Kinh tế Trung Quốc không thể thay Hoa Kỳ
2017.02.08
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã lấy nhiều quyết định và có những phát biểu liên hệ đến quyền lợi của Hoa Kỳ y như khi ông tranh cử. Thí dụ là việc rút khỏi Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP hay đòi thương thuyết lại với từng nước các hiệp ước tự do mậu dịch nhằm đem lại việc làm cho công nhân Mỹ. Điều ấy khiến nhiều người cho là Hoa Kỳ đang từ bỏ vị trí lãnh đạo hệ thống giao dịch quốc tế và Trung Quốc sẽ trám vào khoảng trống đó với những mục tiêu chiến lược vượt ra khỏi khuôn khổ kinh tế.
Chân Như: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, các nước trên thế giới, từ Âu sang Á tới Châu Mỹ La Tinh đều bị chấn động bởi những gì đang xảy ra tại Hoa Kỳ khi vị Tổng thống thứ 45 vừa đắc cử đã thực hiện điều ông hứa hẹn khi tranh cử năm ngoái.
Trong lĩnh vực kinh tế, Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương TPP, đòi thương thuyết lại Hiệp ước Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ là NAFTA và còn đả kích nước Đức đã cố tình hạ giá đồng Euro so với đô la Mỹ để chiếm lợi thế xuất khẩu.
Khi lãnh đạo Hoa Kỳ nêu ra quan điểm nhuốm mùi bảo hộ mậu dịch như vậy thì tại Thượng đỉnh của Diễn đàn APEC ở Peru, Chủ tịch Trung Quốc là Tập Cận Bình mau mắn đề cao toàn cầu hóa và tự do mậu dịch. Vì thế, nhiều người mới tự hỏi rằng liệu Hoa Kỳ có triệt thoái khỏi hệ thống thương mại toàn cầu và nhường chỗ cho Trung Quốc hay không? Ông nghĩ sao về mối lo này và liệu Trung Quốc có thay thế nước Mỹ để trở thành trung tâm của hệ thống giao dịch toàn cầu không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đây là loại đề tài khó hiểu nhất nên tôi xin đi từng bước để chúng ta cùng thấy ra sự thể, thay vì để cảm quan chi phối nhận thức. Một cách ngắn gọn, Hoa Kỳ có lý khi thay đổi lập trường như vậy và thứ hai, Trung Quốc chưa thể nào trám vào khoảng trống nếu nước Mỹ triệt thoái khỏi các hiệp ước thương mại quốc tế mà tìm giải pháp song phương như Chính quyền Trump đã đề nghị.
Thứ nhất, nói về sự thể khách quan thì ta cần nhớ lại vài ba khái niệm kế toán liên hệ đến luồng giao dịch toàn cầu. Một quốc gia có thể bị nhập siêu là nhập nhiều hơn xuất khẩu, tức là cán cân thương mại bị khiếm hụt. Nhưng sự thật kế toán tài chính của sự khiếm hụt ấy là nền kinh tế đó lại được nhập siêu về tư bản, tức là nhập nhiều hơn xuất trong cán cân vãng lai.
Nhìn cách khác, kinh tế Mỹ bị nhập siêu quá nặng trong một giai đoạn quá lâu, nay đã lên tới khoảng 700 tỷ đô la một năm, nhưng thiếu hụt thương mại ấy cũng có nghĩa là Hoa Kỳ tiếp nhận tư bản và nguồn tư bản ấy lại yết giá bằng Mỹ kim, là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất. Người ta gọi đó là việc Mỹ mắc nợ, nhưng đấy cũng là một gánh nặng phụ trội cho Hoa Kỳ khi thế giới đều tìm đến tiền Mỹ khiến đô la lên giá. Nhìn trong trường kỳ thì sự thể không luôn luôn như vậy mà cũng chẳng đáng sợ như vậy.
Chính quyền Trump gạt TPP sang một bên
Chân Như: Quả thật là ông vừa phân tích một vấn đề hơi khó hiểu khi kết luận rằng sự thể không đáng sợ như vậy. Xin đề nghị ông giải thích thêm.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trên diễn đàn này, tôi có nhiều lần giải thích rằng việc đồng Mỹ kim là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất không là ưu thế mà còn là gánh nặng cho kinh tế Mỹ. Nay Chính quyền Donald Trump đang thấy ra và than phiền các quốc gia bạn hàng là vì lẽ đó.
Chúng ta cần thấy ra một quy luật về tiết kiệm và đầu tư. Trong một thế giới khan hiếm tư bản để đầu tư thì các nước được thặng dư thương mại có thêm tư bản để đầu tư vào kinh tế. Sau hai trận Thế chiến, từ quãng 1920 tới 1970, các nước Âu Á bị tàn phá bởi chiến tranh đều thiếu tư bản để tái thiết và phát triển. Đấy là lúc kinh tế Hoa Kỳ tương đối giàu mạnh nhất đã liên tục đạt thặng dư thương mại, tức là được xuất siêu, nhờ vậy tư bản Mỹ góp phần tái thiết các nước kia. Tức là tiết kiệm tại Mỹ đã chảy qua đầu tư vào các nước đồng minh Âu-Á.
Nửa thế kỷ sau, là kể từ quãng 1970 trở đi cho tới nay, thì các nước Âu Á đó đều phát triển, chủ yếu là nhờ nguồn tiết kiệm tại Mỹ, và đạt xuất siêu trong khi kinh tế Mỹ bị nhập siêu và nay tiếp nhận tư bản chảy ngược về Mỹ. Như vậy, gần trăm năm qua, Hoa Kỳ vẫn là trung tâm của hệ thống giao dịch này, khi thì cung cấp đầu tư cho các nước bị tàn phá và thiếu tư bản, khi thì tiếp nhận hàng nhập khẩu của các nước, bị khiếm hụt thương mại nhưng cũng nhập cả tư bản hay tiết kiệm của các nước kia.
Ngày nay, Hoa Kỳ không muốn là thị trường số một của thiên hạ, không chấp nhận bị nhập siêu mãi và đòi vẽ ra luật chơi khác. Nhưng chẳng phải vậy mà kinh tế Trung Quốc sẽ là trung tâm thay thế Hoa Kỳ vì lý do đơn giản là Trung Quốc cần được xuất siêu để giữ đà tăng trưởng, chứ nếu bị nhập siêu như Hoa Kỳ thì sẽ lâm khủng hoảng. Chuyện này quá phức tạp nên nhiều người không hiểu cứ hay báo động về ngôi vị quá lớn của Trung Quốc khi nước Mỹ muốn giảm nhập siêu và gia tăng xuất khẩu.
Chân Như: Ông thường nói rằng kinh tế cũng là chính trị, như vậy việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước TPP không có hậu quả chính trị là nhường chỗ cho Trung Quốc và Bắc Kinh cũng đang có nhiều vấn đề nên không thể là trung tâm giao dịch thương mại thay cho nước Mỹ phải không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Về Hiệp ước TPP, chúng ta không nên quên là các Chính quyền George W. Bush và Barack Obama tham gia đàm phán trong mục tiêu đặt ra tiêu chuẩn cao hơn cho sự hợp tác toàn diện với 11 nước kia. Lý do là các doanh nghiệp Mỹ bị luật lệ Hoa Kỳ chi phối rất mạnh, nào là về môi sinh hay quyền lợi lao động nên khó cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại quốc vốn dĩ không bị kiểm soát chặt chẽ như vậy.
Khi ấy, mục tiêu của Mỹ chỉ là trù hoạch một sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp cũng để bảo vệ quyền lợi của mình, chứ việc đàm phán này không chỉ có nghĩa là gạt Trung Quốc ra ngoài vì lý do chính trị. Ai cũng biết là doanh nghiệp Trung Quốc không bị kiểm soát hay phải tuân thủ những quy định khắt khe như doanh nghiệp Hoa Kỳ hay Nhật Bản.
Chân Như: Nhưng sau cùng Chính quyền Trump lại gạt bỏ kết quả thương thuyết của hai chính quyền tiền nhiệm. Ông giải thích thế nào về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thật ra Quốc hội khóa 114 đã gạt Hiệp ước này qua một bên mà không đem ra thảo luận và phê chuẩn sau khi TPP được ký kết ngày bốn Tháng Hai năm ngoái, cách nay đúng một năm.
Ông Trump chỉ hợp thức hóa sự đã rồi mà thôi. Ngày nay, Chính quyền Trump không chỉ gạt Hiệp ước TPP sang một bên mà muốn đàm phán lại mọi hiệp ước thương mại để bảo đảm là quyền lợi của Hoa Kỳ được tôn trọng và để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ. Việc ông ta than phiền về trị giá quá cao của đồng Mỹ kim hay cách ấn định tỷ giá quá thấp của các ngoại tệ kia, như đồng Euro, đồng Yen và đồng bạc Trung Quốc, đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp Mỹ cũng nằm trong hướng đó. Quả thật là kinh tế Đức quá cần xuất khẩu nên Chính quyền Đức có cố tình dìm giá đồng Euro cho rẻ và gây thiệt hại cho chính các nước thành viên của khối Euro ở miền Nam, như Hy Lạp hay Ý, hay Tây Ban Nha.
Nếu không hiểu thì người ta ngạc nhiên và bất mãn khi thấy ông Trump có vẻ gây hấn với mọi bạn hàng hay đồng minh. Ông ta chỉ chuẩn bị cho các cuộc thương thuyết sắp tới và khi thương thuyết thì không chỉ nhắm vào mục tiêu kinh tế mà quên vai trò rất đáng ngại của Trung Quốc tại khu vực Đông Á. Việc Tổng trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ vừa nhậm chức là bay qua thăm viếng hai đồng minh tại Đông Bắc Á là Nam Hàn và Nhật Bản có cho thấy ưu tiên của nước Mỹ nằm ở đâu. Cũng trong mạch đó, tôi không tin là Mỹ sẽ đột ngột áp đặt thuế suất nhập nội cho hàng xuất khẩu của Việt Nam như đang dọa Mexico trong Hiệp ước NAFTA.
Thực tế sức mạnh Trung Quốc
Chân Như: Chúng ta bước qua phía bên kia để tìm hiểu vì sao Trung Quốc không thể nào thay thế Hoa Kỳ là cột trụ của luồng giao dịch toàn cầu. Thưa ông, nguyên nhân kinh tế là những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Người ta cứ cho rằng kinh tế Hoa Kỳ quá lệ thuộc vào tiêu thụ nên bị nhập siêu khi nước Mỹ nhập khẩu hàng rẻ để dân Mỹ xài cho sướng. Tự do mậu dịch có đem lại lợi ích tỏa rộng cho giới tiêu thụ và doanh nghiệp nhập khẩu nhưng gây thiệt hại tập trung cho thành phần thợ thuyền lao động bị mất việc hay sụt lương. Ông Trump quan tâm đến thành phần ấy nên đang vận động các doanh nghiệp Mỹ song song cùng việc đòi thương thuyết lại các hiệp ước thương mại. Trường hợp của Trung Quốc lại trái ngược.
Từ cả chục năm nay, kinh tế xứ này bị lệch lạc ngay bên trong và chưa thể cải cách từ sau Đại hội khóa 18 vào cuối năm 2012 vì sự cưỡng chống của các thế lực cao cấp ngay trong đảng. Hậu quả của sự lệch lạc đó là sức tiêu thụ quá thấp của các hộ gia đình, ở mức thấp nhất trong các nền kinh tế lớn.
Khi được tiêu thụ ít, các hộ gia đình tiết kiệm nhiều và nguồn tài nguyên ấy bị trưng dụng thành tín dụng nhẹ lãi cho các doang nghiệp. Tình trạng bất công xã hội ấy có mặt tương phản về kinh tế là Trung Quốc cần đầu tư, cần xuất khẩu và cần đạt xuất siêu, là xuất hơn nhập, và nay đang mắc nợ ngập đầu, có thể là gần 290% Tổng sản lương Nội địa mà chưa chắc đã đảm bảo được đà trăng trưởng khoảng 6-7% một năm. Lãnh đạo Bắc Kinh lúng túng với các bài toán nan giải ấy và trở lại với khả năng ứng phó duy nhất là giữ mức xuất siêu cao để duy trì đà tăng trưởng và tránh nạn thất nghiệp. Như vậy, vì những lý do nội tại về kinh tế lẫn chính trị, Trung Quốc không thể là một trung tâm của hệ thống giao dịch toàn cầu thay cho nước Mỹ!
Chân Như: Ông trình bày một số sự thể kinh tế hơi bất ngờ cho độc giả của chúng ta vì hầu như ai ai, kể cả giới học giả hay nghiên cứu quốc tế, cũng đều nói tới sự lớn mạnh đáng ngại của Trung Quốc.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trung Quốc đáng ngại ở những động thái quân sự, điều ấy rất đúng. Nhưng họ chưa thể thay thế vị trí của Hoa Kỳ cách nay trăm năm với luồng tư bản dồi dào chảy qua các nước khác để bành trướng ảnh hưởng. Và đáng ngại hơn vậy là xứ này đang lâm vòng bế tắc về kinh tế nếu không thể chủ động giảm đà tăng trưởng và cho người dân cơ hội tiêu thụ nhiều hơn. Họ tiếp tục bơm tín dụng và chất lên một núi nợ sẽ sụp đồ thì làm sau đồng Nguyên có thể giữ vị trí ngọai tệ dự trữ và Bắc Kinh giữ thế trung tâm của hệ thống giao dịch toàn cầu?
Tôi cho rằng chúng ta nên hiểu ra một thực tế là khi muốn giữ thế lãnh đạo thì quốc gia phải trả giá về kinh tế nên phải có khả năng đó. Từ trăm năm nay, Hoa Kỳ giữ thế lãnh đạo ấy trải qua hai trận Thế chiến rồi gần nửa thế kỷ chiến tranh lạnh. Ngày nay, nước Mỹ đang mệt mỏi và muốn lui về lo lấy cho quyền lợi của mình nhưng vẫn là một siêu cường kinh tế có khả năng vạch ra luật chơi mới. Trung Quốc thì chưa, và khi bên trong đang có vấn đề kinh tế xã hội mà bên ngoài lại đòi vạch ra luật chơi bằng phương tiện quân sự thì sẽ chẳng được thế giới chấp nhận.
Chân Như: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.