Cải cách chính trị tại Trung Quốc

Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2013.12.18
000_Hkg7053994-305B.jpg Toàn cảnh Đại lễ đường nhân dân trong một kỳ họp Đảng CS Trung Quốc ở Bắc Kinh, ảnh minh họa chụp trước đây.
AFP PHOTO / Ed Jones

 

Trong loạt bài tổng kết cuối năm và tìm hiểu về viễn ảnh năm tới, kỳ này mục Diễn đàn Kinh tế sẽ nói về những vấn đề chính trị của Trung Quốc khi phải chuyển hướng kinh tế trong các năm tới. Xin quý vị theo dõi cách Vũ Hoàng đặt vấn đề với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Chuyển hướng để điều chỉnh

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa và kỳ này, chúng ta tiếp tục tổng kết về tình hình kinh tế năm 2013 sắp chấm dứt và về viễn ảnh của năm 2014. Trong nhiều kỳ trước đây, ông đã nói đến nhu cầu phải chuyển hướng và điều chỉnh của kinh tế Trung Quốc, như lãnh đạo mới của họ đã cho biết sau Hội nghị Ban chấp hành Trung ương kỳ thứ ba thuộc khoá 18 vào tháng trước. Ông nghĩ sao về nỗ lực này nếu tổng kết về kinh tế Trung Quốc sau một giai đoạn tăng trưởng dài?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin được phép đặt vấn đề như thế này hầu ta hiểu rõ hơn về nhu cầu chuyển hướng để điều chỉnh của Trung Quốc. Hàng ngày hay hàng tuần, ta phải theo dõi tin tức về kinh tế và chính trị để tường thuật nên quá chú ý vào chuyện trước mặt mà không đặt những thăng trầm nhất thời như vậy vào một bối cảnh dài. Thứ hai, khi kiểm lại kết quả về dài, ví dụ như kinh tế Trung Quốc có đà tăng trưởng là 9-10% hay như Việt Nam có lúc tăng trưởng 7-8% trong nhiều năm liền, thì lại tưởng tình trạng khả quan ấy sẽ kéo dài mà khó thấy bước ngoặt. Thứ ba, khi nhìn rộng ra ngoài và với lợi thế là kiểm điểm lại quá khứ và so sánh được với các nền kinh tế khác, thì người ta đều có thể thấy rằng nhiều quốc gia đều có giai đoạn tăng trưởng cao rồi đến một khúc quanh là phải chuyển hướng. Vì nhiều lý do chủ quan, truyền thông quốc tế lẫn quốc nội của Trung Quốc lầm tưởng rằng kinh tế xứ này là một sự kỳ diệu, một phép lạ và đà tăng trưởng ấy kéo dài mãi để cuối cùng thì họ sẽ vượt Hoa Kỳ để có nền kinh tế số một thế giới trong mấy năm tới. Sự thật thì như nhiều nước đi trước, Trung Quốc đã đến lúc điều chỉnh, nếu không thì cỗ xe sẽ lật và xứ này sẽ bị khủng hoảng.

Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày thì người ta có thể thấy trước chiều hướng thăng trầm hay lên xuống của một nền kinh tế nếu nhìn trong trường kỳ và nếu so sánh với các nền kinh tế đã từng có giai đoạn tăng trưởng ngoạn mục như vậy. Xin ông đơn cử cho một vài thí dụ.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta có nhiều ví dụ lắm. Gần đây là trường hợp Nhật với tiềm năng rất lớn đến giữa thập niên 80 của thế kỷ trước mà vì không mạnh mẽ điều chỉnh họ bị hai chục năm suy sụp cho đến nay. Trước đó chính là kinh tế Liên bang Xô viết trong nhiều thập niên sau Thế chiến II đã tăng trưởng mạnh làm thế giới cho là sẽ bắt kịp và vượt qua Hoa Kỳ. Khác với Nhật Bản dù sao là một xứ dân chủ, Liên Xô không điều chỉnh được nên mới tan rã cách nay 25 năm, gần như cùng lúc với sự suy sụp của Nhật Bản. Một trường hợp khác là Nam Hàn, cũng có 20 năm tăng trưởng rồng cọp rồi bị khủng hoảng. Nhưng khi rơi vào bước ngoặt đó, xứ này đã cải cách rất mạnh, còn mạnh hơn Nhật Bản, nên đã sớm vượt qua nguy khốn và một lý do quan trọng là trước đó họ đã có cải cách chính trị theo hướng dân chủ hơn. Nói vắn tắt thì mọi nền kinh tế Âu, Mỹ, Nhật hay Trung Nam Mỹ, đều có được mươi năm hay vài chục năm tăng trưởng cao mà trước sau thì cũng phải chuyển hướng và dễ thành công trong sự điều chỉnh nếu có hệ thống pháp quyền nhà nước và một cơ chế dân chủ. Trung Quốc hay Việt Nam cũng vậy.

Vũ Hoàng: Chúng tôi vẫn xin hỏi thêm một điều vào dịp tổng kết này là liệu ta có thể rút tỉa một vài quy luật về sự chuyển hướng sau một giai đoạn tăng trưởng ngoạn mục hay chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là có và ta nên thường xuyên nhắc tới điều này để lãnh đạo đừng chủ quan lầm tưởng rằng mình có cây đũa thần hoặc sẽ vĩnh viễn cưỡi lên đầu sóng.

Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 11 tháng 4 năm 2012.
Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 11 tháng 4 năm 2012.
AFP

Quy luật thứ nhất, các nền kinh tế đều có thể được một giai đoạn tăng trưởng rất cao nếu ra sức đầu tư mạnh. Nhưng khi ào ạt đầu tư như vậy thì có lúc phải đi vay thêm và nếu lạc quan thì vay quá sức trả nên bị khủng hoảng về nợ nần. Liên Xô, Nhật Bản, Âu Châu hay Hoa Kỳ đều có lúc bị gãy đòn bẩy như vậy. Quy luật thứ hai là vì chỉ nhìn vào đà tăng trưởng ngoạn mục trong nhất thời, người ta dễ dự đoán sai và không lường được khó khăn của việc chuyển hướng. Thứ ba, sau một giai đoạn sung mãn kéo dài, một số thành phần kinh tế và xã hội lại có lợi nhiều hơn và nếu họ có khả năng chính trị thì tất nhiên cản trở việc điều chỉnh. Cho nên mọi nền kinh tế mà phải chuyển hướng đều đối mặt với việc điều chỉnh hay cải cách chính trị. Vì Trung Quốc gặp hoàn cảnh còn ngặt nghèo hơn Nhật thời trước nên bài toán chính trị của họ lại khó khăn hơn.

Vũ Hoàng: Xin ông giải thích cho cái hoàn cảnh ông gọi là khó khăn hơn của Trung Quốc.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong hệ thống kinh tế Nhật, người ta có thấy ra sự cấu kết về quyền lợi giữa ba thế lực, như ba cái chân kiềng của phép lạ Nhật Bản, là các doanh nghiệp, bộ máy hành chính công quyền và các chính trị gia. Sự cấu kết ấy làm hệ thống chính trị khó xoay trở và việc điều chỉnh mới kéo dài mãi cho đến ngày nay. Trung Quốc cũng có loại bài toán tương tự khiến thế hệ lãnh đạo thứ tư là Hồ Cẩm Đào, Uý Kiện Hành và Ôn Gia Bảo lên cầm quyền từ năm 2003 đã muốn cải cách từ những năm 2005-2007 mà không nổi. Sau đó, khi thế giới bị suy trầm từ năm 2008-2008, họ còn lao vào phía trước mạnh hơn và chất lên một núi nợ bên cạnh rất nhiều bong bóng đầu cơ. Khi giao quyền cho thế hệ lãnh đạo mới, họ trao cả một trái núi sẽ lở.

Dự đoán chiều hướng cải cách

Vũ Hoàng: Bước qua năm tới, ông dự đoán thế nào về chiều hướng cải cách của Bắc Kinh?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Như chúng ta đã trình bày nhiều lần trên diễn đàn này trong tinh thần cảnh báo giới lãnh đạo kinh tế tại Việt Nam, Trung Quốc hết phép lạ và mô hình của họ không là mẫu mực đáng học. Đầu tiên, đà tăng trưởng nhờ đầu tư quá mạnh đã chấm dứt và Bắc Kinh phải trải qua thời kỳ tăng trưởng thấp hơn, phải chú trọng đến phẩm hơn lượng và tìm đầu máy khác, là tiêu thụ nội địa. Nhưng việc chuyển hóa sẽ đụng chạm vào quyền lợi của một thiểu số có chức có quyền nên cải cách kinh tế của Trung Quốc phải bắt đầu từ chính trị.

Điều thứ hai, khi cải cách chính trị, lãnh đạo Bắc Kinh bị kẹt vì ba chuyện. Thứ nhất, họ không có chế độ dân chủ là sự bình đẳng của mọi người trước pháp luật do người dân lập ra. Thứ hai, trên lãnh thổ quá rộng và có quá nhiều khác biệt, họ không có thể chế liên bang để dung hợp quyền lợi và trách nhiệm giữa trung ương và địa phương. Thứ ba, họ không có nền pháp quyền nhà nước, tức là hạ tầng cơ sở luật pháp có khả năng cưỡng hành với mọi cấp bộ hành chính và kinh doanh, mà họ vẫn cứ bị chính trị độc đảng chi phối.

Vì những lý do nói trên, việc chuyển hướng kinh tế của Trung Quốc trong thời gian tới đây sẽ khởi sự từ chính trị, nhưng theo một quy luật ngược. Đó là lãnh đạo sẽ tập trung quyền lực vào trung ương nên sẽ gây ra ấn tượng độc đoán hơn.

Vũ Hoàng: Ông vừa nói ra một nghịch lý mà thính giả của chúng ta có thể không hiểu. Thưa ông, Trung Quốc không có dân chủ nên sẽ khó cải cách, vậy mà ông cho rằng lãnh đạo của họ sẽ còn tập trung quyền lực về trung ương và có vẻ độc đoán hơn trước. Vì sao lại như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin đơn cử một thí dụ có thể minh diễn ba tệ nạn là thiếu dân chủ, không có chế độ liên bang và hệ thống pháp quyền lỏng lẻo. Thí dụ đó là đạo luật ngân sách năm 1994, 20 năm trước. Từ khi đạo luật được ban hành, số thu về thuế khóa của các địa phương sụt mạnh vì nộp tiền thuế về trung ương mà lại không được tài trợ đầy đủ. Vì thiếu tiền mà lại có trách nhiệm tạo ra việc làm và ổn định tình hình, các đảng bộ ở địa phương phải sáng tạo theo ba hướng là 1) đặt thêm lệ phí tức là loại thuế trá hình, 2) là trưng thu tiền sử dụng đất do địa phương có quyền quản lý và 3) lập ra mạng lưới công ty đầu tư ở địa phương để vay tiền hệ thống ngân hàng của nhà nước. Kết quả của tình trạng quái đản này là đà tăng trưởng ảo, người dân bị bóc lột, bị cướp đất, các địa phương đều mắc nợ ngập đầu mà nợ đến cỡ nào thì chẳng ai biết trong khi đảng viên cán bộ ở địa phương làm giàu rất nhanh và muốn duy trì hiện trạng lệch lạc.

Thế hệ lãnh đạo trước đã muốn cải cách theo cái hướng tập trung quyền lực về trung ương để phần nào giảm bớt bất công và đẩy lui nguy cơ động loạn mà không nổi. Thế hệ mới lên sẽ phải tiến hành việc đó và sẽ dùng chuyện diệt trừ tham ô làm lý cớ. Một thí dụ khác là hệ thống doanh nghiệp nhà nước với giới điều hành là đảng viên cao cấp đã thành đại gia hay tỷ phú. Việc chuyển hướng chính trị phải dẫn tới thanh trừng đại gia khi Trung Quốc cũng là một nước có nhiều tỷ phú nhất trong một giai doạn ngắn nhất!

Vũ Hoàng: Vì phải tường thuật thời sự hàng ngày như ông nhắc tới khi mở đầu, chúng tôi xin hỏi một chuyện là gần như cùng lúc với việc lãnh đạo mới của Bắc Kinh đề ra phương hướng điều chỉnh thì lại có tin đồn ngày càng được truyền thông quốc tế xác nhận. Đó là một nhân vật lãnh đạo vừa về hưu năm ngoái là ông Chu Vĩnh Khang bị tam giam để điều tra về nhiều hành vi phạm pháp trước đây. Thưa ông, việc chuyển hướng và vụ giam giữ hoặc tranh trừng vì tội tham nhũng có liên hệ gì đến nhau chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thật ra, lãnh đạo Trung Quốc muốn điều chỉnh về kinh tế mà không nổi vì hệ thống chính trị của họ, vì vậy mà từ hai năm nay đã có hàng loạt biến động chính trị trước và sau Đại hội 18. Trước Đại hội là vụ Bạc Hy Lai vào đầu năm ngoái, sau Đại hội là vụ Chu Vĩnh Khang vào cuối năm nay. Cả hai vụ này thật ra chỉ là một. Nó phản ảnh mức độ cấu kết rất rộng và tác động rất cao của các thế lực kinh tế và chính trị tại Trung Quốc. Trước khi có tin Chu Vĩnh Khang bị điều tra thì đã có việc bắt giữ hàng loạt nhân vật lãnh đạo tập đoàn dầu khí CNPC là Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, kể cả viên cựu Chủ tịch là Tưởng Cát Mẫn. Đấy là một Ủy viên Dự khuyết Trung ương, vừa được đưa qua làm Trưởng ban Cải tạo và Quản lý Doanh nghiệp Nhà nước, và xưa kia là nhân vật dưới quyền của Chu Vĩnh Khang.

Tôi nghĩ là trong hệ thống quyền lực xứ này, những kẻ cầm đầu hệ thống dầu khí đã có thể thâu tóm quyền lực và như Chu Vĩnh Khang, còn nắm luôn hệ thống an ninh trong vai trò Trưởng ban Chính pháp Trung ương, điều khiển hai bộ Công an và An toàn Quốc gia lẫn mạng lưới toà án và là Ủy viên trong Thường vụ Bộ Chính trị. Vì vậy, sau khi thanh lọc ở dưới, việc thanh trừng một nhân vật cấp lãnh đạo như Chu Vĩnh Khang là điều hãn hữu nhưng không bất ngờ.

Nó cũng cho thấy bài toán nan giải của thế hệ lãnh đạo mới khi phải chuyển hướng mà chứng bệnh quái ác của họ đã lên tới đầu.  Trong năm tới, ta sẽ theo dõi tiếp nhiều đợt thanh trừng khác trong nỗ lực cải cách chính trị với màu sắc của Trung Quốc.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.