Vàng lên hay xuống?
2013.04.17
Sau hai thập niên dập dình ở khoảng 300 đô la một troy ounce, qua Thế kỷ 21, giá vàng trên thế giới bỗng tăng vọt và lên tới đỉnh cao là 1.904 đô la vào cuối năm ngoái. Thế rồi giá lại sụt và Thứ Sáu tuần qua còn sụt với cường độ mạnh nhất kể từ ba chục năm nay, kể từ năm 1983. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về sự chuyển động này qua phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Yếu tố ảnh hưởng giá vàng
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Hôm nay, chúng ta sẽ nói về chuyện vàng sau vụ sụt giá rất nặng vào Thứ Sáu tuần qua. Thưa ông, những yếu tố gì khiến vàng mất giá như vậy sau cả chục năm lên giá gấp sáu, từ quãng 300 tới hơn một ngàn 900 đô la một troy ounce? Và theo ông dự đoán thì giá vàng sẽ ra sao trong thời gian tới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin thú thật rằng nếu mình biết vàng sẽ lên hay xuống giá ra sao thì chắc là đã đổi nghề để trở thành triệu phú từ lâu rồi! Cho nên câu trả lời ở đây là ta chưa thể rõ.
Bây giờ, trước khi tìm hiểu về các yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng hay bất cứ loại thương phẩm nào thì tôi nghĩ là ta hãy ghi nhận vài quy ước trong cách nói về thời gian để khỏi lầm. Trong lĩnh vực kinh tế, nói về chuyện gì sẽ xảy ra trong "ngắn hạn" thì thông thường người ta lấy quy ước là từ hai năm trở lại, "trung hạn" là khoảng thời gian từ hai đến năm năm, và "dài hạn" là những gì có thể xảy ra sau năm năm, đến viễn ảnh xa là cả chục năm.
Trong lĩnh vực giao dịch thương phẩm, là "commodities", người ta lại theo quy ước hơi khác. Lý do là vì sự tác động có tính chất tương hằng của các yếu tố trên thị trường thường nhanh và ngắn hơn một dự án hay chương trình hay kế hoạch kinh tế. Theo hướng đó, khi nói đến khoảng thời gian gọi là "cực kỳ ngắn hạn" thì đấy có thể là vài ngày và dưới hai tuần; "rất ngắn hạn" là từ hai tuần đến hai tháng; "ngắn hạn" là từ hai đến sáu tháng; "trung hạn" là từ sáu tháng đến một năm; "dài hạn" là từ một năm đến ba năm; sau đó, từ ba năm đến 10 năm thì coi là "rất dài hạn". Sở dĩ ta phải cẩn thận khi tường thuật là vì cách đo thời gian của hai lĩnh vực khác nhau và vì ai cũng có thể đoán đúng là vàng sẽ lên hay xuống giá, mà vẫn có thể sai về thời điểm, là khi nào? Còn lên hay xuống đến mức nào thì đổi chiều lại là chuyện khác rắc rối hơn!
Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông về sự thận trọng ấy vì quả là có sự khác biệt về thời hạn giữa hai lĩnh vực kinh tế và giao dịch chứng khoán hay thương phẩm mà khi tường thuật thì mình có thể làm thính giả nhầm lẫn. Thí dụ như sau vụ sụt giá vàng hôm Thứ Sáu thì qua ngày Thứ Hai giá đã tăng chút đỉnh mà có khi không bền, cho nên nói rằng vàng sẽ lên giá thì có thể là đúng trong thời hạn cực ngắn mà lại sai trong kỳ hạn dài hơn và sau cùng trong trường kỳ thì vẫn là đúng. Sau việc phân định thời hạn ấy rồi, thưa ông, đâu là những yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng?
Ai cũng có thể đoán đúng là vàng sẽ lên hay xuống giá, mà vẫn có thể sai về thời điểm, còn lên hay xuống đến mức nào thì đổi chiều lại là chuyện khác rắc rối hơn!
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Giá vàng, hay giá cả nói chung của nhiều mặt hàng, là biểu hiện sau cùng của các yếu tố sâu xa ở dưới. Biểu hiện đó còn kết hợp phản ứng của tâm lý thị trường về các yếu tố cơ bản có thể chi phối giá cả bên dưới. Thí dụ như vì yếu tố cung cầu, cung thấp hơn cầu chẳng hạn, giá vàng có thể tăng. Đấy là lý do cơ bản. Nhưng khi tâm lý nói chung cho là giá vàng sẽ tăng thì chính tâm lý thị trường càng nâng số cầu và càng làm vàng lên giá. Trong đầu đã có hai khái niệm ấy, là cung cầu và tâm lý, ta mới suy ngẫm lại về các lý do.
Vũ Hoàng: Ông vừa giải thích diễn tiến trừu tượng về mặt lý luận, bây giờ ta có thể nêu ra thí dụ cụ thể của diễn biến đó hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thí dụ như nhất, khi vàng lên giá thì giới đầu tư chiếu cố nên càng mua thêm và càng làm vàng lên giá. Dựa trên cơ sở của thực tế, giới đầu tư bèn tìm lý do giải thích vì sao giá tăng và họ càng thấy lý luận ấy có sức thuyết phục cao thì càng mua thêm khiến vàng tiếp tục lên giá. Mãi rồi người ta coi như lý luận ban đầu là chân lý bất di bất dịch, khiến đa số đều tin là vàng sẽ còn lên giá. Nhiều khi người ta còn nhìn xa hơn về quá khứ để chứng minh rằng chu kỳ tăng giá lần này khác hẳn với các lần trước trong lịch sử.
Thế rồi khi thấy vàng lên giá làm mọi người càng mua vào, ta có trường hợp dễ hiểu là số cầu của người muốn mua vì lý do đầu tư hay đầu cơ không thể mãi mãi vượt số cung và giá bắt đầu sụt, đó là thí dụ thứ hai. Khi thấy giá sụt, người ta có hai phản ứng.
Một là thị trường tin là giá chỉ điều chỉnh trong ngắn hạn chứ rồi sẽ tăng và việc giảm giá lại là cơ hội mua vào. Sau đó, nếu giá vẫn sụt, người ta mới tìm cách lý giải nguyên nhân, đôi khi còn chỉ ra trách nhiệm của những kẻ làm vàng mất giá. Tức là tìm ra một lý luận khác để giải thích và chính lý luận ấy càng làm thiên hạ không mua vào mà còn bán ra, khiến vàng sụt giá nặng hơn. Khi ấy, quy luật cung cầu lại tác động, nếu số cầu giảm thì giá sụt và càng bán ra lại càng làm sụt giá theo lối tương hằng hay vòng luẩn quẩn. Bây giờ ta mới từ lý luận đi vào thực tế.
Vũ Hoàng: Đúng như vậy, thưa ông thực tế thì vì sao sau 20 năm xê xích không đáng kể, vàng lại lên giá trong cả chục năm trước khi rớt giá như người ta đang thấy tuần qua?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ta nhớ lại rằng Thế kỷ 21 khởi đầu với các biến động như bể bóng cổ hhiếu, suy trầm kinh tế, rồi khủng bố, chiến tranh, bể bóng địa ốc, khủng hoảng tài chính, v.v...
Khi thấy vàng lên giá từ quãng 2000, nhiều người đã quen với hoàn cảnh tương đối ổn định của giá vàng từ 20 năm trước nên không tin là chiều hướng tăng giá sẽ kéo dài. Nhưng vài năm sau thì tâm lý thị trường đã đổi. Lý luận khi ấy là vàng mới thật sự là tài sản có giá và an toàn hơn các loại đầu tư khác như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản hay dầu thô, bạc mặt, v.v... Cơ bản nhất, người ta tin rằng số cung của vàng có giới hạn vì đào không kịp, mà vàng lại ở ngoài tầm can thiệp của các chính quyền cứ in tiền ra xài. Khi nhiều xứ lại mắc nợ, ngân hàng vỡ nợ, hệ thống tài chính bị khủng hoảng từ Âu qua Mỹ, vàng mới là khí cụ đầu tư có giá trị nhất. Vì vậy, vàng tăng giá gấp sáu trong có chục năm.
Vàng sẽ còn lên giá?
Vũ Hoàng: Quả thật là vậy nếu ta nhớ lại một chuỗi biến động khởi sự từ Thế kỷ 21. Thưa ông thế rồi sự thể diễn biến thế nào từ năm năm qua người ta đoán là sẽ còn lên giá nữa khi các nước ráo riết bơm tiền giải trừ khủng hoảng và kích thích kinh tế.
Trong rất dài hạn là trên ba năm thì vàng vận còn lên giá nữa, chúng ta đang bước vào một giai đoạn đầy những thăng giáng khá thất thường, nôm na là bất ổn và bất lường.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Những bế tắc về chính sách kinh tế của các nước công nghiệp hóa lẫn cả Trung Quốc, tức là các nền kinh tế đang dẫn đầu thế giới càng làm người ta tin vào vàng.
Xin nhắc lại ở đây là các nước đã tăng chi ngân sách, bơm tín dụng, đi vay tiền qua phát hành trái phiếu và in bạc qua biện pháp gọi là nâng mức lưu hoạt có định lượng tức là "quantitative easing" và còn tìm cách hạ thấp hối suất đồng bạc để kích thích xuất khẩu. Ngần ấy biện pháp đều làm giảm giá trị của đồng tiền giấy và khiến vàng trở thành tài sản đầu tư hấp dẫn hơn.
Thứ nữa, những biện pháo kích thích ấy đều có thể làm tăng mức lạm phát, thậm chí còn hứa hẹn sẽ nâng mức lạm phát như chính sách do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vừa ban hành hôm mùng bốn Tháng Tư. Vì thế, kết luận rất có cơ sở của nhiều người là thế giới có thể bị lạm phát và vàng sẽ còn lên giá.
Vũ Hoàng: Thế thì sự gì đã xảy ra mà vàng không lên giá, lại còn sụt từ mấy tháng nay và bây giờ có thể sụt mạnh?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta đang ở giữa một giai đoạn bản lề, tức là khó dự đoán vì có thể thiên về phía này hay phía kia với rất nhiều biến động thăng giáng thất thường trong ngắn hạn.
Trước tiên là dù cả thế giới e sợ nguy cơ lạm phát bùng nổ vì các nước cứ bơm thêm tiền vào khối tiền tệ lưu hành, thực tế thì chuyện lạm phát ấy chưa xảy ra. Tôi xin nhấn mạnh là chưa, chứ không phải là không xảy ra và còn phải nói thêm là nếu xảy ra thì sẽ khá đột ngột và dữ dội. Đấy là viễn ảnh của chuyện dài hạn, trong dăm ba năm tới.
Kế đó, mình nhớ đến chuyện cung cầu vừa nhắc đến hồi nãy, khi mà ai ai cũng muốn mua vàng làm số cầu lên tới đỉnh cao nhất. Ở trên đỉnh thì ta có thể thấy hiện tượng điều chỉnh, nghĩa là sụt giá nhẹ và làm những người lạc quan tin rằng đấy là cơ hội mua vào. Nhưng mức điều chỉnh ấy lãi không nhẹ mà vượt quá 10% so với đỉnh cao và làm nhiều người phân vân. Nếu lại sụt quá 30% thì có khi thị trường đảo chiều, qua bước lật từ thăng qua giáng.
Chuyện thứ ba là đang phân vân do dự, giới đầu tư có thể so sánh ưu nhược điểm của vàng với các khí cụ đầu tư khác, thí dụ như cổ phiếu. Ta nhớ rằng cổ phiếu có hai lợi thế là có thể tăng giá và còn được chia lời là cổ tức, nên cũng là giải pháp phòng ngừa lạm phát. Khi thấy các chỉ số chứng khoán tại Hoa Kỳ đã lên tới nhiều đỉnh cao mới thì nhà đầu tư có thể đổi ý. Họ đang đổi ý.
Kết cuộc thì ta có tâm lý hốt hoảng cũng dữ dội như tâm lý lạc quan của mấy năm trước vì ai cũng sợ bán trễ thì bị lỗ nên càng bán mạnh và làm vàng mất giá. Dấy là lúc có hiện tượng tìm hiểu lý do và đổ lỗi, thí dụ như có kinh tế gia Hoa Kỳ đổ lỗi cho Ngân hàng Trung ương Mỹ đã bán tháo 500 tấn vàng hôm Thứ Sáu vừa qua nên mới khiến vàng mất giá nặng!
Vũ Hoàng: Vì thời lượng của chúng ta có hạn, xin hỏi ông là ông tổng kết diễn biến rất phức tạp này như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Các nhà nghiên cứu về giao dịch và giá cả thường có hai phương pháp phân tích, gọi là cơ bản và kỹ thuật. Cơ bản là chú ý đến yếu tố cung cầu để xem là một món hàng nào đó sẽ lên hay xuống giá. Kỹ thuật là tìm hiểu về phản ứng của thị trường, chủ yếu là tâm lý, như đã từng thấy trong quá khứ, để dự đoán biến động trong ngắn hạn, nôm na là biết được thời điểm sẽ lên hay xuống và qua mức nào thì đảo chiều hoặc có thể lên xuống mạnh hơn.
Sau những biến động khá đột ngột vừa qua, nhiều nơi dự báo theo phương pháp kỹ thuật là vàng sẽ còn sụt giá trong ngắn hạn, có thể tới mức một ngàn mốt, ngàn hai, thậm chí rơi đến thực giá của nó là khoảng 800 đô la một troy ounce. Nhưng trong rất dài hạn là trên ba năm thì vàng vận còn lên giá nữa. Kết luận ở đây là chúng ta đang bước vào một giai đoạn đầy những thăng giáng khá thất thường, nôm na là bất ổn và bất lường.
Khi ấy, ta cần nhớ đến hai thành phần quan tâm là giới đầu tư trên thị trường vàng và các ngân hàng trung ương trong cách tính toán về khối dự trữ quý kim và ngoại tệ. Chính là cách tính toán ấy, thí dụ như tại Việt Nam, mới càng khiến cho thị trường vàng bị dao động nặng và càng mua ra bán vào để kiếm lời thì nhà đầu tư lại càng lỗ nếu đi ngược chiều.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.