Yêu nước, chúng ta có cô đơn không?
2011.06.03

Một nghịch cảnh đang diễn ra, mà có lẽ chưa dân tộc nào trong lịch sử văn minh loài người được chứng kiến: một dân tộc phẫn nộ trước tiền đề ngoại xâm nhưng lại bị chính Nhà nước - Chính phủ thời bình của mình dùng bộ máy an ninh và quân đội trấn áp.
Tuyệt vọng và tức giận
Trên trang viết của tờ The Financial Times, nhà báo David Pilling ở Hà Nội kể lại câu chuyện một người đàn ông đi xe gắn máy đến trước tòa đại sứ Trung Quốc, đốt chiếc xe máy của mình, căng khẩu hiệu đả đảo sự xâm lược biển và giết ngư dân Việt. Công an mật đã lôi người đàn ông này đi. Như số phận của hàng ngàn, hàng triệu người yêu nước Việt Nam, người đàn ông này đang ở đâu? Số phận ông ta đã ra sao? Hay sẽ chết im lặng trong tức tưởi tù ngục, không khác gì những ngư dân Việt trên biển khơi vì kẻ thù phương Bắc, do tin lời khẳng định chắc nịch của Nhà nước Việt Nam rằng nơi đó vẫn là quê nhà.
Đâu phải đó là chuyện một cá nhân lẻ loi. Người ta cũng đã từng nhìn thấy những thanh niên ăn mặc lịch sự bẻ ngoặc tay của nhà báo Điếu Cày ngay trên đường Phạm Ngọc Thạch, Saigon, quẳng ông ta lên chiếc xe chuyên dụng của công an. Bắt giam và tiếp tục giam sau khi hết án tù, thậm chí có người còn đặt giả thuyết, hay Điếu Cày đã bị thủ tiêu trong nhà ngục theo lệnh của một ai đó thân với Trung Quốc?
Chính quyền Việt Nam có đủ muôn ngàn cách để làm người ta tiêu hao năng lượng yêu nước. Và cách làm hay nhất mà họ vẫn thực hiện, là làm cho những người yêu nước cảm thấy cô đơn. Sự cô đơn này quăng con người Việt Nam vào một hố sâu tuyệt vọng và tức giận, để rồi rất nhiều người trong số đó chuyển sang dửng dưng trước tổ quốc và dân tộc. Đơn giản thôi, kẻ cầm quyền - kẻ mạnh đã và đang tổ chức hủy diệt lòng yêu nước từng ngày ngay trên quê hương thì nỗ lực của chúng ta có được gì - những con người đó họ tự hỏi?
Yêu nước trong sợ hãi
Bước chân xuống đường, theo lời kêu gọi của những người yêu nước, trái tim của nhiều người thì hừng hực lửa nhưng lòng bàn tay thì lạnh lẽo đầy mồ hôi trong nỗi sợ hãi. Họ yêu nước nhưng không biết số phận mình, gia đình mình, tương lai mình sẽ ra sao, ngay khi cuộc biểu tình kết thúc. Công an sẽ ập đến nhà, nhà trường sẽ gọi lên và thoái thác việc chấp nhận họ...
Hệ thống giáo dục là nơi để dạy lòng yêu nước. Nhưng nhà trường xã hội chủ nghĩa chỉ dạy vâng lời Đảng, dù Đảng đang là kẻ hèn. Trong công văn bị tiết lộ của Trường Đại học công nghiệp, ký ngày 1 tháng 6, năm 2011, Đoàn thanh niên có nhiệm vụ theo dõi và ngăn cản sinh viên tham gia biểu tình chống Trung Quốc. Một blogger khác từ Trường Đại học Hoa Sen cũng cho biết từ tháng trước, an ninh nhà nước Việt Nam đã hình thành các phòng theo dõi tư tưởng chính trị ở tất cả các trường đại học, nhằm ngăn cản mọi hành vi có thể có hại cho người bạn vàng Bắc Kinh.
Hãy hình dung một kịch bản khác: nếu như Trung Quốc đột nhiên dùng quân sự chiếm Trường Sa, nhà nước Việt Nam sẽ lại kêu gào phản đối, nhưng không làm gì cả, ngoài chuyện sẽ trấn áp dữ dội hơn những ai trong nước phản ứng với Trung Quốc.
Và những người Việt Nam yêu nước thật sự quá cô đơn khi hiểu tường tận rằng yêu nước và bảo vệ tổ quốc của mình là một - không thể thay đổi, cũng như chế độ Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam là một hợp thể - cũng không thể nào thay đổi. Cho đến ngày hôm nay, họ cô đơn khi hiểu rằng tổ quốc Việt Nam không chỉ có một kẻ thù.
Phan Nguyễn Việt Đăng (Sài Gòn).
Theo dòng thời sự:
- Ba yếu tố trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước
- Phản ứng của Việt Nam so với các nước về hành động bắt nạt của Trung Quốc
- Quan ngại đụng độ quân sự trên biển Đông
- Nguy cơ một cuộc chiến ở Biển Đông?
- Ý kiến giới trí thức về hành động phá hoại của TQ
- VN gởi công hàm phản đối TQ tấn công tàu thăm dò dầu khí
- Ngăn cấm đánh cá nay Trung Quốc ngăn chặn Việt Nam khai thác dầu
- Trung Quốc phản hồi phản đối của Việt Nam
- Cuộc chạy đua vũ trang không tránh khỏi ở biển Đông
- Việt Nam không đủ sức bảo vệ ngư dân trên vùng biển chủ quyền
- Mối đe doạ không ngừng