Ngoại trưởng Úc trả lời thư dân biểu về tình hình nhân quyền Việt Nam

RFA
2018.07.19
a7d25d31-f917-4eb6-97be-f5fb54463cd8.jpeg Bà Jolie Bishop, Ngoại trưởng Úc, trong một chuyến thăm Hà Nội, 2/2014.
AFP

Chính phủ Úc cam kết tiếp tục làm việc với Chính phủ Việt Nam và các tổ chức xã hội dân sự về nhân quyền Việt Nam.

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop vừa có thư hồi đáp, với nội dung vừa nêu, đến Dân biểu Úc Chris Hayes, liên quan thư của ông gửi đến Bộ Ngoại Giao Australia, vào hôm 14 tháng 6 vừa qua, về Đối thoại Nhân quyền Việt-Úc.

Trong thư phúc đáp, Ngoại trưởng Julie Bishop cho biết Australia thường xuyên trực tiếp nêu vấn đề các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam bị sách nhiễu, bắt bớ, cũng như bị giam tù nhiều năm với Chính phủ Hà Nội và Australia sẽ tiếp tục nêu vấn đề này tại cuộc Đối thoại Nhân quyền hàng năm, dự kiến diễn ra ở Hà Nội, vào ngày 28 tháng 8 tới đây.

Bà Julie Bishop cho biết đã yêu cầu Bộ Ngoại Giao và Bộ Thương Mại Úc nêu ra các vấn đề nhân quyền tại Việt Nam mà Dân biểu Chris Hayes đề cập; đồng thời Australia cũng tiếp tục quan sát Luật An Ninh mạng, vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua, tác động như thế nào đến tự do ngôn luận và biểu đạt ở nước này cũng như phản ứng của chính phủ đối với các cuộc biểu tình ôn hòa của người dân Việt Nam.

Ngoại trưởng Julie Bishop nhấn mạnh Australia sẽ nêu vấn đề nhân quyền của Việt Nam trong kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát Toàn cầu, vào tháng Giêng năm 2019.

Dân biểu Úc Chris Hayes cũng vừa nhận được thư phúc đáp của Đại sứ Úc tại Việt Nam Craig Chittick, ký ngày 18 tháng 7, với nội dung là Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tiếp tục các công việc nhằm bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam, cũng như sẽ chú ý đến trường hợp của nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh.

Trong thư phúc đáp, Đại sứ Craig Chittick cho biết đã nhận được nhiều nguồn thông tin liên quan trường hợp nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh và gia đình ở Lâm Đồng bị sách nhiễu và hiện cô Đỗ Thị Minh Hạnh đã rời khỏi địa phương và đang ẩn tránh. Đại sứ quán Úc sẽ tiếp tục quan tâm đến tình hình của nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh.

Đại sứ Craig Chittick cho biết thêm rằng ông sẽ nêu trường hợp này, và các nhà hoạt động chính trị ở Việt Nam bị đối xử tương tự như thế tại cuộc Đối thoại Nhân quyền Việt-Úc, diễn ra vào ngày 28 tháng Tám, ở Hà Nội.

Vào ngày 5 tháng 7, Dân biểu Úc Chris Hayes đã viết thư gửi đến Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick để trình bày về những vụ tấn công vào nơi ở của nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh và thân phụ của cô, trong suốt thời gian từ cuối tháng 6 đến những ngày đầu tháng 7 năm 2018, gây ra những tổn thất nặng nề về vật chất lẫn tinh thần.

Dân biểu Chris Hayes bày tỏ mong muốn Đại sứ Úc tại Việt Nam hỗ trợ nhằm đảm bảo an toàn cho đời sống của gia đình cô Đỗ Thị Minh Hạnh nói riêng và các nhà hoạt vì công bằng, nhân quyền tại Việt Nam nói chung.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.