Kinh tế Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc
2018.07.02
Biến động gần đây tại Việt Nam khiến dư luận khắp nơi quan tâm đến tình trạng lệ thuộc của kinh tế Việt Nam vào một nước láng giềng có tham vọng bành trướng là Trung Quốc. Diễn đàn Kinh tế sẽ đi sâu hơn vào hiện tượng lệ thuộc đó…
Tính chất công cụ
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, dù nhà cầm quyền Việt Nam đã tạm hoãn việc Quốc hội biểu quyết Dự luật về ba Đặc khu Tự trị là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, người ta vẫn lo ngại về tình trạng lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào một quốc gia láng giềng không che giấu tham vọng của họ là Trung Quốc. Theo dõi chuyện đó, Nguyên Lam thấy là cách nay đúng bốn năm, cũng vào đầu Tháng Bảy năm 2014, ông nói đến một khái niệm ít ai để ý là tính chất "công cụ" của nền kinh tế Việt Nam cho Trung Quốc. Bây giờ, Ban Việt ngữ xin yêu cầu ông phân tích lại chuyện này cho rõ.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khởi đi từ phạm trù kinh doanh khi chi nhánh của một tập đoàn bảo hiểm hay ngân hàng trở thành công cụ cho doanh nghiệp mẹ - gọi theo Anh ngữ là “captive company” - tôi trình bày tính chất công cụ qua nhiều lớp của một nền kinh tế bị lệ thuộc vào nhà nước, nhà nước lệ thuộc vào một đảng độc quyền và các đảng viên cán bộ. Chuyện tai hại không chỉ là các nhóm lợi ích chồng chéo làm kinh tế đi theo định hướng lệch lạc mà là khi đảng độc quyền đó lại lệ thuộc vào một đảng độc quyền khác của một quốc gia láng giềng. Khi ấy, nói về “nền kinh tế công cụ”, tôi dự báo điều có thể xảy ra và quả thật là đang xảy ra. Bây giờ, ta nên nhìn lại và phân tích sâu xa hơn vào nguyên nhân để thấy ra tương lai dĩ nhiên là đáng lo ngại cho Việt Nam.
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin đề nghị ông đi từ những nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì tiết mục chuyên đề của chúng ta tập trung vào lĩnh vực kinh tế, tôi xin miễn nói về các nguyên nhân chính trị thuộc về lịch sử của hai đảng Cộng sản láng giềng đã có quan hệ gần như huyết thống hay mẹ con.
- Nói riêng về kinh tế, sau khi đổi mới, Việt Nam đã có cơ hội vượt thoát mà sau lại trôi về chốn cũ là cứ lệ thuộc vào Trung Quốc, từ tư tưởng, thể chế đến sách lược kinh tế, nên tình trạng công cụ càng được củng cố. Tôi xin khởi đi từ đó….
Tính chất công cụ của nền kinh tế là một xoáy ốc kỳ lạ như các con búp bê rỗng ruột của Nga mà cốt lõi là đảng lồng trong nhà nước và thân tộc.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Lãnh đạo Việt Nam vẫn sống trong không gian hai chiều Nam-Bắc, làm gì cũng nhìn lên phương Bắc mà chẳng thấy ra nhiều hướng khác của thế giới, và tai hại nhất là không thấy tương lai của xứ sở là trí tuệ của người dân qua giáo dục và đào tạo. Đấy mới là tài nguyên đích thực, không nên đo ở số lượng tiến sĩ giấy.
- Khi nhìn ra thế giới thì họ không học hỏi mà chỉ muốn dân lao động đem sức lực hơn trí tuệ làm gia công cho ngoại quốc nhờ ưu thế nhất thời là lương rẻ để xuất khẩu ra ngoài. Giới đầu tư kế cận, tại Trung Quốc, sẵn sàng nhảy vào đó, họ góp vốn bằng thiết bị và công nghệ lỗi thời vì năng suất kém mà ô nhiễm cao. Và họ nống giá cho ta ôm về những kỹ thuật giết người, trước hết là giết dân mình. Việt Nam có vài chục dự án thuộc loại tự sát đó.
- Thứ hai, tính chất công cụ của nền kinh tế là một xoáy ốc kỳ lạ như các con búp bê rỗng ruột của Nga mà cốt lõi là đảng lồng trong nhà nước và thân tộc. Vì đảng quy định qua Hiến pháp rằng “đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân” mà lại “do nhà nước thống nhất quản lý”, đảng viên cán bộ lấy đất của dân với giá bèo để làm giàu cho họ trong thế liên doanh tai hại ấy. Từ đó mới có các nhóm lợi ích với chủ trương tiến hành sách lược công nghiệp tội nghiệp, trong khi giới đầu tư Trung Quốc được ưu đãi để chiếm vị trí chiến lược nhất về an ninh trên lãnh thổ Việt Nam. Giới chuyên gia quốc tế chỉ thấy sai lầm của sách lược sử dụng đòn bẩy là đầu tư nước ngoài, chuyên gia Trung Quốc thì nhìn xa hơn và biết khai thác thể chế tham ô của Việt Nam cho quyền lợi của họ.
Chiến lược tăng trưởng
Nguyên Lam: Như vậy, thưa ông, phải chăng sai lầm khởi đi từ chiến lược phát triển kinh tế do lãnh đạo Việt Nam đề ra khi tìm đòn bẩy là đầu tư nước ngoài trong khi đầu tư của Trung Quốc lại dùng ngay đòn bẩy đó cho quyền lợi của họ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi không nghĩ rằng lãnh đạo Việt Nam có “chiến lược phát triển” mà mới chỉ học chiến lược tăng trưởng, chứ phát triển đòi hỏi phẩm chất là cái mà Việt Nam chưa hề có và cũng chẳng học được gì của xứ khác.
- Theo dõi các thống kê, dù chưa khả tín lắm, ai cũng thấy đầu tư ngoại quốc ăn lời lớn nhờ nhân công của ta và sẽ rút chạy qua nơi nào có nhân công rẻ hơn, hoặc có công nghệ sản xuất cao hơn, là điều đang xảy ra! Thí dụ như khi người máy tự động trong ngành dệt sợ may mặc xuất hiện nhiều hơn, trường hợp SewBots đã thấy, thì Việt Nam sẽ tắt thở. Đó là chuyện chung, khi Việt Nam để kinh tế quá lệ thuộc vào nước ngoài qua xuất nhập khẩu, với một tỷ lệ nguy hại như tự sát.
- Riêng về Trung Quốc thì đấy là sự tàn sát. Doanh nghiệp ngoại quốc, như Mỹ, Nhật, Nam Hàn hay Đài Loan, v.v… còn có tiêu chuẩn phải ít nhiều tuân thủ về môi sinh hay lao động. Doanh nghiệp Trung Quốc thì không, và có biệt tài xuất khẩu ô nhiễm sau khi đã tàn phá lãnh thổ của họ. Nhà thầu của họ vào Việt Nam như bậc thầy vì đặc tính công cụ chính trị ở trên, lại có tư thế là nhà băng cho vay với điều kiện dễ dãi và dễ chia chác, để thực hiện dự án hạ tầng, nguyên vật liệu và năng lượng. Môi sinh bị ô nhiễm vì xài công nghệ phế thải thì dân Việt Nam ráng chịu, như chúng ta thấy tại Tây Nguyên hay Hà Tĩnh và qua vài chục dự án khác. Quen chửi Chính quyền Donald Trump của Hoa Kỳ trong mâu thuẫn với Bắc Kinh, mấy ai thấy là 90% lượng thép Việt Nam bán cho Mỹ lại là thép dư dôi của Trung Quốc được biến hóa thành sản phẩm của Việt Nam? Khi Việt Nam bị Mỹ áp thuế nhập nội thì đấy cũng là cái tội từ Hà Nội lồng tới Bắc Kinh!
Nguyên Lam: Ông nhắc đến tai họa của Trung Quốc tại Tây Nguyên của Việt Nam thì có lẽ nhiều thính giả của chúng ta đã quên hoặc ít biết tới. Xin đề nghị ông nhắc lại chuyện này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ai khuyên Việt Nam trở thành một đại gia về thép trong khi xứ này chẳng có quặng sắt là nguồn tài nguyên lớn như Úc hay Brazil? Đặc tính công cụ cho Bắc Kinh có thể trả lời câu hỏi đó! Việt Nam sản xuất thép thì cần quặng, cần điện và cần đầu tư với quy mô lớn quá sức mình. Nhưng có Trung Quốc thì mọi sự trở thành dễ dàng: công nghệ khai thác quặng sắt và nhà máy điện chạy bằng than với nhược điểm gây ô nhiễm là những gì họ cung cấp. Còn chuyện lỗ lã hay môi trường sinh sống bị hủy diệt thì đấy là vấn đề của Việt Nam. Vì Trung Quốc, Việt Nam không chỉ có tai họa tại Tây Nguyên từ mấy năm trước mà còn mắc nạn tại Hà Tĩnh với mỏ Thạch Khê nằm sâu dưới mực nước biển.
Tai họa Trung Quốc
Nguyên Lam: Thưa ông, nhiều quốc gia đang phát triển cũng có thể gặp bài toán đó, Việt Nam có thể nào thoát được không? Là một chuyên gia tư vấn, ông thấy Việt Nam cần làm những gì để thoát khỏi tình trạng lệ thuộc đó?
Các nước thành công đều có giáo dục, đào tạo và đại học có đẳng cấp để biết tiếp thu công nghệ thay vì dùng bắp thịt làm ra các mặt hàng của thiên hạ với giá rẻ cho dễ xuất khẩu. Sau đó các nước không gian lận, ăn cắp hay ăn cướp, để thụ đắc công nghệ mới như Trung Quốc, là điều nay đã thành mười mươi rõ ràng khi bị Hoa Kỳ và Liên Âu khiếu nại với Tổ chức Thương mại Thế giới.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nhiều quốc gia đã gặp bài toán đó với Trung Quốc, như Sri Lanka, Pakistan, Miến Điện hay Malaysia, nhưng người dân có thể lên tiếng phản đối, người dân Việt Nam thì bị đàn áp cũng vì cái lý do công cụ ghê tởm đó.
- Nhìn rộng ra ngoài, ta thấy các nước đi sau đều học các nước tiên tiến nhưng phải có ý thức độc lập và tự cường. Ý thức đó bắt đầu từ giáo dục rối đến đào tạo để nâng trình độ khoa học kỹ thuật cho người dân, trước tiên là ở cấp trung tiểu học để đa số đều có hiểu biết tối thiểu về đất nước và thế giới. Bước kể tiếp, thuộc thế hệ có trách nhiệm là dám bung ra ngoài để học hỏi kiến năng, là kiến thức và khả năng thực hiện. Trăm năm qua, Việt Nam chưa giải quyết xong bài toán đó thì lao vào chiến tranh và tàn phá. Ngày nay, ai có nhiệm vụ về kinh tế và kế hoạch cần đi học và đi mua công nghệ hay thuật lý của thiên hạ hoặc thuê chuyên gia ngoại quốc làm tư vấn cho mình. Mục tiêu là trong một thời hạn nhất định thì phải có sản phẩm của mình với giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao hơn.
- Các nước Nhật, Nam Hàn và Đài Loan đều trải qua giai đoạn học hỏi đó và trong chừng mực nhất định đều tìm cách bảo vệ thị trường chủ yếu và công nghệ non yếu của họ, nhưng thành công vì tôn trọng thị trường, xây dựng dân chủ và nhất là để tư doanh giữ thế quyết định trong khi nhà nước đảm nhiệm chức năng phối hợp và yểm trợ nhưng thường xuyên bị kiểm tra. Trung Quốc và Việt Nam thì thiếu các điều kiện cơ bản trên, duy trì chế độ độc đảng, quy chế phi thị trường, và thế chủ đạo của hệ thống quốc doanh trên đầu tư doanh, cho nên họ chỉ ăn cắp lẫn nhau và vì vậy mà thiếu bền vững. Đây là ta chưa nói đến chuyện mắc nợ!
Nguyên Lam: Ông vừa nêu ra một ý kiến là các nước Đông Á đã thành công như Nhật Bản, Nam Hàn hay Đài Loan đều cũng tìm cách bảo vệ các khu vực non yếu lúc ban đầu. Ông giải thích thêm về chuyện ấy được không vì nó có vẻ tương tự như Trung Quốc và Việt Nam.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thương mại thế giới thật ra muôn hình vạn trạng và bị nhiều yếu tố chi phối chứ không đồng hạng và đơn giản như lý thuyết về tự do mậu dịch, là điều được coi là lý tưởng kể từ sau Thế chiến II. Thực tế thì xứ nào - kể cả các nước công nghiệp hóa như Âu, Mỹ, Nhật - cũng có một số khu vực được bảo vệ theo lý luận bảo hộ mâu dịch vì lý do kinh tế chính trị ở bên trong.
- Nói về các nước Đông Á đi sau, họ cũng trải qua giai đoạn học hỏi và tiếp thu công nghệ mới, trước đó chưa có, để có được những sản phẩm nội địa. Bước đầu thì phải giúp các sản phẩm đó thành công trong thị trường nội địa, tới độ từ chối đầu tư nước ngoài vào các thị trường non yếu này. Bước kế tiếp mới là mở rộng thị trường ra ngoài qua cạnh tranh để có phần thị trường cao hơn và muốn vậy thì phải tuân thủ quy luật cạnh tranh của các nước khác. Tiến trình tiếp cận đó xảy ra một cách thường trực và phức tạp nên cần thương thuyết và hiệp ước. Then chốt ở đây là học công nghệ mới để có sản phẩm với giá trị kinh tế cao hơn.
- Các nước thành công đều có giáo dục, đào tạo và đại học có đẳng cấp để biết tiếp thu công nghệ thay vì dùng bắp thịt làm ra các mặt hàng của thiên hạ với giá rẻ cho dễ xuất khẩu. Sau đó các nước không gian lận, ăn cắp hay ăn cướp, để thụ đắc công nghệ mới như Trung Quốc, là điều nay đã thành mười mươi rõ ràng khi bị Hoa Kỳ và Liên Âu khiếu nại với Tổ chức Thương mại Thế giới.
- Khác biệt nữa là sau khi có công nghệ mới, Trung Quốc tìm cách cải tiến và cải tiến được, còn Việt Nam thì không. Cho nên Việt Nam nhặt lại công nghệ lỗi thời của xứ láng giềng trong thân phận công cụ bị lệ thuộc. Vì vậy, tôi cho rằng nếu muốn thoát Tầu thì Việt Nam cần sửa từ cái đầu, về chính trị là ra khỏi nạn độc đảng, và về văn hóa là làm một cuộc cách mạng thật về giáo dục.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích đau lòng này.