Bão rớt từ Hoa Kỳ

Đầu tuần trước, Hoa Kỳ xác nhận kinh tế đã bị suy trầm từ tháng 12 năm ngoái. Đến cuối tuần, thống kê lao động tại Mỹ cho thấy hơn nửa triệu người đã mất việc nội trong tháng 11.

0:00 / 0:00

Trong khung cảnh khủng hoảng tài chính chưa nguôi, tin xấu dồn dập về kinh tế tại Hoa Kỳ sẽ dội về Đông Á và báo hiệu nhiều trận bão rớt trong khu vực này.

Do đó, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về hiệu ứng kinh tế từ Hoa Kỳ về tới Đông Á trong năm tới, qua phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện.

Tin xấu dồn dập

Việt Long: Xin kính chào ông Nghĩa. Tuần qua, tin xấu dồn dập từ Hoa Kỳ khiến chương trình kỳ này đề nghị là ta cùng tìm hiểu xem giông bão tại Mỹ sẽ ảnh hưởng ra sao tới các nền kinh tế khác, đặc biệt tại Đông Á, trong đó có Việt Nam. Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là Hoa Kỳ có sớm thoát ra khỏi nạn suy trầm quá nặng nề như ta đang thấy hay không và liệu kế hoạch cấp cứu kinh tế của Tống thống tân cử Barack Obama có đẩy lui được giông bão tại Mỹ không? Là vì sau khi kế hoạch đó được công bố thì thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt tăng hai ngày liền, hôm thứ sáu và thứ hai, nhưng qua thứ ba thì New York lại mất hơn 200 điểm.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ Hoa Kỳ đang bị một vụ khủng hoảng niềm tin xuất phát từ nhiều yếu tố phức tạp nên ta khó có một câu trả lời đơn giản. Thị trường Mỹ bị khủng hoảng về niềm tin vì: thứ nhất, sau bảy năm tăng trưởng đều từ cuối năm 2001, thì có lúc sinh hoạt kinh tế đình trệ theo chu kỳ kinh doanh; thứ hai, sau sáu năm thịnh đạt, thị trường gia cư tại Mỹ bị khựng và kéo theo các ngành xây cất hay yểm trợ địa ốc; thứ ba, sự hồ hởi sảng của dân Mỹ - kể cả giới đầu tư và nhiều người hữu trách trong chính quyền - nhờ tiền nhiều và lãi suất rẻ đã thổi lên bong bóng đầu tư và bóng bể từ năm ngoái đã gây ra khủng hoảng tài chính và nạn cạn kiệt thanh khoản năm nay. Vì ít ra ngần ấy lý do, nếu kinh tế Mỹ có bị suy trầm từ năm ngoái thì cũng là bình thường.

Điều tai hại là năm 2008 đang kết thúc cũng là năm tranh cử và yếu tố chính trị có tác động vào kinh tế và nhất là vào các giải pháp cấp cứu khiến thị trường càng hoang mang, lỗ vốn, giới tiêu thụ bi quan, doanh nghiệp hết tin tưởng, nên càng khiến sinh hoạt kinh tế co cụm. Nạn tiết giảm sản xuất, sa thải nhân viên và ghim tiền để thủ thân đang thách đố các giải pháp cứu vãn.

Sau 12 tháng suy trầm, sáu tháng nữa thôi, kinh tế Hoa Kỳ có thể bắt đầu phục hồi, nhưng ta không quên rằng tin xấu dồn dập vẫn có thể ảnh hưởng đến tâm lý bi quan của thị trường và gây ra hậu quả giảm phát mà ai cũng sợ.

Nguyễn Xuân Nghĩa

Việt Long: Nói về giải pháp cứu vãn, ông có thể tóm lược cho thính giả rõ là Hoa Kỳ đã và sẽ làm gì, kể cả kế hoạch của Tổng thống tân cử Obama để cứu nguy cho vấn đề việc làm ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta có thể tạm phân biệt ra hai hướng giải quyết trong khuôn khổ những biện pháp cứu nguy mà diễn đàn này đã nhiều lần đề cập tới. Về phía chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Bush và cả Ngân hàng Trung ương, ta có loại giải pháp tiền tệ để khai thông ách tắc tín dụng trước mắt.

Sau khi đã hạ lãi suất từ 5,25% xuống còn có 1% mà chưa thấy kết quả, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã áp dụng giải pháp táo bạo là bơm thẳng tiền vào doanh nghiệp như mình đã trình bày tuần trước khi nói tới biện pháp điều tiết tiền tệ có định lượng, gọi là "quantitavive easing".

Như đã trình bày tuần trước trên diễn đàn này, tôi thiển nghĩ rằng sau 12 tháng suy trầm, sáu tháng nữa thôi, kinh tế Hoa Kỳ có thể bắt đầu phục hồi, nhưng ta không quên rằng tin xấu dồn dập vẫn có thể ảnh hưởng đến tâm lý bi quan của thị trường và gây ra hậu quả giảm phát mà ai cũng sợ.

Hôm 24-11-2008, Tổng thống đắc cử Barack Obama tổ chức họp báo tại Chicago, công bố các nhân vật được chọn để điều hành nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới.
Hôm 24-11-2008, Tổng thống đắc cử Barack Obama tổ chức họp báo tại Chicago, công bố các nhân vật được chọn để điều hành nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới. (AFP PHOTO/Saul Loeb)

Trong khi ấy, Tổng thống tân cử Barack Obama cũng đã thông báo kế hoạch kích thích kinh tế ông sẽ áp dụng ngay sau khi nhậm chức. Khác với loại biện pháp hiện hành là cấp thời khai thông ách tắc và trấn an thị trường, kế hoạch mới lại nhắm vào cơ cấu kinh tế với nhiều dự án tăng chi lớn lao sẽ có kết quả về dài. Người ta có thể mong rằng các chi tiết lần lượt được công bố cũng có khả năng trấn an và khôi phục niềm tin cho thị trường.

Việt Long: Nhưng liệu kế hoạch ấy của ông Obama sẽ đem lại kết quả hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Mình chưa có đầy đủ chi tiết nên cũng khó nói. Riêng tôi thì hơi dè dặt như đã trình bày trong chương trình phát thanh cách đây hai tuần. Hoa Kỳ đang có hơn 10 triệu dân thất nghiệp, hàng năm sẽ có thêm hơn một triệu người đến tuổi đi làm. Trong hai năm tới, số nhân lực mới này sẽ lên tới hai triệu rưởi.

Ông Obama đề nghị bơm thêm khoảng 700 tỷ - là con số được nhiều người dự báo - để tạo thêm hai triệu rưởi việc làm trong hai năm tới. Nếu ông thành công thì kế hoạch cũng chỉ vừa đủ thu hút hai triệu rưởi nhân công bằng với số người đến tuổi lao động và chưa giải quyết được tình trạng của 10,4 triệu người đang thất nghiệp, chưa nói đến số người mai này có thể còn mất việc. Tốn 700 tỷ cho kế hoạch lớn lao để giữ nguyên trạng về nhân dụng thì chưa thể nói là cứu nguy kinh tế được.

Thứ nữa, xét về cơ cấu sản xuất hiện đại của Mỹ thì việc tu bổ xa lộ như ông đề nghị chưa giải quyết nổi nạn thất nghiệp của thành phần nhân công áo trắng có tay nghề mà đã mất việc trong khu vực tài chính hay dịch vụ. Tất nhiên là ban tham mưu của ông Obama đã biết chuyện ấy khi chuẩn bị kế hoạch cho nên mình chỉ rõ hơn về hy vọng thành công khi có thêm chi tiết sau này.

Ảnh hưởng Á Châu?

Việt Long: Từ tình hình nước Mỹ mà nhìn sang bên kia đại dương, những chấn động lây lan từ Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng thế nào đến các nền kinh tế Đông Á, nhấ là vì trong đó có Việt Nam.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Vụ khủng hoảng tài chính và suy trầm kinh tế ngày nay đã phá vỡ nhiều huyền thoại. Thứ nhất là các nền kinh tế tân hưng Đông Á có thể tăng trưởng một mình mà khỏi cần tới sự thịnh suy của Mỹ. Điều ấy không đúng và Đông Á vẫn bị ảnh hưởng kinh tế từ Hoa Kỳ, khi Mỹ tiết giảm nhập khẩu từ hai năm nay là khu vực này bị khốn đốn.

Thứ hai, không chỉ có Hoa Kỳ mới bị khủng hoảng tài chính và suy trầm kinh tế; tự thân, khối Âu Châu cũng có vấn đề tương tự trong cơ cấu nên còn bị khủng hoảng nặng hơn và suy trầm lâu hơn Hoa Kỳ. Thứ ba, Nhật Bản và Trung Quốc cũng không thoát khỏi tai ương, trong đó có nhiều tai họa xảy ra trong nội bộ chứ không hẳn là hiệu ứng trực tiếp từ Mỹ.

AIG-Vietnam-200.jpg
Không trực tiếp chịu ảnh hưởng của cơn suy thoái toàn cầu, Việt Nam sẽ phải đối diện với tình trạng sút giảm đầu tư và nguồn ngoại tệ. AFP PHOTO (AFP PHOTO)

Tổng hợp lại, bốn đầu máy kinh tế mạnh nhất thế giới đang bị suy trầm cùng lúc và có khi sẽ đào sâu kéo dài nếu không sớm giải quyết khủng hoảng tài chính của họ. Vì ngần ấy yếu tố, đà tăng trưởng của Đông Á ngoài Nhật Bản và Trung Quốc sẽ giảm mạnh trong năm tới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF định nghĩa suy trầm toàn cầu là khi đà tăng trưởng bình quân của kinh tế thế giới chỉ còn là 2,50%, điều ấy đang xảy ra. Qua năm tới, đà tăng trưởng này có khi còn mất hơn phân nửa, nếu được 1% một năm là lạc quan.

Việt Long: Vào đầu năm nay, Đông Á bị chấn động vì nạn dầu thô và lương thực tăng giá đồng loạt khiến lạm phát trở thành mối nguy cho toàn khu vực, kể cả Việt Nam. Tới cuối năm, dầu thô đã sụt giá mạnh như ông có dự báo từ giữa năm nay, và giá lương thực cũng hết tăng mà còn giảm. Như vậy, trong viễn ảnh sản xuất bị sa sút, liệu các nước Đông Á có được một niềm an ủi là lạm phát cũng thoái trào không? Việt Nam sẽ xoay trở ra sao trong cảnh ngộ đó?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Mình hãy lấy vài thí dụ để thấy ra hoàn cảnh xoay trở rất khó khăn của Việt Nam. Dầu thô đã sụt giá mạnh như chúng ta dự đoán vì quy luật đàn hồi co giãn của giá cả: khi số cầu mà giảm thì giá giảm mạnh hơn gấp bội. Nhưng ta không loại bỏ giả thuyết là qua năm tới giá dầu sẽ tăng nhẹ, tới mức năm sáu chục đồng một thùng chứ không đến nỗi 147 đồng như đã thấy hôm 11 tháng Bảy.

Kinh tế Việt Nam sẽ bị đình trệ với tốc độ tăng trưởng chừng 5% là may, nhưng lạm phát vẫn chưa thoái lui đâu. Và quản lý kinh tế trong giai đoạn tới là điều cực kỳ khó khăn cho Việt Nam.

Nguyễn Xuân Nghĩa

Giá lương thực bình quân trên thế giới cũng giảm 50% so với đỉnh cao hồi tháng Bảy vì năm nay được mùa và vì một số yếu tố thời cơ khác. Tuy nhiên, mức thăng bằng rất bấp bênh về cung cầu sẽ khiến nông sản và lương thực lại tăng giá trong năm tới.

Đâm ra kinh tế Việt Nam sẽ bị đình trệ với tốc độ tăng trưởng chừng 5% là may, nhưng lạm phát vẫn chưa thoái lui đâu. Nhớ lại thì Việt Nam đã lầm mà cấm xuất khẩu gạo khi giá đang lên và có khi sẽ lại lầm nữa khi thấy giá hạ mà không khuyến khích gia tăng sản xuất và tiếp tục bắt chẹt nông dân. Nhìn như vậy, ta thấy là quản lý kinh tế trong giai đoạn tới là điều cực kỳ khó khăn cho Việt Nam.

Việt Long: Ông có thể tổng kết lại về những khó khăn đó để thính giả cùng rõ được không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thứ nhất, kinh tế Việt Nam vẫn quá lệ thuộc vào xuất khẩu mà thị trường đó đang co cụm toàn cầu nên xuất khẩu sẽ còn giảm. Thứ hai, Việt Nam không kiểm soát được nhập khẩu nên dù rằng thương phẩm nguyên nhiên vật liệu nhất thời giảm giá, số nhập siêu của Việt Nam, là nhập nhiều hơn xuất khẩu, sẽ còn tăng và đè nặng lên cán cân vãng lai và ngoại tệ của Việt Nam.

Thứ ba, ngược với dự báo của nhiều người khi khủng hoảng bùng nổ tại Mỹ, đồng Mỹ kim không giảm mà còn tăng giá so với nhiều ngoại tệ khác nên sẽ gây khó khăn về ngoại hối cho Việt Nam, làm đồng bạc Việt Nam càng mất giá từ nay đến giữa năm tới. Thứ tư, đầu tư ngoại quốc vào Đông Á và riêng Việt Nam đã và sẽ còn giảm nên, ngoài nguy cơ khủng hoảng hối đoái sẽ còn đánh sụt mức đầu tư sản xuất cho Việt Nam cho nhiều năm tới.

Thứ năm, hệ thống quản lý vĩ mô vẫn chưa kiện toàn, với nhiều trung tâm ngốn tiền gây ra lãng phí mà ít đóng góp cho sản xuất, nên sẽ triệt tiêu ảnh hưởng của các biện pháp kích thích kinh tế bằng tăng chi. Vì vậy, Việt Nam có thể gặp cùng lúc nhiều tai ách trái ngược là kinh tế thì suy trầm mà lạm phát vẫn đe dọa trong khi bị chấn động nặng về ngoại hối làm đồng bạc mất giá và gây ra nạn tẩu tán tư bản. Đây là ta chưa nói đến hiệu ứng tai hại từ Trung Quốc khi xứ này cũng trôi vào khủng hoảng.

Việt Long: Nếu vậy, xin có câu hỏi cuối khi mình nói về Đông Á: Trung Quốc có bị khủng hoảng chăng và nếu xứ láng giềng này mà bị giông bão thì hậu quả sẽ là thế nào đối với Việt Nam?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thế giới cứ nói đến bão rớt từ Mỹ mà không thấy là sau trái bóng cổ phiếu, bong bóng gia cư của Hoa lục cũng đã bể và các biện pháp kích cầu như hạ lãi suất hay bơm tiền vào kinh tế đều thiếu công hiệu, cho nên ta đang chứng kiến chu kỳ suy thoái của xứ này. Chỉ dấu thấy rõ nhất là động loạn xã hội đang lan rộng. Chúng ta sẽ trở lại Trung Quốc trong một chương trình riêng vì có nhiều vấn đề mà Việt Nam nên tìm hiểu.

Trở lại câu hỏi về hậu quả cho Việt Nam thì trước hết, hàng họ ế ẩm và thiếu phẩm chất sẽ từ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam và gieo thêm sóng gió còn nguy kịch hơn là khủng hoảng tài chính từ Hoa Kỳ. May ra thì nhờ mấy năm thoái trào sắp tới mà lãnh đạo Hà Nội sẽ xét lại mẫu mực Trung Quốc và chú ý hơn đến thị trường nội địa đã bị lãng quên của mình.