Trung Quốc - Na Uy bình thường hóa quan hệ

Trung Quốc và Na Uy cùng thông báo nối lại quan hệ, chấm dứt giai đoạn lạnh nhạt kéo dài 6 năm trời kể từ ngày Hội Đồng Nobel chọn nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba là khôi nguyên Nobel Hòa Bình 2010.

Quyết định này được 2 chính phủ đưa ra qua bản tuyên bố được phổ biến sáng nay ở Bắc Kinh nhân dịp Ngoại Trưởng Na Uy viếng thăm Trung Quốc.

Theo truyền thống Na Uy, Trung Quốc từng đặt điều kiện Na Uy phải xin lỗi vì cố tình can dự vào chuyện nội bộ của Hoa Lục. Đòi hỏi này bị chính phủ Na Uy bác bỏ, viện đẫn lý do Ủy Ban Nobel là một tổ chức hoạt động độc lập, chính quyền không can dự.

Khôi nguyên Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba là một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng ở Trung Quốc, nổi tiếng với những bài viết đề cao quyền con người, đòi hỏi đảng và chính phủ Bắc Kinh phải tôn trọng nhân quyền và dân quyền.

Ông bị bắt hồi đầu tháng Mười Hai 2008, sau khi cùng với một số nhà trí thức khác soạn thảo Bản Hiến Chương 08, trong đó đưa ra 19 điều cần phải thay đổi để quyền làm người được tôn trọng. Bản hiến chương cho rằng Trung Quốc cần có một hệ thống tư pháp độc lập, người dân được quyền lập hội và được quyền tự do bày tỏ quan điểm, và phải loại bỏ hẳn các chế độ chính trị độc đảng.

Một năm sau ngày bị bắt, ông bị tòa kêu án 11 năm tù và 2 năm quản chế, cáo buộc ông tội xúi giục chông phá nhà nước. Đến năm 2010, ông được trao giải Nobel Hòa Bình vì cuộc tranh đấu trường kỳ, bất bạo động mà ông thể hiện để bảo vệ quyền con người.

Sau khi giải được công bố, Trung Quốc quyết định giới hạn tối đa liên hệ ngoại giao với Na Uy, đồng thời ngưng tất cả những cuộc thảo luận mở rộng quan hệ thương mại.