Cách sử dụng thuốc cho trẻ em

Giao mùa luôn là thời điểm các bé dễ bị mắc bệnh vặt. Nguyên nhân chính là vì ở trẻ em hàng rào miễn dịch chưa hoàn thiện và rất nhạy cảm với sự thay đổi khí hậu bên ngoài.
Quỳnh Như, phóng viên RFA
2010.01.28

Thuốc Paracetamol

tre-em-1-200
Bé gái đeo khẩu trang phòng bệnh H1N1
AFP Photo/Hoang Dinh Nam
Thường vào khoảng cuối năm, giáp Tết, tiết trời mát, có nơi lạnh, nên trẻ dễ bị cảm lạnh, hoặc mắc các bệnh do nhiễm siêu vi đường hô hấp, chưa kể còn dịch cúm A/H1N1 hoặc dịch sốt xuất huyết luôn là mối lo của những bậc cha mẹ có con nhỏ.

Đối với trẻ, sốt cao là triệu chứng đầu tiên thường gặp mỗi khi các em bị bệnh, vì đó là phản ứng của cơ thể đối với sự xâm nhập của vi trùng hay siêu vi. Hiện nay Paracetamol là loại thuốc thông dụng để hạ sốt, giảm đau cho trẻ em và cả người lớn.

Tuy nhiên, cũng chính vì quá thông dụng nên cách sử dụng nhiều khi không được cẩn trọng đúng mức. Xin được nói đôi điều về loại dược phẩm này. Hóa chất căn bản của nó là Acetaminophen. Chất này có trong nhiều loại thuốc dưới tên riêng như: Panadol, Tylenol, Anacin, v.v…

Với người lớn có thể uống cùng lúc acetaminophen và ibuprophen để giảm đau, hạ sốt, nhưng với các em bé thì không bao giờ được dùng chung hai thứ thuốc này một lúc.     

Paracetamol thích hợp cho mọi lứa tuổi vì ít tác dụng phụ và không gây kích thích dạ dầy, nhưng nó không có tác dụng chống viêm. Ở trẻ em tuỳ theo lứa tuổi, thông thường liều paracetamol là 10mg/kg trọng lượng cơ thể và có thể lặp lại liều như vậy sau 4 đến 6 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, khi trẻ sốt cao và kéo dài do hai loại bệnh: sốt xuất huyết và bệnh Kawasaki thì liều điều trị như trên hầu như không công hiệu.

Các bà mẹ hết sức lo lắng khi thấy trẻ sốt cao liên tục nên thường cho uống paracetamol liều cao hơn bình thường và thời gian uống thuốc với khoảng cách ngắn hơn. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới gan, tổn thương và suy gan, suy thận. Thậm chí có thể dẫn đến tử vong.   

Nói chung việc sử dụng thuốc loại acetaminophen là an toàn nếu dùng đúng liều lượng chỉ định.

Những điều cần lưu ý thêm để tránh ngộ độc khi sử dụng thuốc có chất acetaminophen:

- Khi trẻ bị ho, cảm cúm, sổ mũi, cẩn thận khi mua thuốc bán ở hiệu thuốc tây vì trong các loại thuốc này cũng có thể có acetaminophen. Nên đọc kỹ thành phần thuốc để tránh việc dùng acetaminophen trong nhiều loại thuốc khác nhau, sẽ dẫn đến việc sử dụng acetaminophen quá liều lượng.

- Với người lớn có thể uống cùng lúc acetaminophen và ibuprophen để giảm đau, hạ sốt, nhưng với các em bé thì không bao giờ được dùng chung hai thứ thuốc này một lúc.     

Điều quan trọng các bác sĩ thường khuyên là đưa các cháu đến khám ở các cơ sơ y tế khám và điều trị nếu sau 72 giờ cho bé dùng thuốc hạ sốt mà không thuyên giảm. 

Sau sốt cao, ho là một triệu chứng cũng thường thấy khi trẻ bị cảm, cúm. Thật vậy, ho không phải là một bệnh mà chỉ là triệu chứng của một bệnh nào đó trong cơ thể. Nhưng nếu để cảm lạnh kéo dài thì sẽ gây ra ho liên tục, đau ngực, khó chịu. Do vậy người ta đã bào chế ra thuốc trị ho.

Cẩn trọng khi dùng thuốc

Tuy nhiên nhiều bác sĩ có ý kiến là không nên cho trẻ uống thuốc ho, vì thuốc không chữa khỏi nguyên nhân gây ra ho, mà đôi khi lại tạo ra những tác dụng phụ.

TRE-EM-2-250
Cuối năm, trẻ nhập viện tăng cao. AFP Photo/Str
AFP Photo/Str
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức, một nhà chuyên môn về cách điều trị những bệnh thường gặp ở trẻ lúc giao mùa có cuộc trò chuyện với Quỳnh Như.

Quỳnh Như: Thưa Bác sĩ, mùa này trẻ thường hay bị các bệnh do ảnh hưởng thời tiết. Đối với trẻ em, nhất là trẻ nhỏ dưới 4 tuổi, khi thấy các cháu bị cảm, ho, sổ mũi thì cha mẹ vội vàng đến các nhà thuốc mua thuốc về cho con uống. Việc này có đúng và cần thiết hay không?

BS. Nguyễn Ý Đức: “Thực tình mà nói trong trường hợp trẻ nhỏ dưới 4 tuổi mà chỉ bị cảm, ho, sổ mũi không mà thôi mà các bà mẹ đã vội vàng đi mua thuốc để cho trẻ uống thì chúng tôi thấy rằng hơi vội vàng. Tuy nhiên chúng ta cũng phải thông cảm đây là tâm lý chung của các bậc làm cha mẹ là khi thấy con không khoẻ mạnh, cảm, ho, sổ mũi thì rất lo lắng.

Thế rồi từ đó tìm ở trong nhà xem có thuốc gì để cho con uống hay không và nếu không có thì ra tiệm thuốc tây để mua. Chúng tôi nói hành động này hơi vội vàng là vì chúng ta chưa biết rằng con đau ra làm sao, và vì nguyên nhân nào mà đau. Cảm và sổ mũi chưa phải là một bệnh, đó mới chỉ là dấu hiệu của những bệnh, mà các bậc cha mẹ chưa biết rõ các nguyên nhân của nó. Có thể là con mọc răng, sổ mũi, hoặc là chảy nước miếng hoặc là con có thể bị ảnh hưởng do thời tiết thay đổi, hoặc là bị cảm lạnh, và nó có thể bị một trong hai ba trăm loại virus khác nhau gây ra.

Vì thế trong những trường hợp này chúng ta thấy rằng đa số bệnh tự khỏi trong vài ba ngày, mà không cần phải thuốc men gì cả. Vậy nếu vội vàng cho uống thuốc để cầu may cho con khỏi thì chúng tôi thấy rằng không cần thiết. Lý do là các nhà y tế đều có chung ý kiến là các dược phẩm cảm lạnh, chống ho, sổ mũi không chữa dứt được hoặc làm bệnh xấu hơn.

Và chúng ta cũng nên nhớ rằng bên Hoa kỳ cũng như bên Việt Nam, các cơ quan thực phẩm và dược phẩm đều mạnh dạn nhắc nhở các bậc làm cha mẹ rằng đừng dùng thuốc cảm, ho đối với trẻ em dưới 2 tuổi, và các nhà sản xuất thuốc cũng tình nguyện ghi trên nhãn các loại thuốc không nên cho trẻ em dưới 4 tuổi, đó là điểm mà chúng ta cần phải nhớ.

Đừng dùng thuốc cảm, ho đối với trẻ em dưới 2 tuổi, và các nhà sản xuất thuốc cũng tình nguyện ghi trên nhãn các loại thuốc không nên cho trẻ em dưới 4 tuổi.  
BS. Nguyễn Ý Đức

Một điểm tiếp theo nữa là, dược phẩm có những chỉ định rõ rệt, thuốc nào cho bệnh đó, chứ không phải dược phẩm trị được bá bệnh. Và vì thế chúng tôi nghĩ một thái độ khôn ngoan là bình tĩnh chăm sóc cho con, theo dõi các dấu hiệu rồi tuỳ nghi đối phó, và nếu cần thì tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con uống bất kỳ loại dược phẩm nào.”             

Quỳnh Như: Trong trường hợp trẻ chỉ mới bị ho, sổ mũi, không bị sốt, mà cha mẹ chưa có điều kiện đưa con đến bác sĩ khám thì có thể cho trẻ uống những loại thuốc cảm, ho thông thường nào?

BS. Nguyễn Ý Đức: “Khi các trẻ chỉ mới bị ho, sổ mũi mà không bị sốt thì thường thường bác sĩ nói là chưa cần phải uống thuốc gì cả, là vì khi bị sốt thì lúc bấy giờ mới có sự nhiễm trùng thì cần phải uống thuốc, còn chỉ mới ho không mà thôi thì chưa cần.

Thật ra ho là một phản ứng tự nhiên của cơ thể khi có một vật lạ nằm trong cuống phổi của mình, và khi ta ho là để tống xuất các vật lạ ra và nhờ đó sự hô hấp được thông suốt. Lấy ví dụ ở những trường hợp bị hen, suyễn là vì ống phổi bị viêm, nên trong ống phổi có nhiều đàm tiết ra và ngăn cản sự thở. Thế thì, bệnh nhân ho liên tục để làm sạch khí quản. Nếu chúng ta sử dụng những loại thuốc ức chế, chống lại ho, thì bệnh sẽ nặng hơn và có thể đưa tới trường hợp sưng phổi, nhất là trẻ em là vì những chất dơ vẫn còn nằm lại trong phổi.

tre-em-3-250
Nụ cười trẻ em việt Nam. AFP Photo/ Hoang Dinh Nam
AFP Photo/ Hoang Dinh Nam
Ngoài ra chúng ta cũng nên để ý, thường thường vào thời điểm như hiện giờ trẻ em ho, sổ mũi thường do một vài loại virus gây ra, và các dấu hiệu này theo các nhà chuyên môn thì nó sẽ tự hết trong vài ngày và cũng theo họ, những thuốc trị cảm lạnh thì không công hiệu gì cả. Ngoài ra trong trường hợp này cần để cho các cháu được nghỉ ngơi trong vài ba ngày. Nếu tình trạng không thuyên giảm thì đưa con đi bác sĩ để được xác định rõ ràng là bệnh gì rồi điều trị, thì điều đó hợp lý hơn.”

Chăm sóc trẻ khi giao mùa

Quỳnh Như: Việc dùng thuốc cần hết sức cẩn thận, mà trẻ em thì hay bị các bệnh lặt vặt, vậy Bác sĩ có lời khuyên nào cho các phụ huynh khi thấy trẻ mắc bệnh do trái gió trở trời. Cha mẹ phải làm gì và nên chăm sóc con như thế nào?

BS. Nguyễn Ý Đức: “Đây cũng là lời khuyên của các bác sĩ chuyên khoa nhi đồng. Khi trái gió trở trời, người lớn cũng còn cảm thấy khó chịu chứ nói chi đến các em bé vì cơ chế chống bệnh của các em còn yếu. Nhưng nếu chỉ ho, sổ mũi bình thường thì trường hợp này không gây ra nguy hại và cũng không kéo dài.

Các bác sĩ thường khuyên là để các cháu được nghỉ ngơi thoải mái, nếu các cháu đã đi học thì càng nên để ở nhà để tránh tiếp xúc với những trẻ khác lan truyền bệnh. Ở trong nhà thì tránh tiếp xúc với môi trường có khói thuốc lá vì nhiều gia đình có người hút thuốc lá trong nhà, khói thuốc lá sẽ ảnh hưởng xấu lên sức khoẻ của trẻ em nhất là khi các em đang ốm.

Điểm thứ hai là cho các em uống nhiều nước, nước tinh khiết hoặc là nước cam vì như vậy sẽ làm loãng nước dãi, đàm trong đường hô hấp tiết ra. Đồng thời tránh sự khô nước trong cơ thể nếu các em bị nóng sốt, chảy nước mũi, nhất là khi bị tiêu chảy, hay nôn, ói. Có thể cho các cháu uống nước súp gà nóng vì trong nước súp gà có chất cystein có tác dụng làm giảm nghẹt mũi.

Đối với các cháu bú sữa bình, nên giới hạn sữa độ vài ngày vì sữa có thể làm cho nước nhớt ở mũi khô nên khó loại bỏ. Nếu không khí trong phòng khô thì sẽ làm giảm sức đề kháng của bệnh nhân, nên dùng các loại máy phun những bụi nước, làm giảm kích thích mũi, tránh khô và khó thở. Nhưng không nên hướng những bụi nước vào giường các cháu, và nên thay nước mỗi ngày để tránh mốc meo trong những máy này, và rửa bơm bụi nước này theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất.

Nếu các cháu bị nghẹt mũi thì có thể nhỏ vào mũi các cháu vài giọt nước muối, gọi là nước muối sinh lý cho nhớt loãng ra rồi chúng ta dùng ống hút ra. Nước muối này có thể mua ở hiệu thuốc hay tự làm lấy ở nhà; pha một chút nước tinh khiết với muối. Nước muối này có thể dùng cho bất kỳ lứa tuổi nào và ngay cả trẻ sơ sinh cũng có thể dùng được. Hoặc có thể để em bé nằm sấp trên đùi, rồi vỗ nhẹ vào lưng cho đỡ bị nghẹt mũi.

Giữ ấm cho trẻ, xoa ấm gan bàn chân và đi vớ cho trẻ vì theo Đông Y, dưới gan bàn chân có rất nhiều huyệt đạo quan trọng. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ có sức khoẻ, tăng sức đề kháng.
BS. Nguyễn Ý Đức

Để bớt ho có thể lấy độ nữa thìa mật ong cho các em từ 2-5 tuổi hoặc một thìa cho các em từ 6-11 tuổi, nhưng không cho trẻ em dưới một tuổi dùng mật ong vì lý do an toàn. Nếu trẻ em trên 4 tuổi khi em ho kêu đau cuống họng thì có thể cho ngậm kẹo ho, cần uống thuốc ho thì không uống quá liều lượng chỉ định. Nếu cháu lớn hơn mà kêu khô cổ thì có thể cho súc miệng bằng nước muối, hoặc một dung dịch với một thìa nước chanh pha với hai thìa mật ong để làm giảm kích thích bên trong cuống họng.

Và điểm cuối cùng thường cố gắng giữ cho đầu của các cháu ở vị trí ngồi nhiều hơn để giúp cho đàm nhớt tiếp tục ra ngoài. Nếu chăm sóc như vậy trong vài ngày thì cháu có thể bớt nóng sốt và bớt ho, sổ mũi, và nếu trong trường hợp bệnh vẫn kéo dài thì ta phải đưa trẻ đi bác sĩ khám để định bệnh.”                          

Ngoài ra, từ lâu trong dân gian có một cách để chữa cảm, ho các bà mẹ có thời gian có thể áp dụng, là hấp quất với mật ong cho trẻ uống. Giữ ấm cho trẻ, xoa ấm gan bàn chân và đi vớ cho trẻ vì theo Đông Y, dưới gan bàn chân có rất nhiều huyệt đạo quan trọng. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ có sức khoẻ, tăng sức đề kháng. Các cháu sẽ dần dần tự mình chống chọi được với các yếu tố thay đổi của môi trường.        

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.