Ngày Dân Số Thế Giới 2011

Ngày 11/07 hàng năm được chọn là Ngày Dân số Thế giới.

Đây là dịp để mỗi quốc gia và cả nhân loại nhìn lại những nỗ lực của mình trong việc kiểm soát sự phát triển dân số, từ đó tiếp tục đề xuất các chính sách, giải pháp hữu hiệu để thực hiện mục tiêu dân số và phát triển trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia, cũng như trên phạm vi toàn cầu.

Thế giới 7 tỉ người

china-population-200.jpg
Hàng ngàn người kéo đến một hội chợ việc làm tại Tây An ngày 04 tháng ba năm 2005. Dân số đô thị của Trung Quốc được dự đoán sẽ đạt 1,1 tỷ người vào năm 2050. AFP PHOTO.

Chủ đề của Ngày Dân số Thế giới 2011 là "Thế giới 7 tỉ người". Vấn đề này sẽ đặt ra nhiều thách thức cho các nhà hoạch định chính sách trong việc đảm bảo nguồn lương thực, cung ứng dịch vụ và các mục tiêu an sinh xã hội.

Ngày Dân số Thế giới năm nay, Quỹ Dân số của Liên Hiệp Quốc đưa ra các thông điệp hướng sự chú ý của toàn thế giới tới các vấn đề chính như, giảm đói nghèo và xóa bỏ mọi bất bình đẳng về giới vì chúng sẽ góp phần làm chậm tốc độ tăng trưởng dân số. Quỹ Dân số Thế giới cũng kêu gọi các gia đình nên có kế hoạch trước khi sinh con, để đảm bảo rằng mỗi trẻ em sinh ra đều được mong đợi, mỗi ca sinh đẻ đều được an toàn, điều này giúp mang lại quy mô các gia đình nhỏ và khỏe mạnh hơn. Việc này sẽ góp phần xây dựng một hành tinh khoẻ mạnh.

Thách thức lương thực

Nhân khẩu tăng thì nguồn thực phẩm cũng phải tăng. Do vậy vấn đề cung ứng lương thực cho số dân 7 tỉ hoặc hơn 7 tỉ là điều quan trọng hàng đầu. Bà Danielle Nierenberg, Giám Đốc Chương trình "Nuôi sống Hành tinh" của tổ chức Worldwatch đưa ra nhận định:

Sự gia tăng dân số đặt ra nhiều thách thức vì nguồn tài nguyên có hạn. <br/>

Bà Danielle Nierenberg

“Theo kết quả tổng điều tra dân số của Tổ chức Quỹ Dân số của Liên Hiệp Quốc, UNFPA (United Nation Population Fund) ước tính đến tháng Mười này trên hành tinh sẽ có khoảng 7 tỉ người. Sự gia tăng dân số đặt ra nhiều thách thức vì nguồn tài nguyên có hạn. Trước tiên là làm thế nào để đảm bảo đủ lương thực cho số dân mới được sinh ra. Tổ chức Dân số của Liên Hiệp Quốc ước tính trên thế giới có khoảng một tỉ người lâm vào tình trạng thiếu lương thực, có nghĩa là mỗi ngày trên hành tinh cứ 7 người này, sẽ có một người thiếu ăn."

Trong khi đó các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, trên thế giới hiện nay nguồn nước, diện tích đất canh tác, và tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt. Thêm vào đó vấn đề biến đổi khí hậu cũng tác động đến môi trường làm ảnh hưởng nền sản xuất nông nghiệp. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để khắc phục tình trạng này để giải quyết vấn đề lương thực cho số lượng dân số ngày càng tăng.

Nuôi dưỡng Hành tinh

Theo bà Danielle Nierenberg, giải pháp cho vấn đề này là phải đề ra kế hoạch phát triển bền vững trong nông nghiệp, áp dụng những kỷ thuật canh tác hiện đại, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ hài hòa với tự nhiên. Vừa gia tăng sản lượng công nghiệp vừa bảo vệ môi trường. Vì nhân khẩu tăng thì tất nhiên cũng đòi hỏi cần phải có nhiều lương thực hơn. Bà nói:

“Để có thể nuôi sống con người trên hành tinh này trong điều kiện như vậy. Người ta cần được hướng dẫn nên sử dụng nước như thế nào cho tiết kiệm nhất, làm thế nào để duy trì và tăng cường sự mầu mỡ cho đất canh tác. Nên phát triển trồng trọt ở thành thị. Đồng thời có một chiến lược kết hợp hài hòa nông-lâm nghiệp, bảo vệ rừng vì đó là nơi cung cấp nguồn nước thiên nhiên và phân bón tự nhiên. Nông dân có thể sử dụng nguồn phân hữu cơ từ lá cây mục thay vì dùng phân hóa học.”

danielle-nierenberg-250.jpg
Bà Danielle Nierenberg (mặc áo đen) trong chuyến viếng thăm Nhóm Phụ nữ Abooman ở Patang, Ghana. Photo courtesy Bernard Pollack/Nourishing the Planet.

Bà Danielle Nierenberg và nhóm chuyên gia của Chương trình "Nuôi sống Hành tinh" đã đến 25 quốc gia thuộc Tiểu vùng Sahara nghiên cứu và làm việc với các chuyên gia nông nghiệp và nhà nông ở đây để tìm ra những biện pháp phát triển nông nghiệp bền vững ngỏ hầu cung cấp đủ nguồn lương thực cho toàn cầu. Đối với các nước nông nghiệp đang phát triển và có dân số đông như Việt Nam, những biện pháp này là hoàn toàn khả thi và có thể áp dụng được. Giám đốc Chương trình "Nuôi sống Hành tinh" cho biết bà dự định sẽ đến thăm Việt Nam và một số nước châu Á vào tháng Chín tới đây để tiếp xúc với nông dân, các nhà nông học và các cơ quan khuyến nông địa phương. Bà Danielle Nierenberg nói:

“Nhóm nghiên cứu chúng tôi đề ra nhiều biện pháp cải tiến trong nông nghiệp không chỉ để thực hiện ở châu Phi, mà còn có thể áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, kể cả các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ví dụ như việc kết hợp giữa nông-lâm nghiệp, xây dựng và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp ở thành thị, dưới dạng các nông trang trồng trọt. Hướng dẫn cho nhà nông áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến. Tôi cho rằng những điều hữu ích cho nông dân ở Somali cũng không khác mấy so với nông dân ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng các bạn Việt Nam có thể tham khảo những biện pháp mà nhóm nghiên cứu đề ra trong Báo cáo “Tình trạng Thế giới 2011: Những Cải tiến giúp Nuôi sống Hành tinh” (State of the World: Innovations that Nourish the Planet” vừa mới được công bố. Các bạn cũng có thể truy cập trên Website của chúng tôi www.NourishingthePlanet.org.”

Nhóm nghiên cứu chúng tôi đề ra nhiều biện pháp cải tiến trong nông nghiệp không chỉ để thực hiện ở châu Phi, mà còn có thể áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, kể cả các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Bà Danielle Nierenberg

Ngoài ra, vấn đề gia tăng dân số cũng đưa đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác cho đời sống con người. Đề cập đến thách thức về ô nhiễm môi trường do mật độ dân số quá cao ở những nước đông dân đang phát triển như Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi, Phó Viện Trưởng Viện Xã hội học Việt Nam nhận định:

“Tôi nghĩ vấn đề lo ngại nhất là việc hủy hoại môi trường, sự phát triển với giá phải trả là làm suy thoái môi trường. Vấn đề này có thể để lại những hậu quả rất nghiêm trọng về lâu về dài. Hậu quả nghiêm trọng có thể xuất phát từ mật độ dân số quá cao. Tôi cho đấy là một thách đố rất quan trọng gắn liền với vấn đề gia tăng dân số.”

Đội ngũ dân số đông với lực lượng lao động trẻ là một tiềm năng cho sự phát triển kinh tế, nhưng bên cạnh đó nổi lên nhiều thách thức to lớn, trước tiên là vấn đề lương thực và những phúc lợi an sinh xã hội.

Theo dòng thời sự: