Nhật Bản triển khai ba tàu chiến và tàu ngầm ra Ấn Độ - Thái Bình Dương bốn tháng
Bộ Quốc phòng Nhật Bản mới đây cho biết nước này sẽ triển khai bốn tàu chiến cùng máy bay ra khu vực Ấn độ - Thái Bình Dương từ ngày 14/6 đến ngày 28/10 năm nay.
Mục đích được nói là để “cải thiện khả năng chiến thuật của Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản (JMSDF), và tăng cường hợp tác với hải quân các nước đối tác ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương qua tập trận chung và góp phần vào hòa bình, ổn định trong khu vực, cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau và mối quan hệ với các quốc gia đối tác qua cuộc triển khai này.”
Theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Nhật, trong số các tàu chiến có tàu chở máy trực thăng JS Izumo (DDH-183) với ba máy bay trực thăng, tàu khu trục JS Takanami (DD-110), tàu khu trục JS Kirisame (DD-104).
Ngoài ra, còn có ba máy bay khác cũng được triển khai gồm máy bay tuần tra trên biển P – 1, máy bay diễn tập tình báo điện tử Orion UP-3D, và một máy bay tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Các tàu chiến của Nhật bản sẽ ghé thăm một số nước trong đợt triển khai, trong đó có các nước Mỹ, Úc, Philippines và Việt Nam.
Các tàu chiến của Nhật cũng sẽ tham gia một loạt các cuộc tập trận chung với các nước trong khu vực như Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Australia, Philippines.
Cũng tin liên quan đến an ninh khu vực, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ tới Singapore tham dự Đối thoại Shangri-La từ ngày 10/6 và là nhà lãnh đạo đầu tiên của Nhật tham gia sự kiện thường niên của khu vực này kể từ năm 2014.
Đối thoại Shangri-La bắt đầu từ năm 2002 và là diễn đàn quốc phòng an ninh quan trọng nơi quy tụ các quan chức cấp cao, các nhà ngoại giao và các chuyên gia từ nhiều nước.
Chủ đề Biển Đông cũng là một trong các chủ đề thường được bàn thảo tại Đối thoại này. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch hồi năm 2018 đã đề cập đến vấn đề quân sự hóa Biển Đông ở Đối thoại Shangri-La nhưng trách nêu tên Trung Quốc.