Đông Á hồi sinh

Ngân hàng Thế giới vừa công bố phúc trình cập nhật về tình hình kinh tế của khu vực Đông Á và Thái bình dương với một số điều chỉnh lạc quan hơn bản báo cáo phổ biến hồi tháng 11 năm ngoái.
Việt Long & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2010.04.07
Công nhân làm việc trong xưởng sản xuất xe Daewo ở Pupyong, Seoul. Công nhân làm việc trong xưởng sản xuất xe Daewo ở Pupyong, Seoul.
AFP PHOTO

Nhưng, phúc trình của định chế này cũng nêu ra một số khuyến cáo cho các nước về nhu cầu cải tổ cơ chế. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về các yêu cầu đó của Việt Nam qua phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây.

Trên đà hồi phục

Việt Long: Ngân hàng Thế giới vừa mới công bố báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế Đông Á - Thái bình dương với một số dự báo có vẻ lạc quan hơn so với báo cáo hồi tháng 11 năm ngoái. Đã tham khảo tài liệu này, ông có nhận xét ra sao về dự báo của Ngân hàng Thế giới và về những điều được định chế này khuyến cáo cho các nước trong khu vực?

Mức tăng trưởng rất cao và cao hơn dự báo tháng 11 tới gần trăm điểm, gần 1%. Đó là yếu tố lạc quan thứ nhất, nó xác nhận là Đông Á dẫn đầu thế giới trong đà hồi phục.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: Hàng năm, Ngân hàng Thế giới vẫn thường xuyên theo dõi tình hình kinh tế toàn cầu và mỗi năm lại có hai lần cập nhật căn cứ trên các dữ kiện mới được thu thập. Sau bản phúc trình hồi tháng 11, hôm Thứ Tư mùng bảy, Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo cập nhật về kinh tế Đông Á và các nước Á châu Thái bình dương với nội dung lạc quan hơn.

Một cách vắn tắt thì tốc độ tăng trưởng bình quân thực tế của các nước trong khu vực có thể là 8,7% cho cả năm nay, là mức tăng trưởng rất cao và cao hơn dự báo tháng 11 tới gần trăm điểm, gần 1%. Đó là yếu tố lạc quan thứ nhất, nó xác nhận là Đông Á dẫn đầu thế giới trong đà hồi phục.

Yếu tố lạc quan thứ hai là sau giai đoạn suy trầm toàn cầu vừa qua, khu vực này bị thiệt hại không quá nặng. Các nước ra khỏi suy trầm mà không bị bội chi quá lớn, chẳng mắc nợ quá nhiều và cơ chế bảo vệ phúc lợi xã hội vận hành tương đối tốt đẹp nên thành phần nghèo túng tránh được nhiều tổn thất đáng lẽ còn nguy ngập hơn. Nếu tham khảo các phúc trình và dự báo của Ngân hàng Thế giới, ta thường thấy ra đặc tính khá lạc quan của định chế này, nhất là khi lượng định về kinh tế Trung Quốc, mà họ cho là có ảnh hưởng tới sự hồi phục ở các xứ khác.

Việt Long: Ngoài dự báo có vẻ lạc quan đó cho tình hình năm nay, Ngân hàng Thế giới có dự phóng gì khác cho một tương lai xa hơn không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Báo cáo của Ngân hàng Thế giới có nhắc tới bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu là đang ở vào một giai đoạn điều chỉnh nên trong trung hạn, tức là trong khoảng thời gian từ hai năm đến năm năm tới, khu vực Đông Á sẽ gặp một hoàn cảnh kinh tế đổi khác.

Tiền đồng Việt Nam. AFP Photo.
Tiền đồng Việt Nam. AFP Photo.
Sự đổi khác đó là thứ nhất, kinh tế của các nước đã phát triển, tức là khối công nghiệp hóa, sẽ có mức tăng trưởng chậm hơn. Thứ hai là tình hình tài chính toàn cầu sẽ tương đối khan hiếm hơn chứ không dồi dào dễ dãi như trước đây. Thứ ba là mối quan tâm có gia tăng về mức độ mắc nợ của các nước giàu - mà ta hiểu là gồm có Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều nước Âu Châu - xưa nay vẫn là ba đầu máy tăng trưởng cho kinh tế thế giới. Hậu quả chung là quan hệ về mậu dịch giữa các nước sẽ có nhiều khó khăn hơn, là điều chúng ta đang thấy khi các nước công nghiệp hóa đều muốn gia tăng xuất khẩu chứ không hào phóng dễ dãi như trước.

Vì vậy mà Ngân hàng Thế giới mới kết luận rằng trong ngắn hạn các nước đang phát triển của Đông Á cần thận trọng khi thu hồi các biện pháp kích thích kinh tế và thúc đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách để đảm bảo một mức tăng trưởng cao trong trường kỳ. Nói vắn tắt thì ta đang bước vào một thời kỳ "người khôn của khó" trên trường cạnh tranh về ngoại thương nên sẽ phải sớm cải tổ.

Kinh tế Việt nam

Việt Long: Trong khối kinh tế Đông Á đang phát triển đó tất nhiên là có Việt Nam. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đánh giá thế nào về quốc gia này?

Ngân hàng Thế giới cho là Việt Nam đã xoay trở ra khỏi nạn tổng suy trầm với kết quả khả quan bất ngờ.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ngân hàng Thế giới cho là Việt Nam đã xoay trở ra khỏi nạn tổng suy trầm với kết quả khả quan bất ngờ. Tổng sản lượng thuần, sau khi giải trừ ảnh hưởng của lạm phát, tăng được 5,3% trong năm 2009 trước hết là nhờ khu vực xây cất. Thứ nữa, các biện pháp kích thích kinh tế qua tăng chi và bơm tín dụng ngân hàng đã nâng mức đầu tư rất mạnh, gần tới 43% của Tổng sản lượng GDP, trong đó một phần ba là từ các doanh nghiệp nhà nước. Nhờ đó, Việt Nam có triển vọng đạt mức tăng trưởng là 6% trong toàn năm nay.

Việt Long: Có nhiều ý kiến cho rằng những mặt trái của thành quả đó cũng gây nhiều vấn đề như diễn đàn này đã trình bày trong suốt năm qua, có phải không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng như vậy. Ngân hàng Thế giới cho là Việt Nam đã đẩy mạnh sinh hoạt sản xuất nhờ số cầu của thị trường nội địa nên có gây vấn đề cho cán cân thanh toán, là có bị nhập siêu và hao hụt về ngoại tệ. Thí dụ như lần đầu tiên từ hai chục năm nay, từ khi Việt Nam thực tế đổi mới kinh tế, xuất khẩu đã giảm và giảm gần 10% trong năm 2009 vừa qua. Trong khi ấy, nhập khẩu cũng giảm 14,7% và cán cân thanh toán bằng ngoại tệ có bị khiếm hụt mất gần 9% của Tổng sản lượng GDP. Song song, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào cũng có thể giảm đôi chút, chừng 13% cho toàn năm ngoái.

Tuy nhiên, và đây cũng là hai chi tiết đáng chú ý khác. Thứ nhất, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho rằng những sai lệch hay khiếm khuyết lớn tới bất ngờ về thống kê của cán cân chi phó, bằng ngoại tệ, đã lên tới 10% của Tổng sản lượng GDP. Và thứ hai, việc đồng Mỹ kim được giao dịch ngoài biên độ chính thức của nhà nước, tức là trên thị trường chợ đen. Hai chuyện này phản ảnh một sự thiếu tín nhiệm về trị giá của đồng bạc Việt Nam. Nôm na là người ta thường xuyên chờ đợi đồng bạc sẽ bị phá giá.

Việt Long: Đó là loại vấn đề trên thị trường ngoại hối. Ngoài ra, người ta có thấy ra một vấn đề khác là nạn vật giá leo thang không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa phúc trình của Ngân hàng Thế giới có nhắc tới hiện tượng đáng lo ngại đó. Trước hết là sau khi đã tăng tới gần 20% trong năm 2008, qua năm 2009, giá cả tại Việt Nam chỉ tăng bình quân có 6,6% cho toàn năm, nhưng con số trung bình ấy che giấu một thực tế là vật giá đã tăng quá mạnh trong quý bốn, tức là trong ba tháng cuối năm.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Photo courtesy of dungquat.com.vn
Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Photo courtesy of dungquat.com.vn
Nguyên do của đà lạm phát đáng ngại này gồm có nhiều thứ lắm. Việc mua sắm vào mấy tháng cuối năm vì lễ lạc tết nhất là một nguyên nhân. Nhưng, đáng ngại hơn thế vì sẽ còn ảnh hưởng kéo dài là nạn thương phẩm, là nguyên nhiên vật liệu và khoảng sản nông sản, tăng giá trên toàn cầu; là việc phá giá tiền đồng; là việc nâng giá xăng dầu cho ngang bằng với các nước đang cùng cạnh tranh. Nguy hại nhất là áp lực lạm phát trên các thị trường đầu tư về cổ phiếu và địa ốc. Nói cho dễ hiểu là nạn bong bóng đầu tư.

Hiện tượng ấy cho thấy rằng các biện pháp kích thích đã vận hành tới giới hạn cuối cùng, tức là có thể trở thành liều thuốc đổ bệnh. Vì thế, báo cáo của Ngân hàng Thế giới mới kết luận rằng đã đến lúc Việt Nam phải tuần tự tiết giảm chương trình kích thích kinh tế và quan tâm đến việc giải trừ phản ứng đầu cơ mà định chế này đã trình bày khá kỹ.

Điều chỉnh toàn cầu

Việt Long: Bây giờ, chúng ta bước qua phần hai của bản báo cáo, về những việc phải thực hiện trong tương lai trước mắt. Thưa ông, Ngân hàng Thế giới khuyến cáo những gì cho các nước trong khu vực đã được họ khảo sát?

Vì hiện tượng mà ta tạm gọi là "điều chỉnh toàn cầu", tức là các nước giàu sẽ tiêu thụ ít đi và phải xuất cảng nhiều hơn, các nước nghèo thì sẽ phải tái cấu trúc lại cơ cấu kinh tế.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: Vì hoàn cảnh của mỗi nhóm quốc gia lại mỗi khác, phúc trình của Ngân hàng Thế giới không đưa ra một chương trình đồng hạng nên áp dụng chung cho mọi nước.

Sau khi lượng định rằng tình hình thế giới sẽ khác xưa vì hiện tượng mà ta tạm gọi là "điều chỉnh toàn cầu", tức là các nước giàu sẽ tiêu thụ ít đi và phải xuất cảng nhiều hơn, các nước nghèo thì sẽ phải tái cấu trúc lại cơ cấu kinh tế, tiêu thụ và giao dịch, Ngân hàng Thế giới liệt kê một số yêu cầu về điều chỉnh mà các nước trong khu vực nên thực hiện tùy hoàn cảnh riêng.

Nói về những điều chỉnh chung của cả khu vực thì Ngân hàng Thế giới đề nghị hai chuyện là các nước nên hội nhập với nhau chặt chẽ hơn và nên chú ý tới môi sinh trong khung cảnh khí hậu có thay đổi. Chuyện thứ nhất là các nước như 10 quốc gia trong Hiệp hội Đông Nam Á chẳng hạn, nên tiếp tục thúc đẩy việc sản xuất và mua bán với nhau nhiều hơn thay vì chỉ ngó vào các thị trường Mỹ, Nhật, Âu như trong quá khứ. Chuyện thứ hai là các nước phải quan tâm đến việc gìn giữ môi trường đất đai và thủy lợi và nghĩ tới loại năng lượng sạch, có khả năng tái chế.

Việt Long: Về hoàn cảnh riêng của từng nhóm quốc gia, báo cáo của Ngân hàng Thế giới có những gì là đáng chú ý?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Một yêu cầu rất đáng chú ý cho trường hợp Trung Quốc là cần tái phối trí lại cơ cấu sản xuất theo hướng khuếch trương khu vực dịch vụ và khuyến khích tiêu thụ tư nhân và nhất là giã từ chiến lược gia tăng sản xuất nhờ đầu tư rất mạnh vào xuất khẩu. Đồng thời, Ngân hàng Thế giới cũng khuyến cáo Trung Quốc phải chú ý nhiều hơn tới việc bảo vệ môi sinh bằng loại công nghệ có giá trị bền vững, nôm na là năng lượng sạch, hoặc "năng lượng xanh". Trong khi các nước trong Ủy ban Mekong đang có hội nghị tại Thái Lan, với trách nhiệm rất cao của Trung Quốc trên thượng nguồn đối với môi trường sinh sống và việc khai thác sông Mekong cho các nước ở dưới, thì lời khuyến cáo này là một nhắc nhở không thửa.

Đồng đô la Mỹ và đồng nhân dân tệ. AFP Photo.
Đồng đô la Mỹ và đồng nhân dân tệ. AFP Photo.

Việt Long: Những điều nhắc nhở đối với Trung Quốc cũng chẳng khác gì những điều diễn đàn này thường nói về Trung Quốc từ lâu nay, đúng không thưa ông?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đúng là như vậy và vì thế mà chúng ta càng phải nhắc tới và phải huy động sự tham gia của các nước khác cùng quan tâm vào một chính sách phối hợp chung  thay vì để Trung Quốc sẽ đánh tỉa từng nước một theo thủ thuật bẻ đũa từng chiếc, là tìm cách mua chuộc từng nước trong bốn quốc gia nằm dưới lưu vực của sông Mêkông.

Việt Long: Riêng với hoàn cảnh của các quốc gia có lợi tức trung bình còn thấp hơn thì báo cáo của Ngân hàng Thế giới đề nghị những gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Với trường hợp của các quốc gia có lợi tức trung bình còn thấp lại không thuộc loại xuất khẩu thương phẩm như khoáng sản nguyên nhiên vật liệu - là trường hợp của Việt Nam - thì báo cáo của Ngân hàng Thế giới nói đến một ưu tiên là gia tăng đầu tư vào hạ tầng vận chuyển và vào nguồn tư bản chính, là con người. Nói cho dễ hiểu là phải đầu tư vào cầu cống, đường xá và giáo dục, đào tạo.

Đây là một ưu tiên cấp bách nếu Việt Nam muốn lên một cấp cao hơn về trình độ sản xuất và xuất khẩu, nghĩa là phải có khả năng sản xuất và bán ra những mặt hàng có giá trị gia tăng hay giá trị đóng góp lớn hơn. Muốn như vậy, Việt Nam phải nâng cao trình độ giáo dục và tổ chức.

Nói chung thì các định chế quốc tế hay giới đầu tư đều thấy ra những việc nên làm và vẫn khuyến cáo một cách định kỳ. Nhưng so với trước đây thì lời khuyến cáo năm nay rất đáng chú ý vì hoàn cảnh thế giới đã thay đổi chứ không còn dễ dãi như xưa. Với Việt Nam thì sau khi bang giao với Hoa Kỳ từ 15 năm trước và dần dần được hội nhập trở lại vào luồng trao đổi của thế giới từ 10 năm trước, tình hình nay mai sẽ không còn thuận lợi nữa nên đòi hỏi nhiều thay đổi trong tư duy và tổ chức. Còn việc đầu tư mạnh hơn vào giáo dục và đào tạo thì đã được nêu lên quá nhiều lần rồi. Trong hoàn cảnh người khôn của khó mà mình khôn chậm hơn thì sẽ chịu nhiều khó khăn hơn.

Việt Long: Xin cám ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Xin cám ơn ông Việt Long và kính chào quý vị độc giả.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.