Thuốc kháng sinh (phần 2)

Bên cạnh công dụng điều trị của thuốc kháng sinh, chúng ta cần biết những biện pháp hạn chế sự đề kháng của vi khuẩn, tức “lờn thuốc,” và một số vấn đề khác liên quan đến việc sử dụng kháng sinh.

0:00 / 0:00

Phòng tránh “lờn thuốc”

Vi khuẩn ngày càng có xu hướng kháng lại các thuốc kháng sinh. Có loài vi khuẩn kháng lại nhiều thuốc kháng sinh, người ta gọi là đa kháng thuốc như vi khuẩn E.coli. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do gen di truyền hoặc do việc sử dụng kháng sinh không đủ liều, không đủ ngày hay không phù hợp.

Hiện tượng “lờn thuốc” là một mối lo không chỉ của bệnh nhân, mà cả các bác sĩ. Các cơ quan y tế trên thế giới cũng rất quan tâm đến vấn đề này vì nếu cứ để cho tình trạng “lờn thuốc” tiếp diễn, thì chúng ta có thể sẽ trở lại như thời kỳ trước đây, khi chưa có các loại thuốc kháng sinh. Trong khi đó thì các loại vi khuẩn đã biến đổi phức tạp hơn. Kết quả là các bệnh nhiễm trùng sẽ hoành hành trên khắp thế giới.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức cho biết:"Trong vấn đề này cơ quan y tế thế giới đã đưa ra một kế hoạch toàn cầu để có thể kiểm soát sự đề kháng thuốc kháng sinh. Họ đề nghị một số biện pháp để chúng ta có thể tránh các trường hợp"lờn thuốc."

Điểm nhấn mạnh ở đây là, công dụng của kháng sinh là để tiêu diệt, chứ không phải để ngăn ngừa một loại vi trùng nào đó.

BS Nguyễn Ý Đức

Thứ nhất, phải hướng dẫn cho dân chúng và nhân viên y tế dùng thuốc đúng cách và đúng bệnh sau khi đã thử nghiệm để xác định các loại vi sinh vật đã gây ra bệnh. Đây là một điểm rất quan trọng vì nhiều khi người dân không nắm vững được các công dụng hay những rủi ro khi dùng thuốc.

Thứ hai, là chỉ dùng kháng sinh để điều trị các vi khuẩn chứ không cho virus, đó là điểm quan trọng ta cần nhớ. Vào mùa cảm cúm, nhiều bệnh nhân tự động mua thuốc kháng sinh để uống và cho rằng như vậy sẽ chữa được bệnh cảm cúm.

Nhưng các bệnh cảm cúm nếu không có các bội nhiễm, ví dụ như sưng phổi, thì kháng sinh không có công hiệu gì cả. Mà trong trường hợp cúm, tất nhiên chúng ta phải sử dụng các loại thuốc riêng để trị cúm, thí dụ như Tamiflu.

Người ta cũng đề nghị điểm thứ ba là cần phải có những kế hoạch để phòng ngừa sự lây lan tại chỗ, cũng như bội nhiễm của các vi khuẩn, vi trùng ở trong các bệnh viện. Tất nhiên, chúng ta biết rằng ở trong bệnh viện cũng có thể có trường hợp người tới thăm cũng có thể mắc những bệnh do các vi khuẩn nằm ở trong môi trường của bệnh viện.

Điều quan trọng là bác sĩ cần giải thích rõ cho bệnh nhân về cách sử dụng thuốc, liều lượng như thế nào, và phải dùng trong thời gian bao lâu, vì không phải ai cũng nắm được hết cách sử dụng thuốc kháng sinh.

Đối với bệnh nhân, chỉ dùng kháng sinh khi được các bác sĩ chỉ định. Người bệnh uống thuốc theo đúng toa của thầy thuốc, và không để dành thuốc hoặc dùng kháng sinh của người khác, vì bệnh trạng mỗi lúc mỗi khác, và bệnh ở mỗi người không giống nhau, nên cách chữa trị cũng khác nhau.

75174152-164969_benh-vien-n.jpg
Tình trạng quá tải thường xuyên tại BV Nhi đồng 1-TPHCM. Photo courtesy of vietnamnet (Photo courtesy of vietnamnet)

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức cũng lưu ý là chỉ dùng kháng sinh khi có bệnh với các tác nhân gây bệnh rõ ràng, chứ không phải để ngăn ngừa bệnh. Điểm nhấn mạnh ở đây là, công dụng của kháng sinh là để tiêu diệt, chứ không phải để ngăn ngừa một loại vi trùng nào đó.

Đó là những điểm chính chúng ta có thể áp dụng để tránh tạo ra sự “lờn thuốc” và như vậy có thể giữ được kháng sinh như một loại thuốc chữa trị mạnh, hữu ích cho chúng ta.

Theo chỉ định của bác sĩ

Ngoài ra, một số thuốc kháng sinh cũng có tác dụng qua lại với thực phẩm. Bác sĩ Nguyễn Ý Đức dặn dò:"Chúng ta nhớ rằng khi đi bác sĩ cho toa mua thuốc, thường bác sĩ cũng dặn bệnh nhân nên uống thuốc ở thời điểm nào trước khi ăn, trong khi ăn, và sau khi ăn.

Lý do là vì có tác dụng qua lại giữa thuốc với thực phẩm, có thể thực phẩm làm giảm tác dụng điều trị của thuốc. Ví dụ như thuốc thường dùng là Penicillin, Amoxillin, hoặc Ampicillin. Các thuốc này nếu ta uống khi no thì hiệu quả của nó sẽ giảm đi vì nó sẽ giảm sự hấp thụ của thuốc.

Hoặc có những loại thuốc khi chúng ta uống chung với một vài món ăn khác ví dụ như Sulfameth, cũng là một loại kháng sinh tốt, nếu ta dùng chung với rượu thì có thể gây ra buồn nôn. Đó là lý do có tác dụng qua lại giữa thuốc và thực phẩm.”

Kháng sinh cũng có thể có những tác dụng phụ, đa số kháng sinh có thể gây nôn mửa, tiêu chảy hay nổi mẩn đỏ; chưa kể từng loại kháng sinh có thể có các tác dụng phụ riêng. Một số thuốc kháng sinh có thể gây ra sự mất cân bằng của một vài loại vi khuẩn và nấm trong cơ thể, đưa đến sự sinh sản nấm tăng nhanh gây ra bệnh nhiễm nấm candida. Những người bị dị ứng nặng với thuốc kháng sinh, thì bị phù mặt, ngứa và khó thở. Nếu những triệu chứng này xuất hiện, bệnh nhân ngưng dùng thuốc và đến bác sĩ ngay.

Ở một số người việc dùng thuốc kháng sinh phải đặc biệt thận trọng – phụ nữ có thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ, phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ, hoặc trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi, người có bệnh gan thận, người có cơ địa dị ứng, người cao tuổi.

Thường bác sĩ cũng dặn bệnh nhân nên uống thuốc ở thời điểm nào trước khi ăn, trong khi ăn, và sau khi ăn.

BS. Nguyễn ý Đức

Việc sử dụng thuốc kháng sinh khi đang mang thai phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chẳng hạn như đó là loại thuốc kháng sinh gì? Liều lượng dùng là bao nhiêu? Sử dụng thuốc trong thời gian bao lâu? Và uống thuốc vào thời điểm nào khi mang thai?

Nhìn chung, một vài loại thuốc kháng sinh, có thể sử dụng cho phụ nữ đang mang thai mà không gây nên những tác dụng phụ hay ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Ví dụ như: Penicilicin hay Erythromycin.

Tuy nhiên, những loại kháng sinh như Streptomycin hay Tetracycline lại là những loại thuốc, có thể gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi. Vì thế phụ nữ có mang tránh sử dụng các loại thuốc này. Để an toàn, phụ nữ có thai nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi có ý định sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

Tuy kháng sinh là loại thuốc công hiệu với các bệnh do vi khuẩn gây ra nhưng không nhất thiết phải dùng thuốc kháng sinh trong tất cả các bệnh lây nhiễm và nên nhớ rằng: Rửa tay là cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của những bịnh viêm nhiễm đường hô hấp, 80% những bịnh nhiễm khuẩn thông thường thường hay lây lan qua hai bàn tay.

Thuốc kháng sinh cũng như con dao hai lưỡi – vừa có tác dụng tốt, vừa phản tác dụng có thể gây ra nguy hiểm cho con người, vì thế khi dùng không đúng thì sẽ có hại hơn là có lợi.

Theo dòng thời sự: