Việt Nam có thể trở thành nơi tiêu hủy rác của thế giới?

0:00 / 0:00

Vào những ngày cuối tháng 9, Văn phòng Chính phủ vừa giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) nghiên cứu đề xuất về giải pháp xuất trả phế liệu nhựa nhập khẩu theo hướng như các nước Malaysia, Philippines đã áp dụng.

Việt Nam nhận xử lý rác hộ

Đề xuất này yêu cầu các hãng tàu trong vòng 30 ngày phải chở rác phế liệu ra khỏi VN, nếu không số rác nhập sẽ được tiêu hủy tại VN.

Đề xuất này đang được dư luận lo ngại VN có nguy cơ trở thành nơi tiêu hủy rác của thế giới?

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng bộ tài nguyên môi trường nhận định với RFA hôm 30/9/2019:

Tôi không nhất trí tiếp nhận ở Việt Nam, rồi nếu không chở về thì ta tiêu hủy. Việt Nam tiêu hủy thì có nghĩa VN đang làm nhiệm vụ tiếp nhận rác trên thế giới và làm nhiệm vụ tiêu hủy thay.<br/>-GS Đặng Hùng Võ

“Tôi không nhất trí tiếp nhận ở Việt Nam, rồi nếu không chở về thì ta tiêu hủy. Việt Nam tiêu hủy thì có nghĩa VN đang làm nhiệm vụ tiếp nhận rác trên thế giới và làm nhiệm vụ tiêu hủy thay, cũng sẽ rất tốn kém. Chưa kể tiêu hủy rác đó sẽ ảnh hưởng môi trường chung của Việt Nam. Vì vậy tôi cho rằng, đề xuất đó mang tính tiêu cực, là nói nhẹ. Còn nói thẳng ra là chúng ta không thể áp dụng giải pháp này.”

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường ENTEC, kiêm Tổng Thư ký phụ trách văn phòng phía nam của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 30/9/2019 cho rằng, giải pháp tiêu hủy là giải pháp tình thế nhằm giải phóng rác thải phế liệu tồn đọng tại cảng:

“Vừa rồi, số containers rác nhập về không đủ điều kiện, không có chủ nhận, tồn đọng rất nhiều ở các cảng. Vì vậy Bộ TNMT đưa ra giải pháp để giải quyết tồn đọng ấy, một trong các giải pháp là đấu thầu làm nguyên liệu sản xuất, còn không làm được thì tiêu hủy… để giải phóng cảng.”

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, nếu tiêu hủy thì phải giao cơ sở đủ biện pháp bảo vệ môi trường, chứ không tiêu hủy bừa bãi được. Muốn không ô nhiễm môi trường thì phải có tiền, để thuê những đơn vị có điều kiện tiêu hủy. Chứ không thể tiêu hủy bằng cách đốt bừa bãi được.

Ngoài ra, về phương án thời hạn 30 ngày xử lý các lô hàng tồn đọng cũng gây nhiều tranh cãi. Theo quy định, đối với lô hàng phế liệu không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, hải quan có văn bản thông báo yêu cầu hãng tàu vận chuyển hàng hóa ra khỏi lãnh thổ VN trong 30 ngày.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, không đồng tình với thời hạn này:

“Tôi không nhất trí, tiền lưu kho 30 ngày ai sẽ trả, nhà nước VN trả hay doanh nghiệp trả hay thế nào? 30 ngày đó thì tiền lưu kho lưu bãi cũng không phải là nhỏ.”

Tuy nhiên Tiến sĩ Trịnh Thị Long, Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ Môi trường và Sinh thái, hôm 30/9, nói với RFA rằng, thời hạn 30 ngày đối với VN là hợp lý vì vướng mắc nhiều vấn đề về thủ tục:

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Với tất cả những thủ tục, giấy tờ của Việt Nam thì phải kéo dài đến một tháng mới giải quyết được, các nước khác thì họ làm nhanh. Còn nước mình thì thủ tục giấy tờ xác định người nhập, người chủ containers đấy… nhiều vấn đề về thủ tục. Nên không thể nhanh giống các nước được. Một tuần tống nó ra khỏi nước mình thì quá tốt rồi, nhưng mà mình- nghĩa Việt Nam không làm được như thế. Nên phải để một tháng, dĩ nhiên để một tháng thì sẽ ứ đọng, chiếm chỗ của hàng hóa khác, nhưng không còn cách nào khác.”

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ thì không tỏ vẻ lo lắng lắm, ông cho biết hướng giải quyết đem rác trả về nơi xuất xứ thì hiện nay chỉ là ý tưởng, chứ Việt Nam chưa quyết định hướng giải pháp đó, mà chỉ xem xét khả năng đó có khả thi hay không. Ông nói tiếp:

“Như tôi biết, vừa rồi 1 số quốc gia trả rác về cũng rất căng thẳng, thậm chí đe dọa cắt quan hệ ngoại giao mới trả được. Còn ở Việt Nam còn bị khai không rõ từ đâu nhập về, không rõ chủ nhập hàng… chính vì vậy, việc trả về nơi xuất xứ cũng khó.”

Kiên quyết trả rác về nơi xuất phát

Chính quyền Malaysia vào tháng 5 năm 2019 đã tuyên bố trả hơn 3.000 tấn phế liệu nhựa không tái chế cho các nước phát triển. Chính phủ nước này cho rằng, các nước phát triển phải có trách nhiệm với những thứ họ đã chuyển đi, và nêu đích danh ít nhất 14 quốc gia, trong đó có Bangladesh, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Canada, Úc, Anh...

Cũng trong tháng 5/2019, Philippines đã thuê một công ty vận tải tư nhân để gửi 69 container rác trở lại Canada và để chúng trong vùng lãnh hải của nước này nếu chính quyền sở tại từ chối chấp nhận.

Mới nhất là vào ngày 18/9/2019, Hải quan Indonesia thông báo cho biết đang lên kế hoạch gửi trả lại các containers chứa rác bị nhiễm chất thải độc hại về Úc.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, cho biết thêm:

Nhiều nước đã có chở rác quay lại nơi xuất phát, Việt Nam cũng cần yêu cầu mạnh mẽ hơn, giải pháp cương quyết hơn, tích cực hơn, như vậy mới loại bỏ được hoàn toàn tình trạng rác thải chở từ các nước công nghiệp phát triển sang các nước đang phát triển.<br/>-GS Đặng Hùng Võ

“Nhiều nước đã có chở rác quay lại nơi xuất phát, Việt Nam cũng cần yêu cầu mạnh mẽ hơn, giải pháp cương quyết hơn, tích cực hơn, như vậy mới loại bỏ được hoàn toàn tình trạng rác thải chở từ các nước công nghiệp phát triển sang các nước đang phát triển.”

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, quan hệ giữa hai nước không chỉ có thương mại, bên cạnh thương mại còn nhiều quan hệ khác nữa, nên có thể dùng các quan hệ khác để ép các nước đó chở rác quay lại. Theo GS Võ, ở đây là nói chung, còn từng nước thì tùy mức độ quan hệ có thể đưa ra các điều kiện khác nhau.

Ngoài ra theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, phải xử phạt rất nặng các doanh nghiệp VN đã ký hợp đồng nhập khẩu rác, yêu cầu các doanh nghiệp này cũng phải bỏ tiền ra để đóng góp vào việc chở rác quay trở lại nơi xuất phát.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan VN, đến hết tháng 6 năm 2019, cơ quan chức năng Việt Nam đã yêu cầu các hãng tàu vận chuyển ra khỏi lãnh thổ VN 503 container phế liệu, trong đó có 289 containers phế liệu nhựa, 106 containers phế liệu giấy, 98 containers phế liệu sắt thép…

Tính đến cuối tháng 7 năm 2019, phế liệu tồn đọng tại các cảng biển trên toàn lãnh thổ Việt Nam là 11.500 containers, trong đó lượng phế liệu tồn đọng trên 90 ngày khoảng 7.250 containers.