Tuần trước Nha Sĩ Nguyễn Diệu Liên Hương đã giải thích một số vấn đề liên quan đến việc chăm sóc và bảo vệ nướu răng. Trong chương trình hôm nay Bà sẽ giới thiệu tiếp về những biện pháp để tránh bệnh sâu răng và phòng ngừa răng mọc lệch lạc.
Sâu răng

Quỳnh Như: Thưa Nha Sĩ Liên Hương, một chứng bệnh khác cũng khá phổ biến ở răng là sâu răng, theo Nha Sĩ thì có thể ngừa chứng sâu răng hay không?
NS Nguyễn Diệu Liên Hương: Về sâu răng thì cái quan trọng nhứt thường thường là do thức ăn giắt vào răng nhiều quá. Thức ăn dính vào nhiều, đánh răng khó, thành ra một khi cái răng bị những chất thức ăn bám vào, sau một thời gian, ví dụ như qua đêm mà nếu không đánh răng, súc miệng thì những chất đó biến thành những chất a-xít làm hại men răng, làm răng lủng lỗ từ từ và càng ngày lỗ càng sâu vào, và nó phá hủy từ men răng tới ngà răng, có khi đi tới gân máu luôn. Cái tai hại nhứt của sâu răng là thói quen của nhiều người, đợi tới khi đau quá rồi thì lúc đó mới đi tìm đến nha sĩ cho nên có khi quá trễ. Tại vì nếu khởi sự người ta có thể dùng cái sealant cho những trẻ em để cho những cái rãnh trên mặt răng của các răng hàm mới thay, nó sâu, mà các em mới mọc nó sâu lắm, mà các em thì còn nhỏ dại chưa biết cách đánh răng đúng, thì cái sealant đó nó sẽ trám những rãnh sâu đó làm cho đồ ăn không dính vào mặt răng nhiều thành ra ít gây sâu răng.
Cái tai hại nhứt của sâu răng là thói quen của nhiều người, đợi tới khi đau quá rồi thì lúc đó mới đi tìm đến nha sĩ cho nên có khi quá trễ.
Nha Sĩ Nguyễn Diệu Liên Hương
Ngày xưa người ta có tục lệ nhuộm răng thì người ta nghĩ rằng nhuộm răng sẽ ít bị sâu răng. Thực sự thì cũng có nhưng chỉ ở mặt ngoài thôi, còn những kẽ răng thì không ăn được chất nhuộm, cho nên người ta bị sâu ở kẽ răng nhiều lắm. Nhất là các bà lại hay ăn trầu nên chất vôi bám chung quanh răng làm cho nướu răng bị hư vì đá vôi bám càng ngày càng dày làm cho răng bị đẩy lên cao tuột khỏi nướu răng nên răng bị lung lay và lâu ngày thì bị rụng răng mặc dù cái răng đó có thể không bị sâu răng. Ngày trước người ta quan niệm cho đó là vì già nên bị rụng răng, nhưng suy nghĩ đó thật sự không đúng.
Trẻ em dưới 14 tuổi ngừa sâu răng bằng cách cho fluoride, fluoride sẽ kết hợp với men răng thành một chất cứng hơn làm cho những hóa chất từ thức ăn để lại không tác dụng được lên men răng nữa, cho nên răng đó ít bị sâu răng hơn. Fluoride này thường có thể ở trong kem đánh răng, ở trong những chất thuốc mà khi clean răng thì nha sĩ cho vào, hoặc pha trong nước uống hàng ngày.
Quỳnh Như: Thưa, còn nếu như đã lỡ bị sâu răng thì phải chữa như thế nào?
NS Nguyễn Diệu Liên Hương: Một khi cái răng đã bị sâu mà có thể mắt thường không nhìn thấy được, nhưng chụp quang tuyến X thì có thể thấy bên hông răng, nơi hai răng giáp nhau thì ở kẽ răng đó hay bị sâu, nha sĩ điều trị bằng cách trám. Chất trám bây giờ nhìn rất là đẹp, nó giống như cẩm thạch vậy. Bằng thao tác một cách khéo léo, nha sĩ có thể trám nơi kẽ răng bị sâu một cách khít khao và màu giống y khi răng còn nguyên vẹn. Khi một cái răng được trám đúng cách thì giá trị của nó cũng không khác gì một cái răng nguyên thủy, tức chưa bị sâu răng.
Quỳnh Như: Đến giai đoạn nào thì buộc phải lấy tủy răng hay còn gọi là lấy gân máu, thưa Nha Sĩ?
NS Nguyễn Diệu Liên Hương: Để tới khi bị sâu nhiều quá thì lấy gân máu không còn tốt nữa. Ngay việc lấy gân máu cũng khó hoàn hảo và cái răng đó đã mất chất sống rồi nên sau này nó dễ vỡ, do đó chúng ta phải phòng ngừa từ đầu bằng cách không để cho bị sâu răng. Và nếu lỡ bị sâu răng thì nên điều trị ngay từ lúc mới bị để cho có được một hàm răng trọn vẹn, không bị sứt mẻ, không để tới tình trạng phải lấy gân máu. Như vậy, việc phòng ngừa sâu răng không phải là khó.
Niềng răng
Quỳnh Như: Quay sang một vấn đề khác thuộc về thẩm mỹ của hàm răng tức là răng mọc lệch, làm thế nào để phòng ngừa việc răng bị mọc lệch lạc, thưa Nha Sĩ?
Cho nên mình hiểu lầm rằng chỉnh răng là chức năng của thẩm mỹ, nhưng thực ra không phải vậy, chỉnh răng là để sử dụng hàm răng nhai được tốt hơn.
Nha Sĩ Nguyễn Diệu Liên Hương
NS Nguyễn Diệu Liên Hương: Ở đây tôi xin trình bày một quan điểm rõ rệt như thế này. Cái răng mọc lệch lạc, khi mình chữa cho nó thẳng lại thì không phải chỉ vì vấn đề thẩm mỹ, bằng cớ là bảo hiểm không bao giờ trả tiền cho dịch vụ thẩm mỹ hết, nhưng bảo hiểm có thể trả một phần cho công việc niềng răng, hoặc việc chỉnh răng, chỉnh hàm. Tại sao? Tại vì một hàm răng thẳng, đều đặn, chức năng nhai rất là tốt. Chúng ta thử tưởng tượng các bánh xe răng cưa trong một ổ máy đồng hồ, nếu một đồng hồ tốt thì các răng cưa ăn khớp nhịp nhàng, chạy suốt đời không hư. Cũng vậy, một hàm răng đều đặn thì chức năng nhai rất là tốt. Nhai cắn thức ăn đứt, nghiền thức ăn nhuyễn. Và như vậy thì cái tốt sẽ đi tới cái đẹp. Cái mũi có thanh, có cao, có đẹp thì mình ngửi mùi cũng không thơm hơn. Nhưng một hàm răng tròn trịa, đều đặn, ăn khớp với nhau thì chắc chắn là hàm răng đó sẽ bền bĩ. Khi những cái răng không có hóc hiểm, các răng chia nhau cái lực lúc mình nhai, sự va chạm đều đặn lên nhau, không có những cái răng không dùng và không có những cái răng dùng quá độ, như vậy các răng tự nó sẽ rất bền, không bị phá. Hãy tưởng tượng như thế này, mình có hai tay, mình cột một tay lại, còn tay kia mình làm việc, như vậy một tay thì làm quá nhiều nên bị mỏi mệt, còn một tay kia không làm việc thì riết rồi nó bị yếu đi. Tay làm việc nhiều quá thì bị rả rời. Cho nên hàm răng cũng vậy. Có người quen nhai một bên, bên phải hoặc bên trái, hàm răng do đó không hoạt động đồng đều. Cho nên sự sắp xếp của răng rất là cần thiết để có một hàm răng bền bĩ suốt đời.
Tôi đã gặp trường hợp một cụ già trên 70 tuổi than vãn rằng hồi nhỏ cụ không bị hô nhưng sao bây giờ về già lại bị hô và răng bị lung lay hết. Rằng hàm dưới bị đẩy nhô cao lên, răng hàm trên xòe ra như mấy ngón tay mình giơ ra ngoài, và bà cụ ngậm môi không kín nữa. Khi tôi nhìn thấy vấn đề, tôi chỉnh hàm cho bà cụ làm cho hàm răng ăn khớp trở lại thì xương cũng cứng lại, rất là tốt. Cho nên mình hiểu lầm rằng chỉnh răng là chức năng của thẩm mỹ, nhưng thực ra không phải vậy, chỉnh răng là để sử dụng hàm răng nhai được tốt hơn. Và một hàm răng đều đặn, nhai tốt, đẹp, và có một chức năng lạ kỳ là self-cleaning, tự nó làm sạch. Tức là với một hàm răng đều đặn, khi ăn mọi cơ phận bên trong miệng chạm vào nhau làm cho hàm răng gần sạch rồi. Còn những hàm răng không đều, khúc khủyu, cái ra cái vào, cái cao cái thấp, khi ăn thì thức ăn giắt vào răng tùm lum cho nên rất khó săn sóc hàm răng của mình.
Tôi xin nhấn mạnh, một hàm răng ăn khớp, đều đặn là một hàm răng tồn tại suốt đời.
Nha Sĩ Nguyễn Diệu Liên Hương
Trong thời đại này nếu chúng ta giữ được hàm răng trắng bóng, đều đặn từ trong ra ngoài, nhìn thấy cười hở mười cái răng thật đấy nhưng mà rất là đẹp, hàm răng sáng ngời lên, hàm răng đều đặn, khớp răng ăn khớp vào nhau. Hàm răng một khi bị hô, bị trật khớp, bị móm, lộn xộn, hay lòi xỉ, thì dứt khoát thế nào cũng bị hại về lâu về dài, tức là thế nào răng cũng bị mất sớm.
Tôi xin nhấn mạnh, một hàm răng ăn khớp, đều đặn là một hàm răng tồn tại suốt đời.
Quỳnh Như: Xin cảm ơn Nha Sĩ rất nhiều đã dành thời gian cho chương trình hôm nay.
NS Nguyễn Diệu Liên Hương: Thưa, không có chi. Tôi mong rằng sẽ có dịp nói về những điều cụ thể về nha khoa để chúng ta có ý niệm rõ ràng về điều trị nha khoa của thời đại này.
Quỳnh Như: Một lần nữa, xin cảm ơn Nha Sĩ Nguyễn Diệu Liên Hương.
Mục tiêu của chuyên mục “Sức Khỏe và Đời Sống” là đáp ứng nhu cầu mở rộng thông tin, tích lũy kiến thức y học của quý vị, nên xin quý vị đừng ngại gửi cho chúng tôi những yêu cầu cung cấp thông tin để hỗ trợ quý vị chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Chúng tôi sẽ mời các chuyên viên y tế trong ngoài nước giải đáp những thắc mắc đó của quý vị.
Chương trình Sức Khỏe và Đời Sống tuần này xin dừng ở đây. Cám ơn quý vị đã lắng nghe và Quỳnh Như xin hẹn gặp lại quý vị vào tuần tới.