Việt Nam chặn tuyên bố chung của Liên Hiệp Quốc về người Rohingya ở Myanmar

RFA
2020.02.05
AP_18240372946882_960.jpeg Hình minh họa. Những người phụ nữ Rohingya khóc và hô khẩu hiệu trong một cuộc biểu tình kỷ niệm một năm quân đội Myanmar tiến hành chiến dịch trấn áp nhằm vào người Hồi giáo Rohingya. Hình chụp hôm 25/8/2017 ở trại tị nạn Kutupalong, Bangladesh
AP

Việt Nam và Trung Quốc đã chặn một tuyên bố chung của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về ngăn chặn nạn diệt chủng người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar sau cuộc họp của Hội đồng vào hôm thứ Ba, ngày 4/2.

Hãng tin AP trích lời những nhà ngoại giao giấu tên cho biết thông tin này hôm 5/2.

Trước đó, vào ngày 23/1, Tòa  Công lý Quốc tế (ICJ) đã ra phán quyết yêu cầu Myanmar thực hiện tất cả những biện pháp cần thiết để bảo vệ cộng đồng người thiểu số Hồi giáo  Rohingya. Đây là vụ kiện do Gambia đưa ra trước ICJ, cáo buộc chính phủ Myanmar đã vi phạm Công ước chống diệt chủng của Liên Hiệp quốc năm 1948.

Thay vì một tuyên bố chung ở Hội đồng Bảo an, các thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) ở Hội đồng đã có một tuyên bố chung thúc giục Myanmar tuân thủ phán quyết của tòa ICJ. Tuyên bố nhấn mạnh việc tuân thủ phán quyết là điều bắt buộc theo luật quốc tế.

Khoảng 700.000 người Rohingya đã phải chạy khỏi Myanmar để sang lánh nạn tại nước láng giềng Bangladesh từ năm 2017 đến nay, sau khi lực lượng an ninh Myanmar tiến hành chiến dịch trấn áp nhắm vào nhóm người thiểu số Hồi giáo này. Hiện có khoảng hơn 1 triệu người tị nạn Rohingya ở Bangladesh.

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam phản đối việc Liên Hiệp Quốc đưa ra một quyết định liên quan đến khủng hoảng Rohingya tại Myanmar. Hồi tháng 12 năm 2017, Việt Nam là 1 trong 10 nước bao gồm cả Trung Quốc, Lào và Campuchia đã phản đối một nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kêu gọi Myanmar chấm dứt hoạt động quân sự chống lại người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine.

Hiện Việt Nam là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.