Kinh tế Việt Nam 2020 vẫn lạc quan trong dịch bệnh coronavirus?

RFA
2020.02.07
NQH01009.jpg Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020, ngày 05/02/2020.
Courtesy: VGP News

Kinh tế bị tác động bởi coronavirus

Một dự báo được đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020, diễn ra hôm 5/2 là theo nghiên cứu và ước tính ban đầu thì tăng trưởng GDP của Việt Nam trong Quý I/2020 có thể giảm 1% và kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục ảnh hưởng nếu như kinh tế Trung Quốc giảm sâu.

Trung Quốc là quốc gia mà dịch virus corona chủng mới bùng phát tại thành phố Vũ Hán. Số người nhiễm và tử vong do virus corona được cơ quan chức năng báo cáo tăng hằng ngày.

Việt Nam vào ngày 31/1 đã tuyên bố bị dịch bệnh virus corona. Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn là cơ quan đầu tiên lên tiếng về mặt kinh tế phải gánh chịu do tác động của dịch virus corona gây nên.

Ngành Du lịch Việt Nam cũng được nói phải đối mặt với thiệt hại lên tới 7,7 tỷ đô la Mỹ vì dịch bệnh do virus corona lây lan hiện nay.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, vào tối ngày 7/2 cho RFA biết ghi nhận của ông về ảnh hưởng của dịch bệnh virus corona lên kinh tế Việt Nam:

Muốn giữ được mục tiêu tăng trưởng như Thủ tướng nói thì đòi hỏi phải có một nỗ lực rất cao và phải tìm kiếm thêm thị trường mới cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam và phải vận dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

“Dịch viêm phổi virus corona đang ảnh hưởng rất tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Bởi vì Trung Quốc là một thị trường xuất khẩu chiếm đến 28-30% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam và Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều phụ tùng, nguyên liệu cho ngành dệt may và cho các bộ phận khác. Cho nên kinh tế Trung Quốc bây giờ gặp khó khăn. Việc xuất khẩu cũng được kiểm tra chặt chẽ hơn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam. Thứ hai nữa, với du khách Trung Quốc chiếm đến 36% tổng khách du lịch từ Trung Quốc vào Việt Nam. Cho nên ngành du lịch cũng như dịch vụ khách sạn cũng sẽ bị ảnh hưởng.”

“Phản ứng nhanh về kinh tế”

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020 cho biết Bộ Kế hoạch-Đầu tư báo cáo kịch bản tăng trưởng kinh tế trong đó tính tới ảnh hưởng bởi dịch coronavirus cho thấy Quý I/2020 sẽ tăng 6,27% nếu như khống chế được dịch trong Quý I. Và nếu khống chế được dịch trong Quý II thì tăng trưởng kinh tế được dự báo ở mức 6,09%. Hai tỷ lệ tăng trưởng kinh tế vừa nêu đều thấp hơn chỉ tiêu 6,8% của Quốc hội đưa ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong phiên họp nhấn mạnh rằng “phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh corona gây ra”. Ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng “không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng”; đồng thời giữ các chỉ tiêu vĩ mô, nhất là lạm phát, tỷ giá và xuất khẩu.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tuyên bố cần “tái cơ cấu lại sản xuất tiêu dùng, tín dụng để tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội theo kịch bản mới, chủ động tìm kiếm thị trường” và “chỉ đạo mạnh mẽ phát động nhân dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh phát triển, không được ngành nào dừng lại”.

Hình minh họa. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn mặc đồ bảo hộ vào khu vực cách ly bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh hôm 23/1/2020
Hình minh họa. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn mặc đồ bảo hộ vào khu vực cách ly bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh hôm 23/1/2020
AFP
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng chỉ đạo “phản ứng nhanh về kinh tế” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải chú trọng vào các yếu tố:

“Muốn giữ được mục tiêu tăng trưởng như Thủ tướng nói thì đòi hỏi phải có một nỗ lực rất cao và phải tìm kiếm thêm thị trường mới cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam và phải vận dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.”

Các đề xuất của chuyên gia kinh tế

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế-tài chính độc lập đưa ra nhận định của ông với RFA rằng nếu như dịch bệnh coronavirus có kiểm soát trong vòng tháng 2 thì nền kinh tế thế giới sẽ trở lại bình thường và Việt Nam qua những hiệp định thương mại sẽ tiếp tục phát triển ngoại thương. Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ trong tháng 2 ảnh hưởng cả thế giới thì lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam đều bị tác động mạnh. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh những việc mà Chính phủ Việt Nam cần phải làm là:

“Trước nhất là chính phủ nên đi tìm những thị trường khác ngoài Trung Quốc để có thể bán nông sản của mình, có thể thay thế thị trường Trung Quốc. Điều thứ hai quan trọng là tất cả thông tin về dịch bệnh cần chính xác và minh bạch để tất cả mọi người trong nền kinh tế biết được dịch bệnh đang tác động thế nào ở Việt Nam cũng như trên thế giới, từ đó các nhà kinh doanh có phương án đối phó với dịch bệnh. Điều thứ ba tất cả chính sách tiền tệ cần phải có sự hỗ trợ nông nghiệp một cách mạnh mẽ hơn chẳng hạn cho vay lãi xuất thấp, dồn lực vào vấn đề hỗ trợ nhà nông, nông nghiệp để vượt qua khó khăn trong lúc này.”

Sau cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh ở Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư thêm ra các nước khác để đa dạng hoá danh mục đầu tư phòng ngừa rủi ro. Việt Nam nếu kiểm soát dịch bệnh tốt, cải thiện môi trường đầu tư, hạ tầng, thuế và cung cấp thêm nhân công có trình độ tay nghề thì sẽ trở thành một điểm đến cho các nhà đầu tư này
-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ qua trao đổi với RFA cho rằng khi Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy, hải sản thì cần phải “thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nuôi trồng và chế biến thực phẩm chất lượng cao, đa dạng hoá các sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển”.

Qua ứng dụng messenger, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ còn lưu ý:

Hiện nay đang có một phong trào du lịch nghỉ hưu dành cho người đến tuổi nghỉ hưu ở Mỹ và phương Tây muốn tìm một nơi thoải mái và rẻ tiền để sống lâu dài lúc về hưu. Làn sóng người nghỉ hưu này đã tìm đến Nam Mỹ, các nước Nam Âu, Thái Lan và Malaysia. Nếu Việt Nam cải thiện các điều kiện xin visa sống lâu dài, bảo đảm quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài, miễn thuế đối với các thu nhập có nguồn gốc ở nước ngoài, và cải thiện hệ thống y tế sẽ khuyến khích nhiều người Âu, Mỹ chọn nghỉ hưu ở Việt Nam. Họ sẽ là những khách du lịch dài hạn, thậm chí trong nhiều trường hợp trở thành những nhà đầu tư. Làm được vậy sẽ giúp ngành du lịch đa dạng hoá nguồn khách du lịch, bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, tăng nguồn thu ngoại tệ, kích thích đầu tư trong nước.

Một yêu tố khác Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ còn đề cập đến là :

Sau cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh ở Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư thêm ra các nước khác để đa dạng hoá danh mục đầu tư phòng ngừa rủi ro. Việt Nam nếu kiểm soát dịch bệnh tốt, cải thiện môi trường đầu tư, hạ tầng, thuế và cung cấp thêm nhân công có trình độ tay nghề thì sẽ trở thành một điểm đến cho các nhà đầu tư này.”

Trong khi đó, dự báo về những triển vọng và rủi ro kinh tế trong năm 2020, Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, nhắc lại cảnh báo của giới chuyên gia kinh tế về hai nhược điểm của Việt Nam là quá lệ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa khẳng định rằng Chính phủ Việt Nam cần đổi mới hơn nữa và phải chú trọng nhiều hơn đến thành phần tư doanh vì đó mới là nội lực thật của kinh tế quốc gia.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.