Trung Quốc tân trang hay xóa bỏ di tích lịch sử Tây Tạng?

Các cộng đồng người Tây Tạng ở hải ngoại và những tổ chức tranh đấu cho nhân quyền đều lên tiếng phản đối việc Trung Quốc quyết định tân trang làng Hongai, là nơi sinh trưởng của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Tin tức Đài Á Châu Tự Do chúng tôi ghi nhận được cho biết Bắc Kinh bỏ ra số tiền hơn 240 triệu dollars để tân trang ngôi làng chỉ có 250 người Tây Tạng và 25 người Hán cư ngụ.

Một viên chức địa phương nói rằng chính phủ muốn ngôi làng nghèo nàn này trở thành một khu phố phát triển, nhưng những người trong cộng đồng Tây Tạng khắp nơi lại cho rằng Bắc Kinh tiếp tục theo chủ trương Hán hóa, sẽ đưa người vào làng sinh sống và xóa bỏ một di tích lịch sử của người dân Tây Tạng.

Đức Đạt Lai Lạt Ma sống ở làng này cho đến năm 4 tuổi, sau đó được Ngài được đưa vào sống trong một tu viện Phạt Giáo Tây Tạng và chính thức được công nhận là vị Đạt Ma thứ 14 hồi năm 1950, lúc mới 15 tuổi. Chín năm sau đó, Ngài chạy trốn sang Ấn Độ và sống lưu vong cho đến giờ.

Ngôi nhà cũ của Ngài bị Vệ Binh Đỏ phá sập hồi 1970, được xây lại hồi 1980. Lần này chính phủ Trung Quốc bỏ ra 400,000 dollars để xây một ngôi nhà hoàn toàn mới trên khu đất cũ đó.