Vì sao lại coi thường hành động yêu nước?
2011.08.19
Cảnh báo chủ trương mackeno
Thực trạng đó khiến những người có tâm huyết với quê hương bắt đầu cảnh báo về chủ trương mackeno – tức mặc kệ nó, hay thậm chí thái độ vô cảm trước vận nước đang lâm nguy. Thực chất vấn đề có thể ra sao? Thanh Quang trình bày về diễn biến này, mời quý vị theo dõi sau đây:
Giữa lúc TQ ngày càng gia tăng hành động gây hấn, xâm lấn táo bạo ở Biển Đông mà chủ yếu đưa VN vào thế “hứng mũi chịu sào”, cùng nhiều mưu chước khống chế khác trên quê hương VN trước sự nhân nhượng quy lụy Phương Bắc của Hà Nội nhưng lại nặng tay với người dân Việt yêu nước, thì, sau “cú đạp lịch sử”, Hà Nội 2 Chủ Nhật vừa qua chứng kiến cuộc biểu tình khá suôn sẻ trong khi Saigòn chỉ “nắng nhẹ và…hết!”, nói theo lời cư dân mạng X.O. Còn các tỉnh thành khác thì vẫn im lìm.
Nói chung lòng ái quốc của người dân trong nước hiện nay một mặt bị giới cầm quyền kìm chế chặt chẽ, mặt khác, sự bày tỏ lòng ái quốc ấy xem chừng như chưa có nhiều khí thế đều khắp, khiến gần đây xuất hiện những ý kiến “phán” rằng “biểu tình lai rai thì đi đến đâu ?”, “biểu tình chỉ mãi trên vỉa hè hay sao ?”, “biểu tình lần sau ít hơn lần trước”…
Cho dù thực trạng ra sao, TS Phan Văn Song, cựu Giảng viên về Luật và Chính trị học tại Đại học Poitier miền Nam nước Pháp cũng không khỏi không phân vân:
Có phải vì điều kiện chưa đủ để người dân phá vỡ bức tường sợ hải đó hay là do lòng dân VN quá kiên nhẫn?
TS Phan Văn Song
“Tôi hoàn toàn không hiểu tại sao tới ngày hôm nay, dân VN – và cả dân TQ nữa – sao không thấy “nhúc nhích”. Có phải vì điều kiện chưa đủ để người dân phá vỡ bức tường sợ hải đó hay là do lòng dân VN quá kiên nhẫn? Nhưng tôi e rằng chữ “nhẫn” một ngày nào đó sẽ đi với chữ thứ hai, đó là chữ “nhục” đó chăng!”
Theo nhà dân chủ Phạm Hồng Sơn ở Hà Nội thì trong xã hội VN hiện nay, ngày càng xảy ra nhiều hiện tượng cho thấy “cái ác lên ngôi” và hoành hành khắp mọi nẽo đường quê hương, hành hạ người dân lương thiện. Nhưng, nhà dân chủ Phạm Hồng Sơn nhận thấy, “ có lẽ điều nguy hiểm nhất hiện nay của xã hội Việt Nam không phải là sự lên ngôi của cái ác mà là sự e ngại, băn khoăn, tự tách rời, xa cách giữa người Việt Nam chúng ta – những người bị trị. Vì hàng nghìn năm qua, lịch sử loài người luôn nhắc rằng thủ đoạn chính của mọi kẻ áp bức bao giờ cũng là “chia rẽ”: “chia để trị” hay “chia để thôn tính”, dù là kẻ áp bức nội tộc hay ngoại bang”.
Khi nhắc tới bạo chúa khai mở Đế chế Trung Quốc, là Tần Thủy Hoàng, người ta thường liên tưởng tới lối cai trị khắc nghiệt của ông ta, kể cả việc “đốt sách chôn nho”, nhưng qua bài “Cám ơn lòng can đảm”, tác giả Vũ Đông Hà nhấn mạnh rằng tội ác lớn nhất của 1 triều đại không hẳn là đốt sách, giết người hay làm cho đất nước nghèo khó, mà “làm cho cả một dân tộc trở nên hèn nhát, ích kỷ và mê muội”.
Mặc dù quê hương VN ngày nay đã mất mát quá nhiều về tay Bắc Phương so với giang san gấm vóc thoạt đầu mà tổ tiên để lại: Mất từ Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, Hoàng Sa, một phần Trường Sa cho tới nguy cơ mất cả phần Biển Đông của VN, nhưng, theo tác giả Vũ Đông Hà, thế hệ ngày nay đã mất đi nhiều thứ tủi nhục hơn, kể cả lòng can đảm, ý chí hy sinh, thậm chí vận mạng đất nước – thật ra là những thứ mà thế hệ ngày nay không có ngay từ thuở lọt lòng!
Nhưng GS Phan Văn Song vẫn vững tin:
“Yếu tố tự ái dân tộc góp phần phá tan bức tường sợ hải đối với giới cầm quyền. Sự kìm kẹp của nhà cầm quyền VN lại càng làm nổ tung tất cả.”
Bàn tay sắt bọc nhung
Bây giờ chính tập thể độc tài này đang sợ nhân dân. Nhân dân VN có đặc điểm là khi “gần chết” mới nổi giận. Lịch sử chứng minh như thế.
GS Trần Khuê
Cách đây không lâu, khi “Hương Lài” lan tỏa nhanh chóng và mạnh mẽ ở Bắc Phi và Trung Đông, thậm chí có dấu hiệu tỏa tới Á Châu, tác giả Lê Minh từ Úc Châu cũng lưu ý rằng “Nỗi lo sợ trong mỗi con người là điều tự nhiên, nhưng ở một thời điểm nào đó khi áp bức bất công dồn người dân thấp cổ bé họng đến đường cùng rồi thì sự giận dữ bung trào ra như một cái lò xo, không có gì có thể ngăn cản nổi”.
Nhà bất đồng chính kiến Tạ Phong Tần ở Saigòn khẳng định rằng:
“Bằng vào những biến động hiện nay đang xảy ra trên thế giới, chính phủ những quốc gia đang thống trị người dân bằng bạo lực, đàn áp, độc tài, tham nhũng, mất dân chủ cũng đang run sợ trước viễn cảnh những người dân ngày thường luôn bị xem là thấp cổ bé miệng, luôn bị đối xử bằng dùi cui, còng sắt, cướp đoạt, nhà tù đã không còn chịu nhẫn nhục cúi đầu mà họ sẽ thể hiện quyền lực mình”.
Theo GS Trần Khuê, ngừơi dân VN thực ra không sợ nhà cầm quyền độc tài tham nhũng hiện giờ vì lịch sử đã nhiều lần chứng minh như vậy. Giáo sư Trần Khuê nhận xét:
“Bây giờ chính tập thể độc tài này đang sợ nhân dân. Nhân dân VN có đặc điểm là khi “gần chết” mới nổi giận. Lịch sử chứng minh như thế. Mà đã nổi giận thì phong kiến, thực dân, đế quốc đều “bay” hết. Đám độc tài, tham nhũng ở VN hiện nay trước sau gì cũng bay thôi. Vấn đề chỉ là thời gian. Đừng nói nhân dân này sợ. Người ta tưởng họ sợ chứ không phải vậy đâu. Khi đứng trước cả 1 siêu cường Nguyên Mông, họ vẫn thản nhiên; đứng trước đại cường Pháp, họ chỉ có dao găm, mã tấu với gậy tầm vong cũng thản nhiên như không; đứng trước siêu cường Mỹ cũng thản nhiên. Ôi! một dân tộc Thiền lạ lắm. Từ phong kiến, thực dân, đế quốc rồi giờ đến tham nhũng độc tài. Tất cả sớm muộn gì đều cũng “bay” hết trước dân tộc này.”
Trong tình cảnh hiện nay, nhiều người tin rằng người dân Việt yêu nước bằng lương tâm và tự phát bằng bản năng của tổ tiên đang bị Hà Nội lợi dụng và lèo lái vào việc mặc cả với Bắc Kinh cho sự sống còn về quyền lực và quyền lợi của đảng và nhà nước.
GS Phan Văn Song lưu ý rằng người trong cuộc ai cũng đều thấy lối “vừa đánh vừa đàm” của nhà cầm quyền. Nhưng vấn đề là chế độ này có tồn tại được lâu hay không. Vì hôm nay, dân tộc VN đang ráo riết đòi tự do giữa lúc khủng hoảng kinh tế, nguyên nhiên liệu, vật giá, nạn lạm phát gia tăng phi mã… Không biết giới cầm quyền VN có phép mầu nào mà giữ mãi người dân bằng bàn tay sắt bọc nhung của họ không?