Thuyên chuyển hơn 2.200 cán bộ tại Sài Gòn có giúp giảm nhũng nhiễu?
2020.06.01
Nội dung
Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trình Thủ tướng rằng đã chuyển công tác 2.209 cán bộ, công chức làm việc ở vị trí nhạy cảm; hoặc có biểu hiện tiêu cực, ngâm hồ sơ... trong năm 2019 để phòng chống tham nhũng.
Số liệu vừa nêu được cho là kết quả sau 1 năm thực hiện theo Chỉ thị 10/2019 về việc Tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham nhũng, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Giải thích về nguyên nhân Chỉ thị 10 được ban hành 22/4/2019, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam cho rằng:
“Trong lĩnh vực đời sống xã hội, nhiều cán bộ công chức vì động cơ vụ lợi vị trí công tác, lợi dụng cơ chế chính sách pháp luật, lòng tin, thiếu hiểu biết chính sách pháp luật nên gây phiền hà trong giải quyết không đúng quy định cho người dân cũng như doanh nghiệp. Do người đứng đầu chưa đề cao, nêu gương, gương mẫu đầy đủ trách nhiệm trong thực hiện thẩm quyền của mình. Họ cũng chưa kiểm tra, thanh tra chú trọng. Tinh thần phục vụ cũng như đạo đức công vụ của một số cán bộ công chức chưa làm hết trách nhiệm của mình. Một số chính sách trong một số lãnh vực quản lý xã hội chưa đồng bộ, còn chồng chéo.”
Chỉ thị 10 đã được ban hành với những nội dung nhằm ngăn chặn tình trạng gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Cụ thể chỉ thị 10 nêu rõ cần thực hiện cải cách hành chính và tăng cường công khai minh bạch trong các cơ quan hành chính, đổi mới công nghệ quản lý, khẩn trương rà soát những gì gây rườm rà.Tiếp theo nữa là nâng cao chất lượng đối thoại với doanh nghiệp. Trên cơ sở pháp luật sẽ công khai những địa điểm tiếp dân hoặc trên trang điện tử.
Chỉ thị 10 cũng yêu cầu công khai đường dây nóng, hộp thư để nghe doanh nghiệp và người dân nói về những việc gây phiền hà cho mình. Nếu có lỗi phải công khai xin lỗi doanh nghiệp, người dân. Những nơi thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp và người dân phải có sự giám sát bằng công nghệ thông tin như ghi âm, ghi hình và giám sát trực tuyến, thanh tra công vụ.
Tính hợp lý
Trong báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, những người bị luân chuyển ở vị trí thường tiếp xúc người dân, doanh nghiệp, có dư luận, biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, để tồn đọng nhiều hồ sơ hành chính - tư pháp; người làm kế toán, thủ quỹ, thanh tra xây dựng, đăng ký đất đai, địa chính - nhà đất, thủ kho, quản lý thị trường, thuế, hải quan, y tế, giáo dục.
Xác nhận tình trạng nhũng nhiễu trong các cơ quan tiếp dân hiện nay diễn ra một cách dày đặc, Blogger Nguyễn Ngọc Già tại Sài Gòn bày tỏ:
“Bất cứ ai, ngay bản thân tôi khi có việc buộc phải tiếp xúc cơ quan chính quyền của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thì luôn cảm thấy như một sự dị ứng, không muốn tiếp xúc mà buộc phải tiếp xúc để cho được việc của mình. Nên tình trạng đó làm cho người dân tôi quan sát và thấy được người dân chán ngán tột cùng khi buộc phải tiếp xúc với cơ quan công quyền.”
Tuy nhiên để giải quyết tình trạng này bằng cách thuyên chuyển công tác các cán bộ thì blogger Nguyễn Ngọc Già cho rằng phương án vừa nêu không đem lại hiệu quả nhất định:
“Theo ý kiến của tôi thì sự thay đổi đó, điều chuyển 2.200 người đó chỉ mang tính hình thức, không thay đổi về nội dung. Nếu chúng ta nhìn vấn đề bản chất và hiện tượng thì hiện tượng đó hoàn toàn không thể thay đổi bản chất của chế độ cộng sản. Nếu tham nhũng được diệt trừ đồng nghĩa với việc chế độ cộng sản độc đảng toàn trị sẽ bị tiêu diệt bởi vì nó là nguồn cội sinh ra tham nhũng.”
Dưới quan điểm cá nhân, Giám đốc một công ty bất động sản tại Sài Gòn cũng cho rằng việc điều chuyển công tác của những cán bộ sai phạm không giúp cải thiện tình hình tham nhũng. Anh đưa ra nguyên nhân:
“Giống như mua chức, chuyện chuyển công tác thì người mới lên cũng y chang vậy à.”
Vẫn theo lời anh này, hầu hết những vụ việc nhũng nhiễu ở các cơ quan tiếp dân chỉ mang tính chất tham nhũng vặt. Bên cạnh đó, vì tính chất công việc và ‘thói quen bôi trơn’ tại Việt Nam từ xưa đến nay nên nhiều khi công chức chưa kịp khơi mào thì các doanh nghiệp hoặc người dân đã tự gửi phong bì để giấy tờ được suôn sẻ, đặc biệt khi dính líu đến thuế:
“Thuế thì nhiều, ở Việt Nam ở đâu cũng có, hầu như 80-90%, trừ những công ty nước ngoài. Cái đó mình tự cho người ta để người ta vui vẻ giải quyết hồ sơ cho mình nhanh chứ không phải mình làm sai luật, chỉ để người ta giải quyết nhanh cho mình và nếu có sai thì báo cho mình.”
Trao đổi với RFA vào tối 1/6, một người trong bộ phận hải quan không muốn nêu tên trước đây đã từng làm ở sân bay Tân Sơn Nhất ví tình trạng nhũng nhiễu ở ngành hải quan như một ‘lệ làng’ có từ bao đời nay. Khi ông còn làm hải quan ở sân bay thì nhiều hành khách Việt lúc nhập cảnh đã tự kẹp tiền vào hộ chiếu để được cho qua nhanh chóng, hoặc khi bị xét hành lý cũng tự đề nghị ‘gửi tiền uống cà phê’ cho những người kiểm tra. Rõ ràng chính người dân đã góp phần cho tình trạng nhũng nhiễu có cơ hội phát triển.
Blogger Nguyễn Ngọc Già nhận định rằng tình trạng tham nhũng không chỉ xảy ra ở riêng Việt Nam, nhưng điểm khác nhau quan trọng nhất để khắc phục là chính phủ Hà Nội không có tư pháp độc lập.
“Các quốc gia khác cũng có tham nhũng, đó là chuyện đưng nhiên vì đã là con người chắc chắn đều có lòng tham. Nhưng các quốc gia khác có tư pháp độc lập nên giám sát, kiểm soát được và xử lý nghiêm.”
Vẫn theo Blogger Nguyễn Ngọc Già, việc thuyên chuyển công tác thật ra không thực sự giải quyết gốc rễ vấn đề vì mọi việc đâu vẫn vào đó do không thể thay đổi được bản chất của những cán bộ và hệ thống điều hành.