Cảm và cúm -phần I

Cảm và cúm là hai bệnh thường gặp và chúng có những biểu hiện tương tự khi khởi bệnh. Hiện nay virus cúm đã biến đổi và kết hợp với các chủng khác tạo thành cúm H5N1 và cúm H1N1 khiến nhiều người rất lo ngại khi thấy mình có những triệu chứng mắc bệnh cúm.

Rửa tay bằng xà bông là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa cảm cúm.
Rửa tay bằng xà bông là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa cảm cúm. (Photo courtesy of Wikipedia)

0:00 / 0:00

Do vậy, tuần này, “Sức Khỏe & Đời Sống” mời Bác sĩ Nguyễn Ý Đức giúp ý kiến để quý vị có thể phân biệt sự khác nhau giữa bệnh Cảm và bệnh Cúm, đồng thời hướng dẫn chúng ta cách phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe nếu chẳng may mắc những chứng bệnh này.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức chuyên về Y Khoa Gia Đình và Lão Khoa, hành nghề y khoa tại Việt Nam và Hoa Kỳ trong hơn 40 năm qua. Ông là sáng lập viên, chủ tịch và thành viên của nhiều tổ chức y khoa và xã hội. Bác sĩ Đức cũng tham gia nhiều hoạt động xã hội, cộng đồng về vấn đề sức khỏe với công chúng tại nhiều thành phố;ông cũng đi khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho những đồng hương có nhu cầu.

Quỳnh Như: Kính chào BS Đức! Thưa Bác Sĩ, gần đây nhiều người cảm thấy lo ngại khi thấy mình có những triệu chứng giống như là bị cúm, nên người ta có câu hỏi bệnh cảm và cúm khác nhau thế nào, vì những triệu chứng đó cũng gần giống như nhau, phải có những nhà chuyên môn như Bác Sĩ mới có thể phân biệt được, xin Bác Sĩ cho biết ý kiến để người ta có thể biết mà đề phòng hoặc đi khám bác sĩ ngay.

Phân biệt giữa cảm và cúm

BS Nguyễn Ý Đức: Thưa quý thính giả và thưa bạn Quỳnh Như, thực ra hai bệnh cúm (flu) và cảm lạnh (common cold) có nhiều điểm giống nhau, nhưng cũng có nhiều điểm rất là khác nhau.

Về điểm giống nhau, đây là hai bệnh đều do virus gây ra. Virus tức là siêu vi trùng. Thứ hai, đây là những bệnh của cơ quan hô hấp của con người, tức là ở mũi, ở miệng và ở phổi. Thứ ba, cả hai bệnh đều rất dễ lây lan.

Đối với cúm thì bệnh nhân thường nóng sốt, thường đau nhức, thường bị nhức đầu, nhưng lại ít bị đau cuống họng.

BS Nguyễn Ý Đức

Về điểm khác nhau, hai bệnh có nhiều điểm khác nhau lắm, thí dụ về nguyên nhân gây ra bệnh, về triệu chứng, về cách điều trị cũng như phòng ngừa v.v. đều có sự khác nhau chút xíu.

Cảm lạnh và cúm có thời điểm xuất hiện khác nhau. Bệnh cúm (flu) xảy ra vào mùa nào đó và thường là vào Mùa Đông và nó hoành hành từ tháng11 cho tới tháng 3 dương lịch, và đôi khi kéo dài tới đầu Mùa Xuân. Còn bệnh cảm lạnh (common cold) thì thường xuất hiện quanh năm, nhưng nó cũng hay xuất hiện vào mùa lạnh, và trung bình một người mỗi năm có thể mắc bệnh cảm lạnh ba bốn lần.

Nguyên nhân gây bệnh

Quỳnh Như: Thưa Bác Sĩ, nguyên nhân gây ra bệnh cảm và bệnh cúm có giống nhau không?

BS Nguyễn Ý Đức: Về nguyên nhân gây ra bệnh, tất cả bệnh cúm và cảm đều do virus gây ra, nhưng virus gây bệnh thì lại khác nhau. Virus gây cúm là virus loại A hay B. Trong trường hợp cảm lạnh thì lại do những loại virus gọi là rhinovirus (HRV) và có cả trăm loại khác nhau. Cảm và cúm là hai bệnh của cơ quan hô hấp (mũi, miệng, cuống phổi) vì thế cho nên những dấu hiệu bệnh đều tập trung vào những điểm này.

Triệu chứng

Quỳnh Như: Nhiều người quan tâm đến các triệu chứng của hai bệnh khác nhau như thế nào, để có thể phân biệt là đã mắc bệnh cúm hay chỉ mới bị cảm lạnh mà thôi?

BS Nguyễn Ý Đức: Triệu chứng của hai bệnh này gần tương tự với nhau.

Về dấu hiệu nóng sốt, ở bệnh cảm lạnh thì không có nóng sốt hoặc chỉ đôi khi mới bị mà thôi, còn ở cúm thì thường bị nóng sốt.

Về dấu hiệu đau nhức, ở người bị cảm lạnh thì sự đau nhức nhẹ nhàng chứ không nhiều như trong trường hợp bị cúm. Có thể nói đây là triệu chứng tiêu biểu của bệnh cúm, nhất là khi bị cúm nặng.

Về dấu hiệu ớn lạnh thì ở bệnh cúm xuất hiện nhiều hơn là trong trường hợp bệnh cảm lanh.

Về sự mệt mỏi của cơ thể thì bệnh nhân mắc bệnh cúm cơ thể mệt mỏi trầm trọng hơn là trong trường hợp bị cảm lạnh.

Về dấu hiệu ho, có hai điểm cần phân biệt là trong cả hai chứng bệnh này thì bệnh nhân đều ho, nhưng ở trường hợp cảm lạnh thì ho ra đàm, ngược lại trong bệnh cúm thì bệnh nhân ho không ra đàm.

Riêng đối với cá nhân từng người thì những điều chúng ta có thể làm để giảm bớt nguy cơ mắc bệnh cúm là nên rửa tay bằng xà bông, tránh sờ vào mắt, mũi, miệng tại vì những nơi đó là những nơi có nhiều virus.

BS Nguyễn Ý Đức

Về hắt hơi sổ mũi cũng hơi khác nhau ở hai chứng bệnh này. Trong trường hợp cảm lạnh, bệnh nhân hắt hơi nhiều hơn và nghẹt mũi cũng nhiều hơn, trong khi người bị cúm lại ít bị hắt hơi và nghẹt mũi.

Về dấu hiệu đau cổ họng, trong trường hợp cảm lạnh, bệnh nhân bị đau cuống họng nhiều hơn, còn người bị bệnh cúm thì ít gặp triệu chứng này.

Về dấu hiệu nhức đầu, người bị cảm lạnh thì ít bị nhức đầu, còn người bị cúm thì lại bị nhức đầu nhiều hơn.

Trên đây là một số triệu chứng khác biệt giữa hai căn bệnh cảm lạnh và cúm. Đối với cúm thì bệnh nhân thường nóng sốt, thường đau nhức, thường bị nhức đầu, nhưng lại ít bị đau cuống họng.

Cách truyền bệnh

Quỳnh Như: Xin Bác Sĩ cho biết bệnh lây lan bằng cách nào?

BS Nguyễn Ý Đức: Virus của hai bệnh cảm và cúm thường hiện diện trong mũi, miệng, cuống họng của người bệnh, vì thế cho nên khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc nói to tiếng thì những virus đó được bắn ra trong không khí và chúng sống trong bầu không khí chung quanh người bệnh. Một người nào đó xuất hiện trong bầu không khí có chứa virus đó mà hít phải những virus đó thì tất nhiên sẽ mang bệnh. Như vậy, nói chung là bệnh lây lan qua không khí, và sự lây lan của virus của cảm và cúm thì rất là mạnh, rất là dễ dàng xảy ra.

Cách phòng ngừa

Quỳnh Như: Làm thế nào phòng tránh sự lây lan của hai bệnh này? Bệnh cảm có lây không, thưa Bác Sĩ?

BS Nguyễn Ý Đức: Cả hai loại bệnh cảm và cúm đều lây lan và lây lan rất dễ dàng. Làm thế nào để tránh bị lây lan thì chúng tôi đề nghị với quý vị một số biện pháp sau đây.

Thứ nhất, khi ho hay hắt hơi thì người bệnh nên che mũi và miệng bằng một khăn giấy, sau đó nên vứt bỏ khăn giấy đó vào thùng rác hoặc để riêng rẽ ra.

Thứ hai, sau khi ho hoặc hắt hơi thì luôn luôn rửa tay bằng xà bông và nước lạnh, hoặc bằng thuốc rửa tay có chất cồn.

Thứ ba, nếu bệnh nhân mắc bệnh cúm hay bệnh cảm lạnh thì nên ở nhà để tránh lây lan cho người khác.

Cuối cùng là đừng chia xẻ các đồ ăn, thức uống, khăn lau mặt, hoặc các vật dùng cá nhân, đặc biệt là với người bệnh.

Trên đây là một số những biện pháp mà chúng ta có thể áp dụng để phòng tránh bị cảm cúm.

Riêng đối với cá nhân từng người thì những điều chúng ta có thể làm để giảm bớt nguy cơ mắc bệnh cúm là nên rửa tay bằng xà bông, tránh sờ vào mắt, mũi, miệng tại vì những nơi đó là những nơi có nhiều virus.

Tránh gần gũi, tiếp xúc với người bệnh, nếu có thể được. Và nếu cần phải chăm sóc người bệnh thì nên mang khẩu trang để phòng ngừa virus xâm nhập vào cơ thể của mình.

Quỳnh Như: Xin cảm ơn Bác Sĩ đã dành thời gian quý báu cho chương trình hôm nay.

Quý thính giả vừa nghe Bác sĩ Nguyễn Ý Đức giải thích một số vấn đề liên quan đến hai chứng bệnh cảm lạnh và cúm. Trong chương trình kỳ tới, Bác sĩ Đức sẽ giới thiệu về cách điều trị, những biện pháp để phòng ngừa, và cách chăm sóc sức khỏe khi bị nhiễm hai bệnh này. Mời quý vị đón nghe.

Mục tiêu của chuyên mục “Sức Khỏe và Đời Sống” là đáp ứng nhu cầu mở rộng thông tin, tích lũy kiến thức y học của quý vị, nên xin quý vị đừng ngại gửi cho chúng tôi những yêu cầu cung cấp thông tin để hỗ trợ quý vị chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Chúng tôi sẽ mời các chuyên viên y tế trong ngoài nước giải đáp những thắc mắc đó của quý vị.

Chương trình Sức Khỏe và Đời Sống tuần này xin dừng ở đây. Cám ơn quý vị đã lắng nghe và Quỳnh Như xin hẹn gặp lại quý vị vào tuần tới.