Á Châu Điều Chỉnh

Sau đợt Tổng suy trầm trong các năm 2008-2009 vừa qua, các nền kinh tế hậu công nghiệp của Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu có thể lại bị đụng đáy lần nữa như Diễn đàn Kinh tế đã trình bày vào cuối tháng trước.
Việt Long & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2010.07.28
ACB-305MG_0355.jpg Ngân hàng Á Châu (ACB) vừa nhận giải thưởng "Ngân hàng vững mạnh nhất Việt Nam năm 2010". Trong ảnh là một chi nhánh của ACB tại SG vào tháng 6/2010
RFA photo

Dù nguy cơ ấy còn xa, các nền kinh tế Đông Nam Á vẫn có nhu cầu điều chỉnh chiến lược phát triển để ít lệ thuộc hơn vào thị trường xuất khẩu Âu-Mỹ-Nhật nay vẫn chưa ra khỏi tình trạng ảm đạm đầy bất trắc.

Chương trình chuyên đề kỳ này sẽ căn cứ vào những lời tuyên bố lạc quan mới đây để đặt lại vấn đề suy trầm lần nữa hay không, rồi tìm hiểu trên một giả thuyết bi quan về việc điều chỉnh ấy để tái lập quân bình về tiêu thụ và tiết kiệm, đầu tư và xuất khẩu. Nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa sẽ trao đổi cùng Việt Long về đề tài này.

Đông Nam Á ứng phó

Việt Long: Trong chương trình phát thanh hôm 29 tháng trước, ông có nói đến nguy cơ đụng đáy hai lần của các nền kinh tế đã công nghiệp hóa. Nhưng hôm chủ nhật vừa qua Bộ trưởng tài chính Mỹ xác định là hiện tình kinh tế Mỹ cho thấy sẽ không có chuyện đụng đáy lần thứ hai, nên phải hỏi lại ông, là liệu hiện tượng đụng đáy hai lần có xảy ra vào cuối năm nay hay đầu năm tới, như ông đã trình bày trước đây? Và nếu thật vậy thì kinh tế thế giới có thể lại bị suy trầm nữa không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa ông, chẳng ai mong muốn điều ấy, nhất là trong một năm có bầu cử và chính quyền Mỹ đang gây thất vọng về khả năng phục hoạt kinh tế và tạo ra việc làm như đã hứa hẹn. Nhưng nguy cơ đụng đáy hai lần đã ngày càng rõ nét hơn tại Hoa Kỳ và Âu Châu. Thứ Tư vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ ra điều trần trước Quốc hội cũng nói rằng tình hình kinh tế Mỹ "bất trắc một cách bất thường". Ngay cả trong giả thuyết lạc quan là nạn đụng đáy không xảy ra, giới nghiên cứu kinh tế quốc tế vẫn dự báo là đà tăng trưởng sản xuất của Hoa Kỳ, Âu Châu và cả Trung Quốc sẽ giảm mạnh không chỉ từ cuối năm nay mà trong vòng từ hai năm đến năm năm tới.

Một cách cụ thể thì họ tiết giảm tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp, triệt để thanh toán nợ nần bằng ngoại tệ của tư nhân, tức là doanh nghiệp, họ ra sức tích lũy một dự trữ ngoại tệ dồi dào hơn và kiện toàn hệ thống chi tiêu ngân sách để không bị bội chi dù khủng hoảng không xảy ra vì lý do ngân sách.

Nguyễn Xuân Nghĩa


Một cách cụ thể thì sau khi đạt mức tăng trưởng bình quân là 5% trong quý một của năm nay, sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng mỗi năm từ 3,25% đến 3,5% là nhiều. Con số 3,5% ấy là trung bình giữa mức tăng trưởng khá cao của các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc và Đông Nam Á, san sẻ với mức tăng trưởng cực thấp của khối kinh tế Âu-Mỹ Nhật. Mà tỷ lệ 3,5% này cũng là ngưỡng tâm lý đáng ngại vì Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF vẫn cho rằng dưới mức này là thế giới bị suy trầm. Nói cách khác, thưa ông, trong năm ba năm tới đây, kinh tế thế giới vẫn chưa ra khỏi suy trầm - "recession".

Việt Long: Trong kịch bản bi quan ấy, ta lại càng phải nói đến cách ứng phó của các nền kinh tế Đông Nam Á và Việt Nam. Chúng ta sẽ tìm hiểu về hoàn cảnh của các nước Đông Nam Á trước đây khi vừa phải điều chỉnh chiến lược phát triển để bớt lệ thuộc vào các thị trường xuất khẩu nay đang co cụm dần, vừa tái lập quân bình vĩ mô sau một giai đoạn tăng trưởng mạnh nhờ vào các thị trường ấy. Vậy bối cảnh chung của việc ứng phó ấy là như thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Việt Nam mới chỉ hội nhập vào kinh tế toàn cầu và trực tiếp bị hiệu ứng quốc tế sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2007 nên chưa có kinh nghiệm tự điều chỉnh. Nhưng các nước Đông Nam Á kia thì gặp trận khủng hoảng năm 1997-1998 sau cả chục năm hồ hởi lạc quan nên đã phải tái lập lại quân bình kinh tế và vì vậy họ có nhiều kinh nghiệm hơn. Nhìn một cách nào đó thì lần điều chỉnh này lại y hệt như lần trước, nhưng trong vị trí trái ngược, chính vì vậy mà ta nên nhắc lại để tiếp thu bài học của họ.

arb-250.jpg
Ngân hàng NN&PTNT có chi nhánh ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. RFA photo
Ngân hàng NN&PTNT có chi nhánh ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. RFA photo
Việt Long: Xin ông giải thích điều ấy cho rõ ràng hơn được không? Thế nào là điều chỉnh y như lần trước nhưng lại trong vị trí trái ngược?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Chuyện này rất ly kỳ và đáng chú ý.

Chẳng là sau khủng hoảng ngoại hối tại Thái Lan đầu Tháng Bảy năm 1997, các nền kinh tế Đông Nam Á đều suy trầm vào năm 1998. Cơn chấn động khiến họ có chính sách cải tổ để tránh những thất quân bình đã gây ra khủng hoảng. Thất quân bình đó là cán cân vãng lai bị hụt, dự trữ ngoại tệ quá mỏng và doanh nghiệp vay mượn để đầu tư quá nhiều. Lý do bị thất quân bình là sự hồ hởi của họ khi dễ dàng tiếp nhận tư bản nước ngoài mà lại không điều tiết được chế độ ngoại hối, cho nên thanh khoản dồi dào của ngân hàng đã thổi lên bong bóng cho đến ngày sụp đổ. Bên kia Thái bình dương, kinh tế Mỹ cũng hồ hởi tiêu thụ mạnh, nhập khẩu nhiều và xài tiền rẻ nhờ nguồn tiền xuất khẩu từ Đông Á chảy qua.

Hai khối kinh tế ấy nuôi dưỡng nhau trong sự lạc quan của doanh nghiệp và bất cẩn của ngân hàng khiến dòng tiền không chảy đúng chỗ. Khi khủng hoảng bùng nổ, đôi bên đều phải điều chỉnh. Việc điều chỉnh ấy cũng tương tự như hiện nay, cái khác là lần này Hoa Kỳ bị thiếu hụt vãng lai, ngân hàng bất cẩn và bong bóng bị bể như Đông Nam Á 10 năm về trước! Vì vậy tôi mới nói là giống nhau nhưng trong vị trí trái ngược.

Tôi nghĩ rằng Việt Nam nên học kinh nghiệm Đông Nam Á thời 1998 bằng cách quân bình lại cơ cấu vĩ mô và tránh bội chi ngân sách hoặc vay nợ quá nhiều.

Nguyễn Xuân Nghĩa


Việt Long: Một cách cụ thể thì các nước Đông Nam Á đã làm những gì vào thời đó mà Việt Nam nên học hỏi để có thể áp dụng vào thời này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Một cách cụ thể thì họ tiết giảm tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp, triệt để thanh toán nợ nần bằng ngoại tệ của tư nhân, tức là doanh nghiệp, họ ra sức tích lũy một dự trữ ngoại tệ dồi dào hơn và kiện toàn hệ thống chi tiêu ngân sách để không bị bội chi dù khủng hoảng không xảy ra vì lý do ngân sách. Về chính sách thì họ cũng tránh không để các đại gia tự do vay mượn và đầu tư mà bất kể rủi ro vì cứ tưởng rằng nếu có gì thì nhà nước sẽ tung tiền chuộc nợ. Một số quốc gia còn đi xa hơn về chiến lược, như Thái Lan từ năm 2003, là phát triển thị trường nội địa để ít lệ thuộc hơn vào thị trường xuất khẩu.

Nhìn lại như vậy thì Việt Nam ngày nay có thể phải áp dụng một số biện pháp chấn chỉnh mà các nước kia đã thi hành 10 năm về trước. Cụ thể là không cho các tổng công ty quốc doanh bừa phứa vay tiền để thực hiện các dự án ảo mà ta nên gọi cho chính xác là "hiệu ứng Vinashin" trong khi dự trữ ngoại tệ của quốc gia lại quá mỏng và kinh tế quá lệ thuộc vào xuất khẩu. Cũng nên nói thêm rằng các nước kia có thể cải cách kinh tế vì có dân chủ. Chính phủ phạm sai lầm và cấu kết với các đại gia thì bị thay thế để chính quyền mới rộng tay thi hành việc cải tổ.

Nhìn lại kinh tế VN

Việt Long: Ông vừa nêu một chi tiết đáng suy ngẫm. Nếu Việt Nam có dân chủ thì một hiện tượng như Vinashin khó xảy ra. Và nếu kinh tế có khủng hoảng thì dân chúng vẫn có thể bầu lên một nội các mới để thẳng tay cải sửa chứ không bao che cho những người đã góp phần gây ra khủng hoảng. Trở lại việc hôm nay, hay nay mai, với viễn ảnh suy trầm toàn cầu thì các nước Đông Nam Á tự điều chỉnh như thế nào và Việt Nam có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm của họ?

atm-250.jpg
Các máy ATM của các ngân hàng khác nhau trên đường phố SG. RFA photo
Các máy ATM của các ngân hàng khác nhau trên đường phố SG. RFA photo
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa mỗi quốc gia lại có một đặc tính và những hoàn cảnh riêng nên việc điều chỉnh của họ cũng đa dạng chứ không là một bài bản thống nhất.

Hoàn cảnh chung cho cả khối Đông Á là các nền kinh tế tiên tiến đã vay mượn quá nhiều, nay đang phải trả nợ, sẽ tiêu thụ ít đi và tiết kiệm nhiều hơn. Trước viễn ảnh đó, Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh vĩ mô theo hướng giảm bớt tiết kiệm, kể cả xả bớt thặng dư vãng lai, gia tăng tiêu thụ và mở rộng thị trường nội địa để lấy tiêu thụ nội địa làm lực đẩy. Bắc Kinh khó thi hành việc điều chỉnh vĩ mô ấy vì dị biệt quá lớn giữa các khu vực địa dư, vì sự cản trở của nhiều đảng bộ địa phương. Và do không điều chỉnh kịp, họ đang gặp khó khăn vì công nhân đình công tự phát để đòi tăng lương. Các xứ Đông Nam Á không bị như vậy. 

Việt Long: Nói cụ thể thì các nước Đông Nam Á ứng phó như thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Singapore là một xứ có mức lợi tức xếp vào loại cao của thế giới nhưng có lãnh thổ và dân số cực nhỏ của một trung tâm dịch vụ và chế biến để xuất khẩu. Cho nên họ vẫn không thể từ bỏ chiến lược xuất khẩu mà chỉ điều chỉnh theo hướng xuất khẩu hàng tinh chế hơn và vào các thị trường mới thay vì cứ nhắm vào khối Âu-Mỹ-Nhật.

Bên kia eo biển Malacca, Indonesia là xứ đông dân nhất Đông Nam Á và có mức lợi tức thuộc loại trung bình thấp thì đã sớm cải tổ và ngày nay có cơ chế kinh tế vĩ mô cân bằng hơn, ít lệ thuộc hơn vào xuất khẩu nên họ đang dồn sức gia tăng mức đầu tư.

Ở giữa hai thái cực ấy là hoàn cảnh của các nước đông dân gần bằng Việt Nam. Họ có thể nâng mức tiêu thụ nội địa nếu có lợi tức đủ cao và tiết kiệm đủ nhiều, như trường hợp Malaysia, là một nước thuộc loại có lợi tức trung bình cao. Các nước kia là loại có lợi tức trung bình nhưng còn thấp, và kể cả Việt Nam dù chưa lọt vào loại đó, thì chưa thể nghĩ đến nâng mức tiêu thụ mà cần gia tăng đầu tư.

Việt Long: Ông vừa nêu ra một sự chọn lựa để gỡ bí là hoặc nâng mức tiêu thụ nội địa hoặc gia tăng đầu tư. Vì sao lại như vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Nói chung, người dân các nước Đông Á đều có sức tiết kiệm cao hơn các nước giàu ở Tây phương. Nhưng trong những năm thịnh đạt trước vụ tổng suy trầm 2008-2009, họ có xu hướng rất bất lợi là thay vì dồn tiết kiệm vào đầu tư sản xuất hoặc tiêu thụ nội địa cho dân chúng được hưởng thành quả của phát triển thì họ lại xuất khẩu tư bản ra ngoài, là đem tiền đầu tư vào các nước công nghiệp hoá, hoặc đưa cho vay để kiếm lời cho an toàn. Bây giờ các nước công nghiệp hoá ấy đang xả bớt nợ nần và không dám vay thêm thì các nền kinh tế Đông Nam Á làm gì với khối tiết kiệm đó của họ? Hoặc là nâng mức tiêu thụ hoặc là gia tăng đầu tư.

Trong khi cả nước cần người Việt hải ngoại gửi tiền về giúp thì đảng viên cán bộ lại chuyển tiền ra ngoài để kiếm lời, mặc cho hạ tầng cơ sở bên trong bị ruỗng nát, thì chẳng suy trầm suy thoái cũng sẽ bị khủng hoảng!

Nguyễn Xuân Nghĩa


Việt Long: Đó có phải là bài toán mà Việt Nam đang phải chọn lựa? Ông nghĩ rằng Việt Nam nên làm những gì khi mà kinh tế thế giới chưa thể tăng trưởng mạnh trong dăm ba năm tới?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng Việt Nam nên học kinh nghiệm Đông Nam Á thời 1998 bằng cách quân bình lại cơ cấu vĩ mô và tránh bội chi ngân sách hoặc vay nợ quá nhiều. Thứ hai, nên đầu tư mạnh hơn nhưng có phẩm chất hơn. Đầu tư không chỉ có hạ tầng cơ sở vật chất như cầu đường, vốn cũng rất cần thiết và quá lạc hậu. Hạ tầng cơ sở còn có loại vô hình như giáo dục và đào tạo và luật pháp về kinh doanh. Trước mắt thì việc đầu tư như vậy cũng nâng cao khả năng lưu thông hàng hóa và tiêu thụ nội địa và lâu dài thì sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh. Thời kỳ được Hoa Kỳ giúp đỡ để xuất cảng dễ dàng nay đang chấm dứt và từ nay Việt Nam sẽ còn gặp chuyện ngược là sẽ nhập khẩu nhiều hơn từ Hoa Kỳ vì đã được viện trợ để làm chuyện đó!

Và trong mọi trường hợp, tôi nghĩ rằng Việt Nam nên chấm dứt nạn tẩu tán tài sản, là đem tiền ra khỏi nước để kiếm lời cho an toàn hơn! Ngẫm lại mà xem, trong khi cả nước cần người Việt hải ngoại gửi tiền về giúp thì đảng viên cán bộ lại chuyển tiền ra ngoài để kiếm lời, mặc cho hạ tầng cơ sở bên trong bị ruỗng nát, thì chẳng suy trầm suy thoái cũng sẽ bị khủng hoảng!


Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.