Chính sách của Hoa Kỳ tại Afghanistan

Dư luận thế giới vẫn chờ đợi quyết định của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama trước yêu cầu được tăng thêm quân phục vụ tại chiến trường Afghanistan, trong khi đó người dân Afghanistan cũng chờ kết quả cuộc bầu cử Tổng Thống có thể sẽ được thông báo vào cuối tuần này.
Nguyễn Khanh, biên tập viên RFA
2009.10.18
Murtazashvili-305.jpg Hình TS Jennifer Brick Murtazashvili chụp ở Afghanistan
Photo courtesy of Dr. Murtazashvili

Chính sách của Hoa Kỳ, những khó khăn của chiến trường và trông đợi của người dân Afghanistan là đề tài Ban Việt Ngữ chúng tôi chọn gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Thời Sự Hàng Tuần.

Khách mời là Tiến Sĩ Jennifer Brick Murtazashvili, từng điều hành quỹ viện trợ phát triển dân chủ của Hoa Kỳ dành cho Uzbekistan, và là cố vấn của UNDP giúp thành lập quốc hội cho Afghanistan sau ngày chính quyền Taliban bị lật đổ. Bà mới ttừ Afghanistan trở lại Hoa Kỳ, nhận lời mời giảng dậy môn chính trị và bang giao quốc tế ở Đại Học Pittsburgh Universiry, bang Pennsylvania. Cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện, phần chuyển ngữ do Việt Hà đọc.

Có nên đưa thêm quân?

Nguyễn Khanh: Theo Bà, Tổng Thống Obama có nên đưa thêm quân vào Afghanistan hay không?

TS Murtazashvili: Tôi nghĩ là nếu quyết tâm muốn chiến thắng cuộc chiến và muốn diệt Taliban, Tổng Thống Obama phải đưa thêm quân sang chiến trường Afghanistan và ông phải làm điều này thật sớm, bởi vì tình hình tại chỗ. Người dân Afghanistan đang mất dần kiên nhẫn, người dân Afghanistan cũng chẳng dại dội gì mà ủng hộ Taliban. Họ sợ Hoa Kỳ và các nước đồng minh khác không quyết tâm giúp họ đánh bại quân Taliban.

Tôi nghĩ là nếu quyết tâm muốn chiến thắng cuộc chiến và muốn diệt Taliban, Tổng Thống Obama phải đưa thêm quân sang chiến trường Afghanistan và ông phải làm điều này thật sớm.

TS Murtazashvili

Nếu có mặt ở Afghanistan để có dịp hỏi han, nói chuyện trực tiếp với dân chúng địa phương nhất là những người sống ở thôn quê hẻo lánh, hay ngay chính những người đang cư ngụ ở thủ đô Kabul và những thành phố lớn, ông sẽ thấy ngay tại sao họ sợ hãi. Một là hợp tác với Mỹ, hai là phải chia sẻ tin tức cho Taliban. Đương nhiên chẳng ai muốn hợp tác với Taliban, nhưng mặt khác họ cũng sợ là quân Mỹ sẽ rút khỏi chiến trường, không ở lại lâu với họ. Chỉ liên lạc với binh sĩ Hoa Kỳ và đồng minh thôi là bị chúng trả thù, bị chúng giết ngay. Đó là lý do tại sao người dân Afghanistan sợ hãi quân Taliban.

Nếu ở trong tình huống đó, ông sẽ làm gì? Nên nhớ người dân Afghanistan không ủng hộ Taliban, mà họ sợ bọn Taliban, sợ Hoa Kỳ không thật lòng muốn giúp họ.

Nguyễn Khanh: Nhưng hồi 1968 các tướng lãnh Mỹ cũng yêu cầu đưa thêm quân vào chiến trường Việt Nam, bây giờ ở năm 2009 các tướng lãnh cũng xin thêm quân vào Afghanistan. Thưa Bà, tăng quân thôi có đủ chưa?

TS Murtazashvili: Tôi không chắc tăng thêm quân là đã đủ. Cuộc chiến Afghanistan có nhiều điểm giống cuộc chiến Việt Nam, nhưng điều khác biệt là trong thời gian bảy hay tám năm qua, người dân Afghanistan hoan nghênh những nỗ lực mà quân đội Mỹ cũng như quân đội đa quốc đã làm trên lãnh thổ đất nước họ. Nên tôi thấy ông Obama có lợi thế hơn những vị Tổng Thống trước đây.

Nguyện vọng của người dân Afghanistan

Nguyễn Khanh: Chẳng bao lâu trước đây Bà đã có mặt ngay tại Afghanistan. Người dân xứ đó bảo Bà là họ cần những gì, họ mong những gì?

TS Murtazashvili: Điều đầu tiên và cũng là điều quan trọng nhất là người dân Afgfhanistan mong có an ninh. Trong khoảng thời gian 1 năm rưỡi tiếp xúc với những người sinh sống ở những vùng hẻo lánh, xa xôi, hỏi họ câu các ông bà cần gì, thì hầu hết đều bảo họ muốn có an ninh. Đó là điều họ trông chờ từ chính phủ của họ, trông chờ từ phía Hoa Kỳ, từ quân đội Mỹ và quân đội của các những quốc gia khác.

Nên nhớ người dân Afghanistan không ủng hộ Taliban, mà họ sợ bọn Taliban, sợ Hoa Kỳ không thật lòng muốn giúp họ.

TS Murtazashvili

Điều tôi buồn cười nhất là đọc những bài báo phổ biến ngay ở Hoa Kỳ với nội dung là tăng thêm quân sẽ khiến dân chúng Afghanistan bực tức, khiến số người chống Mỹ tăng cao hơn. Điều này đi ngược hẳn với những gì tôi được nghe tận tai thấy tận chỗ. Người dân Afghanistan rất sợ Talian, họ bảo với tôi là đúng lúc Taliban còn nắm quyền thì an ninh được đảm bảo, nhưng đó là thứ an ninh ai ở nhà nấy, chẳng ai dám ra đường. Bây giờ họ được tự do hơn nhiều, và họ đòi hỏi phải có thêm cảnh sát, thêm binh lính giúp bảo vệ an ninh cho họ.

Họ cũng muốn được hưởng những tiện ích công cộng. Một trong những thất bại của Hoa Kỳ là không có kế hoạch phân phối tiện ích đồng đều và nhiều khi cung cấp cho dân chúng những thứ mà họ không cần.

Nguyễn Khanh: Còn chính phủ của họ thì sao? Ông Hamid Karzai có phải là người họ mong đợi hay tin tưởng không?

TS Murtazashvili: Câu hỏi của ông khó quá!!! Tôi nghĩ rằng kết quả cuộc bầu cử tổng thống sẽ trả lời câu hỏi của ông. Hiện dư luận đang sôi nổi về những cáo buộc gian lận bầu cử và nhiều khi chính cá nhân tôi cũng tự hỏi cuộc bầu cử được tổ chức để làm hài lòng dư luận Hoa Kỳ và Tây Phương, hay là để làm hài lòng người dân Afghanistan.

Ông nên nhớ là khác với dân Tây Phương, người dân Afghanistan không kỳ vọng nhiều vào chính phủ. Ông Karzai có phải là người dân chúng trông chờ không? Đó là câu hỏi quá khó. Ông ta quả có một số điểm kém, như chính phủ của ông là một chính phủ tham nhũng, cuộc bầu cử thì gian lận. Nhưng không rõ kết quả cuộc bầu cử như thế nào, liệu người dân Afghanistan có dùng lá phiếu để bày tỏ quan điểm chính trị của họ hay không?

Cuộc bầu cử Tổng Thống

Nguyễn Khanh: Về cuộc bầu cử thì mặc dù kết quả chính thức chưa được công bố, nhưng tôi nghe nói là Nhà Trắng và NATO dường như đã chấp nhận tiếp tục làm việc với ông Karzai, không tính đến chuyện cần thiết phải tổ chức bầu cử vòng nhì, vì có tổ chức thì cuối cùng ông Karzai cũng vẫn thắng. Theo Bà thì chuyện nên giải quyết như thế nào?

TS Murtazashvili: Tôi nghĩ rằng cuộc bầu cử vòng nhì sẽ làm tăng khả năng bùng nổ của một cuộc nội chiến ở Afghanistan, xảy ra giữa lực lượng chính trị ủng hộ ông Karzai và lực lượng chính trị ủng hộ ông Cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao Abdullah Abdullah. Những chuyên gia mà tôi có dịp nói chuyện, tham khảo ý kiến đều nói là thay vì tổ chức bầu cử vòng nhì, nên tìm cách giúp hai ông Karzai và Abdullah đi đến một giải pháp chính trị. Tôi cũng muốn nói thêm là ngay từ đầu chính cộng đồng quốc tế cũng nhìn thấy là khó có thể tổ chức một cuộc bầu cử hợp pháp ở Afghanistan, khi chính phủ nước này vẫn chưa kiểm soát được phần lớn lãnh thổ.

Điều tôi buồn cười nhất là đọc những bài báo phổ biến ngay ở Hoa Kỳ với nội dung là tăng thêm quân sẽ khiến dân chúng Afghanistan bực tức, khiến số người chống Mỹ tăng cao hơn. Điều này đi ngược hẳn với những gì tôi được nghe tận tai thấy tận chỗ.

TS Murtazashvili

Nguyễn Khanh: Một số nhà quan sát bầu cử bảo với tôi là ngay cử tri Afghanistan nghĩ kết quả cuộc bầu chọn Tổng Thống sẽ được quyết định từ Washington, lá phiếu của họ không có giá trị gì cả…

TS Murtazashvili: Tôi nghĩ rằng sai lầm quan trọng xảy ra từ phía Mỹ, từ chính quyền của ông Barack Obama, cộng thêm với sai lầm của phái đoàn đại diện Liên Hiệp Quốc và những tổ chức quốc tế khác đang có mặt tại Afghanistan.

Tất cả đều quên rằng người dân Afghanistan theo dõi rất sát cuộc bầu chọn Tổng Thống ở Iran và họ biết là Washington rất thận trọng bảo là Hoa Kỳ đứng ngoài cuộc bầu cử đó, không can thiệp vào chuyện nội bộ của Iran. Đến khi cuộc bầu cử ở Afghanistan diễn ra, người dân bảo với tôi là họ nghĩ Mỹ không ưa ông Karzai, nhưng rồi dưới hình thức này hay hình thức khác họ thấy sự can thiệp của Hoa Kỳ, của Liên Hiệp Quốc, của thế giới bên ngoài vào chính trường nước họ.

Trước các sự kiện hiển nhiên đó, đương nhiên người dân Afghanistan phải âu lo, và tôi e rằng sự can thiệp của Hoa Kỳ cũng sẽ lộ ra trong những cuộc thương thuyết chính trị giữa hai chính trị gia dẫn đầu cuộc bầu cử là ông Karzai và ông Abdullah.

Nguyễn Khanh: Bà nghĩ hai ông này có thể nói chuyện hay làm việc với nhau được không?

TS Murtazashvili: Được chứ. Ông Abdullah từng 5 năm phục vụ trong chính phủ của ông Karzai. Hai ông chia sẻ với nhau rất nhiều về quan điểm chính trị, về đường lối làm việc, điểm đồng thuận của họ nhiều hơn điểm khác biệt. Thành ra tôi tin là 2 ông có thể ngồi lại làm việc chung với nhau.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn Bà Tiến Sĩ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.