Nhật Bản và Mỹ cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

RFA
2018.10.20
000_1A49MF.jpg Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (giữa) và Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn Jeong Kyeong-doo, bắt tay tại cuộc gặp ba bên ở Singapore hôm 19/10/2018
AFP

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Nhật hôm thứ Sáu ngày 19/10 lên tiếng cảnh báo Trung Quốc về những hành động quân sự hoá khu vực Biển Đông, coi hành động đơn phương thay đổi hiện trạng Biển Đông là không thể chấp nhận.

Bộ trưởng các nước Mỹ và Nhật hiện đang ở Singapore dự cuộc gặp các Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và đối tác.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho máy bay và tàu chiến đi qua bất cứ nơi đâu được luật quốc tế cho phép, ý muốn nói khu vực Biển Đông đang tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á. Ông nói tiếp Hoa Kỳ không thể chấp nhận các hành động quân sự hoá ở Biển Đông và bất cứ hành động xâm lấn nào trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng kêu gọi các đồng minh của Mỹ trong khu vực là Nhật Bản và Nam Hàn cùng chung tay để ngăn cản một cường quốc thống trị toàn bộ vùng nước.

Tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya với người đồng nhiệm Nguỵ Phượng Hoàng bên lề cuộc họp các Bộ trưởng, ông Iwaya nói rằng những cố gắng đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông là không thể chấp nhận được.

Bộ trưởng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoàng nói tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông hoàn toàn không bị đe doạ.

Trung Quốc trong các năm qua đã gia tăng việc xây lấp các đảo nhân tạo và triển khai vũ khí ra các đảo này làm dấy lên những lo ngại về hành động quân sự hoá khu vực Biển Đông. Hoa kỳ đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không được gây bất ổn trong khu vực bằng các hoạt động quân sự như vậy.

Trung Quốc nói rằng nước này chỉ thực hiện các hoạt động trên các đảo và vùng nước thuộc chủ quyền của nước này và chỉ nhằm mục đích phòng vệ và dân sự.

Trung Quốc hiện đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển. Toà Trọng tài Quốc tế hồi năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này.

Các nước khác cũng đòi chủ quyền trên Biển Đông bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.