Thượng đỉnh Copenhagen: trông đợi gì ở Tổng thống Obama

Chiều thứ Năm 17-12, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã lên đường đi Copenhagen dự Thượng Đỉnh Khí Hậu Toàn Cầu.

0:00 / 0:00

Thế giới trông chờ

Khi chiếc Air Force One đáp xuống phi trường Copenhagen vào sáng Thứ Sáu, có lẽ Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama cũng vừa thức giấc sau chuyến bay kéo dài 7 giờ đồng hồ. Đứng đón ông ở chân cầu thang vẫn là Trưởng Ban Nghi Lễ Bộ Ngoại Giao Đan Mạch, và trên trời những chiếc trực thăng được phái bảo vệ cho nhà lãnh đạo Mỹ đang đua nhau bay lượn.

Đây không phải lần đầu tiên ông Obama đến thăm Bắc Âu. Cách đây chỉ hơn một tháng ông đã có mặt ở thành phố này, cũng đến dự hội nghị ở Bella Center. Nhiệm vụ của ông lúc đó là vận động xin phiếu cho thành phố Chicago đăng cai Olympic 2016. Cuộc vận động đó không thành công, ông cùng Đệ Nhất Phu Nhân Michelle rời Copenhagen với nỗi thất vọng không nhỏ.

Thế giới đang trông chờ ở ông Obama và mong ông Obama đừng làm thế giới thất vọng.

Ô.Quarmrul Islam Chowdhury

Lần này ông trở lại để dự Thượng Đỉnh Khí Hậu Toàn Cầu. Trong số 110 nguyên thủ hay lãnh đạo chính phủ các nước có mặt ở hội nghị, ông vẫn là người được chú ý đến nhiều nhất.

Họ chú ý đến ông vì nhiều lý do khác nhau, từ chuyện nhà lãnh đạo Mỹ là nhân vật đang nổi bật nhất của chính trường thế giới hiện giờ cho đến niềm hy vọng mà các nước đang phát triển đặt vào Washington, mong vị Tổng Thống Hoa Kỳ đưa ra lời cam kết giúp các quốc gia này thực hiện những dự án chống lại hiện tượng mặt đất ấm dần.

Với các nước công nghiệp Châu Âu, họ cũng hy vọng ông Obama sẽ hứa hẹn cắt giảm lượng khí thải nhiều hơn, để làm gương cho các quốc gia khác noi theo.

Chính vì thế, trong lúc chờ đợi sự xuất hiện của Tổng Thống Mỹ, Đức Giám Mục Desmond Tutu từng chiếm Khôi Nguyên Nobel Hòa Bình nói với báo chí rằng thế giới chỉ có lối thoát duy nhất là phải bắt tay nhau hành động ngay tức khắc để cứu mặt đất.

Cả thế giới đang trông chờ vào Thượng Đỉnh Khí Hậu Toàn Cầu ở Copenhagen, hy vọng các nhà lãnh đạo đạt được kết quả cụ thể. Chúng ta không còn thì giờ nữa. Bây giờ là lúc hoặc làm hoặc trái đất sẽ bị hủy diệt.

Trưởng đoàn đại biểu Bangladesh là ông Quarmrul Islam Chowdhury đưa ra phát biểu nói rằng: bảo là thế giới đang chờ kết quả Thượng Đỉnh Copenhagen cũng không sai, nhưng nếu muốn nói rõ hơn, cụ thể hơn, thì phải bảo là "thế giới đang trông chờ ở ông Obama và mong ông Obama đừng làm thế giới thất vọng".

Quan điểm của ông trưởng đoàn Bangladesh được sự ủng hộ của các đoàn đại biểu khác, điển hình là phát biểu của ông Damon Moglen, đại diện cho Tổ Chức Bảo Vệ Môi Trường Green Peace. Ông Moglen nói rằng cái đinh của Thượng Đỉnh Copenhagen vẫn là nước Mỹ, và tiêu biểu cho Hoa Kỳ chính là nhà lãnh đạo Obama.

Lịch sử chứng minh cho thấy nước Mỹ là nước thải CO2 nhiều nhất, nên phải nhận lãnh phần lớn trách nhiệm về hiện tượng khí hậu toàn cầu biến đổi, mặt đất đang ấm dần.

Ở Thượng Đỉnh, nhà lãnh đạo nước Mỹ phải cho thế giới thấy Washington sẵn sàng cắt giảm phần lớn lượng khí thải đang gây nguy hiểm cho mặt đất, cũng như sẽ đóng góp tài khoản giúp các nước đang phát triển thực hiện những đề án bảo vệ quả địa cầu.

Một đại biểu khác là bà Alicia Montalvo của Tây Ban Nha còn bảo thêm rằng:

"Cả thế giới hy vọng ông Obama sẽ đến Copenhagen với quyết tâm và ý chí chính trị" như "niềm hy vọng ông đã đưa ra khi mở cuộc vận động tranh cử tiến về Nhà Trắng", nhắc lại ngay chính Ủy Ban Tuyển Chọn Nobel Hòa Bình khi quyết định trao giải năm nay cho ông Obama cũng nghĩ đến lời hứa hẹn sẽ thay đổi của Tổng Thống Mỹ, và mong chờ ông chuyển lời hứa sang thành hành động.

Theo bà Alicia Montalvo: "Đã tới lúc ông Obama nên có hành động "cho cả thế giới chứ không chỉ riêng cho Hoa Kỳ", và mong ông "nhận được thông điệp rõ rệt này trước khi lên máy bay rời Washington".

Đã tới lúc ông Obama nên có hành động "cho cả thế giới chứ không chỉ riêng cho Hoa Kỳ.<br/>

Bà Alicia Montalvo

Kỳ vọng Obama

Nhưng liệu ông Obama có đáp ứng được ước mong của thế giới hay không? Đó là câu hỏi mọi người đang nói tới, trước khi chiếc Air Force One chở vị Tổng thống nổi tiếng toàn cầu hạ cánh ở Copenhagen.

Đầu tháng trước, trong bài diễn văn đọc ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, Tổng Thống Obama cho thế giới biết rằng đã đến lúc tất cả mọi quốc gia phải bắt tay nhau để chống lại hiện tượng mặt đất đang ấm dần. Ông phát biểu:

"Những quốc gia như nước Mỹ của chúng tôi là các nước có lượng khí thải cao nhất, và phải đặt ra chỉ tiêu cắt giảm rõ ràng. Tất cả những nước đang phát triển cũng phải tìm cách giảm bớt lượng khí thải, và phải được giúp đỡ bằng viện trợ cũng như kỹ thuật để làm công tác này."

Nhưng có thể ông Brack Obama sẽ không đáp ứng được đòi hỏi của thế giới. Theo hiến pháp Hoa Kỳ, tất cả các hiệp định thư ký kết với nước ngoài đều phải được Thượng Viện Liên Bang chuẩn thuận, và hiện giờ các Nghị Sĩ Mỹ không ủng hộ mức cắt giảm khí thải mà EU cũng như các nước khác mong Hoa Kỳ sẽ gật đầu.

Theo đề nghị của EU, nước Mỹ phải hứa cắt giảm ít nhất 30% tổng số khí CO2 thải ra hàng ngày, trong khi Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ bắn tiếng cho hay không thể chấp nhận đòi hỏi quá cao đó.

Ý kiến của Quốc Hội Mỹ cũng như của Nhà Trắng là Hoa Kỳ chỉ có thể giảm 17% so với chỉ tiêu đã đề ra 5 năm trước đây, tức chỉ bằng 1/10 con số mà EU đề nghị.

Trước khi Tổng Thống Obama lên đường, Thượng Nghị Sĩ John Kerry cho biết rằng quả thật đã từng có lúc Hoa Kỳ không thi hành những biện pháp bảo vệ môi trường đúng như đòi hỏi, nhưng vị Nghị Sĩ Chủ Tịch Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện cho hay đường lối mà Washington đưa ra cho thấy hai điều: thứ nhất là quyết tâm cùng thế giới bảo vệ địa cầu, và quan trọng hơn nữa là: những kế hoạch nước Mỹ đang làm sẽ bù đắp lại những điều đã không làm trong 10 năm vừa qua.

Vẫn còn nhiều tranh cãi

Điều quan trọng cho 2 ngày sắp tới không phải là chuyện đóng góp tiền vào quỹ như thế nào, mà là làm sao để mọi quốc gia đồng ý với nhau về chương trình hành động trước sự kiện khí hậu mặt đất đang ấm dần lên.<br/>

Bà Hillary Clinton

Nếu phát biểu của Nghị Sĩ Kerry chưa đủ để báo trước cho mọi người biết rằng các chính trị gia Mỹ không muốn thấy ông Obama đưa ra những cam kết không thể thực hiện được, thì phát biểu của Nữ Nghị Sĩ Dân Chủ Lisa Murkowski của bang Alaska nói rõ hơn và mạnh hơn, bảo điều ông Obama cần phải ghi nhớ là đừng bao giờ gây nên tranh cãi chính trị chỉ vì "Tổng Thống đứng một nơi, Quốc Hội đứng một nơi".

Bà Murkowski nói có 3 điều chính quyền Mỹ phải quan tâm, thứ nhất là kế hoạch cắt giảm khí thải sẽ ảnh hưởng thế nào đến công ăn việc làm của người dân Hoa Kỳ, thứ nhì kế hoạch này có khiến giá nhiên liệu tăng hay không, và điểm thứ ba chính là giữa lúc chưa thật sự vượt qua suy thoái, cắt giảm khí thải có tạo thêm khó khăn cho nền kinh tế của nước Mỹ hay không.

Một Nghị Sĩ Dân Chủ khác là ông John Rockerfeller cũng lên tiếng cảnh báo ông Obama, nói rõ "những bang sản xuất than đá ở Mỹ không muốn thấy Tổng Thống vội vã hứa hẹn những điều mà quốc gia không thể nào thực hiện được".

Theo ông Nghị Sĩ đại diện cho bang West Virginia có nhiều hầm mỏ thì sớm nhất là năm 2020, Hoa Kỳ mới có thể tung ra thị trường loại than ít khói chứa CO2 hơn.

Không chỉ phía Dân Chủ mà ngay chính bên đảng Cộng Hòa cũng vậy. Một phái đoàn các đại biểu Cộng Hòa đã có mặt ở Copenhagen từ đầu tuần, với mục đích ngăn cản không cho ông Obama đưa ra những lời cam kết quá đà, và nói cho thế giới biết trước rằng người dân Hoa Kỳ không bao giờ chấp nhận những hứa hẹn của ông với thế giới, nếu những lời hứa hẹn này đi ngược lại với quyền lợi của nước Mỹ.

Nếu mục tiêu cắt giảm tới 30% khí thải mà EU và các nước khác mong chờ ông Tổng Thống Mỹ cam kết sẽ khó có thể xảy ra, thì lời hứa hẹn sẽ viện trợ giúp các nước đang phát triển bảo vệ môi trường có được thực hiện hay không?

Hôm qua, bà Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton cho hay Washington sẽ mở cuộc vận động để từ nay đến năm 2020 có được 100 tỷ dollars giúp các nước nghèo thực hiện các dự án cần làm, và mỗi năm nước Mỹ sẽ góp vào quỹ 100 triệu dollars.

Nhưng bà Ngoại Trưởng Clinton cũng cho biết: "Điều quan trọng cho 2 ngày sắp tới không phải là chuyện đóng góp tiền vào quỹ như thế nào, mà là làm sao để mọi quốc gia đồng ý với nhau về chương trình hành động trước sự kiện khí hậu mặt đất đang ấm dần lên."

Điều bà Clinton vừa nêu đi kèm với số tiền Hoa Kỳ hứa đóng góp là một trở ngại nữa mà ông Obama phải đối phó khi đặt chân đến Copenhagen. Các quốc gia đang phát triển nói rằng 100 tỷ dollars Hoa Kỳ hứa vận động là khoản tiền quá nhỏ cho một công tác quá lớn, và cả số tiền 100 triệu Hoa Kỳ hứa góp hàng năm cũng là khoản tiền quá bé đối với một cường quốc mỗi năm thải ra một lượng khí CO2 khổng lồ.

Nói cách khác, khi chiếc Air Force One chưa đáp thì thế giới vẫn tiếp tục trông chờ vào ông Obama. Vài giờ đồng hồ nữa, mọi người sẽ nghe ông đọc bài phát biểu quan trọng ở Thượng Đỉnh, và nếu không có bất ngờ giờ chót, có lẽ những gì ông Obama thay mặt nước Mỹ để hứa hẹn chỉ là những con số rất bé so với hy vọng quá lớn mà thế giới đã và đang chờ đợi nơi ông.