Tái lập Quân bình Kinh tế
2009.08.08
Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, thế giới cho là Hoa Kỳ phải chi tiêu ít hơn mà tiết kiệm nhiều hơn và các nước khác thì làm ngược lại, để khỏi bị lệ thuộc quá nhiều vào việc xuất khẩu qua Mỹ.
Giới kinh tế gọi việc đó là "tái lập quân bình kinh tế toàn cầu". Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu yêu cầu đó qua phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện...
Tiến trình "tái lập quân bình"
Việt Long: Nạn suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu có dấu hiệu lắng dịu ở một số khu vực, nhưng rút kinh nghiệm của vụ khủng hoảng, giới kinh tế quốc tế nói đến nhu cầu tái lập quân bình kinh tế toàn cầu theo hai hướng. Hoa Kỳ cần giảm chi để tiết kiệm nhiều hơn trong khi các nước khác cần tăng chi cho thị trường nội địa chứ không thể trông chờ vào sức mua của thị trường Mỹ rồi bị hiệu ứng suy sụp khi số cầu của Mỹ sút giảm. Diễn đàn Kinh tế kỳ này sẽ tìm hiểu về chiều hướng ấy. Đầu tiên vẫn nhờ ông trình bày bối cảnh của vấn đề, trước khi nói đến tính chất khả thi của một nỗ lực cải tổ lớn lao như vậy.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa ông, nói về bối cảnh chung, và chỉ dùng vài con số cho dễ nhớ, thì Hoa Kỳ có dân số bằng 5% dân số toàn cầu nhưng sản xuất ra chừng 25% sản lượng của thế giới và sức tiêu thụ rất mạnh của thị trường Mỹ - tương đương với 70% sản lượng - là đầu máy kinh tế đáng kể, nhất là cho các nước muốn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Chiều hướng chung từ nhiều thập niên đã như vậy và có thể tóm lược bằng hình ảnh dễ nhớ là nước Mỹ cứ tiêu thụ, thậm chí đi vay để tiêu thụ, trong khi thế giới hì hục sản xuất để bán hàng cho Mỹ và thu tiền về, có khi lại cho Mỹ vay để tiếp tục tiêu thụ. Đó là nạn mất cân đối toàn cầu về chi thu.
- Khi trái bóng gia cư Mỹ bị bể năm kia và gây ra khủng hoảng tín dụng khiến tập đoàn Lehman Brothers sụp đổ năm ngoái thì cả thế giới bị chấn động. Tiêu thụ tại Hoa Kỳ sút giảm, các cơ sở vay nợ phải trả nợ và thậm chí vỡ nợ hàng loạt, các quốc gia bán hàng cho Mỹ bị vạ lây. Vụ khủng hoảng vì vậy là cơ hội cải cách để điều chỉnh nạn mất cân đối toàn cầu. Giới kinh tế gọi đó là tiến trình "tái lập quân bình" - rebalancing. Để trả lời câu hỏi của ông, thì chuyện này chưa chắc đã khả thi nếu các nước không có một ý chí cải tổ trường kỳ và bền bỉ.
Việt Long: Trước khi nhờ ông đi vào phần phân tích, xin hỏi ông là sau những biện pháp của các nước mà ông cũng từng cho là đúng hướng, thì vì sao ông có vẻ hoài nghi ý chí hay khả năng cải tổ của các nước?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa là vì các nước đang phải cùng lúc đối phó với vấn đề trước mắt là chặn đứng chu kỳ suy thoái trong khi vẫn cần cải sửa cơ chế kinh tế và chiến lược phát triển trường kỳ. Mà hai loại mục tiêu ngắn và dài hạn lại có mâu thuẫn và hậu quả trước mắt có khi lại là phản ứng bảo hộ mậu dịch để bảo vệ quyền lợi của từng nước.
- Một thí dụ mà ta có thể thấy ngay từ mấy con số vừa nói ở trên: nếu dân Mỹ chỉ chiếm 5% dân số địa cầu mà phải tiết giảm tiêu thụ cho tương xứng với bình quân của thế giới thì tiêu thụ Mỹ phải giảm 80%, là điều bất khả. Mà nếu có xảy ra thì thế giới sẽ loạn to! Người ta quen bán hàng cho Mỹ và mong dân Mỹ cứ hào phóng tiêu xài, nay lại muốn dân Mỹ phải tằn tiện hơn để khỏi tái diễn khủng hoảng. Việc điểu chỉnh ấy cần thời gian vì liên quan đến tập quán văn hóa của người dân, mà trước tiên lại gặp mâu thuẫn là khi dân Mỹ bắt đầu tiết kiệm nhiều hơn thì chính quyền lại tăng chi mạnh cho nên kết số sau cùng là nước Mỹ vẫn mắc nợ. Ngược lại, các nước đều có thể muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu của Mỹ nhưng trước mắt thì vẫn cần xuất khẩu để ra khỏi suy thoái nên muốn giữ một tỷ giá ngoại hối thấp để bán hàng rẻ. Vì vậy họ không khuyến khích tiêu thụ nội địa để tìm ra một sức kéo thay thế thị trường Hoa Kỳ.
Phản ứng thị trường trong chu kỳ suy thoái và phục hồi
Việt Long: Như vậy nghĩa là câu chuyện này không đơn giản như nguyên tắc lý tưởng được đề ra. Ta có cách gì phân giải vấn đề thành từng nhóm để hiểu ra cơ sự trước khi nói đến giải pháp cho các nước không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nói cho gọn thì ta có loại vấn đề của khách nợ là Hoa Kỳ, và của chủ nợ là các xứ khác.
- Về Hoa Kỳ, ta có loại giải pháp ngắn hạn và dài hạn, có phản ứng của thị trường và chính sách của công quyền. Bên kia thì ta có loại vấn đề của ba khối kinh tế mạnh nhất sau Hoa Kỳ là Nhật Bản, Trung Quốc hay Đức, và của khối Đông Á, trong đó có Việt Nam, gồm các nước bán hàng cho Mỹ để kiếm tiền.
- Các nền kinh tế ấy cũng có mâu thuẫn giữa mục tiêu ngắn và dài hạn và thật ra cũng không dễ xoay trở. Trong khi ấy, dù là kinh tế toàn cầu có thể đã hay đang đụng đáy thì sự phục hồi còn bấp bênh nên chưa là nền móng đủ vững cho những thay đổi lớn về chiến lược hay chính sách, vì thế nhiều quốc gia vẫn còn ngần ngại. Xứ nào nhìn ra và nhân khủng hoảng mà dám dứt khoát cải tổ thì sẽ có hy vọng phát triển bình hòa hơn trong tương lai...
Việt Long: Bây giờ thì ta hãy nói về Hoa Kỳ, vì đó là đầu tàu kinh tế và đóng góp tới 60% vào đà tăng trưởng của kinh tế thế giới như ông thường trình bày trước đây. Nước Mỹ có thấy ra vấn đề ấy chưa và có khả năng hay ý chí thực hiện những gì để phần nào chấm dứt hoặc giảm thiểu tình trạng mất cân đối, là chi tiêu quá sức hoặc tiết kiệm quá ít, như ông vừa nói?Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết, vụ khủng hoảng tất nhiên dẫn tới việc tái lập cân bằng, một cách tự phát của thị trường.
- Khi cán cân vãng lai hay chi phó Hoa Kỳ bị thiếu hụt - khoảng 6% tổng sản lượng nội địa GDP trong năm năm liền từ 2003 đến 2007 - điều đó có nghĩa là Mỹ vay quá nhiều, lại có thêm tiết kiệm của xứ khác rót vào, nên thổi giá tài sản như trái bóng và đẩy mức tiêu thụ đến mức quá đáng. Bây giờ, khủng hoảng làm giới tiêu thụ xài ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn trong khi các cơ sở đi vay đều trả lại nợ nên mặc nhiên giảm thiểu mức thiếu hụt ấy, bình quân trong hai năm qua chỉ còn có phân nửa, là 2,9% của GDP, so với 6% trước đó. Với bên ngoài, nhập khẩu vào Mỹ cũng giảm nên thu hẹp số nhập siêu. Nếu các xứ khác mà hồi phục thì Hoa Kỳ còn hy vọng gia tăng xuất khẩu nêu càng dễ tái lập quân bình chi phó. Đó là phản ứng của thị trường trong một chu kỳ suy thoái và phục hồi.
- Nhưng dân Mỹ bị nạn nên xài tiền ít hơn chứ chính sách kinh tế hiện hành của Chính quyền lại không nhắm vào mục tiêu điều chỉnh thất quân bình chi thu. Ngược lại, nhà nước còn tăng chi mạnh và đi ngược với sự điều chỉnh tự nhiên của thị trường nên làm giới đầu tư mất tin tưởng vào thị trường tài chính Mỹ. Chiều hướng ấy có thể đẩy phân lời đi vay lên cao hơn và có khi đánh sụt trị giá đồng Mỹ kim lẫn cổ phiếu và trái phiếu Mỹ.
Nhu cầu tái lập quân bình
Việt Long: Nếu hiểu cho đúng ý thì phải chăng ông cho là Hoa Kỳ chưa thấy ra nhu cầu tái lập quân bình hay sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thị trường, tức là mọi người, thì tất nhiên đã thấy ra và điều chỉnh nhưng không thể tái lập quân bình chi thu về dài nếu gặp trở lực của chính sách. Mà chính sách hiện theo đuổi mục tiêu khác và vẫn tăng chi quá mạnh nên có thể đẩy kinh tế vào trạng thái thiếu cân đối như cũ. Tôi xin giải thích:
- Trên nguyên tắc, khi sinh hoạt sa sút làm lợi tức bị thu hẹp, người ta sẽ hạn chế tiêu thụ làm thị trường nhập cảng suy giảm; khi Mỹ kim xuống giá thì hàng Mỹ sẽ rẻ hơn và dễ xuất cảng hơn; và khi nhập cảng ít đi thì dân Mỹ sẽ tìm mua hàng nội nhiều hơn. Ba yếu tố ấy có góp phần điều chỉnh tự phát những thất quân bình lưu cữu từ lâu.
- Nhưng cùng với sự vận hành nhất thời đó của thị trường, Chính quyền vẫn gây bội chi nặng, lại đưa ra nhiều chương trình cải tạo xã hội - sắp tới là dự án cải tổ chế độ bảo hiểm sức khoẻ rất tốn kém - và có khi lại tung tiền kích cầu nữa vì thấy kế hoạch trị giá 787 tỷ đô la ban hành hồi Tháng Hai chưa công hiệu như dự kiến. Vì vậy, tiết kiệm gộp của cả nền kinh tế Mỹ không giảm mà còn tăng vì tăng chi của khu vực nhà nước. Một thí dụ là nếu cộng gộp các khoản chi của ngân sách liên bang, tiểu bang và địa phương thì mức bội chi từ 7,3% tổng sản lượng GDP hiện nay có thể sẽ lên tới 12% trong thời gian tới.
- Bây giờ, nếu kinh tế Mỹ phục hồi nay mai, tín dụng của tư nhân gia tăng và ngân hàng trung ương sẽ thu hồi chính sách lãi suất bằng số không hiện nay - giả dụ như tăng lãi suất từ giữa năm tới trở đi - thì việc tái lập quân bình bị cản trở vì lãi suất thật sẽ tăng cùng tỷ giá hối đoái của các ngoại tệ khác kể từ cuối năm tới trở đi. Tức là sau cơn khủng hoảng, ta lại trở về nguyên trạng.
Khủng hoảng là cơ hội thu thập kinh nghiệm và cải tổ
Việt Long: Thế là mèo lại hoàn mèo hay sao? Nhưng bây giờ, dù thời giờ không còn nhiều, ta phải nói qua các nước kia. Các quốc gia kia có nhu cầu điều chỉnh để tái lập cân bằng hay không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta không còn thời giờ nên có khi mình sẽ tìm hiểu riêng vào một kỳ tới về hoàn cảnh của các nước này. Ở đây, nếu chỉ nói riêng về các xứ Đông Á trong đó có Việt Nam, tôi thiển nghĩ rằng khủng hoảng là cơ hội thu thập kinh nghiệm và cải tổ.
- Thứ nhất, chiến lược phát triển bằng xuất cảng, nhất là xuất cảng vào Mỹ, đã cho thấy giới hạn của nó mà đáng lẽ các nước phải thấy từ vụ khủng hoảng kinh tế Đông Á thời 1997-1998. Tôi cứ ngại là nói mãi hoá nhàm vì diễn đàn này đã đề cập tới chuyện đó từ cả chục năm rồi. Các nước Á châu sống nhờ xuất khẩu sẽ không thể kinh doanh như trước nữa khi mà "miệng túi cản khôn khép lại rồi" vì giới tiêu thụ Mỹ hết tiêu xài như Mỹ. Vì vậy, họ phải đa dạng hoá nền sản xuất.
Việt Long: Và tăng tiêu thụ nội địa?
- Thưa vâng, trong chiều hướng đa dạng hóa như vậy thì phải chú trọng hơn đến thị trường nội địa. Với dân số rất lớn là gần 90 triệu dân, Việt Nam có hoàn cảnh phát triển thị trường này làm một lực đẩy kinh tế phụ trội. Nhưng không nên lầm lẫn chuyện ngắn hạn và dài hạn. Biện pháp kích cầu của Việt Nam vừa qua có nâng mức tiêu thụ nội địa, nhưng đấy chỉ là kết quả nhất thời để chặn đà suy thoái. Việt Nam phải nghĩ xa hơn và có quyết định cải tổ từ tư duy đến cơ chế, là một tiến trình bao quát và lâu dài, hơn là một công tác món cho qua hơn hoạn nạn.
- Thứ ba, muốn nâng mức tiêu thụ nội địa thì phải cải tổ chế độ an sinh xã hội và nâng cao mức sống của đa số, vốn vẫn còn rất nghèo. Kỳ trước, chúng ta đã nói đến yêu cầu này. Và trước hết, phải nâng tỷ giá đồng bạc chứ đừng tiếp tục giữ hối suất thấp để đẩy mạnh xuất khẩu vào những nơi không có khách mua! Chúng ta sẽ còn phải trở lại chuyện này trong nhiều kỳ tới.