Hy vọng cân bằng kinh tế Hoa Kỳ và thế giới

Tổng thống Barack Obama hy vọng đạt được thỏa hiệp tiết giảm mức chênh lệch cán cân thương mại Hoa Kỳ và thế giới tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Seoul.

Liệu có thành sự thật?

Một số viên chức cao cấp của Washington hôm thứ năm cho biết họ sắp hoàn thành một thỏa hiệp để giảm mức chênh lệch cán cân thương mại khổng lồ. Đó là một bước trong kế hoạch xoa dịu sự xung khắc giữa các nền kinh tế hùng mạnh nhất trên thế giới, liên quan đến thương mại, tiền tệ và chính sách tiền tệ quốc tế.

Bộ trưởng bộ ngân khố Hoa Kỳ Timothy Geithner nói ông tin rằng nhóm quốc gia G-20 nhóm họp tại Seoul hôm nay sẽ chấp nhận một công thức mới để tiết giảm mức chênh lệch quá đáng đó. Bộ trưởng Geithner vẫn tỏ ra hy vọng mặc dù Trung Quốc và Đức cùng một số nước khác vẫn chỉ trích đề nghị của Hoa Kỳ về việc đặt ra giới hạn cụ thể cho mức chênh lệch cán cân thương mại.

Trên đường từ Singapore tới Seoul dự hội nghị thượng đỉnh G-20, ông Geithner nói với báo chí rằng mức độ bất đồng giữa các nước chỉ là được thổi phồng. Ông nói vẫn dự kiến là khung làm việc cho sự hợp tác do các bộ trưởng tài chính thảo hoạch cách nay hai tuần sẽ được ủng hộ rộng rãi.

Một viên chức cao cấp khác của Washington tuyên bố tại Seoul rằng dự thảo thông cáo chung đang được các nước G-20 xem xét không đặt ra mục tiêu cụ thể của việc tiết giảm mức chênh lệch về mậu dịch như mong muốn. Tuy nhiên các nước dẫn đầu về kinh tế có thể chấp nhận một kế hoạch biểu thị những hướng dẫn để lập ra tiêu chuẩn chung cho việc lượng định xem chính sách của quốc gia gây ảnh hưởng ra sao cho cán cân thương mại.

Người ta ưa nghĩ đến việc nâng mức tiêu thụ để kích thích sản xuất, với hậu quả là lại gia tăng sự vay mượn và nâng cao bội chi ngân sách.

Nhà TV KT Nguyễn Xuân Nghĩa

Cùng lúc, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gửi thư cho các nhà lãnh đạo quốc gia dự hội nghị G-20, hôm thứ tư, kêu gọi sự bình tĩnh, đồng thời ngỏ ý cầu mong các nước hãy dịch chuyển nhu cầu kinh tế thế giới khỏi sự phụ thuộc mang tính cách lịch sử vào sức tiêu thụ của Hoa Kỳ, cũng như mức vay mượn của xứ Mỹ.

Tổng thống Obama viết: Nay các nước đều nhận thức rằng nền tảng của một sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ và bền vững và cân bằng không thể trở thành hiện thực nếu các gia đình Mỹ ngưng tiết kiệm và trở lại tập tục tiêu xài dựa trên vay mượn. Nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa giải thích điều này như sau:

"Kinh tế Mỹ một năm sản xuất ra hơn 14 ngàn tỷ Mỹ kim, trong số này tiêu thụ chiếm đến 70% và khi sản xuất đình đọng, người ta ưa nghĩ đến việc nâng mức tiêu thụ để kích thích sản xuất, với hậu quả là lại gia tăng sự vay mượn và nâng cao bội chi ngân sách. Vì vậy, người ta nên nghĩ đến kích thích sản xuất hơn là tiêu thụ, nghĩa là giải tỏa ách tắc hành chính và giảm bớt gánh nặng thuế khóa để nâng số cung hơn là chỉ nghĩ đến số cầu và đây là một lời phê phán đúng"

Bộ trưởng Geithner còn viết chung với bộ trưởng tài chính Singapore và bộ trưởng ngân khố Australia một bài đăng trên ấn bản châu Á của Wall Street Journal. Trong đó các tác giả cảnh báo rằng sự phục hồi kinh tế đồng đều giữa các nền kinh tế tiên tiến với các nền kinh tế tân hưng sẽ chi phối toàn bộ nền kinh tế thế giới trong thời gian dài sắp tới. Sự phục hồi đó đòi hỏi những hình thức hợp tác mới.

Gộp lại, lá thư của Tổng thống Mỹ và bài báo của bộ trưởng Ngân khố Mỹ cùng hai nhà lãnh đạo tài chính châu Á đã phác thảo một chiến lược kêu gọi sự luận lý thuận tình và tránh đối đầu, cùng với sự nhân nhượng lẫn nhau. Lợi ích được đem tới sẽ là mức tăng trưởng chung đạt được cao hơn về sau này.

Vấn đề chính là đồng NNT

Tổng thống Obama họp báo tuyên bố trong số những biện pháp chủ yếu hòng đạt được trong hội nghị G-20 tại Seoul từ thứ năm này là tìm thêm những công cụ nhằm khuyến khích cân bằng thương mại và sự tăng trưởng kinh tế bền vững.

000_DV859207-250.jpg
Tổng thống Barack Obama tham gia ngày Cựu chiến binh quân đội Mỹ Garrison Yongsan ở Seoul hôm 11/11/2010 bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20. AFP photo (Tổng thống Barack Obama tham gia ngày Cựu chiến binh quân đội Mỹ Garrison Yongsan ở Seoul hôm 11/11/2010 bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20. AFP photo)

Tổng thống Mỹ nói thẳng ra vấn đề chính yếu trong hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Seoul sắp tới là vấn đề đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Ông tuyên bố, có nước thặng dư mậu dịch quá nhiều và còn dẫn dắt thị trường tiền tệ để duy trì lợi thế của họ trong những vấn đề liên quan đến tiền tệ.

Thư của Tổng thống Obama cũng gián tiếp biện hộ cho mục đích của hành động tung 600 tỉ đô la vào nền kinh tế Mỹ. Ông viết: "Một sự phục hồi mạnh mẽ mà tạo dựng được việc làm, tăng thêm thu nhập cũng như tiêu thụ chính là sự đóng góp lớn lao nhất của Hoa Kỳ cho sự phục hồi kinh tế thế giới." Và ông hứa hẹn"Giá trị của đồng đô la rốt cuộc sẽ phụ thuộc vào sức mạnh căn bản của nền kinh tế Hoa Kỳ"

Tuy nhiên, thư của Tổng thống Mỹ không đề ra những chính sách cụ thể, như đề nghị trước đây của bộ trưởng ngân khố Hoa Kỳ muốn mỗi nước trong nhóm G-20 hứa sẽ hạn chế mức thặng dư hay thâm hụt mậu dịch không hơn 4% GDP.

Thế giới còn phải chờ xem Trung Quốc và Đức, hai nước có mức thặng dư mậu dịch cao nhất hoàn cầu, phản ứng với đề nghị giảm chênh lệch thương mại này như thế nào.

Dù với lời lẽ khiêm tốn và đề nghị thực tế trong thư của Tổng thống Mỹ cũng như quan điểm của bộ trưởng ngân khố Geithner được hai viên chức tài chính hàng đầu của Singapore và Úc hỗ trợ, chưa ai có thể biết kết quả sẽ thể hiện ra sao trong thông cáo chung hội nghị thượng đỉnh G-20 sẽ phổ biến vào thứ sáu này tại Seoul.

Giới nghiên cứu cho rằng mục tiêu của Trung Quốc và Hoa Kỳ không đồng bộ. Trung Quốc muốn duy trì chiến lược phát triển kinh tế - dẫn đầu bằng xuất khẩu - trong khi Hoa Kỳ cần thúc đẩy cho đồng đô la yếu hơn. Mỗi nền kinh tế này đều hùng mạnh, xét về mặt địa chính trị, nên không ai bảo ai nghe. Trung Quốc rõ ràng không tin vào việc tạo cân bằng cho cán cân mậu dịch sẽ là có lợi cho họ trong ngắn hạn. Và Trung Quốc không phải là nước để tai nghe người khác nói về lợi ích cho mình. Trung Quốc là quốc gia đang trong tiến trình phát triển mạnh mẽ nhất, lâu dài nhất về kinh tế trong lịch sử.

Đương nhiên họ sẽ coi những ý kiến của bên ngoài chỉ là không đáng tin cậy, dù có đúng về mặt kinh tế.

Theo dòng thời sự: