Trung Quốc yêu cầu Canada trả tự do cho Giám đốc tài chính của Tập đoàn Hoa Vi

RFA
2018.12.06
2018-12-06T111434Z_27017607_RC1F67059900_RTRMADP_3_USA-CHINA-HUAWEI.JPG Bà Mạch Vãn Chu, Giám đốc tài chính kiêm Phó Chủ tịch của Tập đoàn Công Nghệ Hoa Vi bị Chính quyền Canada bắt giữ ở Vancouver ngày 01/12/18.
Reuters

Trung Quốc, vào hôm thứ Năm, ngày 6 tháng 12, kêu gọi Canada trả tự do cho nữ Giám đốc tài chính kiêm Phó Chủ tịch của Tập đoàn Công Nghệ Hoa Vi, bà Mạch Vãn Chu.

Bắc Kinh lên tiếng rằng bà Mạch không làm gì sai trái theo luật pháp của Canada và Mỹ; đồng thời yêu cầu Canada “ngay lập tức điều chỉnh việc làm sai trái” và phải trả tự do cho bà Mạch.

Hãng thông tấn AP loan tin vừa nêu trong cùng ngày, cho biết bà Mạch Vãn Chu bị Chính quyền Canada bắt giữ khi đang quá cảnh tại Vancouver vào ngày 1 tháng 12, với cáo buộc bị nghi ngờ vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Bà Mạch có thể sẽ bị dẫn độ về Mỹ.

Theo người phát ngôn Bộ Tư pháp Canada, dự kiến ngày 7/12 theo giờ địa phương, giới chức Canada sẽ mở phiên điều trần tại tòa về vụ việc của bà Mạch Vãn Chu.

Tập đoàn Công nghệ Hoa Vi ra thông cáo báo chí, cho biết có rất ít thông tin về các cáo buộc của Hoa Kỳ đối với bà Mạch Vãn Chu và "không nhận thấy bà Mạch có bất kỳ hành vi sai trái nào".

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Bắc Kinh yêu cầu Washington và Ottawa phải ngay lập tức trả tự do cho bà Mạch Vãn Chu và cần giải thích lý do đã bắt giữ bà.

Tập đoàn Công nghệ Hoa Vi nhà cung cấp thiết bị lớn nhất cho các công ty điện thoại và mạng internet trên toàn cầu, đồng thời là công ty mà Hoa Kỳ cáo buộc là mối đe dọa cho an ninh quốc gia, cho rằng công nghệ của Hoa Vi có thể được sử dụng để làm gián điệp cho Trung Quốc. Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Obama và Tổng thống Trump kêu gọi các nước phương Tây và những quốc gia đồng minh hạn chế sử dụng công nghệ của Hoa Vi.

Một số các chuyên gia ở Trung Quốc và Hong Kong nhận định rằng vụ việc bà Mạch Vãn Chu bị bắt giữ có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh cũng như đe dọa đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp viễn thông phần lớn sử dụng những thiết bị hạ tầng mạng của hai nhà cung cấp Trung Quốc là Hoa Vi và ZTE để xây dựng, phát triển hệ thống mạng lưới viễn thông của mình.

Hồi tháng 10, hình ảnh về một chiếc điện thoại thông minh của hãng Hoa Vi ở Philippines có hiển thị phần cài đặt ngôn ngữ “Tiếng Việt (Trung Quốc)” khiến nhiều người dùng phẫn nộ vì cho rằng nó ám chỉ Việt Nam thuộc Trung Quốc.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.