Phân tích sự kiện đó từ một giác độ khác, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng Trung Quốc đã lên tới đỉnh cao và bắt đầu tuột dốc từ cuối năm nay qua suốt thập niên tới. Nối tiếp loạt bài tháng trước về "huyền thoại Trung Quốc", mục Diễn đàn Kinh tế sẽ trình bày mặt trái của phép lạ Trung Quốc, qua phần thực hiện của Việt Long.
Bất ngờ
Việt Long: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, từ hôm mùng 10 và suốt tuần qua, các thị trường cổ phiếu Trung Quốc liên tục mất giá, với mức độ nghiêm trọng bất ngờ. Giới quan sát cho rằng nguyên do là một quyết định ngăn ngừa lạm phát của Ngân hàng Trung ương Bắc Kinh là sẽ nâng dự trữ pháp định của các ngân hàng thêm 1%. Ông nhận định ra sao về biến cố này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đây chỉ là một biến động nhỏ ở trên nhưng tiên báo nhiều cơn địa chấn lớn ở dưới. Có thể là Trung Quốc bắt đầu đụng đỉnh, sẽ suy trầm dần từ cuối năm nay, và lâm khủng hoảng trong suốt 10 năm tới. Đây cũng là cơ hội cho chúng ta nhìn ra mặt trái của phép lạ Trung Quốc mà diễn đàn này đã đề cập tới qua các chương trình ngày 13 và 21 tháng Năm.
Có lên thì
Việt Long: Vì sao từ một việc nâng mức dự trữ ngân hàng tới nạn cổ phiếu mất giá mà ông lại đưa ra những tiên đoán nhiêm trọng như vậy? Ông có thể giải thích cho rõ hơn được không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Số là mùng bảy vừa qua, Bắc Kinh quyết định nâng dự trữ pháp định của các ngân hàng thêm 1%, thi hành qua hai đợt, nửa phần trăm kể từ hôm 15 và thêm phân nửa từ ngày 25 tới. Đây là lần thứ năm nội trong 5 tháng của 2008 mà họ phải tăng dự trữ pháp định lên tới 17,5% để giới hạn lượng tín dụng của ngân hàng. Khác với mọi lần trước, lần này mức độ gia tăng lại lên tới 100 điểm cơ bản, cao gấp đôi, gấp bốn mọi khi.
Tương tự như trường hợp Việt Nam, giữa tăng trưởng và ổn định vật giá, Trung Quốc đành chấp nhận đà tăng trưởng thấp hơn. Hậu quả là cổ phiếu Trung Quốc sụt giá 50% từ đỉnh cao hồi tháng 10 năm ngoái và mất toi 1.740 tỷ đô la, là một con số rất lớn, còn cao hơn khối dự trữ ngoại tệ của xứ này. <br/>
<b>Nguyễn Xuân Nghĩa</b>
Tương tự như trường hợp Việt Nam, giữa tăng trưởng và ổn định vật giá, Trung Quốc đành chấp nhận đà tăng trưởng thấp hơn. Hậu quả là cổ phiếu Trung Quốc sụt giá 50% từ đỉnh cao hồi tháng 10 năm ngoái và mất toi 1.740 tỷ đô la, là một con số rất lớn, còn cao hơn khối dự trữ ngoại tệ của xứ này. Cùng lúc ấy, Tổng cục phó Tổng cục Thống kê Trung Quốc phát biểu rằng thời của tốc độ tăng trưởng hai số, tức là 10% trở lên, nay đã hết.
Ta có thể gọi đó là lên tới tột đỉnh và sẽ phải xuống. Hạ cánh an toàn hay hạ cánh tan tành là điều chưa ai rõ, nhiều phần là khó an toàn vì đặc tính riêng của Trung Quốc mà Việt Nam nên nhìn ra và ứng phó, nếu còn kịp.
“Quy luật đi xe đạp"
Việt Long: Từ nhiều năm nay, ông có trình bày trên diễn đàn này rằng Trung Quốc bị nguy cơ nóng máy kinh tế vì đà tăng trưởng quá cao cho nên sẽ phải có biện pháp hạ nhiệt. Nếu sau nhiều thập niên tăng trưởng ngoạn mục mà kinh tế Trung Quốc phải hãm đà tăng trưởng thì cũng là điều cần thiết.
Các quốc gia Đông Á như Nhật Bản rồi Nam Hàn, Đài Loan cũng qua cả chục năm tăng trưởng 8-9% và nay đã lớn mạnh cho nên có tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Liệu Trung Quốc có bước qua thời kỳ đó không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trường hợp của Trung Quốc có khác với ba nước nói trên vì cái ta gọi là màu sắc Trung Quốc. Thứ nhất là họ phát triển kém phẩm chất, thiếu bình đẳng, đầy tham nhũng nên dẫn tới phân hóa xã hội là điều không có ở Đông Bắc Á. Thứ hai, quy luật tăng trưởng của Trung Quốc là nền kinh tế đi xe đạp, xe mà không lăn bánh là sẽ đổ.
Việt Long: Xin đề nghị ông giải thích thêm về "quy luật đi xe đạp" ấy cho thính giả hiểu rõ hơn.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đầu tiên, hệ thống ngân hàng của họ cho vay mà khỏi tính toán về rủi ro tín dụng, nên ngồi trên một núi nợ khó đòi, tức là nợ sẽ mất. Sở dĩ như vậy vì ngân hàng có chức năng xã hội là bơm tiền cho doanh nghiệp sản xuất mà bất cần lời lỗ, chỉ để tạo ra việc làm cho dân chúng. Trung Quốc sản xuất cực rẻ để xuất khẩu và ngân hàng tài trợ doanh nghiệp thi hành nhiệm vụ đó như chiếc xe đạp cứ phải lao về phía trước thì khỏi đổ.
Bây giờ giá nguyên nhiên vật liệu và lương thực cứ tăng vọt với đà phi mã, nên Bắc Kinh gặp nhiều bài toán nan giải. Thí dụ như nếu kiểm soát giá cả thì gặp nạn khan hiếm hay buôn lậu, bị các doanh nghiệp dầu khí chống đối hay phá hoại; nếu nâng tỷ giá đồng bạc để chặn lạm phát thì xuất khẩu giảm; mà thả nổi giá cả thì doanh nghiệp phá sản, thất nghiệp tăng.
Một thí dụ kỳ lạ là hôm Thứ Hai 16 vừa qua, Trung Quốc thông báo là lần đầu tiên họ phải nhập khẩu xăng dầu vì sản lượng lọc dầu nội địa sút giảm mạnh. Lý do là các tổng công ty xăng dầu như Sinopec và PetroChina thấy nhập khẩu xăng và dầu cặn tức là diesel còn có lợi hơn là tinh chế lấy vì bề nào họ bán ra cũng lỗ khi giá bán bị trung ương ấn định quá thấp.
Thí dụ ấy cho thấy giới hạn quản lý của trung ương trước các thế lực kinh tế khác ở bên trong. Trước các bài toán đó, Bắc Kinh đành chọn giải pháp đạp thắng, xiết chặt tiền tệ và và chịu hậu quả là nhiều ngân hàng sụp đổ vì mất nợ, doanh nghiệp phá sản, công nhân viên mất việc.
Ảnh hưởng của cơn địa chấn
Việt Long: Bây giờ, từ chuyện mà ông gọi là nhỏ ở trên ngọn, xuống đến cái gốc là Trung Quốc có thể lâm vào một chuỗi dài những cơn địa chấn của một chuyển động lớn lao, ông có thể phân tích điều ấy cho rõ hơn được không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta thường nghĩ Trung Quốc là đại lục rộng lớn có diện tích gần 10 triệu cây số vuông, với dân số hơn một tỷ 300 triệu, lớn nhất địa cầu. Thực tế nó phức tạp hơn thế. Về địa dư, lãnh thổ xứ này gồm có hai khu vực ta cứ gọi là trong và ngoài, thực ra là ba khu vực khác nhau về kinh tế.
Ta thường nghĩ Trung Quốc là đại lục rộng lớn có diện tích gần 10 triệu cây số vuông, với dân số hơn một tỷ 300 triệu, lớn nhất địa cầu. Thực tế nó phức tạp hơn thế. Về địa dư, lãnh thổ xứ này gồm có hai khu vực ta cứ gọi là trong và ngoài, thực ra là ba khu vực khác nhau về kinh tế.
<b>Nguyễn Xuân Nghĩa</b>
Khu vực thứ nhất là các tỉnh miền Đông, từ Lưỡng Quảng, là Quảng Tây Quảng Đông, lên tới Bắc Kinh, là vùng duyên hải, lưu vực của ba dòng sông lớn của nền văn minh Hoa Hạ, là Hoàng hà, Dương tử và Châu giang tại Quảng Đông. Khu vực này có độ ẩm đủ cao để trồng trọt và có cửa biển tiếp xúc với bên ngoài. Nhưng diện tích khu vực này thật ra rất nhỏ so với toàn quốc mà tập trung đến 400 triệu dân, nên có mật độ dân số rất cao. Một chi tiết ít ai để ý là đất canh tác cho một đầu người ở tại đây chỉ bằng một phần ba số bình quân của thế giới. Khu vực chật chội ấy trù phú hơn cả và tạo ra ấn tượng phép lạ nhờ sự tường thuật của truyền thông.
Khu vực thứ hai là các tỉnh bị khoá sâu trong lục địa, một địa bàn rộng lớn trải ngang thảo nguyên hay sa mạc khô cằn, có mức phát triển thấp cho một dân số gần 900 triệu người, nếu có lợi tức mỗi tháng chừng trăm đô la là may. Khu vực này bị thời sự và lịch sử bỏ quên, nhưng là vựa người lầm than đã cung cấp nhân lực cho các biến động lịch sử gọi là "khởi nghĩa" hay "cách mạng". Lần cuối là cuộc "vạn lý trường chinh" của Mao Trạch Đông.
Khu vực thứ ba là các vùng phiên trấn, nơi đồn trú quân đội để trấn áp lân bang và chặn đà xâm lăng của các dị tộc, từ cao nguyên Thanh Tạng là Thanh Hải Tây Tạng đến Tân Cương ở miền Tây lên tới Nội Mông và Mãn Châu ở miền Bắc và Đông Bắc. Đây là khu vực hiểm trở của vực sâu, biển cát hay núi tuyết đã bảo vệ Trung Nguyên trong mấy ngàn năm lịch sử Trung Quốc. Nhưng khi triều đình trung ương bị suy yếu thì đấy cũng là nơi xuất phát các triều đại đã khuất phục Hán tộc, như Kim, Liêu, Nguyên Mông hay Mãn Thanh.
Việt Long: Vẫn biết rằng kinh tế không thể tách rời khỏi các định đề về địa dư chính trị và văn hóa của từng nước, nhưng xin hỏi ông rằng địa dư hình thể ấy của Trung Quốc có liên hệ gì tới cuộc khủng hoảng mà ông dự báo hay không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Từ xưa tới nay, mọi triều đại Trung Quốc đều có ba ưu tiên, là ổn định Trung Nguyên để củng cố ưu thế Hán tộc, là trấn áp tứ di để bảo vệ vùng phiên trấn, và là ngăn ngừa mối nguy xuất phát từ biển Đông, từ Nhật Bản hay các nước Tây phương, là điều đã xảy ra trong thế kỷ 19 và 20.
Trong quá khứ, ba bài toán sinh tử ấy không là vấn đề kinh tế vì chính sách tự cung tự cấp của nền kinh tế truyền thống. Khi có vấn đề, Mao Trạch Đông chẳng hạn đã có thể hy sinh kinh tế và tính mệnh của cả chục triệu dân để khống chế phiên trấn hay bảo vệ quyền lực trung ương, kể cả bằng chủ nghĩa dân tộc cực đoan nhuốm mùi bài ngoại hay chính sách bần cùng hóa. Nhưng cái gọi là sự ổn định ấy lại khiến xứ sở lụn bại dần trong chế độ kinh tế cào bằng.
Đặng Tiểu Bình là người hiểu rõ bài toán và lấy một quyết định lịch sử là mở cửa Trung Quốc để tiếp nhận tư bản và công nghệ tiên tiến hầu nâng cao mức sống người dân. Kết quả là 30 năm sau khi cải cách, kinh tế có tăng trưởng và mấy trăm triệu người đã ra khỏi sự khốn cùng.
Nhưng việc cải cách ấy cũng dẫn tới nan đề ngàn năm của Trung Quốc: trong khi các tỉnh duyên hải phát triển mạnh và bước vào thế kỷ 21, khu vực nội địa vẫn lạc hậu và càng ý thức được sự lạc hậu ấy vì cuộc cách mạng về công nghệ thông tin. Trước sự phồn thịnh của 400 triệu dân sống tại 15 tỉnh thành ở duyên hải thì nỗi cơ cực của 900 triệu người còn lại ở bên trong là vấn đề!
Địa dư chính trị
Việt Long: Ông đang phân tích chuyện hiện đại với cái nhìn về địa dư chính trị của Trung Quốc truyền thống? Chuyện ấy liên hệ gì đến vấn đề xuất khẩu hay sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trung Quốc đang thành đầu máy xuất khẩu cho kinh tế thế giới. Muốn xuất khẩu thì phải nhập nguyên nhiên vật liệu và thiết bị, và nhất là phải có thị trường mua hàng của mình, dù là bán với giá rẻ mạt như họ cố làm từ cả chục năm nay.
Bây giờ, với nạn lạm phát giá thương phẩm và mức sống dân cư duyên hải cải tiến khiến lương bổng gia tăng, lợi thế bán hàng rẻ đang mất dần. Xuất khẩu mà giảm -là điều đã bắt đầu vì xuất siêu của họ giảm 10% so với năm ngoái-thì doanh nghiệp và ngân hàng càng phá sản và thợ thuyền càng mất việc.
Dù có ngồi trên một khối dự trữ ngoại tệ vĩ đại và có đội quân hùng hậu, Trung Quốc không thể chi phối được giá năng lượng hay nông sản thế giới và thực tế lại lệ thuộc vào sức mua của thiên hạ, nhất là của thị trường Hoa Kỳ. Đó là một nghịch lý mà ít ai để ý nhưng lãnh đạo Bắc Kinh thì biết rất rõ.
Dù có ngồi trên một khối dự trữ ngoại tệ vĩ đại và có đội quân hùng hậu, Trung Quốc không thể chi phối được giá năng lượng hay nông sản thế giới và thực tế lại lệ thuộc vào sức mua của thiên hạ, nhất là của thị trường Hoa Kỳ. Đó là một nghịch lý mà ít ai để ý nhưng lãnh đạo Bắc Kinh thì biết rất rõ.
<b>Nguyễn Xuân Nghĩa</b>
Vấn đề thứ hai, còn nghiêm trọng hơn thế, là các tỉnh duyên hải và các đảng bộ địa phương nay đang thấy là quyền lợi của họ gắn bó với bên ngoài, với các tổ hợp ngoại quốc hay thị trường quốc tế. Họ trở nên giàu có và thực tế hội nhập vào thế giới toàn cầu hoá. Trong khi ấy, các tỉnh nằm sâu trong lục địa thấy bị bỏ rơi và cần chính quyền trung ương tái phân lợi tức cho mình. Các tỉnh ấy không có nhiều tiền nhưng có nhiều dân bất mãn.
Việt Long: Tức là tình hình kinh tế hiện nay khiến cho hai khu vực trong và ngoài đang bị tách đôi. Trung Quốc có thể làm gì trước bài toán nguy ngập ấy?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đấy mới là vấn đề vì ngày nay, lãnh đạo Bắc Kinh phải thỏa mãn cả hai thành phần nói trên mà không thể áp dụng giải pháp cào bằng đầy sắt máu kiểu Mao. Kinh tế thế giới càng bị nguy cơ suy trầm và tiết giảm nhập cảng và giá cả càng tăng thì các tỉnh duyên hải sống nhờ xuất khẩu càng điêu đứng và khó chấp nhận những đòi hỏi san xẻ của các tỉnh lục địa.
Rốt cuộc thì Trung Quốc không chi phối được thế giới mà lại bị thị trường quốc tế tác động vào lãnh vực sinh tử nhất là sự thuần nhất hài hòa của xã hội. Trong lịch sử xứ này, trường hợp ấy đã từng xảy ra khiến nhiều triều đại bị sụp đổ. Cho nên cơn địa chấn đang manh nha có thể báo hiệu một chuỗi biến động trong các năm tới, sau khi hội hè của Thế vận hội Bắc Kinh hạ màn.