Hòa bình ở Trung Đông, giấc mơ không thành

Một trong những diễn biến được thế giới nói tới trong tuần là những căng thẳng đang xảy ra giữa hai chính phủ Hoa Kỳ và Israel, và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.
Nguyễn Khanh, biên tập viên RFA
2010.03.26
Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama và Thủ Tướng Benjamin Netanyahu của Israel Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama và Thủ Tướng Benjamin Netanyahu của Israel
AFP photo

Israel phá vỡ mọi tiến trình hòa bình ở Trung Đông

Không dễ để được Tổng Thống Hoa Kỳ đón tiếp, cũng hiếm khi nhà lãnh đạo nước Mỹ gặp một vị nguyên thủ của nước bạn tới 2 lần trong cùng một ngày. Đó là quy luật ngoại giao được Nhà Trắng thi hành trong nhiều thập kỷ qua.
Quy luật đó đã thay đổi hôm thứ Ba tuần này, sau khi Tổng Thống Barack Obama họp riêng với Thủ Tướng Benjamin Netanyahu của Isarel. Phải nói cho đúng là 2 nhà lãnh đạo đồng minh này gặp nhau tới hai lần, lần đầu cách lần thứ nhì chỉ hơn nửa giờ đồng hồ. Điều đó chứng tỏ 2 quốc gia đang cố gắng giải quyết một vấn đề trọng đại. Vấn đề đó là làm thế nào để nối lại cuộc đàm phán tìm hòa bình giữa Israel và Palestine đã bị gián đoạn 14 tháng qua.

Đi tìm hòa bình cho Israel và Palestine luôn luôn là mối quan tâm của các nhà lãnh đạo Mỹ, nhưng phải đợi cho tới cuối năm 2007 mọi người mới thật sự nhìn thấy hy vọng khi Tổng Thống George W. Bush triệu tập Hội Nghị Quốc Tế ở thành phố Annapolis thuộc bang Maryland.

Đi tìm hòa bình cho Israel và Palestine luôn luôn là mối quan tâm của các nhà lãnh đạo Mỹ, nhưng phải đợi cho tới cuối năm 2007 mọi người mới thật sự nhìn thấy hy vọng khi Tổng Thống George W. Bush triệu tập Hội Nghị Quốc Tế ở thành phố Annapolis thuộc bang Maryland. Với sự ủng hộ tối đa của cộng đồng thế giới và của Liên Hiệp Quốc, hội nghị kéo dài 2 ngày kết thúc với lời cam kết của đoàn đại diện cho Israel và Palestine là cùng ngồi xuống nói chuyện chấm dứt chiến tranh, sau đó quốc gia Palestine sẽ thành hình sống hòa bình bên cạnh kẻ thù cũ là Do Thái. Hai nhà lãnh đạo của Israel và Palestine còn cam kết sẽ gặp nhau ít nhất mỗi tháng một lần để duyệt qua những thành quả đạt được và cùng đặt hướng đi cho tương lai.
Trong một thời gian khá dài, cam kết đó đã được thi hành nghiêm chỉnh và hầu như mọi người đều nghĩ ổn định đã đến gần với vùng đất từng được đặt cho biệt danh là “lò thuốc súng của thế giới”. Ngay chính Tổng Thống George W. Bush cũng từng tuyên bố ông tin tưởng gần như chắc chắn là trước khi rời Nhà Trắng sẽ sang Trung Đông dự lễ ký kết hiệp định hòa bình.
Nhưng cục diện hoàn toàn thay đổi sau cuộc bầu cử diễn ra tại Israel, khi cử tri quyết định chọn ông Netanyahu làm Thủ Tướng. Nổi tiếng là một chính trị gia bảo thủ và dựa vào lý do an ninh quốc phòng, nhà lãnh đạo Israel quyết định thực hiện những điều mà chính ông biết sẽ gây cản trở cho tiến trình xây dựng hòa bình.

Tổng Thống George W. Bush cũng từng tuyên bố ông tin tưởng gần như chắc chắn là trước khi rời Nhà Trắng sẽ sang Trung Đông dự lễ ký kết hiệp định hòa bình.

Một trong những điều ông làm là xây dựng khu chung cư cho 1,600 gia đình ở vùng phía Đông Jerusalem, trên phần đất phía Palestine đã nhiều lần nói sẽ chọn làm thủ đô. Quyết định này không chỉ khiến cuộc đàm phán bị gián đoạn, mà còn gây trở ngại cho mối quan hệ giữa Israel và Hoa Kỳ, theo phát biểu của Bà Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton:
Việc làm của chính phủ Israel đã gây khó khăn cho vai trò của Hoa Kỳ, một vai trò quan trọng cho tiến trình đi đến hòa bình giữa hai dân tộc Israel và Palestine.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao: Hoa Kỳ - Israel

Trở ngại với Mỹ biểu hiện rõ rệt trong 3 ngày ông Netanyahu có mặt tại Washington, khởi đầu với 2 cuộc họp cách nhau chỉ hơn nửa giờ đồng hồ giữa ông và Tổng Thống Barack Obama. Tin phát xuất từ Nhà Trắng cho hay trong các buổi tiếp xúc kín này, nhà lãnh đạo Mỹ đã yêu cầu người đang điều khiển chính quyền Israel “tìm cách nối lại đàm phán với Palestine”, khởi đầu bằng những cụộc thảo luận “bán chính thức” trước khi hai bên gặp lại nhau để tiếp tục nói chuyện hòa bình.

Vẫn theo Tổng Thống Hoa Kỳ, chính phủ Israel phải thực hiện những bước tiến xây dựng niềm tin với chính phủ và nhân dân Palestine, và bước đầu tiên là ngưng ngay chương trình đưa dân tới định cư ở vùng phía Đông Jerusalem và Dải Gaza. Tổng Thống Obama còn đề nghị Israel nên trả tự do cho hàng trăm người Palestine đang bị giam giữ vì đã hoạt động hay có liên hệ đến những âm mưu gây rối an ninh của Israel, xem đó là thiện chí mà Israel nên làm với Palestine.
Các bản tin được phổ biến ở Washington cho biết trước đề nghị của đồng minh Hoa Kỳ, Thủ Tướng Netanyahu nhất quyết giữ vững lập trường, nói rằng chính đòi hỏi

Đặc sứ Hoa Kỳ George Mitchell (trái) đã đến Jerusalem gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải)
Đặc sứ Hoa Kỳ George Mitchell (trái) đã đến Jerusalem gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) ngày 21-03-2009.Photo courtesy Israel Prime minister office.
Photo courtesy Israel Prime minister office.
của Hoa Kỳ sẽ gây trở ngại cho cuộc đàm phán hòa bình mà ông đang thúc đẩy. Trong bài diễn văn đọc tại Washington trước khi vào Nhà Trắng gặp Tổng Thống Obama, ông Netanyahu nói rõ rằng với người dân Do Thái, Jerusalem là phần dất không thể nào chia cắt được.

Thủ Tướng Netanyahu nhất quyết giữ vững lập trường, nói rằng chính đòi hỏi của Hoa Kỳ sẽ gây trở ngại cho cuộc đàm phán hòa bình mà ông đang thúc đẩy.

3,000 năm trước đây dân tộc Israel đã xây dựng Jerusalem, ngày nay dân tộc Israel vẫn đang tiếp tục xây dựng Jerusalem. Jerusalem không chỉ là vùng đất người dân Israel định cư, mà còn là thủ đô của chúng tôi.
Thủ Tướng Israel bảo thêm:
Đương nhiên chính phủ Hoa Kỳ có thể giúp 2 bên giải quyết vấn đề, nhưng không thể tự động giải quyết vấn đề cho đôi bên. Hòa bình không phải là chuyện bị áp đặt từ phía bên ngoài.
Và quan điểm này được nhắc lại bởi ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Ehud Barak.
Nếu không nhìn thấy tầm quan trọng của kế hoạch định cư, không thấy tầm quan trọng của vấn đề biên giới lãnh thổ thì không thể nào thấy được hòa bình. Với người dân Israel chúng tôi, an ninh quốc gia là chuyện cực kỳ quan trọng và chúng tôi không bao giờ thỏa hiệp hay tương nhượng về an ninh quốc gia.

Đương nhiên chính phủ Hoa Kỳ có thể giúp 2 bên giải quyết vấn đề, nhưng không thể tự động giải quyết vấn đề cho đôi bên. Hòa bình không phải là chuyện bị áp đặt từ phía bên ngoài.
Thủ Tướng Israel

Những khác biệt này đủ để cho thấy 2 cuộc họp của nhà lãnh đạo Mỹ và Israel diễn ra hôm thứ Ba vừa rổi không đem lại kết quả nào cả. Nhà Trắng không phổ biến bức ảnh nào chụp lúc hai nhà lãnh đạo bàn luận với nhau, một ngày sau đó phát ngôn viên Robert Gibbs mới cho biết Hoa Kỳ và đồng minh Israel “đã thảo luận thẳng thắn”, văn phòng của Thủ Tướng Israel cũng đưa ra một bản thông cáo ngắn mang nội dung “các cuộc thảo luận diễn ra trong bầu không khí tốt đẹp”. Trước khi rời Washington, ông Netanyahu cũng bất ngờ hủy bỏ cuộc họp báo.

Hòa bình Trung Đông đang đi vào ngõ cụt

Tất cả những dữ kiện vừa nêu cho mọi người thấy con đường đi đến hòa bình vẫn còn xa vời.
Báo chí phát hành ở Israel cũng ghi nhận điều đó. Tờ Yediot Aharanot có đông độc giả nhất viết rằng “ai ai cũng thấy ông Obama đã đẩy ông Netanyahu vào chân tường”, ám chỉ áp lực của Mỹ đang đè nặng trên vai của Thủ Tướng Israel. Bình luận gia nổi tiếng Yossi Alpher thì nói rằng không ngạc nhiên khi thấy cuộc thảo luận bị bế tắc vì “trước khi sang Washington ông Netanyahu đã biết sẽ ở trong thế khó xử, chính phủ liên hiệp do ông lãnh đạo không phải là một chính quyền muốn nói

Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama và Thủ Tướng Benjamin Netanyahu của Israel. AFP photo
Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama và Thủ Tướng Benjamin Netanyahu của Israel. AFP photo
AFP photo
chuyện hòa bình với người Palestine, và chính quyền này cũng không phải là chính quyền muốn thúc đẩy hòa bình”. Một bình luận gia khác là ông Silvan Shalom đưa ra cái nhìn khác hơn, nhắc lại “Jerusalem là điều không thể nhượng bộ, không một chính phủ nào của Israel được phép đi ra ngoài quy luật này. Chỉ cần nói là sẽ thảo luận với người Palestine về tương lai của Jerusalem là chính phủ đó sẽ bị sụp đổ ngay”.

Trước khi sang Washington ông Netanyahu đã biết sẽ ở trong thế khó xử, chính phủ liên hiệp do ông lãnh đạo không phải là một chính quyền muốn nói chuyện hòa bình với người Palestine, và chính quyền này cũng không phải là chính quyền muốn thúc đẩy hòa bình
Yossi Alpher, bình luận gia

Trong thư e-mail gửi cho Ban Việt Ngữ, ông Cựu Cố Vấn Efraim Inbar của chính phủ Israel viết rằng việc Washington đòi hỏi Thủ Tướng Netanyahu phải bày tỏ thiện chí với Palestine “chứng tỏ chính quyền Obama không công bằng”, gọi áp lực của Tổng Thống Hoa Kỳ “chứng tỏ chính sách ngoại giao của ông Obama là chính sách xa lánh đồng minh dân chủ Israel và muốn bắt tay với những nhà độc tài luôn luôn có tư tưởng bài Mỹ”.
Nhà bình luận Eytan Gilboa của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược BESA cho rằng áp lực của Washington sẽ gây nên “phản ứng ngược”, về lâu về dài sẽ tạo những bất lợi không ngờ cho nước Mỹ. Theo ông Gilboa, từ lâu “khối Hồi Giáo Ả Rập ước mơ nhìn thấy cảnh Washington bắt Israel nhượng bộ, thay vì đặt điều kiện đòi hỏi chính quyền Palestine phải thi hành” và lối ứng xử của ông Obama chỉ làm lợi cho Palestine, “gây khó khăn cho tiến trình đi đến hòa bình, chứ không phải là giúp kiến tạo hòa bình như nhà lãnh đạo Mỹ đang nghĩ”.
Các quan chức Mỹ ở Washington từ chối nhận định về những chỉ trích đến từ Jerusalem, nhưng nhắc lại mục tiêu hàng đầu của chính phủ Obama là Israel và Palestine phải trở lại bàn hội nghị càng sớm càng tốt.
Trong thời gian chờ đợi điều này xảy ra, một viên chức hành pháp Mỹ bảo rằng đừng quên cứ mỗi ngày qua đi là mỗi ngày cảnh cửa hòa bình khép lại, và ước muốn thấy được quốc gia Palestine được thành lập ngay bên cạnh Israel trở nên mong manh hơn.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.