Hoa Kỳ gây chiến mậu dịch toàn cầu?

Nguyễn Xuân Nghĩa
2018.03.20
Hoa Kỳ gây chiến mậu dịch toàn cầu? Giới tài chính-ngân hàng của nhóm G-20 họp tại Buenos Aires, Argentina
AFP

Mậu dịch công bằng

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, Nhóm G-20, gồm 19 nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng khối Liên hiệp Âu Châu, vừa có kỳ họp của giới tài chính và ngân hàng tại thủ đô của Argentina để chuẩn bị cho Thượng đỉnh thứ 14 vào Tháng 11 năm nay. Tại Hội nghị cấp cao vừa qua, dư luận quốc tế lưu ý tới câu trả lời của Tổng trưởng Ngân khố Hoa Kỳ cho 19 đại biểu kia về lập trường của Mỹ. Giới lãnh đạo tài chính và ngân hàng của các nước bày tỏ sự quan ngại là Hoa Kỳ đe dọa trật tự thương mại thế giới vì không tôn trọng nguyên tắc hợp tác đa phương mà đơn phương quyết định tăng thuế nhập nội trên thép và nhôm. Tổng trưởng Ngân khố, là Bộ Tài chính của Mỹ, trả lời rằng Hoa Kỳ quyết bảo vệ quyền lợi kinh tế và an ninh của mình và chỉ muốn một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp và công nhân Mỹ. Nói cách khác, phải chăng Hoa Kỳ đang từ bỏ nguyên tắc tự do mậu dịch đã đề cao từ 70 năm nay để lui về chủ trương bảo hộ được gọi là “mậu dịch công bằng”? Ông nghĩ thế nào về chuyện này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ sự thể nó không đơn giản như thế và sau nhiều lần phân tích chuyện mậu dịch hay ngoại thương trên diễn đàn này, ta vẫn trở về bối cảnh sâu xa của vấn đề. Sau hai thế kỷ áp dụng chế độ bảo hộ mậu dịch để công nghiệp hóa, các quốc gia tiên tiến nhất chỉ theo chủ trương tự do mậu dịch từ đầu thế kỷ 20 thôi. Nhưng rồi vụ Tổng khủng hoảng 1929-1933 làm các nước lui về chủ trương bảo hộ khiến cho khủng hoảng kéo dài và còn dẫn tới Thế chiến II (1939-1945). Là quốc gia chiến thắng và ít bị tàn phá nhất, Hoa Kỳ viện trợ cho các đồng minh tái thiết và phát triển theo chủ trương tự do kinh tế, trong đó có tự do mậu dịch, là trao đổi với tối thiểu về thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu. Cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Tự Do - Cộng Sản càng thúc đẩy chiều hướng đó và cách nay 70 năm, đầu năm 1948 thì Mỹ còn vận động Hiệp Ước Chung về Thuế Quan và Mậu Dịch gọi tắt là GATT với quy chế “tối huệ quốc” cho các nước. Kể từ năm 1998, quy chế đó được gọi là “mậu dịch bình thường” cách nay cũng 30 năm. Từ đó thiên hạ cứ tưởng rằng đấy là lý tưởng.

Nguyên Lam: Như vậy, từ 30 năm hay thậm chí 70 năm trước, Hoa Kỳ coi như dẫn đầu thế giới về chủ thuyết tự do mậu dịch, thế thì tại sao ngày nay nước Mỹ lại có vẻ đổi ý về lý tưởng đó, thưa ông?

Lý tưởng tự do mậu dịch vẫn bị thực tế của đời sống trong từng nước thách thức. Là xứ dân chủ tiên tiến nhất, Hoa Kỳ sớm thấy ra sự bất toàn của lý tưởng và muốn đặt lại vấn đề.
-Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ sau Thế chiến II, các nước đều theo nhau ký kết hiệp ước song phương, giữa hai nước với nhau, hoặc đa phương, là giữa nhiều quốc gia, với niềm tin là việc giao dịch tự do sẽ đem lại thịnh vượng cho mọi người. Thực tế thì sự thịnh vượng đó lại không được phân bố đồng đều vì nhiều lý do:

- 1/ Muốn giao dịch thì phải làm ra sản phẩm có nước muốn mua nhưng nếu xứ khác lại có sản phẩm đó mà rẻ và tốt hơn thì ta khó cạnh tranh và tiếp tục nghèo. 2/ Nhiều nước vẫn kín đáo bảo vệ một số khu vực của mình vì yêu cầu kinh tế, xã hội hay chính trị và gây ra tình trạng cạnh tranh bất chính làm xứ khác bị thiệt. 3/ Các nước nghèo có nhân công rẻ cũng chiếm lợi thế cạnh tranh làm khu vực chế biến của các nước giàu suy sụp vì lương cao hơn. 4/ Cơ cấu sản xuất của các nước công nghiệp hóa đều thay đổi, với nhân công giảm trong khu vực chế biến mà khu vực dịch vụ lại phát triển mạnh và đóng góp nhiều hơn trong luồng giao dịch. Nhưng nạn sa sút nhân dụng trong ngành chế biến như một kết quả của năng suất cao vẫn là một bài toán xã hội và chính trị. Do đó, lý tưởng tự do mậu dịch vẫn bị thực tế của đời sống trong từng nước thách thức. Là xứ dân chủ tiên tiến nhất, Hoa Kỳ sớm thấy ra sự bất toàn của lý tưởng và muốn đặt lại vấn đề.

Bảo hộ mậu dịch vẫn tồn tại

Nguyên Lam: Nếu như vậy, thưa ông, phải chăng tự do mậu dịch gây ra thay đổi trong ngắn hạn khiến một số quốc gia e ngại nên vẫn duy trì chế độ bảo hộ, như chúng ta đang thấy tại Việt Nam hay Trung Quốc. Về dài hạn thì các nước cần điều chỉnh tình trạng đó nhưng thật ra sự thịnh vượng vẫn không trải rộng cho mọi thành phần dân chúng và gây phản ứng chính trị trong các nước dân chủ. Ông giải thích thế nào về sự nghịch lý này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tình trạng bảo hộ kín đáo thật ra vẫn còn trong nhiều quốc gia đã hay đang phát triển. Nhưng Hoa Kỳ quan tâm đến việc khác và đang đảo lộn lập trường. Thời Chiến tranh lạnh, vì yêu cầu an ninh, Hoa Kỳ chấp nhận cho các đồng minh Âu Á lợi thế về mậu dịch nhưng lâu lâu cũng có phản ứng bảo hộ chứ không phải là không. Khi Chiến tranh lạnh tàn lụi với sự sụp đổ của Liên Xô, nhu cầu an ninh đó không còn, Hoa Kỳ nhìn lại sự thất thế về kinh tế của mình mà các nước kia thì chưa. Đó là một lẽ. Ngày nay, sự thể còn thay đổi nhiều hơn, vì về an ninh thì từ Âu qua Trung Đông tới Á Châu, các nước đều cần Mỹ bảo vệ, nhưng kinh tế Hoa Kỳ lại bị nhập siêu nặng nên từ tả sang hữu, chính trường Hoa Kỳ dè dặt hơn với lý tưởng tự do mậu dịch như ta thấy từ năm 2015 với phản ứng của Quốc hội Mỹ về Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Đó là lẽ thứ hai. Chuyện thứ ba là Chính quyền Trump lại kết hợp yếu tố an ninh vào bài toán giao dịch kinh tế, nôm na là chỉ chia sẻ gánh nặng kinh tế với đối tác nào chia sẻ gánh nặng phòng vệ an ninh với Mỹ, chứ các nước không thể tiếp tục đạt xuất siêu là xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu với Hoa Kỳ mà lại không đóng góp tiền bạc công sức vào việc phòng thủ an ninh. Khi nói về trận chiến mậu dịch của Hoa Kỳ với các nước thì ta đừng nên quên rằng với nước Mỹ ngày nay, an ninh và kinh tế là hai mặt của một đồng tiền!

Nguyên Lam: Thưa ông, phải chăng vì đó mà đầu năm nay, hôm 19 Tháng Giêng, văn phòng Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ đệ nạp Quốc hội hai báo cáo đáng chú ý về kinh tế của Trung Quốc và Liên bang Nga. Rằng Hoa Kỳ sai lầm khi cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2001 và rằng, sau khi  gia nhập WTO vào năm 2012, Liên bang Nga không tôn trọng cam kết với các thành viên của WTO mà vẫn duy trì chế độ bảo hộ làm doanh nghiệp và công nhân Mỹ bị thiệt vì không hưởng được sự thịnh vượng lý thuyết mà ông vừa nói? Cùng ngày 19 đó, Bộ Quốc Phòng Mỹ còn nêu đích danh hai cường quốc đang cạnh tranh về thế lực an ninh với Mỹ là Trung Quốc và Liên bang Nga. Nguyên Lam xin hỏi rằng với nước Mỹ, an ninh và kinh tế đang nhập một hay không?

Chính quyền Trump chỉ dàn cảnh chiến tranh mậu dịch để đàm phán với từng nước trên cơ sở của quyền lợi an ninh hỗ tương, chứ trọng tâm vẫn nhắm vào Trung Quốc vì lý do an ninh lẫn kinh tế do hiểu được văn hóa chính trị của Bắc Kinh là “mềm nắn, rắn buông”.
-Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng vậy, nhưng hãy nói chuyện gần rồi sẽ đề cập tới chuyện xa. Việt Nam đạt xuất siêu với Mỹ bao nhiêu thì bị nhập siêu với Trung Quốc bấy nhiêu và có thể đang cố thoát khỏi tình trạng lệ thuộc vào Bắc Kinh hoặc bị Trung Quốc ức chế ngoài Đông Hải. Khi ấy, Hoa Kỳ có thể là giải pháp. Vì sao các nước trong Hiệp hội ASEAN đều muốn làm ăn với Trung Quốc mà khi an ninh bị đe dọa thì lại trông cậy vào Hoa Kỳ? Chính quyền Mỹ không ưa trò phân công bất lợi đó nữa mà nói ra sự thật là ưu tiên giải quyết mâu thuẫn với Trung Quốc và Liên bang Nga, đồng thời kêu gọi các nước hợp tác khi xét tới yếu tố an ninh của họ. Đấy là phong thái đàm phán của Chính quyền Trump.

- Nếu chỉ nhìn vào nguy cơ chiến tranh mậu dịch thì ta quên nguy cơ chiến tranh thật: thà cãi nhau về xuất nhập khẩu còn hơn bắn nhau thật. Vả lại nếu chiến tranh mậu dịch bùng nổ thì Hoa Kỳ vẫn giữ thế mạnh vì cần xuất khẩu ít khi các nước đều cần bán hàng cho một thị trường có sức tiêu thụ cao nhất, là điều chúng ta đã nói tới. Có lẽ Bắc Kinh hiểu ra sự thể phũ phàng ấy rõ ràng hơn các quốc gia kia.

Trung Quốc trong tầm ngắm của Hoa Kỳ

Nguyên Lam: Ông vừa nói ra một điều có lẽ bất ngờ cho thính giả của chúng ta. Tại sao ông cho rằng Bắc Kinh hiểu ra lập trường của Hoa Kỳ hơn nhiều xứ kia?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thứ nhất, lãnh đạo Bắc Kinh biết là họ vẫn can thiệp vào quản lý kinh tế chứ không theo quy luật thị trường như đã cam kết. Thứ hai, là đối thủ muốn cạnh tranh và vượt Hoa Kỳ về cả an ninh lẫn kinh tế, họ theo dõi đối sách của Mỹ dưới sự lãnh đạo của Chính quyền Donald Trump. Họ thấy và có lẽ cũng được giới chức kinh tế tài chính Mỹ cho biết rằng từ cả năm nay, Chính quyền Trump đã chuẩn bị gây áp lực rất nặng trên ba bình diện. Thứ nhất, về an ninh thì tận dụng Khoản 232 của Đạo luật Thương mại Mở rộng năm 1962 để áp thuế mà khỏi cần Quốc hội cho phép, đó là chuyện nhôm thép. Thứ hai, về mậu dịch thì viện dẫn Khoản 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 để đòi trả đũa Trung Quốc tội ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ và bắt doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao công nghệ và dùng công nghệ lấy được của Mỹ để đánh Mỹ. Thứ ba là sẽ kiểm soát việc đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào thị trường Mỹ theo lối “ăn miếng trả miếng”, tức là doanh nghiệp Mỹ mà đầu tư vào Trung Quốc bị áp chế thế nào thì doanh nghiệp Trung Quốc vào thị trường Mỹ cũng bị kiểm soát theo cùng một chế độ. Sau cùng, gần đây nhất, Chính quyền Trump còn quyết định hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 60 tỷ Mỹ kim để thu hẹp số khiếm hụt mậu dịch. Hàng loạt biện pháp dồn dập ấy đều nhắm vào Trung Quốc hơn là các nước bạn hàng khác của Hoa Kỳ.

Nguyên Lam: Khi thấy rõ động thái đó của Chính quyền Hoa Kỳ, lãnh đạo của Bắc Kinh đã làm những gì thưa ông?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đương lúc dầu sôi lửa bỏng, lãnh đạo Trung Quốc gửi Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì, là cựu Bộ trưởng Ngoại giao nay chỉ đạo ngành ngoại giao và hồ sơ Đài Loan, bay qua Mỹ vận động mà không có kết qủa. Rồi một trí thức thân tín của Tập Cận Bình là kinh tế gia Lưu Hạc, người vừa lên làm Phó Thủ tướng cũng qua Mỹ giải tỏa sức ép ngoại thương mà ra về tay không. Sau đó, nhân vật sát cánh với lãnh tụ Tập Cận Bình là Vương Kỳ Sơn không chỉ lên làm Phó Chủ tịch mà còn đảm nhiệm thêm cả hồ sơ kinh tế với Hoa Kỳ. Tức là Bắc Kinh coi Mỹ là ưu tiên. Sau cùng, hôm qua, khi kết thúc hai tuần họp của Quốc hội để hợp thức hóa quyết định của đảng, Tổng lý Quốc vụ viện là Thủ tướng Lý Khắc Cường lại có lời hòa dịu với Mỹ là nên đàm phán để tránh chiến tranh mậu dịch giữa đôi bên. Vì vậy, tôi nghĩ là Chính quyền Trump chỉ dàn cảnh chiến tranh mậu dịch để đàm phán với từng nước trên cơ sở của quyền lợi an ninh hỗ tương, chứ trọng tâm vẫn nhắm vào Trung Quốc vì lý do an ninh lẫn kinh tế do hiểu được văn hóa chính trị của Bắc Kinh là “mềm nắn, rắn buông”. Các nước khác, kể cả Việt Nam, cứ theo đó mà tính toán lợi hại....

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.