Hen suyễn

Kỳ này, Trà Mi mời quý vị cùng tìm hiểu về một căn bệnh về đường hô hấp khá phổ biến tại Việt Nam , nơi có mức độ ô nhiễm được đánh giá là cao.

0:00 / 0:00

Chắc quý vị từng nghe nói nhiều đến bệnh hen suyễn, nhưng các nguyên nhân gây nên bệnh, triệu chứng, và những vấn đề mà ngừơi bệnh hay gặp phải là gì, cách điều trị ra sao? Bác sĩ Vĩnh Phước hiện đang hành nghề tại Sài Gòn sẽ trình bày cặn kẽ trong chương trình hôm nay.

Nguyên nhân

Bác sĩ Vĩnh Phước : Hen phế quản hay là hen suyễn là một hội chứng biểu hiện bằng cái cơn khó thở mà đặc biệt là kích phát, chiếm ưu thế ở thì thở ra kèm theo ho và có khạc đờm nhầy và dính.

Hen phế quản hay là hen suyễn là một hội chứng biểu hiện bằng cái cơn khó thở mà đặc biệt là kích phát, chiếm ưu thế ở thì thở ra kèm theo ho và có khạc đờm nhầy và dính.

Bác sĩ Vĩnh Phước

Trà Mi : Các tác nhân gây nên hen suyễn là gì, thưa Bác Sĩ?
Bác sĩ Vĩnh Phước : Một số các tác nhân gây hen suyễn thường người ta có thể chia ra mấy thứ như thế này. Một là chúng ta nói tới vấn đề là các dị ứng nguyên. Các dị ứng nguyên thì thường thường có thể là như thế này: phấn hoa, hoa cỏ, nấm, mốc, lông, các loại vẩy của các con vật, phân và nước tiểu của gia súc mà mình nuôi như chó, mèo, bụi nhà và một số con mạt, là những tác nhân mà người ta gọi là dị ứng nguyên. Ngoài ra, thực phẩm, ví dụ trứng, sữa, thịt bò, cá biển, các loại bột mì, sô-cô-la (chocolate) cũng là những dị ứng nguyên mà có thể gây ra cơn hen.
Thuốc men cũng có thể gây ra cơn hen được mà điển hình của nó là kháng sinh, chẳng hạn kháng sinh thuộc nhóm pennicilin chẳng hạn. Các thuốc kháng nguyên không có chứa corticoid như aspirine..vv… thì cũng có thể gây các loại dị ứng. Các chất có chứa sulfamide cũng có thể. Nói chung rất là nhiều thứ có thể gây ra.
Ngoài ra, những cái thông thường chúng ta hay gặp, ví dụ như hít khói bụi, hơi hoá chất hoặc một cái mùi gì nặng ở ngoài đường cũng có thể gây nên cơn hen.
Một số ngưòi làm các nghề đặc biệt, ví dụ sơn vec-ni hay là đánh vec-ni cũng có thể bị. Hoặc có thể sau một trận cười, hay là sau khi uống rượu bia, hay một bữa ăn thịnh soạn vẫn có thể bị như thường. Rất là nhiều thứ.
Trà Mi : Dạ. Thưa Bác Sĩ, có rất nhiều nguyên nhân như vậy, nhưng mà có người bị hen suyễn, có người không, có nghĩa rằng là những người bị là những người bị dị ứng với tác nhân đó.
Bác sĩ Vĩnh Phước : Đúng rồi. Đúng rồi.
Trà Mi : Nhưng mà những đối tượng nào dễ bị dị ứng với những tác nhân đó nhứt?
Bác sĩ Vĩnh Phước : Rất là nhiều thứ phụ thuộc vào vấn đề đó, nhưng mà chủ yếu là những người hay tiếp xúc với những chất đó hoặc là một số trường hợp, một số đối tượng dễ bị, ví dụ như là phụ nữ mang thai cũng dễ bị nữa.
Trà Mi : Có cái yếu tố về di truyền không nếu như người mẹ bị thì trẻ em cũng bị khi sinh ra ?
Bác sĩ Vĩnh Phước : Cái đó là như vầy, tức là vấn đề trẻ em thì nó lại còn yếu tố mà người ta gọi là yếu tố "cơ địa", cơ địa trong gia đình chớ không phải là di truyền. Cơ địa, cái dạng dễ bị dị ứng thì nó sẽ rất là dễ bị hen phế quản.

Hen suyễn không di truyền

Trà Mi : Tức là bệnh này không có yếu tố di truyền, phải không Bác Sĩ?

Bệnh này không có yếu tố di truyền, nhưng mà mang cái cơ địa, tức là ở gia đình có người bị thì nó cũng dễ bị.

Bác sĩ Vĩnh Phước : Bệnh này không có yếu tố di truyền, nhưng mà mang cái cơ địa, tức là ở gia đình có người bị thì nó cũng dễ bị.
Trà Mi : Nói về bệnh hen suyễn thì cũng có nhiều thể trạng bệnh khác nhau. Nói chung thì giới chuyên môn nhìn bệnh hen suyễn này phân chia thành mấy loại, phân biệt như thế nào ạ?
Bác sĩ Vĩnh Phước : Theo phân chia của giới chuyên môn thì có một vài thể như sau: Thường thường có thể chia làm 4 loại thể như là (1) hen ngoại lai hay là hen dị ứng, (2) hen nội tạng hay là hen nhiễm trùng, (3) hen khó thở liên tục, (4) hen ác tính.
Trà Mi : Nếu như Bác Sĩ có thể giúp quý thính giả phân biệt rõ hen hơn thì rất tốt.
Bác sĩ Vĩnh Phước : Chẳng hạn mình hen ngoại lai hay hen dị ứng thì thường thường ở đây là bắt đầu ở thể hen hay là người trẻ có tiền sử di ứng mà rõ ràng, có những dị nguyên đặc hiệu cho những người này, và đặc biệt một cái là cái nồng độ glubodin miễn dịch ở trong máu cao. Thể này thường đáp ứng tốt với trị liệu, giảm mẫn cảm đặc hiệu, và tiên lượng lâu dài thì tương đối là khả quan. Cái vấn đề tử vong ở đây có vẻ hiếm hơn so với các thể khác.
Loại thứ hai là hen nội tạng hay hen nhiễm trùng thì thường thường bắt đầu ở tuổi trung niên, khoảng 35 đến 40 tuổi, thì thường cơn hen xuất hiện sau một đợt nhiễm trùng hô hấp và giữa cơn cái khó thở vẫn tồn tại, tức giữa cơn hen không bao giờ mất hẳn cái khó thở hết và vẫn cứ khó thở nhè nhẹ vậy đó. Đặc biệt cái này thì nó không có tiền sử dị ứng. Cái đáp ứng của nó với các biện pháp trị liệu thì thường thường dè dặt bởi vì giữa cơn hen cái khó thở vẫn tồn tại coi như mình cắt cái cơn rất khó, do đó cái tiên lượng nó sẽ dè dặt. Và cái tử vong, tức cái khả năng chết chóc là hay xảy đến vì cơn hen này thường thường là liên tục và nó sẽ đẫn đến cái biến chứng nặng nề, ví dụ như suy tim, ví dụ như giản phế nang, ví dụ như là bệnh tim phổi mãn tính.
Cái thứ ba mà mình đề cập đến là cái hen mà khó thở liên tục. Đây là một thể hen nặng sẽ dẫn đến những tổn thương thực thể, ví dụ như là xơ phổi, giản phế nang, và thường gặp ở người bị hen lâu năm do có nhiều đợt bội nhiễm cũng như là mình dùng quá nhiều loại thuốc điều trị nó rồi. Cơn hen này có thể kéo hai ba ngày liên tục và do đó bệnh nhân rất là mệt mỏi và bệnh nhân thường thường ở cái thể này là bắt buộc phải ngồi.
Cái thể thứ tư mà mình đề cập đến là trạng thái hen ác tính. Nghe nói cái tiêu đề là mình đã thấy đây là một tình trạng rất nặng nề, kéo dai, và thường thường không đáp ứng lại với cách điều trị thông thường, hay gặp ở bệnh nhân đã bệnh hen lâu rồi và kèm theo những tình trạng nhiễm trùng hô hấp. Thường thường bệnh nhân hen thì có cái đặc biệt hay dùng thuốc để điều trị, tự mình dùng, do đó sẽ dẫn đến tình trạng mà người ta gọi đây là những trường hợp sai lầm do điều trị, do bệnh nhân lạm dụng thuốc. Khi lạm dụng thuốc, khi mà lên cơn hen có thể là sử dụng các loại thuốc điều trị hen suyễn rất khó khăn và thường thường bệnh nhân rất dễ tử vong trong những trường hợp này.

Phương pháp phòng ngừa và điều trị

Trà Mi : Như vậy thì cũng xin được tìm hiểu thêm là những phương pháp điều trị đối với bệnh hen suyễn hiện nay ở Việt Nam như thế nào? Bệnh này có khả năng chữa dứt hay là chỉ chữa triệu chứng cho đỡ khó chịu cho bệnh nhân mà thôi, thưa Bác Sĩ?=

Nhiều khi bệnh nhân hay tự mình điều trị do đó nhứt là những trường hợp này phải nhắc nhở bệnh nhân là phải kết hợp tốt với các cơ sở, với các bác sĩ

Bác sĩ Vĩnh Phước : Bệnh này có những phương pháp điều trị được chia ra như sau: Đầu tiên luôn luôn phải nghĩ tới vấn đề dự phòng, ví dụ nếu như bệnh nhân tiếp xúc với dị nguyên gây nên hen thì đương nhiên dự phòng là không cho tiếp xúc nữa, nghĩa là phải tránh tiếp xúc với những dị nguyên đó. Nghĩa là tránh tiếp xúc với những chất có thể gây nên hen. Thứ hai là phải phát hiện kịp thời và theo dõi sát tình trạng của bệnh để thấy mà hơi chớm là mình phải điều trị liền.
Nhiều khi bệnh nhân hay tự mình điều trị do đó nhứt là những trường hợp này phải nhắc nhở bệnh nhân là phải kết hợp tốt với các cơ sở, với các bác sĩ mà mình đã điều trị chớ không nên tự mình mà điều trị thì sau này sẽ dẫn đến những cái sai lầm và sẽ rất là khó điều trị khi mà nó lên những cơn hen đúng của nó.
Cái thứ hai là điều trị cơn hen thì thường thường đây là đã điều trị các cơn hen, nghĩa là đã vào cái tuyến cơ sở như là bệnh viện chăng hạn, thì lúc đó phải dùng những thuốc đặc hiệu. Những thuốc đặc hiệu thường thường có thể là nhóm cường giao cảm. Và đặc biệt hen phế quản luôn luôn phải nghĩ tới cách điều trị, đó là liệu pháp corticoid.
Mình nói tới điều trị dự phòng rồi, điều trị cắt cơn hen, và cái thứ ba là mình phải tăng cường làm cho thích nghi với cái dị ứng nguyên bằng cách tiêm dần dần lên, người ta gọi là giải mẫn cảm đặc hiệu.
Trà Mi : Có nghĩa là tăng khả năng đề kháng của bệnh nhân, giúp cho bệnh nhân ...
Bác sĩ Vĩnh Phước : Tức là, nói nôm na cho dễ hiểu là quen với cái chất gây dị ứng bằng cách mình dùng cái liều thấp thấp từ từ, mà phải tìm ra đúng được cái chất mà làm cho mình bị bệnh. Và lúc đó người ta mới giải được cái đó.
Trà Mi : Nghĩa là tiêm vào người bệnh nhân cái chất kháng nguyên đó, phải không Bác Sĩ?
Bác sĩ Vĩnh Phước : Vâng, theo cái liều tăng dần dần, người ta gọi là giải mẫn cảm đặc hiệu. Ngoài ra, bây giờ có một số tương đối các loại thuốc mới, ví dụ như lúc nãy tôi đã nói là liệu pháp corticoid thì tôi xin bổ sung thêm một chút xíu, là bây giờ hiện tại có những chất mà người ta gọi là corticoid tại chỗ, tức là người ta có thể chích vào họng bệnh nhân một liều nào đó nhứt định hàng ngày, thì cái đó được sử dụng với một điều kiện là chúng ta phải được khám bởi thầy thuốc và phải đựoc thấy thuốc theo dõi và chỉ định dùng như thế nào, cách dùng như thế nào. Đó gọi là liệu pháp corticoid tại chỗ.
Trà Mi : Thưa Bác Sĩ, nói như vậy có nghĩa là bệnh này chỉ chữa cao nhứt là cắt cơn hen mà thôi chứ còn không có hy vọng là chữa dứt khỏi hẳn hay sao ạ?
Bác sĩ Vĩnh Phước : Khi mà gặp những tác nhân gây bệnh, tức là gây dị ứng, thì đương nhiên mình bị dị ứng. Cái cách hay nhứt là né tránh, không để gặp dị ứng. Đúng ra cái chât mà gây nên nó thì một chừng mực nào đó mình có thể nghĩ gần gần chứ mình không thể xoá sổ được nó, nhưng mà mình phải tìm đúng được chất đó. Mà giải mẫn cảm đặc hiệu được thì mới là hết. Còn thường thường đa phần nói tới dị ứng thì thường thường nó kéo dài và dĩ nhiên người ta có thể không phải chỉ có một loại dị ứng nguyên gây ra hen mà có thể có nhiều tác nhân dị ứng khác nhau nữa. Do vậy nhiều khi chưa chắc đã tìm ra đựoc cái dị ứng nguyên mà gây nên cái hen đó.
Trà Mi : Bệnh nhân hen suyễn tự theo dõi và chăm sóc bệnh trạng như thế nào? Các lưu ý đặc biệt giúp kiểm soát cơn hen là gì? Và những điều cần ghi nhớ giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc căn bệnh phiền toái này, sẽ được gửi đến quý vị trong buổi tái ngộ với Bác sĩ Vĩnh Phước vào sáng Thứ Năm tuần tới. Mời qúy vị đón nghe.
Chương trình "Sức Khoẻ và Đời Sống" kỳ này xin dừng lại tại đây. Hẹn tái ngộ cùng quý vị và các bạn vào giờ này, sáng Thứ Năm tuần sau. Trà Mi thân ái kính chào.