Liệu dân có ‘dám’ đóng góp ý kiến cho đảng?
2020.10.05
Trang tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam - Đại hội 13 ra đời hôm 3 tháng 10 năm 2020. Đây là trang tin được Ban Bí thư giao Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng, vận hành.
Trang tin có sáu thứ tiếng bao gồm Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Nga. Mục đích được nói nhằm giới thiệu nội dung văn kiện Đại hội 13 của đảng giúp người dân hiểu đúng hơn đường lối, quan điểm xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển đất nước. Đồng thời là nơi trao đổi, tiếp nhận và phản hồi ý kiến của các tổ chức chính trị - xã hội, các cán bộ lão thành, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, kiều bào, các tầng lớp nhân dân đóng góp vào dự thảo văn kiện đại hội 13 của đảng.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết những nhiệm kỳ gần đây đảng tổ chức lấy ý kiến của nhân dân tham gia vào văn kiện đại hội đảng để hoàn thiện báo cáo. Nếu chỉ lấy ý kiến trong đảng thì các thông tin bị hạn chế, không đầy đủ.
Ông giải thích thêm vì sao cần lấy ý kiến của dân:
“Đảng lãnh đạo toàn dân và nhân dân có trách nhiệm xây dựng đảng. Cho nên thông qua ý kiến của người dân thì đảng mới nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của dân. Trong cương lĩnh cũng như trong chương trình hành đông phải gắn với tiếng nói của nhân dân. Mục đích cuối cùng của đảng là phục vụ nhân dân, cho nên giữa đảng với dân phải có sự gắn bó mật thiết. Đảng lấy dân làm gốc để xây dựng chính sách phục vụ nhân dân. Vì vậy nên trong quá trình tổ chức đại hội đảng các cấp từ cơ sở cho đến trung ương, đảng đều trưng cầu ý kiến nhân dân tham gia đóng góp. Trên cơ sở đó, trước đại hội, đảng sẽ hoàn thiện dự thảo báo cáo chính trị."
Luật sư Vũ Đức Khanh, một nhà quan sát tình hình Việt Nam, cho rằng điều này không có gì là mới mẻ. Xưa nay Đảng Cộng sản vẫn có những kênh tuyên truyền cho đường lối, chủ trương của đảng. Ông nhận định:
“Thật sự họ làm là làm cho họ chứ họ không quan trọng vấn đề kiều bào có đóng góp ý kiến hay không. Lúc nào họ cũng có một lực lượng kiều bào thân với Đảng Cộng sản Việt Nam, thân với chính trường Việt Nam để làm công tác dân vận cho họ.”
Ai sẽ đóng góp ý kiến?
Ngay trong ngày khai trương trang tin điện tử trên, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đề nghị từ ngày 15 tháng 10, các cơ quan báo chí tập trung cao độ tuyên truyền, giới thiệu nội dung dự thảo các văn kiện đại hội đảng để tạo điều kiện cho người dân tham gia góp ý với đảng.
Song song đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng cảnh báo kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và làm thất bại mọi thủ đoạn lợi dụng việc góp ý cho đại hội để chống phá đảng, chống phá nhà nước, chống phá chế độ.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nêu quan điểm của ông về phát ngôn của ông Trần Quốc Vượng:
“Về luật học thì tất cả các Nhà nước đều do dân bầu ra. Do đó, việc người dân góp ý, chỉ trích, đưa ra những khuyết, nhược điểm là điều rất bình thường mà bổn phận của nhà cầm quyền là phải biết lắng nghe. Vì vậy, việc ông Trần Quốc Vượng nói là một phát ngôn rất là sai trái. Tôi đề nghị Bộ chính trị phải chấn chỉnh lại tư tưởng sai lệch, cái lý luận yếu kém, phản khoa học và phản động của ông Trần Quốc Vượng.
Chuyện họ mở trang web để cho dân góp ý chỉ là một thủ đoạn mị dân thôi bởi dân có góp ý thì họ cũng không nghe. Họ không bao giờ lắng nghe dân bởi vì bất cứ nhà nước cộng sản nào cũng là một nhà nước tiếm quyền dân. Họ nhìn dân ở góc độ xấu cũng như coi đó là sự đối đầu.”
Ông Nguyễn Ngọc Già cho biết bản thân ông sẽ không góp ý trên trang web họ mới mở, bởi nếu góp ý thì ông phải đưa những khuyết điểm, những nhược điểm, cái phản khoa học và cái sai trái ra cho họ thấy. Ông đã từng góp ý và kết quả là họ vu cho ông tội tuyên truyền chống nhà nước. Họ bỏ tù ông ba năm và ba năm quản chế.
Trong khi đó, cựu đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông lại cho rằng, những ý kiến khác nhau, quan điểm khác nhau là bình thường, không chỉ trên mạng xã hội mà trong các hội nghị, hội thảo cũng vậy. Đó là phản biện xã hội của một cơ chế dân chủ. Ông cho rằng, đa số nhân dân góp ý mang tính chất xây dựng rất tốt và đảng rất trân trọng. Tuy vậy, ông Cuông cũng cho rằng bên cạnh đó có những ‘thế lực thù địch’ luôn có ý đồ không tốt với chế độ cũng như với đảng.
Coi dân là thế lực thù địch
“Thế lực thù địch” là cụm từ thường được các vị lãnh đạo dùng để nói về những ai bất đồng chính kiến hay khác quan điểm với đảng, với chính quyền.
Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội lần thứ 17 đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, tổ chức sáng 23 tháng 6 năm 2020, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam, nói rằng thế lực thù địch không bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá Việt Nam, muốn lật đổ, bôi nhọ chế độ Hà Nội.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già giải thích khái niệm “thế lực thù địch”:
“Về khái niệm chính trị, họ hay gọi ‘thế lực thù địch’. Thế lực là phải có tổ chức, có lực lượng, có mục tiêu và nhiều điều kiện khác. Thù địch là tổ chức đó phải có mưu đồ và thực hiện hành vi rõ ràng. Trong tình hình hiện nay, cái thế lực thù địch mà đầy đủ hết tất cả các yếu tố không ai khác hơn tổ chức đảng cộng sản Trung Quốc.”
Không chỉ Trung tướng Lương Tam Quang, hôm 28 tháng 9 năm 2020, tại Hội nghị sơ kết công tác công an tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công An Lê Quý Vương phát biểu rằng, “Đại hội 13 là điều kiện để các thế lực thù địch, phản động gia tăng chống phá”.
Cùng ngày, trong một bài viết đăng trên báo Nhân Dân, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nhận định, “Thế lực thù địch chống phá ngày càng công khai, quyết liệt và trực diện hơn.”
Luật sư Vũ Đức Khanh lên tiếng với RFA về khái niệm này:
“Ngày 25 tháng 12 năm 2019, ông Vượng đã nêu ra một vấn đề mà chúng ta có hiểu rằng thế lực thù địch của chính quyền, của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là những người trong đảng cộng sản chứ không phải là ai hết. Ông ấy từng nói không có thế lực nào mang đại bác, mang súng ống, tàu bè tới đây để lật đổ chính quyền Việt Nam, mà lực lượng duy nhất có thể làm điều đó là sự thoái hóa của đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đó là điểm vô cùng quan trọng. Lần đầu tiên họ nhìn nhận trong nội bộ của đảng đã có sự rạn nứt đến điểm mà khó có thể quay ngược trở lại.”
Phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội, ngân sách chiều 15 tháng 6 năm 2020, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa có phát biểu một câu được dư luận đồng tình, đó là “không nên mượn bóng ma của chúng (tức thế lực thù địch) để công kích những người góp ý cho mình, dù đó là dân thường, doanh nghiệp, trí thức hay đại biểu dân cử”.