Quan ngại sẽ có tiêu cực khi hiệu trưởng được quyền tuyển giáo viên
2022.06.28
Năm học 2022-2023, một số trường trung học phổ thông ở TP.HCM được giao quyền tự chủ tuyển dụng giáo viên. Đây được coi là một trong những cách nhằm giải bài toán thiếu hụt về nhân sự trong các trường học. Điều này đã được Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM nói đến từ năm 2020.
Theo nhận định của một số người trong ngành giáo dục, nếu hiệu trưởng được tự chủ tuyển dụng giáo viên thì ngoài việc nhân sự được bổ sung kịp thời, các sinh viên sư phạm ra trường cũng tìm việc dễ dàng hơn. Thêm vào đó, các trường sẽ tuyển dụng được giáo viên giỏi và gắn bó với nghề. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, hiệu trưởng là người có quyền hạn rất cao, nếu được trao thêm quyền tuyển dụng giáo viên có thể sẽ xảy ra tiêu cực nếu hiệu trưởng không là một người có tâm.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo TP.HCM được báo Thanh Niên dẫn lời cho hay: “Nếu hiệu trưởng thiếu tâm, thiếu tầm dễ dẫn đến những tiêu cực. Khi quyền hạn trong tay, họ dễ tuyển theo suy nghĩ cá nhân chứ không đặt mục tiêu chung, không đảm bảo nghiêm túc những tiêu chí đã đưa ra. Từ đó xảy ra sự phân biệt đối xử với cá nhân có ý kiến trái chiều và ngược lại kéo theo sự thiếu dân chủ”.
Thay đổi này chả phải là do bộ quy định đâu mà do các tỉnh tự nghĩ ra. Thay đổi theo khẩu vị của ông giám đốc sở mới lên. Cấp trung học phổ thông thì giám đốc các sở hoàn toàn quyết định. Ai muốn lợi cho giáo viên thì nên tổ chức thi chung, còn ai muốn cho hiệu trưởng liếm chác thì lại giao cho hiệu trưởng tự quyết. Đây là thực tế ở Việt Nam hiện nay. Để thay đổi được điều này thì khó lắm. - Nhà giáo Đỗ Việt Khoa
Theo nhà giáo Đỗ Việt Khoa, chuyện cho hiệu trưởng tự chủ về nhân sự không phải là mới; chuyện tiêu cực cũng không mới nhưng không thể giải quyết được bởi thực sự là giáo viên không có thực quyền giám sát hiệu trưởng. Bên cạnh đó, dù có Luật khiếu nại tố cáo nhưng nếu giáo viên tố cáo hiệu trưởng ăn tiền thì cũng không ai xử vì các cấp bao che cho nhau, triệt hạ cả người tố cáo. Ông nói thêm:
“Thật ra Hà Nội và một số địa phương đã cho các trường phổ thông trung học tự chủ về tài chính, tự chủ về nhân lực, giao cho hiệu trưởng quyền tuyển giáo viên. Dĩ nhiên cái gì cũng có hai mặt. Gặp phải hiệu trưởng xấu thì nó sẽ tác oai tác quái, bắt giáo viên nộp tiền chẳng cần quan tam chất lượng gì của nhà trường hết. Chỉ cần thu nhiều tiền của giáo viên, hết nhiệm kỳ thì chuyển đi nơi khác. Thế nhưng cũng có một số hiệu trưởng khác không như vậy. Những người này được quyền tuyển giáo viên thì họ sẽ công tâm. Giáo viên giỏi thực sự thì họ mới nhận.
Thay đổi này chả phải là do bộ quy định đâu mà do các tỉnh tự nghĩ ra. Thay đổi theo khẩu vị của ông giám đốc sở mới lên. Cấp trung học phổ thông thì giám đốc các sở hoàn toàn quyết định. Ai muốn lợi cho giáo viên thì nên tổ chức thi chung, còn ai muốn cho hiệu trưởng liếm chác thì lại giao cho hiệu trưởng tự quyết. Đây là thực tế ở Việt Nam hiện nay. Để thay đổi được điều này thì khó lắm.”
Hiệu trưởng lộng quyền, độc đoán, thiếu minh bạch, làm tiền là thực trạng trong ngành giáo dục ở Việt Nam mà báo chí nhà nước từng nhiều lần lên tiếng. Nguyên nhân được cho là chính cơ chế đã tạo cho những vị hiệu trưởng quá nhiều quyền hành.
Với quyền tự chủ về nhân lực được sở giáo dục ở một số nơi trao cho hiệu trưởng để tuyển những giáo viên giỏi về trường, nhà giáo Đinh Kim Phúc nêu quan điểm của ông với RFA:
“Từ trước đến giờ, ở các thành phố lớn và các tỉnh lỵ nơi mà có các trường chuyên, có các trường trung học nổi tiếng thì vấn đề “hàng xách tay, hàng ký gửi” thì luôn luôn có. Nó không công bằng trong vấn đề điểm thi những sinh viên mới tốt nghiệp đạt thứ hạng cao và giáo viên giỏi có thành tích muốn về thành phố để phát huy khả năng của mình.
Tôi nghĩ rằng vấn đề này nó tùy thuộc vào cái tâm của hiệu trưởng. Nếu hiệu trưởng muốn trường của mình được nổi tiếng, đào tạo có chất lượng để thu hút học sinh thì nó sẽ có lợi cho nhà trường, có lợi cho giáo viên, có lợi cho người học. Còn nếu không được như vậy thì tôi hy vọng nó chỉ giải quyết được năm mươi phần trăm yêu cầu của hiệu trưởng muốn giáo viên giỏi.
Nếu như bộ môn cần những giáo viên giỏi để làm đầu tàu đưa bộ môn đó lên thì hiệu trưởng sẽ có quyền, nhưng tôi tin chắc rằng vẫn có “hàng ký gửi”.
Ông hiệu trưởng phụ thuộc vào đảng ủy và ban giám đốc sở. Do đó con cháu của ủy ban, của thành ủy gửi gắm thì hiệu trưởng không bao giờ dám từ chối. Đó là thực tế xảy ra trong hàng mấy mươi năm qua ở Việt Nam. Không thể một sớm một chiều mà chấm dứt được hiện tượng gọi là 'hàng ký gửi, hàng xách tay, hàng kẹp nách'".
Ông Đinh Kim Phúc nói thêm, ông biết nhiều hiệu trưởng ở TP.HCM giỏi về chuyên môn và có tâm quản lý nhưng cũng không tránh được người nhà của ban giám đốc Sở giáo dục “gửi gắm” người nhà của mình và hiệu trưởng không thể từ chối.
Ngoài ra, nếu một vị hiệu trưởng không liêm chính nay lại được toàn quyền tuyển dụng giáo viên, nhân viên vào trường thì dễ xảy ra hiện tượng “một người làm quan cả họ được nhờ” như ở các lãnh vực khác.
Ông hiệu trưởng phụ thuộc vào đảng ủy và ban giám đốc sở. Do đó con cháu của ủy ban, của thành ủy gửi gắm thì hiệu trưởng không bao giờ dám từ chối. Đó là thực tế xảy ra trong hàng mấy mươi năm qua ở Việt Nam. Không thể một sớm một chiều mà chấm dứt được hiện tượng gọi là 'hàng ký gửi, hàng xách tay, hàng kẹp nách'' - Ông Đinh Kim Phúc
Giữa năm 2017, báo chí nhà nước đã phanh phui nhiều vụ việc “cả nhà làm quan” như trường hợp ông Nguyễn Thế Son, Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch huyện An Dương, Hải Phòng. Hay tại xã Quế Long, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam có 19 biên chế thì có tám người là thân nhân của Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Đình Hùng, trong đó có nhiều người nắm giữ vị trí chủ chốt.
Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu bộ Nội vụ kiểm tra thông tin báo chí phản ánh về nhiều trường hợp bổ nhiệm người nhà. Bộ này sau đó đã phát hiện ra 58 trường hợp có quan hệ họ hàng với lãnh đạo tại chín địa phương.
Tuy thủ tướng Việt Nam đã lên tiếng nhưng hiện tượng này vẫn tồn tại. Năm 2020, ông Nguyễn Nhân Chinh được điều động làm bí thư thành ủy Bắc Ninh dù ông Chinh tốt nghiệp đại học chuyên ngành cờ vua; thạc sĩ quản lý giáo dục. Ông Chinh là con trai ruột của ông Nguyễn Nhân Chiến, đương kim ủy viên trung ương đảng, bí thư tỉnh uỷ, trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh.