Đại học Loyola Chicago mở văn phòng tại Việt Nam

Trường Công giáo nổi tiếng nhất Hoa Kỳ, Đại học Loyola ở thành phố Chicago, trở thành đại học Công giáo Mỹ đầu tiên mở văn phòng đại diện tại Việt Nam trong kế hoạch hợp tác giáo dục giữa hai quốc gia.
Trà Mi, phóng viên đài RFA
2009.04.19
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
Một trong nhiều phân khu của đại học Loyala tại Chicago Một trong nhiều phân khu của đại học Loyala tại Chicago
Photo courtesy Loyola University website

Trong cuộc trao đổi với Trà Mi, Tiến sĩ Patrick Boyle, Phó Hiệu trưởng đại học Loyola Chicago, là người đại diện cho trường trong các cuộc tiếp xúc và làm việc với phía Việt Nam, cho biết thêm chi tiết:

TS Patrick Boyle: Văn phòng đặt tại trung tâm thành phố HCM, tại số 6 Bis đường Tôn Đức Thắng, quận nhất. Nó được xem là một văn phòng đại diện, không phải là một trường học, chỉ đơn thuần là một văn phòng chứng tỏ sự hiện diện và hoạt động chính thức của chúng tôi tại Việt Nam.

Trà Mi: Là một trường đại học Công giáo, trường Loyola Chicago có gặp khó khăn, trở ngại gì không trong việc mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, thưa ông?

TS Patrick Boyle: Thành thật mà nói thì việc này tương đối tốn thời gian nhưng cũng không mấy trở ngại. Giới chức Việt Nam rất cộng tác với chúng tôi. Chính họ mở lời đề nghị với chúng tôi về việc này.

Năm 2007 chúng tôi được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam mời đến thăm nước này, và họ đề nghị chúng tôi hợp tác trong lĩnh vực đào tạo ESL cho các sinh viên ngành y.

TS Patrick Boyle

Dự án thí điểm

Trà Mi: Xin ông giới thiệu thêm về các dự án đang nằm trong kế hoạch hợp tác giáo dục giữa đại học Loyola Chicago với Việt Nam.

TS Patrick Boyle: Chúng tôi hiện khởi động 3 chương trình thí điểm tại Việt Nam.

Thứ nhất là chương trình cho sinh viên Mỹ đến Việt Nam học 1 tháng về nhân chủng học Việt Nam, sau đó có các sinh hoạt phục vụ cộng đồng vài tuần tại các trường tiểu học hay trại mồ côi để học hỏi và đi thực tế xã hội Việt Nam. Chương trình này bắt đầu từ cuối tháng năm và kết thúc vào cuối tháng sáu tới đây.

Dự án thứ hai mà chúng tôi sẽ thực hiện là dạy ESL, tức tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, cho các sinh viên trường Đại học Y Hà Nội. Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận với trường Đại học Y Hà Nội về việc phát triển một chương trình giúp các sinh viên ngành y nâng cao khả năng Anh ngữ để họ có thể tiếp cận với các tài liệu tham khảo và nghiên cứu của nước ngoài nhằm nâng cao nghiệp vụ.

Dự án thứ ba hiện vẫn đang nằm trong vòng bàn thảo giữa đôi bên. Chúng tôi đã thảo luận với đại diện Đại học Quốc gia TPHCM về công tác đào tạo hành chánh cho giới chức lãnh đạo tại các đại học. Chúng tôi sẽ gặp nhau trong thời gian tới để cụ thể hóa kế hoạch của chương trình này. Chúng tôi dự định giúp Việt Nam mở các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề hỗ trợ những người điều hành các đại học tại Việt Nam hoạch định ngân sách, chiến lược, và quản lý các trường đại học. Đây có thể là một dự án hợp tác chung giữa chúng tôi với các đồng nghiệp Việt Nam.

Mục tiêu của tất cả các dự án này là tạo điều kiện cho đội ngũ nhân lực trong ngành giáo dục hai nước chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn. Năm 2007 chúng tôi được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam mời đến thăm nước này, và họ đề nghị chúng tôi hợp tác trong lĩnh vực đào tạo ESL cho các sinh viên ngành y. Ngược lại, chúng tôi cũng bày tỏ mong muốn có cơ hội đưa sinh viên Mỹ đến Việt Nam đi thực tế và học tập ngắn hạn.

Trà Mi: Khi nào thì các khóa đào tạo tiếng Anh ESL cho sinh viên trường Đại học Y Hà Nội sẽ chính thức được tiến hành, thưa ông?

TS Patrick Boyle: Chúng tôi sẽ tiến hành chương trình thí điểm vào tháng 7 tới đây.

Trà Mi: Trước đây, đại học Loyola Chicago từng có các kế hoạch tương tự hoặc các hoạt động hợp tác với Bộ giáo dục và Đào tạo Việt Nam chưa, thưa ông?

TS Patrick Boyle: Không, chúng tôi có một sinh viên Việt Nam đang theo học tại đại học Loyola Chicago cũng như có nhiều mối liên hệ và bạn bè ở Việt Nam nhưng đây là sự thỏa thuận chính thức đầu tiên giữa chúng tôi với Bộ giáo dục Đào tạo Việt Nam.

Trà Mi: Bên cạnh việc nhận lời mời của phía Việt Nam, còn lý do nào khác khiến đại học Loyola Chicago quyết định có các hoạt động tại Việt Nam, ngoài Italy và Trung Quốc?

TS Patrick Boyle: Khi chúng tôi được mời tới Việt Nam vào hè năm 2007, chúng tôi rất ấn tượng với cách tiếp đón nồng hậu và mong mỏi cải tiến giáo dục của mọi người từ giới chức trong ngành đến những cá nhân mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, tiếp xúc ở đó. Khi trở về Chicago, chúng tôi bàn bạc với nhau về các phương cách có thể giúp Việt Nam trong ý hướng ấy. Mọi việc tiến triển rất tự nhiên, và chúng tôi nhận thấy rằng có nhiều cơ hội cho các hoạt động giúp Việt Nam phát triển.

Các công trình nghiên cứu và tài liệu tham khảo trên thế giới ngày nay đều bằng tiếng Anh. Cho nên, giúp họ nâng cao khả năng Anh ngữ cũng chính là mở ra cho họ cơ hội tiếp cận cần thiết ấy, và giúp họ tiến tới các tiêu chuẩn quốc tế.

TS Patrick Boyle

Sinh viên VN cần nâng cao khả năng Anh ngữ

Trà Mi: Ông nhận xét như thế nào về công tác giáo dục đại học và sau đại học ở Việt Nam, cụ thể về chất lựơng và tiêu chuẩn, thưa ông?

TS Patrick Boyle: Theo tôi, đó là một hệ thống nhiều tiềm năng. Việt Nam có nhiều trường, chất lượng và mức độ phát triển cũng khác nhau, nhưng có một điểm chung kết nối tất cả chính là mong muốn cải tiến nền giáo dục. Người dân Việt Nam nhận thức rõ rằng một nền giáo dục chất lượng cao là yếu tố quan trọng cho sự phát triển quốc gia, về mọi mặt từ kinh tế đến xã hội.

Trà Mi: Chính phủ Việt Nam đang muốn nâng cấp hệ thống giáo dục đại học và sau đại học lên tiêu chuẩn quốc tế. Theo ông, những yếu tố nào Việt Nam cần được ưu tiên cân nhắc để hoàn thành mục tiêu đó?

TS Patrick Boyle: Điều cần làm để tiến tới các tiêu chuẩn quốc tế về giáo dục trước tiên là cần phải đào tạo có một đội ngũ những nhà sư phạm và sinh viên có năng lực cạnh tranh và khả năng tương tác thành công với các đồng nghiệp ở các nước khác trên thế giới. Đó cũng chính là trọng tâm mà chúng tôi muốn hợp tác và giúp đỡ Việt Nam. Vì vậy, chương trình đào tạo tiếng Anh ESL của chúng tôi dành cho sinh viên của trường Đại học Y Hà Nội nhắm tới việc tạo điều kiện cho họ có khả năng tiếp cận với các thành quả kỹ thuật và nghiên cứu của thế giới, hỗ trợ khả năng tương tác của họ với quốc tế, thay vì đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho họ. Rõ ràng các công trình nghiên cứu và tài liệu tham khảo trên thế giới ngày nay đều bằng tiếng Anh. Cho nên, giúp họ nâng cao khả năng Anh ngữ cũng chính là mở ra cho họ cơ hội tiếp cận cần thiết ấy, và giúp họ tiến tới các tiêu chuẩn quốc tế.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Patrick Boyle đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.

Tiến sĩ Patrick Boyle hiện là Phó Hiệu Trưởng của đại học Công giáo Loyola Chicago ở Hoa Kỳ. Ông phụ trách lĩnh vực quan hệ quốc tế, phát triển quan hệ đối tác của trường trên thế giới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.