Sáng thứ Sáu, mùng 9 tháng Mười Hai 2016, Quốc Hội Nam Hàn đã bỏ phiếu bãi nhiệm bà Tổng Thống Park Geyn-hye. Kết quả cuộc bỏ phiếu kín cho thấy có 234 phiếu thuận và 56 phiếu chống, tức 172 đại biểu của phe đối lập và 62 đại biểu thuộc đảng đương quyền Tân Thế Giới do bà Park lãnh đạo cùng bỏ phiếu tán thành đề nghị bãi nhiệm người phụ nữ đầu tiên giữ vai trò tổng thống Nam Hàn.
Mặc dù bị Quốc Hội bãi nhiệm và tạm thời không nắm quyền điều hành đất nước, nhưng bà Park vẫn chưa thật sự phải rời khỏi chức vụ, vì phải chờ phán quyền của Tòa Hiến Pháp xem Quốc Hội có làm đúng thủ tục hiến định khi bỏ phiếu truất quyền tổng thống của bà hay không. Tòa hiến pháp có 180 ngày để bàn thảo trước khi đưa ra phán quyết. Trong thời gian chờ đợi quyết định của Tòa, bà Park chỉ phải tạm trao quyền lãnh đạo quốc gia cho Thủ Tướng Hwang Kyo-ahn.
Sau đây là những câu hỏi đang được đặt ra liên quan đến số phận chính trị của bà Tổng Thổng Nam Hàn Park Geun-hye.
Hỏi: Bà Tổng thống Park sẽ mất những quyền gì?
Đáp: Bà Park đã bị Quốc hội bỏ phiếu bãi nhiệm, hiện đang chờ giấy thông báo kết quả từ Văn Phòng Quốc Hội gửi sang. Ngay sau khi nhận được giấy báo này, bà phải giao tất cả quyền hành của người lãnh đạo cho Thủ Tướng Hwaqng Kyo-ahn, người sẽ lãnh trách nhiệm tổng thống tạm thời.
Hỏi: Như vậy, bà Park có phải rời dinh tổng thống hay không?
Đáp: Câu trả lời là không. Mặc dù tạm thời không làm việc trong văn phòng tổng thống, nhưng bà Park vẫn tiếp tục được hưởng mọi điều kiện danh cho vị nguyên thủ quốc gia, từ chuyện vẫn được gọi là tổng thống, hưởng mọi nghi lễ dành cho tổng thống, được bảo vệ như một tổng thống, tiếp tục ăn lương tổng thống và ở trong dinh tổng thống (Blue House).
Hỏi: Như vậy quyền hành của vị tổng thống tạm thời như thế nào?
Đáp: Hiến pháp cũng như luật pháp Nam Hàn không quy định rõ ràng quyền hạn của vị tổng thống tạm thời, vì thế, ngoại trừ trường hợp khần cấp, Thủ Tướng Hwaqng Kyo-ahn chỉ đóng vai trò tương trưng để chính phủ tiếp tục hoạt động.
Hỏi: Trong chuyện này, trách nhiệm của Tòa Hiến Pháp gồm những gì?
Đáp: Chín (9) vị thẩm phán Tòa Hiến Pháp sẽ nhóm phiên tòa để nghe Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội trình bày lý do tại sao lại quyết định bãi nhiệm bà Tổng thống Park, và thủ tục được thực hiện như thế nào, có đúng quy định của hiến pháp hay không.
Luật sư đại diện cho bà Park cũng sẽ có mặt, đưa ra những luận cứ cho rằng Quốc Hội đã đi quá đà, đồng thời nêu ra những thắc mắc -nếu có- về thủ tục bãi nhiệm. Một trong những điểm được dự đoán luật sư đại diện cho bà Park sẽ trình bày trước Tòa là bà từng đồng ý từ chức, yêu cầu Quốc Hội cho biết thủ tục và thời điểm bà phải rời khỏi chức vụ, nhưng phe đối lập nhất quyết bỏ phiếu bãi nhiệm bà.
Ngoài trình bày của hai bên, Tòa có thể gọi nhân chứng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Có 2 điều cần phải nói tới: thứ nhất, Tòa có 180 ngày để giải quyết; thứ nhì, mọi phán quyết đều phải có 6 trong 9 thẩm phán ủng hộ.
Hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu Tòa Hiến Pháp công nhận việc Quốc Hội bỏ phiếu bãi nhiệm bà Tổng thống Park?
Đáp: Nếu điều đó xảy ra, bà Park tức khắc bị bãi nhiệm và theo hiến pháp, chính phủ tạm thời có 60 ngày để tổ chức cuộc bầu cử chọn người thay thế bà Park. Nhiệm kỳ của tân tổng thống là 5 năm.
Hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu Tòa Hiến Pháp không công nhận việc Quốc Hội bỏ phiếu bãi nhiệm bà Tổng thống Park?
Đáp: Lúc đó, bà Park sẽ trở lại làm việc, tiếp tục vai trò của người điều khiển hành pháp, cho tới cuối tháng Hai 2018, là ngày bà mãn nhiệm kỳ.