Sự Sụp Đổ Của Các Huyền Thoại
2012.06.20
Diễn đàn Kinh tế duyệt lại tình hình chung để tìm ra một số kết luận sau đây.
Sự hình thành của các huyền thoại
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Tuần qua, vừa theo dõi xong kết quả bầu cử tại Hy Lạp, Pháp và Egypt, thì dư luận lại chú ý đến hội nghị thượng đỉnh của nhóm G-20 tại Mexico với lãnh đạo của 20 quốc gia có nền kinh tế đứng đầu thế giới. Không khí chung của ngần ấy biến cố vẫn là sự bất trắc trước quá nhiều khó khăn kinh tế của các nước. Thưa ông, giữa cơn giông bão nổi lên từ bốn năm nay, liệu ta có thể rút tỉa được bài học nào không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là khi tình hình chung còn có nhiều bất trắc thì người ta rất khó rút tỉa những kết luận có giá trị cho lâu dài. Nhưng thật ra những bất trắc hiện nay có nhiều nguyên nhân sâu xa nên mình vẫn có thể tìm ra một số bài học hữu ích cho tương lai, và đấy sẽ là đề tài trao đổi tuần này. Bản thân tôi thì chú ý nhất đến sự sụp đổ của một số huyền thoại, là chuyện không có thật mà được nhiều người tin là có thật và cứ loan truyền. Trước hết, tôi xin đi ngược thời gian để khởi sự từ Thượng đỉnh G-20 tại Los Cabos của xứ Mexico.
...Sau đó, nhóm G-7 này mời thêm Liên bang Nga tham dự thành nhóm G-8 dù Nga chưa có nền kinh tế xứng đáng đứng hàng thứ tám của địa cầu. Thượng đỉnh hàng năm của nhóm G-7 hay G-8 này trở thành phù du vì chẳng giải quyết được vấn đề kinh tế của thế giới.
ông Nguyễn Xuân Nghĩa
Chúng ta nhớ là từ năm 1975 trở về sau, người ta cứ tin rằng bảy cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới, là nhóm G-7 gồm có Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý và Nhật, có thể hợp tác để cùng giải quyết các vấn đề của toàn cầu. Ngày nay, năm trong bảy nước đó đang gặp vấn đề kinh tế mà chưa giải quyết nổi, đó là Nhật Bản, Pháp, Ý, Anh và Hoa Kỳ. Trong số này, Hoa Kỳ có tiềm lực cao nhất mà chưa thể đưa ra định hướng giải quyết cho các nước chỉ vì còn quá nhiều vấn đề trong nội bộ. Sau đó, nhóm G-7 này mời thêm Liên bang Nga tham dự thành nhóm G-8 dù Nga chưa có nền kinh tế xứng đáng đứng hàng thứ tám của địa cầu. Thượng đỉnh hàng năm của nhóm G-7 hay G-8 này trở thành phù du vì chẳng giải quyết được vấn đề kinh tế của thế giới. Sau đó, từ mươi năm nay, người ta lại đề cao một nhóm quốc gia khác, gọi là BRICS.
Vũ Hoàng: Thưa ông, nhóm BRICS này là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đó là tên của bốn nền kinh tế gọi là đang phát triển, gồm có Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, và sau cùng thì gượng ép đưa Cộng hoà Nam Phi thành nước thứ năm. Các quốc gia này ở nhiều khu vực địa dư khác nhau và tưởng rằng sẽ là thế lực kinh tế có thể đào thải nhóm công nghiệp hoá Tây phương, hay nhóm G-7. Đấy cũng là huyền thoại vì mấy xứ này không có chủ trương thống nhất, trừ cái ảo giác là truất phế vị trí kinh tế của Hoa Kỳ hay đồng đô la Mỹ. Ngày nay, các nền kinh tế này, đứng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ lại có vấn đề cực kỳ nghiêm trọng ở bên trong và thật ra chưa có khả năng chi phối được thế giới như người ta đã tưởng lầm. Từ đó, ta bước qua cái huyền thoại G-20 của tuần này.
Vũ Hoàng: Nhóm G-20 này là gì, thưa ông, họ xuất phát từ đâu và ai bầu ra?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ hai chục năm trước, người ta nói đến kỷ nguyên của các nền kinh tế đang lên và lần đầu họ gặp nhau là năm 1999, sau vụ khủng hoảng Đông Á trong các năm 97-98. Tinh thần chung vào lúc đó chưa có gì là chính thức cả mà cũng chẳng có tiêu chuẩn rõ ràng.
...thứ nhất sức nặng kinh tế, thứ nhì là khả năng hợp tác và chấp hành chính sách kinh tế chung và thứ ba là ảnh hưởng tỏa rộng của hệ thống tài chính và ngân hàng của từng nước. Loại tiêu chuẩn đó mới khiến sự tham gia và phối hợp giữa các nền kinh tế này quả thật là có ảnh hưởng đến toàn cầu.
ông Nguyễn Xuân Nghĩa
Năm 2008, khi khủng hoảng tài chính bùng nổ, Tổng thống Mỹ thời đó là ông Geroge W. Bush mới đề nghị việc lãnh đạo của nhóm G-20 này có hội nghị hàng năm, gọi là thượng đỉnh. Thành phần gồm có Liên hiệp Âu châu và 19 quốc gia dẫn đầu kinh tế thế giới là Argentina, Úc, Brazil, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nam Hàn, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi, Nga, Mexico, Turkey và Á Rập Saudi.
Nếu xét về tiêu chuẩn tham gia thì người ta cần nhắc đến thứ nhất sức nặng kinh tế, thứ nhì là khả năng hợp tác và chấp hành chính sách kinh tế chung và thứ ba là ảnh hưởng tỏa rộng của hệ thống tài chính và ngân hàng của từng nước. Loại tiêu chuẩn đó mới khiến sự tham gia và phối hợp giữa các nền kinh tế này quả thật là có ảnh hưởng đến toàn cầu. Nhưng nếu áp dụng các tiêu chuẩn ấy thì có nhiều nước thật ra không đáng có mặt trong nhóm G-20, thí dụ như Liên bang Nga, Argentina hay Mexico. Vì thành phần cơ cấu bất toàn ấy mà nhóm G-20 chẳng có thể đề nghị hay chấp hành một số quyết định chung và tuyên bố chung của họ thật ra chẳng có kết quả gì cụ thể, cho đến một Thượng đỉnh khác.
Muốn làm kinh tế, hãy học kế toán
Vũ Hoàng: Bây giờ, chúng ta trở lại chuyện bầu cử vào ngày Chủ Nhật vừa qua tại một số quốc gia. Ông đánh giá thế nào về kết quả đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết là cuộc bầu cử Tổng thống tại xứ Egypt hay Ai Cập. Với sự sụp đổ của hai chế độ độc tài tại Tunisie và Egypt đầu năm ngoái, người ta cứ nói đến mùa Xuân Á Rập hay phong trào dân chủ tất yếu trong khối Hồi giáo. Sự thật lại chẳng lạc quan như vậy tại Egypt vì các tướng lãnh trong quân đội đã thay thế Tổng thống Hosni Mubarak chứ vẫn bảo vệ chế độ cũ. Phong trào dân chủ như dư luận mơ ước thật ra đã đại bại và cử tri phải chọn hoặc là xu hướng Hồi giáo khá cực đoan hoặc là một nhân vật của chính quyền Mubarak ngày xưa. Và bài toán kinh tế trong đó có nạn thất nghiệp của giới trẻ thì vẫn nguyên vẹn. Nếu xét đến tình hình hỗn loạn của Libya hay cực kỳ bi thảm của Syria thì mùa Xuân Á Rập vẫn chưa có. Đã thế, lập trường của Liên bang Nga và Trung Quốc là cố bênh vực chế độ độc tài sắt máu tại Syria càng cho thấy kết quả đáng thất vọng của Thượng đỉnh G-20 vừa qua.
...Trở lại Âu châu thì hai cuộc bầu cử tại Hy Lạp và Pháp thật ra không giải quyết nổi vụ khủng hoảng tài chính của khối Euro mà còn gây thêm chia rẽ giữa các nước về ưu tiên của giải pháp cứu nguy
ông Nguyễn Xuân Nghĩa
Trở lại Âu châu thì hai cuộc bầu cử tại Hy Lạp và Pháp thật ra không giải quyết nổi vụ khủng hoảng tài chính của khối Euro mà còn gây thêm chia rẽ giữa các nước về ưu tiên của giải pháp cứu nguy. Đó là nên chấp nhận khắc khổ và giảm chi ngân sách như chủ trương của Đức hay là nên thúc đẩy tăng trưởng qua việc tăng chi như chủ trương của Pháp. Thật ra, Âu châu càng có bầu cử thì càng khó tìm ra đồng thuận vì xứ nào cũng lo cho ưu tiên của quốc gia làm cho cơ chế Âu châu càng khủng hoảng và cứ tiếp tục tăng chi bằng tiền bạc của xứ khác. Huyền thoại ở đây là không có thống nhất về chính trị và chính sách mà lại thống nhất về tiền tệ, với hậu quả là để bảo vệ sự thống nhất của khối Euro người ta càng gây thêm vấn đề và khó tiến tới thống nhất về chính trị. Trong khi đó, sau Hy Lạp thì khủng hoảng sẽ lan vào hai nền kinh tế đứng hạng bốn và hạng ba của khối Euro là Tây Ban Nha và Ý.
Vũ Hoàng: Ông cho rằng Tây Ban Nha sẽ là nước đang bị nguy cơ vỡ nợ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nếu xét đến phân lời rất cao là hơn 7% khi Tây Ban Nha cần vay tiền thì ta thấy ngay là các thị trường tài chính đã dự đoán một kịch bản bi quan cho xứ này.
Cũng nhân vụ khủng hoảng tài chính và sự sụp đổ sắp xảy ra của các ngân hàng Tây Ban Nha, người ta có thể rút tỉa được một bài học nóng hổi cho Việt Nam. Trong một giai đoạn khá lâu, Tây Ban Nha hồ hởi vay tiền và cho vay để thổi lên trái bóng đầu cơ về địa ốc còn lớn hơn trái bóng Hoa Kỳ nếu so sánh kích thước với tổng sản lượng. Khi tình hình bắt đầu suy sụp từ năm 2009 thì Tây Ban Nha còn bày ra những phương pháp kế toán sáng tạo để che giấu thực tế nguy ngập bên dưới. Cụ thể là phương pháp ước tính và trích xuất ngân quỹ dự phòng rủi ro gọi là "dynamic provisioning". Sự thật là họ không có đủ dự phòng khi các khoản nợ khó đòi và sẽ mất lại còn cao hơn những con số biểu kiến về kế toán. Chuyện ấy khiến chúng ta phải trở về trường hợp Việt Nam.
Vũ Hoàng: Chúng tôi đoán là ông muốn nói đến bản tin xuất phát từ ngân hàng trung ương của Việt Nam theo đó thì tính đến cuối Tháng Tư số nợ có rủi ro bị mất của các ngân hàng Việt Nam lên tới 4,14% tổng số dư nợ và tương đương với hơn năm tỷ đô la. Có phải như vậy không?
...cách đây khá lâu rồi, khi một thính giả của chúng ta ở trong nước liên lạc để hỏi ý kiến về môn học kinh tế nào là hữu ích nhất, tôi đã trả lời... sang bên cạnh. Đó là nên học về kế toán! Lý do là nếu không có phương pháp kế toán xác thực thì chẳng ai có thể biết được tình hình thực tế về kinh tế hay kinh doanh và sẽ bị tai biến bất ngờ.
ông Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng cách đây khá lâu rồi, khi một thính giả của chúng ta ở trong nước liên lạc để hỏi ý kiến về môn học kinh tế nào là hữu ích nhất, tôi đã trả lời... sang bên cạnh. Đó là nên học về kế toán! Lý do là nếu không có phương pháp kế toán xác thực thì chẳng ai có thể biết được tình hình thực tế về kinh tế hay kinh doanh và sẽ bị tai biến bất ngờ. Chuyện ấy đã xảy ra tại Hy Lạp, Tây Ban Nha và đang xảy ra tại Việt Nam.
Riêng trong lĩnh vực ngân hàng, trước hết, người ta phải có luật lệ minh bạch về cách bút ghi sổ sách tài chính là thu vào bao nhiêu, từ đâu và với phí tổn ra sao, để cho vay ra bao nhiêu, cho những ai, theo điều kiện gì? Vì chế độ kinh tế và chính trị mờ ám tại Việt Nam, nhiều ngân hàng có quan hệ thần thế với giới chức lãnh đạo đã có thể vi phạm những luật lệ cơ bản đó mà không sợ trách nhiệm về tài chính hay pháp lý vì được bao che và bảo vệ.
Khi tình hình kinh doanh sa sút vì kinh tế suy trầm với đà tăng trưởng chậm hơn, việc thu hồi nợ nần tất nhiên là có vấn đề, tức là rủi ro mất nợ gia tăng. Nhưng các ngân hàng có thể áp dụng nhiều thủ thuật kế toán, thí dụ như đảo nợ, là vẫn cho vay ra để khách nợ trả lại khoản nợ bị trễ hạn với kết quả kế toán là làm giảm tỷ lệ nợ thối, nợ không sinh lời và sẽ mất. Vì thế, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam mà chỉ có 4% số tín dụng cấp phát là một con số thiểu khả tín, không tin được. Nhưng câu chuyện nó không nằm ở đó. Mối nguy ở đây là chính các cơ quan có trách nhiệm về kiểm tra, thí dụ như ngân hàng trung ương, cũng chẳng biết nổi là số nợ xấu nó lên tới mức nào. Chúng ta đã thấy trường hợp đó xảy ra tại Tây Ban Nha hay cả Trung Quốc, nên một vụ sụp đổ của các ngân hàng là chuyện có xác suất rất cao.
... giả dụ Điện Lực của Việt Nam, có thể lập ra một ngân hàng cổ phần có danh nghĩa là tư doanh mà thực chất là cơ quan kinh tài cho Điện Lực tức là cho một ông lớn trong Bộ Chính trị có thẩm quyền về tập đoàn này. Khi viện trợ kỹ thuật, cơ quan của quốc tế có thể đề nghị cải cách, như cải thiện nghiệp vụ kế toán, nhưng các khuyến cáo này vẫn bị quăng vào ngăn kéo vì đụng tới quyền lợi của các đại gia ở trên
ông Nguyễn Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Thưa ông, trong nhiều chương trình trước đây và mới nhất là đề tài tuần qua khi phân tích việc cải tổ lãi suất ngân hàng tại Trung Quốc, ông nói đến nỗi khó khăn của giới hữu trách là thẩm định trị giá hay ngạch số của tài sản, như đất đai hay cổ phiếu, và của các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn. Vấn đề ở đây là từ bao năm nay, Việt Nam và cả Trung Quốc trước đó đều đã được quốc tế viện trợ về tài chính và nhất là kỹ thuật để cải tiến khả năng kiểm kê hay thẩm định sổ sách kế toán, trong đó có cả kế toán của các ngân hàng. Thế thì vì sao lại có tình trạng mù mờ về nợ nần đến nỗi khủng hoảng có thể bùng nổ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi lại xin nói về một huyền thoại khác đang sụp đổ.
Cách nay đúng 15 năm, Ngân hàng Thế giới đã ngợi ca phép lạ kinh tế của các nước tân hưng Đông Á mà không ngờ là mùng hai Tháng Bảy năm 1997, khủng hoảng ngoại hối đã bùng nổ tại Thái Lan rồi lan rộng thành khủng hoảng kinh tế cho toàn khối Đông Á với năm nước bị nặng nhất, kể cả Nam Hàn. Đó là một chuyện mà ta không nên quên về sự lạc quan vô lối.
Nói đến việc gần hơn để có lời giải đáp cho câu hỏi của ông, một định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, hay cơ quan tài trợ của họ là Công ty IFC, vẫn có dự án viện trợ kỹ thuật, thí dụ như viện trợ cho các ngân hàng, tiếng là để phát triển tư doanh và tạo ra một sân chơi bình đẳng và lành mạnh cho các tác nhân kinh tế. Sự thật thì các dự án này đều gây tốn kém và nằm trong ngân sách viện trợ cho các nước mà vẫn có thể bị trở ngại trong thực tế. Trở ngại chính nằm trong lĩnh vực chính trị.
Một tập đoàn kinh tế của nhà nước, giả dụ như Điện Lực của Việt Nam, có thể lập ra một ngân hàng cổ phần có danh nghĩa là tư doanh mà thực chất là cơ quan kinh tài cho Điện Lực tức là cho một ông lớn trong Bộ Chính trị có thẩm quyền về tập đoàn này. Khi viện trợ kỹ thuật, cơ quan của quốc tế có thể đề nghị cải cách, như cải thiện nghiệp vụ kế toán, nhưng các khuyến cáo này vẫn bị quăng vào ngăn kéo vì đụng tới quyền lợi của các đại gia ở trên.
Các chuyên gia tư vấn của quốc tế đều biết như vậy mà chẳng làm gì được. Họ nhận thù lao rồi đi về, ở trên thì vẫn báo cáo thành tích là đã hoàn tất ngần ấy dự án viện trợ cho Việt Nam. Mọi người đều vui vẻ với thành tích đó và định chế viện trợ thì không muốn gây vấn đề về ngoại giao hay chính trị. Cho tới khi khủng hoảng bùng nổ thì lại có chuyên gia tư vấn đi qua nghiên cứu và đề nghị cải cách nữa. Đấy cũng là một huyền thoại khác về viện trợ và cải cách mà nếu quốc gia họ nhận không nhìn thấy quyền lợi đích thực của người dân thì mọi người trong cuộc đều vui vẻ vỗ tay cho tới ngày khủng hoảng mà họ gọi là bất ngờ. Bao nhiêu chuyện đang xảy ra thật ra chẳng có gì là bất ngờ, cái bất ngờ là sự tồn tại quá lâu của nhiều huyền thoại.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn khá đặc biệt này.