ghi âm, ghi hình những việc làm sai trái của CSGT và cán bộ, nhân viên chức nhà nước:

“Vấn đề đặt ra là những người cố tình chống tham nhũng sẽ không thể chống được. Việc không cho phép việc quay phim, chụp hình đối với những người thi hành công vụ là quyết định ngu xuẩn nhất để xây dựng một xã hội gọi là minh bạch, bởi vì không có một minh bạch nào mà cấm điều này cả. Việc giám sát của người dân không có thì thường ở xã hội Việt Nam bây giờ sẽ đổi trắng thay đen, rất nguy hiểm.”

Đài RFA cũng nêu câu hỏi với Luật sư Đặng Đình Mạnh liên quan các lo ngại rằng những bằng chứng mà người dân quay clip, ghi hình, ghi âm tố cáo sai phạm, tiêu cực đăng tải trên mạng xã hội có thể bị cho là vi phạm pháp luật, chiếu theo Luật An ninh mạng với cáo buộc bôi nhọ danh dự, nhân phẩm hay xâm phạm các quyền về hình ảnh cá nhân của nhân viên công chức hay không và được Luật sư Đặng Đình Mạnh trả lời:

Vấn đề đặt ra là những người cố tình chống tham nhũng sẽ không thể chống được. Việc không cho phép việc quay phim, chụp hình đối với những người thi hành công vụ là quyết định ngu xuẩn nhất để xây dựng một xã hội gọi là minh bạch, bởi vì không có một minh bạch nào mà cấm điều này cả. Việc giám sát của người dân không có thì thường ở xã hội Việt Nam bây giờ sẽ đổi trắng thay đen, rất nguy hiểm
-Ông Phạm Xuân Thời

“Việc cho rằng việc phát tán xâm phạm hình ảnh cá nhân của cán bộ nhân viên công vụ là không đúng. Tại vì trong thời gian 8 giờ, giờ hành chánh làm việc công nhân viên chức hoặc giờ làm việc theo ca của chiến sĩ công an chẳng hạn thì những giờ đó là giờ của Nhà nước và họ đang thực hành chức trách của mình, chứ không phải họ đang thực hành những công việc thuộc về phạm trù riêng của họ, đời tư của họ. Do vậy, trong khỏang thời gian họ làm việc là thời gian người dân có quyền giám sát họ và họ phải chịu sự giám sát đó. Cho nên việc chụp ảnh, ghi âm, ghi hình họ trong thời gian họ làm việc là hoàn toàn hợp pháp và hết sức là bình thường.”

Bên cạnh đó, Luật sư Đặng Đình Mạnh nhấn mạnh việc giám sát với phương thức ghi âm, ghi hình…phải trung thực và người đăng tải các bằng chứng ghi âm, ghi hình đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật một khi cố ý chỉnh sửa, không đúng sự thật của vụ việc phản ánh hay tố cáo.

Điểm 3, Điều 10 trong Thông tư 54 của Bộ Công an ký ngày 2 tháng 10 năm 2009 về “Các hình thức giám sát” qui định rõ “Quan sát, phát hiện hoạt động của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân khi làm nhiệm vụ ở trụ sở, nơi làm việc hoặc trên tuyến đường hay trên các phương tiện giao thông”.

Trong Dự thảo lần 2 Thông tư thay thế cho Thông tư 54 thì Điều 11 về Hình thức giám sát của nhân dân không còn qui định như thế.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.