Tổng thống Obama kêu gọi các nước cho Ông Trump thêm thời gian

RFA
2016.11.21
000_IA1HB.jpg Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ở Lima, Peru hôm 20/11/2016.
AFP

Liên quan đến Thượng Đỉnh APEC, khoảng 6 giờ trước đây, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã về lại Washington, hoàn tất chuyến công du cuối cùng của ông trong cương vị của người lãnh đạo nước Mỹ.

Trước đó trong cuộc họp báo ở Lima, Peru, Tổng thống Obama lên tiếng kêu gọi thế giới kiên nhẫn, đừng vội suy đoán những gì người kế nhiệm ông là Tổng thống Đắc Cử Donald Trump sẽ làm.

Vẫn theo lời ông Obama, đôi khi những điều nói khi vận động tranh cử không hẳn đã là những điều sẽ làm khi va chạm thực tế.

Về điều ông Trump từng nói là sẽ hủy bỏ hẳn bản Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương TPP, Tổng thống Obama gọi đó là là một sai lầm, bất lợi cho Mỹ, nếu bản hiệp định này không được Quốc Hội Liên Bang thông qua.

Trong thời gian vận động tranh cử, ông Trump nhiều lần nói rằng TPP là thảm họa cho kinh tế nước Mỹ, và nhiều triệu công nhân Hoa Kỳ sẽ bị mất việc làm.

Quốc Hội Liên Bang hiện đang do đảng Cộng Hòa nắm đa số cũng nói rõ sẽ không bỏ phiếu thông qua bản hiệp định kinh tế mà Tổng thống Dân Chủ Obama đã ký kết với 11 nước khác.

Chưa rõ số phận của bản hiệp định sẽ ra sao nếu không có Hoa Kỳ. Tin từ Lima cho thấy một số nước tham gia hiệp định muốn bản hiệp định được thi hành trong thời hạn sớm nhất, kể cả trường hợp không có Hoa Kỳ, nhưng một số nhà lãnh đạo lại đưa ý kiến nên thương thuyết lại từ đầu, để có sự tham dự của chính phủ Donald Trump.

Thủ tướng Jonh Key của New Zealand đưa ý kiến dung hòa, đề nghị sửa đổi một số điều khoản của bản hiệp định đang có, để Tổng thống Trump có thể chấp nhận, đồng thời giúp ông Trump có lý do để giải thích với cử tri.

Trong thời gian chờ đợi giải pháp chính trị cho TPP, tất cả lãnh đạo 12 nước tham gia Hiệp Định đồng ý tiếp tục nỗ lực để bản hiệp định kinh tế quan trọng này thành hình.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng bất kể có hay không có Hoa Kỳ, các nước tham gia hiệp định vẫn phải nỗ lực thúc đẩy quốc hội từng nước thông qua, không thể để bản hiệp định trở thành vô giá trị chỉ vì không có Mỹ.

Ông Abe nhắc lại hồi đầu tháng này Hạ Viện Nhật đã thông qua bản hiệp định, cam kết tiếp tục vận động để Thượng Viện Nhật Bản bỏ phiếu thông qua trong thời hạn sớm nhất.

Theo quy định, hiệp định chỉ thật sự có hiệu lực sau khi được 6 trong số 12 nước thành viên phê chuẩn trễ nhất là ngày 31 tháng Giêng 2018, và những nước phê chuẩn phải giữ 85% tổng số GDP của toàn khối.

Vì thế, bản hiệp định được mặc nhiên xem là không thể thành hình nếu không có sự tham gia của Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.