Yếu tố kinh tế trong bầu cử Hoa Kỳ
2010.11.03
Ngoài các chức vụ này, dân Mỹ cũng bầu lại nhiều chức vụ địa phương và biểu quyết các đề luật liên quan đến sinh hoạt của từng tiểu bang. Dù chưa có kết quả chính thức thì các dự đoán đều nói đến việc đảng Dân Chủ bị thất cử nặng mới chỉ hai năm sau khi đại thắng. Yếu tố giải thích biến cố lịch sử này chính là vì kinh tế chưa khả quan, thất nghiệp mấp mé 10% trong khi Hoa Kỳ bị bội chi ngân sách lớn và phải vay mượn quá nhiều. Diễn đàn Kinh tế yêu cầu nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa trình bày cho các yếu tố kinh tế đã chi phối lá phiếu của cử tri. Cuộc trao đổi do Việt Long thực hiện sau đây.
Kinh tế chi phối lá phiếu
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Chắc là ông đã đi bầu rồi, và bây giờ đợi kết quả mà mọi cuộc thăm dò đều là đảng Dân Chủ đang giữ đa số tại cả Lập pháp lẫn Hành pháp sẽ bị đại bại. Chúng tôi muốn hỏi ông là yếu tố kinh tế đã chi phối lá phiếu cử tri như thế nào?
Trong một cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Tổng thống, đảng cầm quyền của Tổng thống thường gặp thất thế vì cử tri phán xét thành tích cầm quyền của họ một cách khắt khe hơn.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin được nói về bối cảnh chung, trước khi mình tìm hiểu về yếu tố kinh tế trong cuộc bầu cử năm nay.
Đây là một cuộc bầu cử gọi là "bán kỳ", là ở giữa nhiệm kỳ bốn năm của Tổng thống. Theo thông lệ thì cứ hai năm cử tri Hoa Kỳ sẽ bầu lại toàn thể 435 ghế Dân biểu tại Hạ viện, một phần ba trong số 100 ghế Nghị sĩ Thượng viện và vài chục chức vụ Thống đốc Tiểu bang. Ngoài ra, các cử tri cũng quyết định về nhiều hồ sơ nhân sự và chính sách của địa phương. Như vậy, việc bầu lại toàn thể dân biểu Hạ viện trong nhiệm kỳ hai năm khiến cho cấp dân cử này phải thường xuyên tìm hiểu và đáp ứng đòi hỏi của cử tri chứ không thể coi thường họ được.
Cũng theo thông lệ, trong một cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Tổng thống, đảng cầm quyền của Tổng thống thường gặp thất thế vì cử tri phán xét thành tích cầm quyền của họ một cách khắt khe hơn. Đó là quy luật bình thường mà đảng cầm quyền phải chấp nhận và vì vậy, phải cố gắng nhiều hơn. Sau hai cuộc bầu cử 2006 và 2008, đảng Dân Chủ thắng lớn tại Lưỡng viện Quốc hội và kiểm soát luôn Hành pháp từ năm 2009 nên sự phán xét của cử tri càng nghiêm khắc hơn.
Việt Long: Chưa kể là tình hình kinh tế Hoa Kỳ lại không mấy khả quan sau vụ Tổng suy trầm của hai năm 2008-2009. Có phải như vậy không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng vậy, mà lại còn tệ hơn vậy rất nhiều cho nên đảng Dân Chủ mới bị cử tri trừng phạt rất nặng.
Trước hết, kinh tế Mỹ bị trôi vào chu kỳ suy trầm từ cuối năm 2007 đến giữa năm 2009 mới đụng đáy và ngoi lên. Nhưng sự phục hồi đó lại bấp bênh, yếu ớt, trong khi thất nghiệp tăng vọt và chưa giảm sau khi mấp mé 10% trong suốt 17 tháng qua. Đó là về bối cảnh kinh tế. Khi đảng Dân Chủ chiếm đa số rất cao ngay giữa nạn suy trầm đó, dân Mỹ chờ đợi là ưu tiên của đảng sẽ là giải quyết vấn đề kinh tế, mà đảng cầm quyền lại khiến họ thất vọng vì theo đuổi ưu tiên khác.
Chúng ta cũng nên nhắc đến bối cảnh chính trị của sự việc mà trong một kỳ phát thanh vào năm 2008 tôi đã nói tới. Đó là một vụ khủng hoảng chính trị xảy ra giữa cơn khủng hoảng tài chính và suy trầm kinh tế, khi người dân bị hốt hoảng vì các chính trị gia cứ nói đến Tổng khủng hoảng như thời 1929-1933. Chính là sự hốt hoảng đó khiến cử tri bỏ phiếu với quá nhiều kỳ vọng và bây giờ mới thất vọng về đảng cầm quyền. Ngay tháng trước, khi vận động cho đảng Dân Chủ, Tổng thống Barack Obama còn nói đến hiện trạng như một vụ Tổng khủng hoảng - Great Depression - cũng xấp xỉ như vụ Tổng khủng hoảng 80 trước. Cách nhìn đó có gây ra vấn đề.
Bốn nhóm yếu tố
Việt Long: Nghĩa là ông có chú ý đến yếu tố chính trị lồng trong vấn đề kinh tế nên mới dẫn tới kết quả ngày nay?
Tôi e rằng chính trường Mỹ sẽ bị ách tắc, không giải quyết được các vấn đề thật mà còn tích lũy sức ép cho một cuộc khủng hoảng khác có thể bùng nổ vào năm tranh cử 2012.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng như vậy và đây là một tai họa cho nước Mỹ! Trước hết, người ta thấy ra bốn nhóm yếu tố đã chi phối kết quả bầu cử năm nay.
-Thứ nhất là tình hình kinh tế chưa sáng sủa, môi trường kinh doanh còn đầy bất trắc, với thất nghiệp cao, bội chi ngân sách nặng và gánh nặng công trái là khoản vay mượn của nhà nước lên tới kỷ lục trong có hai năm trời. Một ngẫu nhiên éo le là ngày cử tri Mỹ đi bầu thì cũng là lúc Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ cân nhắc việc in bạc để bơm tiền vào kinh tế, gọi là "tăng mức lưu hoạt có định lượng", có thể lên tới mấy trăm tỷ đô la kể từ Thứ Ba cho tới những tháng sau. Ta thấy là chính quyền bị tê liệt, không dám biểu quyết dự luật ngân sách năm tới, chẳng dám nói đến việc tăng hay giảm thuế, và giờ đây chỉ còn định chế độc lập là Ngân hàng Trung ương phải cứu nguy kinh tế bằng một biện pháp bất thường, lần thứ hai trong hai năm.
-Yếu tố thứ nhì, đáng kể không kém, là cách hành xử của Quốc hội trong tay đảng Dân Chủ, khi thông qua nhiều đạo luật cực kỳ quan trọng và tốn kém. Các kế hoạch lớn lao này đã đẩy mức công chi lên kỷ lục mà lại không công hiệu trong mục tiêu kích thích kinh tế. Cử tri thất vọng về cung cách hành xử đó, họ kết luận rằng ưu tiên của Quốc hội không phải là kinh tế mà là cải tạo xã hội để lui về chế độ bao cấp và bành trướng bộ máy công quyền.
-Yếu tố thứ ba là thành tích của Tổng thống Obama. Dù ông chưa tranh cử kỳ này, cử tri Mỹ vẫn coi đây là một cuộc trưng cầu dân ý về Tổng thống. Họ thất vọng vì đặt quá nhiều kỳ vọng vào ông Obama rồi thấy là ông không theo sát nguyện vọng người dân, phó thác cho Quốc hội các kế hoạch tốn kém mà vô hiệu và có vẻ tách rời khỏi đời sống thật vì theo đuổi những ưu tiên khác.
-Yếu tố thứ tư, rất đặc biệt trong năm nay, là sự bất mãn của một số thành phần bình dân với các chính trị gia tại chức, những người đang có trách nhiệm trong hệ thống dân cử. Từ vòng sơ bộ, thành phần bất mãn này đã muốn loại bỏ các chính khách chuyên nghiệp, kể cả trong đảng Cộng Hoà lẫn đảng Dân Chủ. Họ muốn tìm các khuôn mặt mới, để phục hồi một chính quyền gọn nhẹ, không tăng chi bừa phứa và tôn trọng một số giá trị truyền thống của xã hội Mỹ.
Việt Long: Nếu đúng như vậy thì có phải là ở giữa nỗi thất vọng về kinh tế, cử tri Mỹ còn có phản ứng chính trị và thậm chí phản ứng về văn hoá nữa?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ như vậy và vì thế mà cuộc bầu cử năm nay còn dẫn tới nhiều thay đổi sâu xa hơn ngay trong từng đảng cho thời gian tới.
Việt Long: Trở lại hồ sơ kinh tế, liệu cuộc bầu cử có đưa lên một thành phần lãnh đạo mới để giải quyết việc quốc kế dân sinh hay không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Người ta chưa thể biết được là giới hữu trách, từ Hành pháp đến Lập pháp, sẽ rút tỉa bài học gì từ kết quả bầu cử vừa qua. Bản thân tôi thì không thấy lạc quan và e rằng chính trường Mỹ sẽ bị ách tắc, không giải quyết được các vấn đề thật mà còn tích lũy sức ép cho một cuộc khủng hoảng khác có thể bùng nổ vào năm tranh cử 2012. Tôi xin được giải thích:
Thứ nhất, tiêu thụ tại Mỹ chiếm tới 70% Tổng sản lượng Nội địa GDP và mỗi khi kinh tế suy trầm, người ta lại tìm cách kích thích tiêu thụ và gia tăng vay mượn hơn là giải phóng sản xuất. Tức là tác động vào số cầu hơn số cung. Lối kích thích ấy có khi là liều thuốc đổ bệnh sau này.
Thứ hai, Hoa Kỳ đang vay mượn quá khả năng và tùy thuộc vào một thành phần... bỏ phiếu bằng tiền, là giới đầu tư sẽ mua Công khố phiếu Mỹ để kiếm lời. Mà họ chỉ chịu cho vay khi có phân lời (yield) đủ cao, phân lời ấy chính là lãi suất dài hạn trên thị trường tín dụng, là lãi suất trái phiếu. Vì vậy, giới kinh tế thì cho là kinh tế Mỹ chỉ có tương lai nếu giải quyết được nạn bội chi ngân sách và trấn an được giới đầu tư tài chính. Khi tình hình chi thu ngân sách đã có hướng ổn định, thị trường mới có thể mạnh tay đầu tư và tạo thêm việc làm.
Viễn ảnh tranh cử 2012
Việt Long: Đấy là cái nhìn lạnh lùng của giới nghiên cứu kinh tế, nhưng những người làm chính sách trong chính quyền thì nghĩ sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa bài toán kinh tế là phải giảm chi và tăng thu để thu hẹp dần dần mức bội chi ngân sách. Bài toán ấy dẫn tới quyết định chính trị là phải tiết giảm công chi và tăng thêm nguồn thu thuế khoá. Sau cuộc bầu cử, đảng Cộng Hoà sẽ có thế mạnh tại Quốc hội nhưng đảng Dân Chủ vẫn nắm Hành pháp và có đủ túc số để ủng hộ lá phiếu phủ quyết của Tổng thống, nếu ông Obama muốn phủ quyết một đạo luật của Cộng Hoà.
Trong hoàn cảnh chính trị đó, nhiều phần là ta sẽ bị ách tắc. Tức là đảng Dân Chủ vẫn có thể cản trở các đề nghị tiết giảm công chi của đảng Cộng Hoà. Ngược lại, đảng Cộng Hoà cũng phản đối việc tăng thu nếu là tăng thuế vì họ chủ trương giảm thuế để kích thích đầu tư. Năm 2012 lại là năm tổng tuyển cử, tức là bầu lại cả Quốc hội lẫn Tổng thống. Vì viễn ảnh tranh cử ấy, giối hữu trách không dám nói thật là phải khắc khổ và giải quyết vấn đề thật là bội chi và công trái, nên có thể thỏa hiệp để tạm đẩy lui nguy cơ khủng hoảng.
Khủng hoảng là khi cả lạm phát lẫn lãi suất đều tăng vọt trong vòng luẩn quẩn và dìm kinh tế vào suy thoái. Chuyện ấy có thể bùng nổ vào năm 2012 và sẽ gây chấn động chính trị còn lớn hơn!
Việt Long: Ông thường có cái nhìn khá bi quan, nhưng chúng ta, cũng như thính giả của chúng ta, có lẽ đều mong rằng kịch bản đen tối đó không xảy ra, nhất là cho một siêu cường kinh tế và một xứ dân chủ nhất thế giới.
Từ gần hai năm qua, chưa thấy giới dân cử nêu câu hỏi khách quan lạnh lùng là vì sao kế hoạch kích thích kinh tế đến hơn 800 tỷ lại không công hiệu.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi cũng mong như vậy nhưng không mấy lạc quan vì hai lý do thật ra vẫn là kinh tế lồng trong chính trị mà mình đã chứng kiến trong cuộc bầu cử vừa qua.
Thứ nhất, từ gần hai năm qua, chưa thấy giới dân cử nêu câu hỏi khách quan lạnh lùng là vì sao kế hoạch kích thích kinh tế đến hơn 800 tỷ lại không công hiệu. Kế hoạch này tệ đến nỗi đảng cầm quyền hết dám nói đến một kế hoạch kích thích khác và chẳng ai nhắc đến hai chữ kích thích kinh tế nữa. Sau này, có lẽ ta sẽ có cả chục cuốn sách giải thích chuyện đó.
Thứ hai, và vụ này liên hệ đến các nền kinh tế khác, kể cả Việt Nam, là trong cuộc tranh cử, một số dân biểu nghị sĩ đã lập luận sai về kinh tế trong mục tiêu mị dân. Đó là kết án các doanh nghiệp hay ứng viên đối thủ là ủng hộ việc đầu tư ra ngoài, gọi là "outsourcing", khiến dân Mỹ bị mất việc. Lập luận hàm ý bảo hộ mậu dịch này là một lầm lẫn nghiêm trọng về kinh tế mà vẫn được tung ra trong cuộc tranh cử.
Nó có nội dung bảo hộ mậu dịch vì chống lại việc doanh nghiệp Mỹ đầu tư qua xứ khác và coi rằng đầu tư trong nước mới là yêu nước! Nếu xu hướng này mà không bị đẩy lui thì các xứ khác, kể cả giới xuất khẩu tại Việt Nam, sẽ vất vả với nước Mỹ!
Lập luận này còn sai lầm nghiêm trọng vì nhiều lý do ta cần xét tới. Sự thật là doanh nghiệp Mỹ đầu tư ra ngoài để xuất khẩu thêm ra thị trường khác. Tức là kinh tế Mỹ xuất khẩu nhiều hơn số xuất khẩu trên cán cân thương mại, nhiều gấp ba lần. Và chỉ có chừng 10% sản phẩm là bán ngược về Mỹ để cạnh tranh với hàng nội địa của Mỹ. Lý do thứ hai là năm năm qua, Mỹ đầu tư ra ngoài bình quân chừng 45 tỷ đô la một năm, vậy mà các nước khác đầu tư vào Mỹ tới gần gấp đôi, bình quân một năm gần 90 tỷ đô la. Và thực tế, Hoa Kỳ là nơi đón nhận đầu tư ngoại quốc nhiều nhất trên thế giới! Nếu giới đầu tư xứ khác mà lập cơ sở làm ăn tại Mỹ và tuyển dụng nhân công Mỹ thì ta bảo là họ xuất khẩu việc làm qua Mỹ và không biết yêu nước hay sao?
Những lập luận sai trái như vậy đã được lưu truyền và làm nhiều người Mỹ tưởng thật nên mới giải thích vì sao họ hốt hoảng chấp nhận những liều thuốc đổ bệnh. May là họ lại được đi bầu để cải sửa sai lầm cũ và đó cũng là một ưu điểm của nền dân chủ. Là cho phép sửa sai.
Việt Long: Xin cám ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa.
Theo dòng thời sự:
- Cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ đã kết thúc
- Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ kết thúc với tin không vui cho ứng cử viên gốc Việt
- Đảng Cộng Hòa Mỹ sẽ thắng cuộc bầu cử giữa kỳ
- Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ bắt đầu
- Cập nhật kết quả bầu cử ở California
- Video: phát biểu gây tranh cãi của DB Loretta Sanchez
- Kết quả bầu cử đơn vị 47, quận Cam, California
- Những ứng cử viên gốc Việt trong cuộc bầu cử Mỹ
- DB Loretta Sanchez giải thích về cuộc phỏng vấn trên Univision
- Người Việt ở Mỹ nghĩ gì về vụ Loretta Sanchez – Trần Thái Văn