Nên giảm muối trong khẩu phần ăn
2010.05.06
Khó lòng tưởng tượng một món ăn hoàn toàn không có muối, không có chút vị mặn nào, nhưng cũng phải lưu ý là chỉ cần tăng hay giảm chút ít muối, thì đã có thể mang lại những kết quả trái ngược nhau, cả trước mắt lẫn lâu dài.
Ăn nhiều muối gây bệnh
Hầu hết các chuyên gia dinh dưỡng đều nói, thức ăn giảm muối sẽ tốt hơn cho sức khoẻ. Giảm đi một lượng nhỏ muối trong món ăn không làm cho hương vị món ăn thay đổi, nhưng mang lại những lợi ích to lớn đối với sức khỏe.
Ăn nhiều muối thì sẽ có thể dẫn đến những hậu quả không tốt cho sức khoẻ ví dụ như nó làm cao huyết áp, rồi lâu dài nó sẽ có thể ảnh huởng lên thận, và dẫn đến suy thận.
Bác sĩ Mai
Bác sĩ Mai, Tiến sĩ Dinh Dưỡng học, hiện đang làm việc tại một bệnh viện lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tác hại của một chế độ ăn sử dụng nhiều muối:
“Ăn nhiều muối thì sẽ có thể dẫn đến những hậu quả không tốt cho sức khoẻ ví dụ như nó làm cao huyết áp, rồi lâu dài nó sẽ có thể ảnh huởng lên thận, và dẫn đến suy thận. Tác dụng không tốt thứ hai của chế độ ăn nhiều muối là, nó có thể làm viêm dạ dày. Ngoài ra còn có thể có nguy cơ bị ung thư đại tràng nếu ăn nhiều muối. Thừa muối trong cơ thể cũng có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư đại tràng.”
Thành phần chính trong muối ăn là Natri. Trong cơ thể chúng ta, muối sẽ kiểm soát lượng nước và duy trì sự cân bằng dịch giữa các tế bào và dịch cơ thể. Muối cũng tham gia các hoạt động của cơ, là thành phần chính của huyết tương và các dịch tiêu hóa.
Nếu ăn quá nhiều muối, cơ thể sẽ bị tích tụ nước và tổng thể tích dịch của cơ thể sẽ gia tăng một cách đáng kể. Các nhà khoa học tin rằng đây là một trong những nguyên nhân gây chứng cao huyết áp, với hậu quả cuối cùng là đưa đến các bệnh tim mạch, đột quỵ... Hơn nữa, với một thể tích lớn của dịch cơ thể cứ “lảng vảng” xung quanh não, lâu dần các mạch máu não cũng bị “xuống cấp”. Nếu lượng dịch dư thừa của cơ thể “lai vãng” đến tim không chóng thì chầy cũng sẽ dẫn đến các bệnh mạch vành.
Một khi lượng muối trong cơ thể bị dư thừa, sẽ đi vào dịch cơ thể trong đó có máu. Khi lượng muối trong máu quá cao thì nước trong tế bào phải được huy động vào máu nhằm mục đích pha loãng muối. Tế bào mất dần nước nên đòi hỏi phải được cung cấp nước. Điều này cũng giải thích tại sao ăn mặn thì khát nước.
Ăn uống quá mặn lâu ngày sẽ làm hư hỏng tế bào, làm tế bào suy giảm chức năng, bệnh tiểu đường sẽ không mời mà đến. Khi chúng ta ăn, thức ăn sẽ phân hủy thành các phân tử đường, là nguồn năng lượng nuôi sống tế bào. Những phân tử đường này muốn vào trong tế bào thì phải nhờ insulin làm “chất xúc tác”, rủi thay do ăn mặn quá nhiều, insulin không hoạt động hữu hiệu. Kết quả là cơ thể vẫn có đường, nhưng tế bào không hấp thụ được. Hậu quả là bệnh tiểu đường.
Cần tư vấn bác sĩ
Đôi khi việc sử dụng muối phải có sự tư vấn của bác sĩ hoặc các chuyên gia. Đó là trường hợp của những người mắc bệnh về tim mạch, tiểu đường. Việc dùng muối phải rất thận trọng và nên theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ở người cao niên, thì do vị giác hơi “lão hóa”, khiến độ nhạy cảm với vị mặn kém, nên thường không cảm thấy mặn. Không nên nghĩ đơn giản rằng tin theo cảm giác mặn nhạt khi miệng nếm là đủ, vì lý do là lúc “thấy” mặn, thì lượng natri vào cơ thể đã quá nhiều rồi. Do vậy, để khống chế sự hấp thu muối, người cao tuổi cần lưu ý khi nêm muối. Không thể chỉ dùng miệng lưỡi nếm vị làm tiêu chuẩn.
Chế độ ăn nhiều muối là, nó có thể làm viêm dạ dày. Ngoài ra còn có thể có nguy cơ bị ung thư đại tràng nếu ăn nhiều muối.
Bác sĩ Mai
So với người bình thường, người cao tuổi càng nên ăn ít mặn, và nên tránh các thức ăn chế biến sẵn. Việc này sẽ có ích trong việc dự phòng các bệnh như: cao huyết áp, tổn hại cơ tim, thận và mạch máu não. Vì các cơ quan như: hệ tiêu hóa, thận, tim... suy giảm chức năng, sức đề kháng yếu, không thích hợp với một chế độ ăn quá mặn.
Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra 7 nhóm bệnh nhân nên ăn ít muối là những người bị bệnh động kinh, bị hen phế quản, bị viêm thận, bị chứng cao huyết áp, bị bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não, bệnh tiểu đường.
Theo khuyến nghị của các cơ quan y tế, trong chế độ ăn nên giới hạn lượng muối ăn dung nạp vào cơ thể hàng ngày là 2,3g, khoảng một muỗng cà phê. Nhưng hiện nay trung bình chúng ta thường dùng muối với số lượng gấp đôi.
Chúng ta cần giảm lượng muối tiêu thụ mỗi ngày. Nhưng để thực hiện điều này thì hoàn toàn không đơn giản. Vì ngoài muối ăn mà chúng ta dùng để nêm nếm cho các món ăn, thì muối còn nằm trong các loại thực phẩm mà chúng ta sử dụng hằng ngày. Nên việc nhận biết bản thân đã dùng bao nhiêu muối trong ngày không phải là dễ.
Những thực phẩm qua chế biến công nghiệp cung cấp rất nhiều muối cho cơ thể. Và đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc thừa muối, gây các bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì...cho những người thích thức ăn nhanh, hoặc thức ăn chế biến sẵn.
Kêu gọi giảm ăn muối
Các nhà nghiên cứu đang kêu gọi ngành chế biến thực phẩm và chính phủ giảm bớt lượng muối trong thực phẩm chế biến sẵn. Mặc dù thoạt đầu thực phẩm ít muối sẽ tạo ra một vị hơi khác, song nếu giảm hàm lượng muối dần dần, thì qua 10 năm mọi người sẽ không để ý đến sự thay đổi này.
Tuy nhiên, chúng ta đều biết nếu một chế độ ăn thiếu muối, thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh bướu cổ, vì vậy mọi người được khuyến khích dùng muối ăn có chất i-ốt để đề phòng bệnh này.
Theo các nhà dinh dưỡng, một chế độ ăn thừa hay thiếu muối đều có hại cho cơ thể. Người bị thiếu muối cũng... ươn. Thiếu muối sẽ gây ra sự xáo trộn cơ thể. Bác sĩ Mai cũng cho biết, triệu chứng thấy rõ nhất của việc thiếu muối đối với cơ thể là bắp thịt co, đau cơ, uể oải, buồn nôn…
Thiếu muối cơ thể thường xảy ra với những người đổ mồ hôi nhiều do tập thể thao nặng, hay những người sống ở những vùng khí hậu không thích nghi như người da trắng sống ở vùng nhiệt đới chẳng hạn, hoặc do lao động chân tay nặng nhọc. Chuyên gia dinh dưỡng này đưa ra lời khuyên:
“Nếu một người lao động nặng, đổ mồ hôi nhiều thì sẽ bị mất muối qua mồ hôi, thì trong chế độ ăn cũng nên bổ sung lại phần muối đã mất qua mồ hôi. Ví dụ như là, nếu đổ mồ hôi nhiều thì có thể uống những loại nước bù vào muối như là Oresol, nhưng nó cũng chỉ có giá trị tương đối mà thôi.”
Nhân nói về việc cơ thể bị thiếu muối, Bác sĩ Mai cũng nhắc nhở các bà mẹ khi trẻ con bị tiêu chảy mất muối và nước, nên cho trẻ uống Oresol để bù lại. Bác sĩ Mai giải thích:
“Trong Oresol ngoài muối còn có Kali, và chất chống toan máu. Vì lúc bé bị tiêu chảy, ngoài việc bị mất muối, còn bị mất Kali và chất Natri carbonate, là chất giúp cân bằng kiềm toan trong cơ thể. Cho nên, uống Oresol thì ngoài yếu tố muối mình còn bù thêm Kali và chất chống toan.”
Nghiên cứu mới đây của Đại học Stanford ở Hoa kỳ vừa công bố, nếu lượng muối ăn mà người dân Mỹ đưa vào cơ thể giảm xuống khoảng 9,5%, thì có thể giảm gần nữa triệu ca bệnh nhồi máu cơ tim và đột tử và tiết kiệm được trên 32 tỉ đô la phải chi phí cho việc điều trị cho toàn nước Mỹ.
Vừa rồi là những tác động đến cơ thể của một gia vị rất thông thường và cũng rất cần thiết là muối. Mong quý vị theo dõi chương trình để ý nhiều hơn đến việc sử dụng loại gia vị này, nhất là khi có những bệnh sử phải đặc biệt lưu ý.