Tổng thống Mỹ ký ban hành luật tăng cường vai trò của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương

RFA
2019.01.01
000_1at8dz Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) bắt tay Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong cuộc gặp bên lề Thượng đỉnh ASEAN ở Singapore hôm 14/11/2018
AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Hai, ngày 31/12/2018 đã ký ban hành dự luật Sáng kiến Tái đảm bảo Châu Á nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương trước những thách thức đang lên từ phía Trung Quốc.

Đây là dự luật đã được Thượng nghị sĩ Cory Gardner, Ed Markey, Marco Rubio và Ben Cardin giới thiệu vào tháng Tư năm 2018, trong đó kêu gọi một đối thoại giữa bốn nước là Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, hay còn được biết đến là Tứ giác kim cương.

Luật mới nhìn nhận vai trò đối tác chiến lược giữa Mỹ và Ấn Độ trong việc củng cố hoà bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương, kêu gọi việc tăng cường hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và an ninh.

Dự luật cũng bao gồm cam kết về nguồn lực của Mỹ ở khu vực bao gồm một ngân khoản gồm 1,5 tỷ đô la mỗi năm trong 5 năm để tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, và 150 triệu đô la mỗi năm trong năm năm cho dân chủ, pháp quyền, hỗ trợ xã hội dân sự.

Tứ giác kim cương đã được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra từ 10 năm trước nhưng gần đây mới gây sự chú ý đặc biệt, nhất là sau cuộc gặp của lãnh đạo 4 nước Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ bên lề hội nghị ASEAN ở Philippine vào tháng 11 năm 2017.

Ý tưởng này sống lại vì những lo ngại do thách thức đang lên từ phía Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương bao gồm Biển Đông và Ấn Độ Dương. Ý tưởng này cũng là một đối trọng với kế hoạch Vành đai Con đường mà Trung Quốc đưa ra với hàng loạt dự án hạ tầng cơ sở trải dài từ châu Âu đến Nam Á nhằm gây dựng ảnh hưởng lâu dài cho Trung Quốc, hướng tới mục tiêu trở thành siêu cường và nắm vai trò lãnh đạo thế giới trong hai thập kỷ tới như Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu tại đại hội đảng hồi tháng 10 năm ngoái.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.