Một thử thách cho vai trò hòa bình của thế giới

Hôm nay cuộc chiến Gaza đã bước sang ngày thứ 21, và vẫn chưa có một dấu hiệu nào chứng tỏ trận chiến sẽ kết thúc, hoặc ít nhất, một giải pháp ngưng bắn tạm thời sẽ thành hình.
Nguyễn Khanh, Biên tập viên RFA
2009.01.16

Ngày thứ 21 với hơn 1000 người thiệt mạng

Cuộc chiến không bao giờ ngừng giữa Do Thái và Palestine là đề tài chúng tôi chọn để gửi đến quý thính giả hôm nay.

Lên tiếng với báo chí ngay sau khi đặt chân tới Tel Aviv, ông Ban Ki-moon, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc nói rằng chỉ trong thời gian không đầy 3 tuần lễ, đã có hơn 1,000 người thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị thương. Ông coi đó là thảm trạng đau lòng ở ngay những ngày đầu của năm 2009.

Trong thời gian không đầy 3 tuần lễ, đã có hơn 1,000 người thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị thương.

Tôi rất đau buồn khi nghĩ đến số cả ngàn người chết, mấy ngàn người khác bị thương vì cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza. Đây là những con số không thể chấp nhận được, không thể chịu đựng được.

Tôi tin rằng có những yếu tố để cuộc chiến kết thúc ngay trong lúc này. Đã đến lúc phải ngưng ngay bạo động, để mọi người có thể bắt tay vào việc thay đổi tình huống Gaza và theo đuổi cuộc đàm phán hoà bình với giải pháp 2 quốc gia, và đó là con đường duy nhất cho sự an toàn vĩnh cửu của Do Thái.

Đã từng có người mỉa mai, gọi cuộc chiến Gaza là cuộc chiến dài cả năm rồi vẫn chưa kết thúc. Lý do khiến lời mỉa mai này được đưa ra vì trận chiến bắt đầu từ những ngày cuối năm 2008 kéo dài cho đến bây giờ, tức vào thời điểm giữa tháng Giêng năm 2009 mà vẫn chưa dứt tiếng súng.

Và chỉ nhìn vào những gì mới xảy ra trong 24 giờ qua, mọi người đều có thể dự đoán thảm cảnh đó sẽ không sớm tan. Xe tăng của quân đội Do Thái tiếp tục làm chủ trận chiến và hiện đang trên đường tiến vào trung tâm thành phố Gaza; trước khi mặt trời mọc không quân Do Thái thực hiện hơn 70 vụ oanh kích.

Để đối lại, quân Hamas bắn 17 trái đạn sang những khu dân cư của Do Thái. Cả hai bên đều đặt điều kiện tiên quyết cho cuộc ngưng bắn, phía Hamas buộc Do Thái rút hết quân khỏi Gaza, phía Do Thái buộc Hamas phải ngưng ngay những vụ pháo kích và chuyển lậu võ khí.

Xe tăng của quân đội Do Thái tiếp tục làm chủ trận chiến và hiện đang trên đường tiến vào trung tâm thành phố Gaza; trước khi mặt trời mọc không quân Do Thái thực hiện hơn 70 vụ oanh kích.

Lời lẽ hai bên đưa ra báo hiệu cho thấy cuộc chiến sẽ còn kéo dài, và có nguy cơ bùng nổ lớn hơn nữa. Kẹt giữa hai lằn đạn là 1.5 triệu người Palestine không biết số phận của họ rồi sẽ như thế nào.

Giữa những khó khăn đó, thế giới hoạt động không ngừng nghỉ, nhưng cuộc vận động ngoại giao con thoi liên tục được thực hiện trong suốt gần 3 tuần lễ vừa qua với hy vọng, ít nhất, một hiệp ước ngưng bắn sẽ thành hình, trước khi có thề đi tới một giải pháp hoà bình toàn diện.

Sự hiện diện của ông Tổng Thư Ký Ban Ki-moon tại Trung Đông là một trong những thí dụ. Cùng lúc đó tại Paris, Đặc Sứ Quốc Tế Về Trung Đông Tony Blair và các nhà ngoại giao cao cấp nhất của EU tiếp tục cuộc thảo luận, hy vọng tìm được lối thoát cho cuộc chiến đã bắt đầu bước vào tuần lễ thứ 3.

Sáu quốc gia thuộc tổ chức mang tên Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh cũng có một buổi họp tương tự, và mục tiêu được đặt ra là sẽ đóng góp được gì trong nỗ lực đi tìm hoà bình cho Do Thái và Palestine.

Những tia hy vọng mong manh

Có dấu hiệu nào cho thấy viễn ảnh của hoà bình hay không? Câu trả lời là có, cho dù viển ảnh không mấy sáng. Ông Mark Regev, người phát ngôn của Do Thái nói rằng quả có những động lực thúc đẩy để hai bên thảo luận đi đến ngưng bắn, nhưng đồng thời cũng nói rõ đây không phải là một cuộc ngưng bắn đơn phương và Hamas vẫn phải thực hiện tất cả những đòi hỏi Do Thái đã đưa ra ngay từ lúc đầu.

Chúng tôi hy vọng điều kiện đạt được vẫn là Hamas không tiếp tục pháo kích sang lãnh thổ của Do Thái, và phải ngăn chận, kiểm soát tất cả mọi ngã đường Hamas sử dụng để tiếp tế võ khí vào Gaza.

Đại diện của Do Thái, ông Amos Gilad, đã có mặt ở Ai Cập trong 4 tiếng đồng hồ trước khi quay lại Tel Aviv. Tại đây, ông Gilad đã thảo luận với các viên chức đặc trách tổ chức đàm phán về những phương thức có thể thực hiện để Do Thái và Hamas ngồi xuống nói chuyên với nhau ở cấp thấp, trước khi thực hiện những bước đàm phán xa hơn nữa.

Lời lẽ hai bên đưa ra báo hiệu cho thấy cuộc chiến sẽ còn kéo dài, và có nguy cơ bùng nổ lớn hơn nữa. Kẹt giữa hai lằn đạn là 1.5 triệu người Palestine không biết số phận của họ rồi sẽ như thế nào.

Trong thời gian có mặt tại Cairo ông Gilad không nói gì với đại diện của Hamas, dù các nhà thương thuyết Hamas cũng đang có mặt tại đó.

Một viên chức cao cấp của Gaza là ông Ghazi Hamad nói với  hãng thông tấn AP rằng giới lãnh đạo Lực Lượng Dân Quân Hồi Giáo Hồi Giáo Hamas tin quân đội Do Thái “đang cố bám lấy thành quả quân sự để đòi phần lợi cho cuộc thương thuyết” có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Điều đang được nói đến là đề nghị ngưng bắn 10 ngày do Ai Cập soạn thảo. Theo dề nghị này, Do Thái vẫn tiếp tục đóng quân ngay tại chỗ cho đến khi quốc tế đặc trách bảo vệ an ninh ở các ngã đường tiến vào Gaza, để đảm bảo Hamas không được tiếp tế võ khí từ bên ngoài vào. Nếu đề nghị này được chai bên đồng ý, điều đó có nghĩa là Hamas bỏ hẳn đòi hỏi Do Thái phải rút quân ra khỏi Gaza ngay tức khắc.

Ông Hamad cho rằng đề nghị của Ai Cập có thể được chấp nhận, nhưng nói thêm thời gian Do Thái đóng quân tại chỗ phải được rút xuống từ 10 ngày còn 5 ngày, đồng thời đi kèm với điều kiện những ngã đường biên giới dẫn vào Gaza phải được canh gác bởi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hoặc quân đội EU, không chấp nhận sự hiện diện của bất kỳ quân đội của nước nào khác.

Ông cũng nói rõ tất cả những đòi hỏi này đã được gửi cho Ai Cập, coi đó là thiện chí để đi tới ngưng bắn. Nhưng ngay sau đó, phó thủ lãnh Moussa Abou Marzouk của thành phần bảo thủ Hamas lại đưa ra lời phát biểu cứng rắn hơn, khẳng định “lập trường của Hamas là lập trường không thay đổi”, tức đình chiến chỉ diễn ra sau khi Do Thái đã rút hết quân khỏi Gaza.

Bất kể Hamas hay Do Thái chiến thắng trận chiến đã quá dài này, thì chỉ có người dân là những kẻ khốn cùng, bị thiệt thòi nhiều nhất.

Phản ứng từ phái nước chủ nhà Ai Cập như thế nào? Câu trả lời đến từ phía Bộ Ngoại Giao Ai Cập là “tất cả mọi ý kiến đều được ghi nhận và chuyển giao cho phái bên kia”. Bản tin của AFP đánh đi từ Cairo nói thêm phía Do Thái “tỏ vẻ tán thành với đề nghị do Ai Cập đưa ra” nhưng đồng thời “tỏ vẻ dè dặt với những đòi hỏi thay đổi theo đề nghị của Hamas”.

Điều đó có nghĩa là “sẽ còn nhiều cuộc thảo luận nữa, trước khi hai đoàn Hamas và Do Thái chính thức gặp nhau trên bàn hội nghị”.

Các giới chức ngoại giao Ai Cập cũng nói rõ “không thể nào đoán biết các cuộc thảo luận sẽ kéo dài bao lâu” và bao giờ “cuộc đàm phán ngưng bắn Gaza sẽ bắt đầu”.

Trong thời gian chờ đợi, người dân Gaza tiếp tục phải sống trong nỗi kinh hoàng. Một phụ nữ lên tiếng bảo “chúng tôi đang sống dưới địa ngục”, một phụ nữ khác bảo đã dặn dò tất cả người thân trong gia đình “khi ra ngoài đường nhớ mang theo chứng minh thư nhân dân để nếu không may chết vì súng đạn gia đình còn nhận được xác đem về chôn cất”.

Một phụ nữ khác vừa than khóc vừa nói

Bất kể Hamas hay Do Thái chiến thắng trận chiến đã quá dài này, thì chỉ có người dân là những kẻ khốn cùng, bị thiệt thòi nhiều nhất.

Đây không phải lần đầu tiên người ta nghe được những lời kêu van thống thiết về cuộc chiến giữa Do Thái và Palestine. Đừng quên cuộc chiến này kéo dài đã nhiều thập kỷ qua, và ai ai cũng sợ sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.