Kinh tế Trung Quốc - hạng nhì thế giới?

Hôm Thứ Hai 16/8, Văn phòng Chính phủ Nhật thông báo một số liệu kinh tế làm thế giới chú ý. Tổng sản lượng nội địa trong nửa năm đầu của xứ này chỉ lên tới hai ngàn 770 tỷ Mỹ kim.
Việt Long & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2010.08.18
000_Hkg3918982-305.jpg Bộ trưởng tài chánh Nhật Bản Naoto Kan thư giãn tại nhà nghỉ hè ở Karuizawa, Nagano hôm 14/8/2010
AFP PHOTO / JIJI PRESS

So sánh kinh tế Nhật - Trung

So với sản lượng cùng kỳ của Trung Quốc là hai ngàn 540 tỷ, kinh tế Nhật coi như sắp bị qua mặt. Thực tế thì trong quý hai, từ Tháng Tư đến Tháng Sáu, sản lượng Nhật chỉ lên tới 1.288 tỷ đô la và thua sản lượng Trung Quốc vào cùng kỳ là 1.337 tỷ. Thế giới lập tức nói đến Trung Quốc như có nền kinh tế thứ nhì thế giới và với đà này thì sẽ vượt kinh tế Mỹ trong vài chục năm nữa. Có người còn đoán là vào năm 2030. Nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa lại đề nghị một cách lượng định khác qua phần trao đổi sau đây cùng Việt Long.

Việt Long: Tin chính thức từ Nhật cho biết là sản lượng kinh tế Nhật Bản trong quý hai vừa qua đã thua sản lượng của Trung Quốc. Biến cố ấy được cả thế giới để ý vì đánh dấu sự kiện Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để thành nền kinh tế thứ hai của thế giới. Hiển nhiên là ông có theo dõi và nghiên cứu về chuyện này, ông kết luận ra sao? 

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi kết luận là thiên hạ hơi nông nổi! Điều ấy thật ra cũng dễ hiểu thôi khi ta nói về thống kê kinh tế. Ngược lại, nhờ theo dõi và nghiên cứu chuyện kinh tế thế giới, tôi lại thấy ra nhiều điều lý thú và có ý nghĩa trong tuần này. Tôi xin được lần lượt giải thích.

Thứ nhất, sáu tháng đầu của năm nay, thống kê chính thức về sức sản xuất kinh tế trong nội địa, mà ta gọi tắt là GDP, của Nhật là năm ngàn 058 tỷ Mỹ kim (5.058) và của Trung Quốc là 4.900 tỷ Mỹ kim. Khi ta nói bằng Mỹ kim là quy ra trị giá bằng đô la Mỹ. Cũng vậy, sản lượng nội địa của hai nước trong quý hai là 1.288 tỷ cho Nhật Bàn và 1.337 tỷ cho Trung Quốc. Vì vậy mà thế giới mới nói là kinh tế Trung Quốc đã vượt Nhật Bản.

Các số liệu của Ngân hàng Thế giới cũng vậy, và cứ theo đó thì số một là Mỹ, số hai là Trung Quốc, số ba là Nhật, số bốn là Ấn Độ và số năm mới tới nước Đức.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa


Nhưng ta không quên là một Mỹ kim tại Trung Quốc thì mua được nhiều hàng hóa hơn là cùng một Mỹ kim đó ở Nhật. Vì vậy, mệnh giá, là giá trị bề mặt, của các con số ấy không phản ảnh sức mua thực tế, nên người ta dùng phương pháp đo lường gọi là "tỷ giá mãi lực", gọi tắt là PPP. Nếu áp dụng phương pháp này thì kinh tế Trung Quốc đã vượt Nhật Bản từ mươi năm trước rồi! Một cách cụ thể, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, tổng sản lượng nội địa của Trung Quốc cho năm 2009 đã lên tới tám ngàn tỷ 765 triệu đô la trong khi sản lượng Nhật năm đó chỉ có bốn ngàn tỷ 165 triệu đô la, chưa bằng phân nửa Trung Quốc.

Để so sánh thì sản lượng GDP của Mỹ là 14.256 tỷ và của Việt Nam là 240 tỷ. Kết luận đầu tiên là mệnh giá không bằng thực giá và Trung Quốc đã vượt Nhật từ lâu, chứ không đợi tới năm nay để thiên hạ ầm ĩ! Nhưng, đấy vẫn chỉ là nói về lượng, chứ về phẩm thì lại khác hẳn.

Việt Long: Chúng tôi đã nghĩ  rằng ông không tin là kinh tế Trung Quốc đã vượt Nhật Bản, không ngờ ông lại trình bày số liệu của IMF để chứng minh là Trung Quốc đã vượt Nhật từ lâu!

Nguyễn Xuân Nghĩa: Các số liệu của Ngân hàng Thế giới cũng vậy, và cứ theo đó thì số một là Mỹ, số hai là Trung Quốc, số ba là Nhật, số bốn là Ấn Độ và số năm mới tới nước Đức.

Việt Long: Ông vừa nói về lượng và bảo rằng về phẩm thì khác hẳn. Nó khác như thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Kinh tế Nhật và Trung Quốc đang ở vào hai giai đoạn phát triển khác nhau. Nhật Bản đã qua thời kỳ của đứa trẻ lớn như thổi từ lâu rồi, nay Trung Quốc mới vào tuổi đó, rồi cũng sẽ thấy tốc độ phát triển chậm lại. Các nước Tây phương ngày nay cũng vậy, với đà tăng trưởng rất thấp. Nhưng, nói về phẩm thì từ mấy chục năm trước, cả Nhật và các nước tân hưng Đông Á đều có sự phát triển hài hòa, công bằng và ít gây ô nhiễm hơn Trung Quốc bây giờ. Đó là một lẽ mà thiên hạ ít để ý nên cứ ca tụng Trung Quốc ở bề mặt, vì vậy tôi mới nói là thiên hạ nông nổi!

000_Hkg2342111-250.jpg
Bộ trưởng tài chánh Trung Quốc Xie Xuren trong cuộc họp báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ 42 tại đảo Bali, ngày 3 Tháng 5 năm 2009. AFP PHOTO/Sonny TUMBELAKA
Bộ trưởng tài chánh Trung Quốc Xie Xuren trong cuộc họp báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ 42 tại đảo Bali, ngày 3 Tháng 5 năm 2009. AFP PHOTO/Sonny TUMBELAKA
Nói cho dễ nhớ thì bình quân, một người dân Nhật Bản có lợi tức đồng niên là 32.600 đô la, ngay trước dân Đài Loan là 31.800 đô la. Trong khi ấy, lợi tức bình quân của người dân Hoa lục vỏn vẹn 6.567 đô la, chưa thể giàu bằng người dân ở bên kia eo biển và thực tế thì vẫn là nghèo. Mà khoảng cách giữa thành phần giàu nhất và nghèo nhất của Nhật lại rất thấp, và khoảng cách đó tại Trung Quốc, một xứ tự xưng là xã hội chủ nghĩa, lại một trời một vực. Cho nên nói về sức mạnh kinh tế chỉ là một cách nói tương đối. Trung Quốc có ưu thế là dân số một tỷ 300 triệu, còn Nhật chỉ có chừng 127 triệu, chưa bằng một phần 10. Mà chưa hết!

Việt Long: Như thế là ông còn nhìn ra nhiều cách so sánh khác nữa hay sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin châm thêm yếu tố thời gian. Sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách kinh tế đúng 30 năm trước thì Trung Quốc cũng áp dụng chiến lược phát triển Đông Á, như Nhật, Đài Loan, Nam Hàn, rồi các nước Đông Nam Á. Đó là lấy xuất khẩu làm lực đẩy, nhồi vào đó chế độ ngoại hối giả tạo là giữ tỷ giá đồng bạc thật thấp hầu chiếm lợi thế cạnh tranh nhờ hàng rẻ. Chiến lược ấy khiến các nước Đông Á tăng trưởng theo tốc độ rồng cọp trước sự ngợi ca của thế giới, rồi bị khủng hoảng, Nhật từ năm 1990 và các nước kia vào năm 1997.

Nếu nhớ lại thì giữa thập niên 1980 thiên hạ đã từng nông nổi báo động là Nhật sẽ vượt Mỹ và quả rằng có là chủ nợ của Mỹ, như Trung Quốc ngày nay. Thế rồi, sau khi bể bóng đầu tư từ năm 1990, trong 20 năm liền, Nhật chưa hồi phục. Sản lượng cao nhất của xứ này là vào năm 2007 chỉ bằng sản lượng năm 1997, tức là suốt 10 năm chẳng làm giàu thêm. Từ 2007 đến 2009 thì còn sụt thêm 8% và từ tư thế chủ nợ và chủ đầu tư toàn cầu, Nhật đang là quốc gia mắc nợ nhiều nhất thế giới, một cách tuyệt đối về ngạch số và tương đối là so với tổng sản lượng GDP.

Trung Quốc đã vượt Nhật Bản về sản lượng. Nhưng về dài thì vẫn đang trôi vào cõi chìm nổi đó - mà nhiều phần thì sẽ bị loạn chứ không như Nhật Bản hay Đông Nam Á!

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa


Trong khi Nhật chật vật xoay trở như vậy với trận tổng suy trầm vừa qua thì Trung Quốc ráo riết tăng chi ngân sách để đầu tư và bơm tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp nhà nước để đưa tăng trưởng qua tốc độ 8% một năm, là tiêu chuẩn tối thiểu để khỏi bị thất nghiệp và động loạn. Vì vậy, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản về sản lượng. Nhưng về dài thì vẫn đang trôi vào cõi chìm nổi đó - mà nhiều phần thì sẽ bị loạn chứ không như Nhật Bản hay Đông Nam Á!

Nhiều rủi ro cho Trung Quốc

Việt Long: Ông vui lòng chứng minh lời dự báo đó không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Dễ hiểu thôi, không có dân chủ và thể chế liên bang cho một xứ quá lớn và có quá nhiều khác biệt thì mọi bất ổn kinh tế đều gây ra khủng hoảng xã hội và chính trị. Khi Đông Á bị khủng hoảng, các đảng cầm quyền đều thất cử và người dân bầu lên chính quyền mới để tiến hành cải cách. Trung Quốc không có giải pháp thay thế như vậy để chọn con đường khác. 

Lãnh đạo Bắc Kinh rất biết rủi ro của chiến lược xuất khẩu kiểu Đông Á, mà họ không gỡ ra được vì mâu thuẫn cơ bản giữa các tỉnh duyên hải muốn phát triển và hội nhập vào thị trường quốc tế và các tỉnh bị khóa trong lục địa, và giữa trung ương với các đảng bộ địa phương. Vì vậy, họ tiếp tục lấy xuất khẩu làm đầu máy và duy trì tỷ giá đồng bạc rất thấp để cạnh tranh. Cụ thể là sau khi thả cho đồng bạc tăng được 1% trong hai tháng vì bị thế giới than phiền và Mỹ gây áp lực, hôm 12 vừa rồi, họ điều chỉnh lại cho thấp hơn 1,8%, tức là còn thấp hơn trước!

Việt Long: Khi họ định giá giả tạo như vậy để cạnh tranh thì việc gì xảy ra?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thứ nhất, nhà nước thu ngoại tệ về để đầu tư, tuyên truyền, mua chuộc và hù dọa xứ khác. Nhưng người dân không được hưởng lợi tương xứng với công lao thắt lưng buộc bụng, và tiêu thụ nội địa không đủ làm lực đẩy bổ sung cho sự hao hụt tất yếu của các thị trường nhập khẩu. Vì cần xuất khẩu bằng giá cực rẻ, có khi còn rẻ hơn giá thành, và bất kể phẩm chất, mức lời của doanh nghiệp Trung Quốc thật ra rất mỏng. Nếu xuất khẩu giảm, là điều sẽ xảy ra, cả triệu cơ sở bị vỡ nợ và dân bị mất việc. Chính quyền địa phương sợ thất nghiệp gây động loạn nên lại nhảy vào cấp cứu, có khi đi vay để cấp cứu và đang ngập nợ. Tình trạng bất thường ấy không kéo dài được, một vụ khủng hoảng kinh tế theo kiểu Đông Á năm xưa càng dễ xảy ra.

000_SAPA961210040500-250.jpg
Các nhân viên ngân hàng đang đếm tiền tại một ngân hàng ở trung tâm thành phố Tokyo. AFP PHOTO
Các nhân viên ngân hàng đang đếm tiền tại một ngân hàng ở trung tâm thành phố Tokyo. AFP PHOTO
Thứ hai, khác với Nhật, vốn có chủ trương bảo vệ ổn định trong một xã hội thuần chủng và ít có khác biệt về lợi tức, Trung Quốc lại có dị biệt quá lớn về địa dư. Sau 30 cải cách kinh tế mà không cởi mở hơn về chính trị, xứ này gặp hiện tượng tập trung tài sản và quyền lực vào tay một thiểu số, nhất là ở các tỉnh duyên hải. Trong khi ấy, đại đa số còn lại thì vẫn bần cùng và nay đã ý thức được sự bần cùng của họ và cực kỳ bất mãn về tệ nạn tham ô của đảng viên cán bộ. Khi nói về sự lớn mạnh của Trung Quốc, hệ thống tuyên truyền có thể lừa phỉnh tự ái dân tộc của quần chúng, nhưng chuyện ấy cũng không bền. Nếu kinh tế suy thoái, khủng hoảng xã hội và chính trị sẽ bùng nổ. Bắc Kinh rất biết nguy cơ đó vì triệu chứng đã manh nha.

Việt Long: Những triệu chứng manh nha đó là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin nhắc lại điều đã nói lúc ban đầu, là tuần này có nhiều tin rất đáng chú ý về những triệu chứng ấy.

Thứ nhất là công nhân thợ thuyền Trung Quốc ồ ạt đình công để đòi tăng lương và đã thành công, khiến giới đầu tư quốc tế bắt đầu nhìn vào nơi đầu tư có lời hơn. Họ chú ý đến thị trường gần 600 triệu dân của các nước Đông Nam Á, vốn đã cải cách sau vụ khủng hoảng thời 1997-1998 và có nền tảng vĩ mô an toàn hơn. Cũng đáng chú ý là nơi xuất phát phong trào đình công là tỉnh Quảng Đông. Vừa qua, tỉnh này lại quyết định là người dân có quyền đình công, chứ khỏi cần tới sự đồng ý cùa công đoàn quốc doanh. Khi dân Quảng Đông và Hong Kong lại còn biểu tình đòi bảo vệ tiếng Quảng Đông trước sự lấn lướt của tiếng Quan thoại ở miền Bắc, ta thấy lại dị biệt và mâu thuẫn Bắc Nam rất truyền thống của Trung Quốc.

Thứ hai, một tuần trước khi thế giới nói đến việc Trung Quốc vượt Nhật, một viên Thiếu tướng lại có bài viết lạ trên tờ Phoenix xuất bản bằng Anh ngữ ở Hong Kong, tức là cũng ở miền Nam. Trong bài viết, ông cảnh báo là Trung Quốc phải cải cách cho tự do và dân chủ hơn, theo mô thức của Hoa Kỳ, nếu không thì sẽ tan rã y như Liên Xô. Cái tin rất lạ ấy được tờ Sydney Herald Tribune của Úc loan tải từ hôm 12 mà thiên hạ nông nổi lại không nhìn ra, ngó tới!

Khi nói về sự lớn mạnh của Trung Quốc, hệ thống tuyên truyền có thể lừa phỉnh tự ái dân tộc của quần chúng, nhưng chuyện ấy cũng không bền. Nếu kinh tế suy thoái, khủng hoảng xã hội và chính trị sẽ bùng nổ.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa


Việt Long: Quả là chuyện rất đáng chú ý. Nhưng, phải chăng vì ông ta là một ông tướng hồi hưu như mình có thấy nhiều đảng viên Cộng sản về hưu rồi đã có hoàn cảnh nói thật. Có phải vậy chăng?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa, viên tướng Lưu Á Châu này thuộc "Thái tử đảng", là thành phần con ông cháu cha và thực tế là con một ông tướng và con rể của ông Lý Tiên Niệm, Chủ tịch nước và một trong tám đại công thần từ thời Mao. Nhưng ông ta không cậy thế cậy thần để làm giàu mà là tay lý luận trong quân đội. Trước đây, ông là Chính ủy Binh chủng Không Quân và vừa được đưa lên làm Chính ủy Học viện Quốc phòng. Khi Liên Xô tan rã thời Chủ tịch Mikhail Gorbachev, Trung Quốc cho rằng mình khôn nên chỉ cải cách kinh tế mà khỏi cải cách chính trị và quả nhiên là thành công hơn Liên bang Nga. Bây giờ, lại có người đề nghị cải cách chính trị, phê phán chế độ kinh tế lý tài hiện nay là giả tạo và đề cao sức mạnh thật, dựa trên sự thật!

Ta nhớ là Trung Quốc đang có mâu thuẫn mạnh với Hoa Kỳ, cũng lại đang chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng cho khoá 17 vào năm 2012 này. Trong hoàn cảnh đó, quan điểm công khai của một Thiếu tướng cho thấy nhiều tranh luận cơ bản và gay gắt ở bên trong tầng lớp lãnh đạo chính trị lẫn quân sự. Họ có thể tuyên truyền về sức mạnh kinh tế đã vượt qua Nhật Bản, nhưng không tự mê hoặc với ảo tưởng đó, vì biết rõ thực tế rất bất trắc ở bên trong.


Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.