Không bị Tổng khủng hoảng, nhưng có Tổng suy trầm
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Chúng ta sắp đi hết một năm coi là sóng gió nhất cho kinh tế toàn cầu kể từ sau Thế chiến Thứ hai. Nhưng qua năm tới đây liệu tình hình có khả quan hơn không? Đó là câu hỏi cho chương trình chuyên đề kỳ này, mà chúng ta sẽ tìm giải đáp. Như mọi khi, xin ông cho môt một nhận định tổng quát truớc khi trình bày bối cảnh của câu chuyện.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nếu có thể nhận định sơ lược về tình hình kinh tế toàn cầu năm đang chấm dứt thì tôi xin đề nghị chữ "hú vía"! Nghĩa là trong năm nay chúng ta thật sự đã tai qua nạn khỏi. Sang năm tới đây, tình hình chung sẽ có vẻ sáng sủa hơn, dù vẫn còn nhiều bất trắc.
- Nói về bối cảnh thì ta phải trở lại từ đầu. Sau sáu năm liền tăng trưởng tương đối khả quan, kinh tế có thể bị suy trầm nhẹ - là khi tốc độ tăng trưởng giảm sút hai quý liền. Hiện tượng ấy đã xảy ra cho kinh tế Hoa Kỳ từ tháng 12 năm 2007. Nhưng khi đó trái bóng đầu tư trên thị trường gia cư đã xì sau năm năm căng phồng thiếu cơ sở nên còn dẫn tới vụ khủng hoảng tín dụng loại thứ cấp. Khủng hoảng ấy manh nha từ giữa năm 2007 và bùng nổ vào đầu năm 2008, trước hết là tại Âu Châu vì các ngân hàng Âu Châu có tham gia vào việc mua bán các kén nợ bên trong có loại thứ cấp bị ung thối, mà ung thối cỡ nào thì không ai biết rõ nên ai ai cũng sợ.
<i>Khi đó, mọi người đều hốt hoảng nói đến "Tổng khủng hoảng"như trong các năm 1929-1933, vì sự suy sụp tại Mỹ đã lan qua Âu Châu rồi kéo theo các nền kinh tế khác. Cuộc tranh cử tại Mỹ cũng góp phần gây không khí hốt hoảng đó vì lời báo động liên tục của chính trường làm thị trường bị ảnh hưởng tâm lý. Thật ra thì không có "Tổng khủng hoảng" mà chỉ có "Suy trầm Toàn cầu".</i>
Việt Long: Nghĩa là lúc ban đầu từ giữa năm 2007, các ngân hàng châu Âu đã bị khủng hoảng trước?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy mà người ta lại quên, trước hết là các ngân hàng Anh, Pháp, Thụy Sĩ...
- Sau đó, cơn chấn động dội ngược về Mỹ với vụ tập đoàn đầu tư Bear Stern bị vỡ nợ vào tháng Ba năm 2008. Rồi cao điểm là vụ tập đoàn đầu tư Lehman Brothers và tổ hợp bảo hiểm AIG phá sản giữa tháng Chín. Vụ khủng hoảng tài chính ấy tại Mỹ khiến kinh tế đang suy trầm bị suy thoái, là không chỉ tăng trưởng chậm hơn mà là không tăng trưởng rồi tăng trưởng với số âm.
- Khi đó, mọi người đều hốt hoảng nói đến viễn ảnh "Tổng khủng hoảng", tương tự như trong các năm 1929-1933, vì sự suy sụp tại Mỹ đã lan qua Âu Châu rồi kéo theo các nền kinh tế khác. Cuộc tranh cử tại Mỹ cũng góp phần gây không khí hốt hoảng đó vì lời báo động liên tục của chính trường làm thị trường bị ảnh hưởng tâm lý. Nhưng thật ra thì không có "Tổng khủng hoảng" mà chỉ có "Suy trầm Toàn cầu".
Việt Long: Hình như là ông đang xác định lại cách gọi cơn chấn động vừa qua?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng vậy và việc dùng chữ cho chính xác là điều khá cần thiết trong lãnh vực truyền thông để khỏi gây hốt hoảng bậy sau khi đã làm nhiều người lạc quan tếu.
- Trở lại câu hỏi thì tôi còn nhớ là đúng ngày này năm ngoái, diễn đàn của chúng ta đã cảnh báo rằng "không có Tổng khủng hoảng". Trước đó, trong tháng 11, chúng ta cũng đã nói đến hiện tượng "Suy trầm Toàn cầu", rồi còn dự báo rằng kinh tế Mỹ sẽ đụng đáy kể từ quý ba. Những điều ấy đã xảy ra.
- Nói chung cho các nền kinh tế thế giới thì sự suy sụp đã giảm, một số đầu máy kinh tế khác bắt đầu phục hồi. Vì vậy mà nếu nhìn lại thì mình có thể thấy là "hú vía" và chia ra hai giai đoạn nối tiếp. Nửa năm đầu còn là "Suy trầm Toàn cầu", chứ nửa năm sau, là từ tháng Bảy đến nay, thì có thể gọi là "Lắng dịu Toàn cầu" và tổng kết thì tình hình không đến nỗi bi thảm như ban đầu người ta đã sợ. Tuy nhiên, sự phục hồi này còn bấp bênh khiến các nước phải vô cùng thận trọng khi chuẩn bị thu hồi biện pháp cấp cứu thật ra rất bất thường, gần như chưa từng thấy bao giờ....
<i>Đúng ngày này năm ngoái, diễn đàn của chúng ta đã cảnh báo rằng "không có Tổng khủng hoảng". Trước đó, trong tháng 11, chúng ta cũng đã nói đến hiện tượng "Suy trầm Toàn cầu", rồi còn dự báo rằng kinh tế Mỹ sẽ đụng đáy kể từ quý ba. Những điều ấy đã xảy ra... </i>
Những biện pháp cấp cứu táo bạo và ào ạt chưa từng thấy
Việt Long: Trước khi nói đến triển vọng và những rủi ro trước mắt thì ông có thể nhắc lại về những biện pháp cấp cứu bất thường đó không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Vì nỗi lo sợ Tổng khủng hoảng, các quốc gia đều cùng cấp tốc ban hành nhiều biện pháp quy mô và mạnh bạo chưa từng có trong lịch sử. Các cơ sở tài chính bị suy sụp vì khủng hoảng tín dụng đều được nhà nước tung tiền - tương đương với nhiều ngàn tỷ Mỹ kim - để cấp cứu và bảo lãnh. Các ngân hàng trung ương cũng đồng loạt hạ lãi suất, nhiều nơi gần bằng số không, thậm chí tới số âm nếu kể thêm ảnh hưởng của vật giá. Ngân hàng trung ương của các đầu máy kinh tế mạnh nhất còn thực tế in tiền bơm vào kinh tế qua hình thức "nâng mức lưu hoạt có định lượng" gọi là "quantitative easing". Chính quyền các nước cũng áp dụng hàng loạt biện pháp ngân sách như tăng chi hay giảm thuế. Nhờ các quyết định phải nói là rất táo bạo và ồ ạt đó, thế giới đã tránh được Tổng khủng hoảng.
Việt Long: Bây giờ nói về triển vọng thì tình hình mỗi nơi có thể là mỗi khác phải không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng là vậy vì hoàn cảnh kinh tế lẫn biện pháp cứu nguy có thể khác nhau tùy từng quốc gia.
- Nhìn trên toàn cảnh thì chưa khi nào các ngân hàng trung ương lại ào ạt bơm tiền ra như chúng ta vừa thấy. Qua năm tới thì có hiện tượng ngược là sẽ phải hút bớt tiền lại, đó là sự thể chung. Trên thế giới thì các nước đang phát triển đã đụng đáy và hồi phục sớm nhất. Nhưng thực tế là chưa chắc đã đạt mức tăng trưởng bình hoà nếu không còn nguồn lực kích cầu. Bây giờ, hút tiền ra bằng cách tăng lãi suất hay nâng mức dự trữ pháp định thì cũng phải phòng ngừa là đừng đạp thắng quá mạnh khiến cỗ xe sẽ dừng. Ngược lại, các nền kinh tế lớn nhất trong nhóm quốc gia đang phát triển ấy có khi lại vì kích cầu mà thổi lên bong bóng, là trường hợp điển hình tại Trung Quốc.
- Trong khi ấy, tại các nền kinh tế đã công nghiệp hoá, tình hình Hoa Kỳ có thể khả quan hơn cả. Nhưng số cầu vẫn còn yếu và việc xiết dần tiền tệ như nâng lãi suất hoặc hút bớt tiền lưu hành đã được tung ra trước đó đòi hỏi một sự thận trọng và tinh tế cao độ. Chỉ vì nếu không khéo là cũng sẽ kềm đà tăng trưởng.
Việt Long: Trong khung cảnh đó, đề nghị ông trình bày cho tình hình của từng nhóm quốc gia.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Căn cứ trên dự báo của các trung tâm nghiên cứu kinh tế mà tôi đã tham khảo thì trong năm tới, kinh tế toàn cầu có thể đạt mức tăng trưởng bình quân chừng 4%, tức là vươn khỏi con số u ám 2,5% là định mức tiêu chuẩn của nạn suy trầm toàn cầu. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này chưa được coi là bình hoà vì còn kém số trung bình của năm năm trước khi bị suy trầm là 5%.
- Thứ nữa, khi ta nói bình quân là 4% thì đấy là kết số của hai khối kinh tế khác nhau. Các nền kinh tế công nghiệp hóa thì chỉ đạt được tốc độ còn èo uột 2% là mừng, trong khi còn bình quân của các nền kinh tế đang phát triển có thể lên tới 6,5%. Việt Nam nằm trong nhóm đó, nhưng còn thua kém Trung Quốc hay Ấn Độ.
<i>Kinh tế toàn cầu có thể đạt mức tăng trưởng bình quân chừng 4%, là kết số của hai khối kinh tế khác nhau. Các nền kinh tế công nghiệp hóa thì chỉ đạt tốc độ còn èo uột là 2%, trong khi còn bình quân của các nền kinh tế đang phát triển có thể lên tới 6,5%. Việt Nam nằm trong nhóm đó.</i> <i> </i>
- Nếu phân giải cho kỹ hơn thì nhóm công nghiệp hoá sẽ có mức tăng trưởng thấp, thất nghiệp còn cao trong nhiều năm liền, riêng tại Âu Châu cùng Nhật Bản thì thất nghiệp sẽ còn tăng nữa. Trong nhóm ấy, ta chú ý đến ba đầu máy lớn là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Âu Châu. Hoa Kỳ có hy vọng khả quan nhất, với đà tăng trưởng mấp mé 3%. Đằng sau, Âu Châu hay nói đúng hơn, khối Euro, còn lẹt đẹt và chỉ tăng trưởng bằng nửa số đó là mừng, từ khoảng 1,2 đến 1,4%. Các nước Đông Âu hay Trung Âu thì còn kém hơn. Chúng ta không quên rằng kinh tế Âu Châu cũng có những nhược điểm nội tại, kể cả bong bóng gia cư và tín dụng thứ cấp, chứ không chỉ bị hậu quả chấn động từ Hoa Kỳ.
- Trong khi ấy, Nhật thật ra chưa thoát khỏi suy trầm và nếu có đạt tốc độ tăng trưởng là 0,5% đã là lạc quan. Điều ấy có nghĩa là số cầu về nhập khẩu của ba khối này còn giới hạn, là tin kém vui cho các nền kinh tế đang cần xuất khẩu.
Á châu phải đổi chiến lược
Việt Long: Nếu vậy các nền kinh tế đang phát triển này có bị ảnh hưởng không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Theo như tôi hiểu thì có, nhưng mà không nhiều vì một số lý do khá phức tạp. Trước hết là nhờ mức tăng trưởng cao nên các nước sẽ có thị trường nội địa tương đối mạnh hơn trước. Tuy nhiên, vì tình hình xuất nhập khẩu của các nước công nghiệp chưa mấy khả quan, mâu thuẫn về mậu dịch rất dễ xảy ra trong năm tới, là điều Việt Nam nên chú ý.
<i>Về dài thì thị trường nội địa mới là động lực tăng trưởng bền vững và xứ nào càng ít bị ràng buộc vào xuất khẩu, thì càng dễ có mức tăng trưởng ổn định hơn.</i>
Việt Long: Riêng về tình hình các nước châu Á ngoài Nhật Bản thì sẽ ra sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nói chung, các nước này đều có tốc độ tăng trưởng sản xuất khá cao nhưng sẽ sớm bị khựng trên đỉnh ấy nếu không quyết liệt cải cách cơ chế để nâng mức tiêu thụ nội địa. Về dài thì thị trường nội địa mới là động lực tăng trưởng bền vững và xứ nào càng ít bị ràng buộc vào xuất khẩu, đo lường qua tỷ trọng của xuất khẩu trong tổng sản lượng nội địa GDP, thì càng có mức tăng trưởng ổn định hơn.
- Mặt khác, trong nhóm này, xứ nào mà áp dụng chế độ ngoại hối linh động, tức là thả nổi tỷ giá đồng bạc, thì đồng bạc dễ lên giá và kinh tế càng huy động thêm tư bản để đầu tư nên có khi phải sớm tăng lãi suất. Nước nào mà duy trì tỷ giá cố định thì sẽ vì đó mà tiếp nhận luôn hậu quả tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới và bị nguy cơ lạm phát cao hơn. Đó là trường hợp đáng ngại cho Việt Nam vì chính sách ngoại hối cố định. Nghĩa là cho dù Việt Nam đã sớm nâng lãi suất, thì rủi ro lạm phát vẫn còn khá cao, chưa nói tới rủi ro về ngoại hối.
<i>Nước nào mà duy trì tỷ giá cố định thì sẽ tiếp nhận luôn hậu quả tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn và bị nguy cơ lạm phát cao hơn. Đó là trường hợp đáng ngại cho Việt Nam. Cho dù Việt Nam đã sớm nâng lãi suất, rủi ro lạm phát vẫn còn khá cao, chưa nói tới rủi ro về ngoại hối.</i>
- Cũng trong nhóm đang phát triển tại Á châu, ta chú ý đến hai nền kinh tế lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Hai xứ này phải sớm tăng lãi suất và nâng mức dự trữ pháp định khi thấy giá cổ phiếu hay bất động sản gia tăng quá mạnh và trở thành bong bóng đầu tư.
- Tổng kết lại thì theo nhận định của nhiều kinh tế gia, năm 2010 sắp tới sẽ là năm ổn định hơn. Mà nhờ ra khỏi nạn suy trầm toàn cầu, các nước sẽ lần lượt chấm dứt biện pháp bơm tiền cứu nguy kinh tế, cố hút bớt tiền ra nhưng hút rất chậm, với đầy thận trọng. So với nỗi sợ hãi phổ biến từ năm ngoái đến năm nay thì tình hình đã lạc quan hơn và chẳng ai còn nói đến "Tổng khủng hoảng" nữa.