Chính sách ngoại giao của Obama: “kỷ nguyên hợp tác mới”

Trong bài diễn văn đầu tiên tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã vạch ra một chiến lược mới về chính sách ngoại giao của nước Mỹ. Qua đó, ông kêu gọi thế giới cùng với ông xây dựng điều mà ông gọi là “một thời đại hợp tác mới”.

0:00 / 0:00

Chính sách ngoại giao của Washington là đề tài được Ban Việt Ngữ chúng tôi chọn gửi đến quý thính giả, trong khuôn khổ Tạp Chí Thời Sự Hàng Tuần do Nguyễn Khanh phụ trách.

Trước lãnh đạo của 192 quốc gia thành viên Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng đã tới lúc mọi quốc gia nên ngưng những lời chỉ trích thường dành cho Hoa Kỳ mà hãy bắt tay cùng với nước Mỹ để giải quyết các thử thách đến từ nhiều phía, từ ý định chế tạo võ khí hạt nhân của Bắc Hàn và Iran, cho đến cuộc chiến chống khủng bố đang được thực hiện ở Afghanistan, hay tình hình bệnh tật vẫn là hiểm họa cho các châu lục và những khó khăn vì nền kinh tế suy thoái đang gây cản trở cho mức phát triển của mọi quốc gia, hay phải gia tăng nỗ lực bảo vệ môi trường, chống lại hiện tượng mặt đất đang ấm dần.

Cùng gánh vác trách nhiệm

Trước các lãnh đạo những nước đồng minh và thù nghịch, ông Obama đã dùng bài diễn văn đầu tiên đọc trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc để thông báo một chính sách ngoại giao mà ông gọi là “kỷ nguyên hợp tác mới”, trong đó Washington cam kết sẽ bắt tay làm việc chung với tất cả các nước, và đồng thời cũng nói rõ rằng một mình Hoa Kỳ không thể nào gánh vác nổi các thử thách hay trách nhiệm.

"Những ai từng lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ là hành động đơn phương thì giờ đây không thể cứ đứng yên một chỗ và trông chờ nước Mỹ giải quyết mọi chuyện." Ông bảo tiếp: "Chẳng có gì dễ hơn là cứ đổ lỗi cho người khác, nhưng bây giờ đã đến lúc tất cả chúng ta phải chia sẻ trách nhiệm trước những thách thức chung của thế giới."

Những ai từng lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ là hành động đơn phương thì giờ đây không thể cứ đứng yên một chỗ và trông chờ nước Mỹ giải quyết mọi chuyện.

Tổng Thống Barack Obama

Nhà lãnh đạo nước Mỹ nói thêm rằng sự hợp tác cần thiết phải có đó sẽ mở cánh cửa để mọi quốc gia cùng nhau xây dựng “một kỷ nguyên hợp tác mới” dựa trên các căn bản “lợi ích chung và tôn trọng lẫn nhau”.

Ông nhấn mạnh “phải bắt nắm lấy cơ hội” và “phải hành động ngay tức khắc” vì có quá nhiều thử thách cần phải giải quyết cấp thời, không thể trễ nãi, nói thêm “đây là lúc để tất cả mọi người cùng nhận lãnh trách nhiệm để cùng đối phó với thử thách toàn cầu. Nếu tất cả đều thành thật với chính mình thì chúng ta phải nhìn nhận đó là điều xưa nay chưa hề làm”.

Nói cách khác, ông muốn mọi người, mọi chính phủ cùng bắt tay với nhau để làm việc chung, và không ai có thể chờ đợi ai đi bước đầu.

Ông Obama cũng dùng bài diễn văn để chỉ trích thái độ của một số nước thành viên Liên Hiệp Quốc, cho rằng “điều đáng tiếc nhưng chẳng ngạc nhiên là tổ chức này thường trở thành diễn đàn gây chia rẽ thay vì phải tạo dựng được những điểm chung”. Ông cũng kêu gọi lãnh đạo các nước cùng với Hoa Kỳ ngăn chận không để Iran và Bắc Hàn tiếp tục chương trình hạt nhân.

“Nếu chính phủ Iran và Bắc Hàn không đếm xỉa gì đến các điều kiện căn bản của quốc tế, nếu hai chính phủ này tiếp tục đặt chương trình chế tạo võ khí hạt nhân lên trên sự ổn định của khu vực cũng như an ninh và cơ hội cho người dân nước họ, thì chúng ta phải buộc họ nhận lãnh mọi hậu quả.”

Chưa đem lại kết quả

Tám tháng sau ngày tuyên thệ nhậm chức, điều không thể chối cãi được là chính sách ngoại giao của Tổng Thống Barack Obama vẫn chưa đem lại kết quả như ông mong đợi. Một ngày trước khi đọc bài diễn văn nói về kỷ nguyên hợp tác mới, nhà lãnh đạo nước Mỹ không thành công khi thuyết phục Israel và Palestine gặp lại nhau trên bàn đàm phán hòa bình.

Chẳng có gì dễ hơn là cứ đổ lỗi cho người khác, nhưng bây giờ đã đến lúc tất cả chúng ta phải chia sẻ trách nhiệm trước những thách thức chung của thế giới.

Tổng Thống Barack Obama

Ngay trong bài diễn văn được cả thế giới chú ý tới, ông cũng nhìn nhận tìm hòa bình cho vùng Trung Đông là điều “khó khăn”, và ngay cả lời kêu gọi phải bảo vệ mặt đất mà ông đưa ra cũng không dễ thực hiện nếu thế giới không có cùng quyết tâm chính trị.

Các nhà quan sát cho rằng chính sách ngoại giao mới của ông Obama tùy thuộc vào khả năng lãnh đạo mà ông phải thể hiện, đi kèm với khôn khéo ngoại giao mà chính ông phải nắm bắt, cộng chung với tận dụng tối đa cảm tình mà các quốc gia cũng như dân chúng thế giới đang dành riêng cho ông.

Cựu Thứ Trưởng Ngoại Giao Mỹ Strobe Talbott cho rằng bên cạnh lời kêu gọi cùng bắt tay hợp tác đã đưa ra, ông Obama còn phải chứng tỏ bằng hành động cho thế giới thấy Hoa Kỳ không còn đơn phương quyết định mọi chuyện như từng làm dưới thời Tổng Thống George W. Bush, mà chính Washington đã sẵn sàng nắm tay cùng với các nước khác:

“Nói chung thì mọi người đều kỳ vọng ông Obama sẽ lấy lại được uy thế chính trị cho nước Mỹ. Mọi người ai cũng trông chờ ông Obama sẽ làm khác những gì chính phủ George W. Bush đã làm trước đây, tức là không tự quyết định mọi chuyện, mà lắng nghe tiếng nói của nước khác.

Ngay trong vấn đề võ khí hạt nhân, ông Obama cũng không đưa ra thái độ gắt gao với Iran hay với Bắc Hàn, và như ông từng nói ngay từ khi còn tranh cử là ông sẵn sàng thảo luận để tìm một giải pháp tốt đẹp hơn, thay vì cứ đối đầu căng thẳng với nhau.”

Thuyết phục được Nga

Ý kiến của ông Cựu Thứ Trưởng Ngoại Giao Mỹ được thể hiện rõ qua phát biểu của Tổng Thống Nga Dmitry Medvedev. Sau cuộc thảo luận với Tổng Thống Hoa Kỳ, nhà lãnh đạo Nga nói rằng hai ông chia sẻ quan điểm làm thế nào để Iran có thể mở rộng chương trình điện hạt nhân mà không cho Tehran cơ hội để chế tạo loại võ khí giết người.

Trước đây Matxcơva từng lên tiếng chỉ trích việc Washington thường sử dụng giải pháp cấm vận để trừng phạt nước khác, nhưng lần này chính Tổng Thống Nga Mevedev bảo: "Thông thường cấm vận không đem lại kết quả, nhưng đôi khi đó là giải pháp không thể tránh được."

Ngay trong vấn đề võ khí hạt nhân, ông Obama cũng không đưa ra thái độ gắt gao với Iran hay với Bắc Hàn, … ông sẵn sàng thảo luận để tìm một giải pháp tốt đẹp hơn, thay vì cứ đối đầu căng thẳng với nhau.

Cựu TT Ngoại Giao Mỹ Strobe Talbott

Phát biểu của Tổng Thống Nga ngay tức khắc được các nhà quan sát chính trị xem là dấu hiệu cho thấy phía Hoa Kỳ đã sẵn sàng gặp Iran để giải quyết căng thẳng đang xảy ra liên quan đến chương trình chế tạo võ khí hạt nhân mà Tehran theo đuổi từ nhiều năm qua, nhưng đồng thời ông Obama đã thuyết phục được Nga đi chung đường với mình, tức sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn đối với Iran nếu kế sách ôn hòa không đem lại kết quả.

Bỏ cấm vận đối với Miến Điện

Không chỉ với Iran, mà ngay chính sách được áp dụng với chính phủ quân sự Miến Điện cũng sẽ thay đổi, khi Bà Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cho hay có khả năng Washington sẽ giảm bớt hay bỏ hẳn cấm vận đối với Rangoon.

Ngay tức khắc lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi lên tiếng ủng hộ ý kiến này, nói rằng hợp tác trực tiếp để giúp Miến cải tiến dân chủ là điều nên làm, nhưng nhân vật được cả thế giới xem là biểu tượng của cuộc tranh đấu cho dân chủ và tự do của người dân Miến Điện cũng nói đừng quên, chính sách này chỉ đem lại thành công với điều kiện giới lãnh đạo Rangoon phải biết lắng nghe và bày tỏ thiện chí.

Ngay chính những quốc gia nằm trong danh sách thù nghịch với Mỹ cũng lên tiếng bày tỏ hy vọng về chính sách ngoại giao mới mà Tổng Thống Obama đưa ra. Lãnh tụ Gadaffi của Li Băng bảo rằng vui mừng khi nghe ông Obama cam kết kỷ nguyên hợp tác mới, nhưng nước Mỹ nói là một chuyện, làm lại là một chuyện khác:

“Quả thật ông Obama muốn thay đổi, nhưng ông ta chỉ là một phần rất nhỏ trong một guồng máy khổng lồ. Đã thế bây giờ đang làm Tổng Thống thì ông ta hứa như vậy, nhưng chỉ 4 năm hay 8 năm sau khi ông Obama hết làm Tổng Thống, chuyện đâu lại hoàn đấy.”

Giới bảo thủ Cộng Hòa ở Mỹ cũng không hài lòng với chính sách ngoại giao mới của ông Barack Obama. Bài bình luận của nhật báo The Washington Times gọi đó là một chính sách ngoại giao hoàn toàn sai lầm, chỉ trích ông Obama thiếu kinh nghiệm, không đủ khôn ngoan, và chính sách của ông không tạo được vị thế cho quốc gia mà còn đẩy nước Mỹ đến gần với hiểm họa hơn.